Tin Biển Đông

 
 
 

Nhật tính gì khi điều tàu chiến khổng lồ tới Biển Đông?

  • Cập nhật : 07/07/2018

Tàu chiến Kaga dự kiến sẽ cập cảng một số nước Đông Nam Á cũng như các hải cảng của Ấn Độ, Sri Lanka và tham gia tập trận trong khu vực.

Con tàu khổng lồ

Giới chức Nhật Bản mới đây tiết lộ nước này sẽ gửi một tàu chở trực thăng loại lớn đến Biển Đông và Ấn Độ Dương trong năm thứ hai liên tiếp.

Mục đích của động thái này là nhằm tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản tại các vùng biển chiến lược.

Nguồn tin giấu tên, được cho là nắm thông tin về kế hoạch tuần tra kéo dài hai tháng bắt đầu từ tháng 9 tới, cho biết “đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành một khu vực tự do và rộng mở”.

Theo kế hoạch, tàu chiến Kaga dài 248 mét, được thiết kế như một tàu khu trục để phù hợp với những điều khoản ràng buộc trong hiến pháp và có khả năng vận hành đồng thời nhiều trực thăng.

Tàu sẽ cập cảng một số nước Đông Nam Á như Indonesia, cũng như các hải cảng của Ấn Độ và Sri Lanka. Kaga cũng có thể sẽ tham gia tập trận cùng các tàu chiến khác trong khu vực.

tau chien kaga (ddh-184) cua nhat ban dai gan 250 met

Tàu chiến Kaga (DDH-184) của Nhật Bản dài gần 250 mét

Năm ngoái, Nhật đã đưa một tàu tương tự là Izumo tới Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Hoạt động ngày càng gia tăng của Nhật Bản tại vùng biển nói trên cho thấy nước này có chung mối quan ngại với Mỹ về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực vốn được cho là tuyến đường thương mại thiết yếu đối với nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ.

Không chỉ ở Biển Đông, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động hải quân tại Ấn Độ Dương. Trước Nhật, Mỹ từng thực hiện tuần tra cả trên không và trên biển ở Biển Đông để đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Tháng 5 vừa qua, nhằm thể hiện một chiến lược khu vực rộng lớn hơn, Mỹ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đặt tại Hawai thành Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhật Bản và Australia ủng hộ chiến lược này của Mỹ và khu vực rộng lớn hơn này trải dài từ phía Tây Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.

tau chien lop osumi cua nhat ban

Tàu chiến lớp Osumi của Nhật Bản

Nhằm tăng cường vai trò khu vực rộng lớn hơn của Nhật Bản, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã nới rộng giới hạn hiến pháp hòa bình bằng cách gửi tàu chiến, máy bay và lực lượng tham gia các sứ mệnh tại nước ngoài.

Đóng tại Kure ở phía tây Nhật Bản, Kaga được đưa vào hoạt động hồi tháng 3/2017 và sứ mệnh ưu tiên là chiến tranh chống tàu ngầm. Chuyến đi của Kaga tới Biển Đông và Ấn Độ dương được thực hiện tiếp theo sau chuyến đi kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ hồi tháng 5, của tàu đổ bộ Osumi tại vùng biển này.

Tham vọng lớn của Nhật Bản

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono coi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa (FOIP) là 1 trong 6 ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Nhật Bản.

Nhật Bản đã rất nỗ lực thuyết phục các quốc gia, bao gồm cả Anh và Pháp, tham gia chiến lược này.

Tuy nhiên, hiện có nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó có nghi vấn phải chăng đây chỉ là vỏ bọc cho lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị hẹp hòi của Nhật Bản?

Mục đích chính của FOIP do Nhật Bản đưa ra là thúc đẩy kết nối châu Á với Trung Đông và châu Phi. Điều này có nghĩa là chiến lược sẽ liên quan chặt chẽ đến việc thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi (TICAD) làm địa điểm để lần đầu tiên tuyên bố về chiến lược trên hồi tháng 8/2016.

Sự nhiệt tình của Nhật Bản đối với FOIP xuất phát từ bối cảnh trong nước: dân số giảm, tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào việc tiếp cận thị trường nước ngoài.

nhat ban quyet tam bao ve cac tuyen hang hai chien luoc

Nhật Bản quyết tâm bảo vệ các tuyến hàng hải chiến lược

Tuy nhiên, The Diplomat cho rằng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà Nhật Bản cam kết có thể bị một Trung Quốc quyết đoán và một Chính quyền Mỹ không muốn thương mại tự do đe dọa. Động thái của Washington đã thúc đẩy Tokyo làm nhiều hơn để duy trì trật tự thế giới dựa trên pháp luật.

Một trong những động cơ thúc đẩy FOIP của Chính phủ Abe là Nhật Bản xác định xuất khẩu cơ sở hạ tầng là ưu tiên phục hồi nền kinh tế trong nước. FOIP có thể hỗ trợ Nhật Bản mở rộng xuất khẩu cơ sở hạ tầng sang các nước châu Á, Trung Đông và châu Phi, đặc biệt nếu các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc bị loại khỏi cuộc chơi.

Tháng 2/2018, cơ sở hạ tầng gắn với FOIP đã được Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ thảo luận.

Mặc dù chắc chắn Nhật Bản có những động cơ riêng, song FOIP được trình bày như là lợi ích của tất cả các quốc gia. Cụ thể, FOIP sẽ duy trì tự do hàng hải toàn cầu, đảm bảo pháp luật quốc tế để các quốc gia có quyền bình đẳng như nhau.

tau chien my uss mustin (ddg 89) dan dau doi hinh hon hop cua my va nhat ban trong cuoc tap tran hai quan chung multisail 17

Tàu chiến Mỹ USS Mustin (DDG 89) dẫn đầu đội hình hỗn hợp của Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận hải quân chung MultiSail 17

Ngoài việc hỗ trợ tự do hàng hải được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Nhật Bản cũng tuyên bố những hỗ trợ và lợi ích khác của FOIP.

Điều này đã được ông Abe phát biểu tại TICAD 2016 khi khẳng định "Nhật Bản chịu trách nhiệm thúc đẩy kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, kết nối châu Á với châu Phi, tạo ra một khu vực tự do dựa trên pháp luật và nền kinh tế thị trường, không bị áp lực hoặc ép buộc, các bên cùng thịnh vượng”.

FOIP được đánh giá là đối thủ cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Sáng kiến này cũng tìm cách kết nối châu Á với các khu vực lân cận thông qua những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Tokyo đang cố gắng phân biệt chiến lược của họ với Bắc Kinh bằng cách nhấn mạnh tự do và mở cửa cũng như các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Tuy nhiên, Tokyo cần phải chứng minh được rằng những cam kết đối với luật pháp quốc tế và các giá trị dân chủ không phải chỉ là trên giấy tờ.

Việc đưa tàu chiến tới Biển Đông và Ấn Độ Dương là một phần trong chiến lược FOIP của Nhật Bản. Nhưng việc Nhật Bản không tham gia các chiến dịch tuần tra chung với Mỹ do lo ngại khiêu khích Trung Quốc cho thấy Tokyo trên thực tế vẫn tỏ thái độ “rụt rè” dù muốn vươn là biển lớn.

 

Bảo Minh
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục