Ban đầu, phi đội Be-12 nằm trong thành phần Trung đoàn 933, Sư đoàn 372 thuộc Quân chủng Không quân.
Bí mật về súng chống tăng B-50 của Việt Nam
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài súng chống tăng B-40, B-41, Việt Nam còn sử dụng một loại vũ khí diệt tăng khác có ký hiệu B-50.
Việt Nam thường có cách đặt tên vũ khí khi đưa vào chiến trường để giữ bí mật trước đối phương, ví dụ điển hình chính là súng chống tăng RPG-2 của Liên Xô viện trợ (được ký hiệu B-40), RPG-7 gọi là B-41. Hay sau này, tên lửa chống tăng AT-3 gọi là B-72, tên lửa vác vai đối không SA-7 gọi là A-72. Những cách ký hiệu này vẫn được sử dụng phổ biến cho tới tận ngày nay, tất nhiên chỉ ở Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện về loại súng chống tăng mang ký hiệu B5-0. Đây thực chất là ký hiệu của súng chống tăng CT-62 do ngành quân giới Việt Nam tự thiết kế chế tạo dựa trên kinh nghiệm đúc kết từ vũ khí chống tăng SKZ trong kháng chiến chống Pháp và học hỏi một phần công nghệ từ RPG-2 (B-40).
Đầu những năm 1960, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Quân khí chủ trì đề tài nghiên cứu chế tạo súng chống tăng CT-62. Các nhà máy Z1 có nhiệm vụ chế thử súng và gia công phần cơ khí vỏ đạn, Z2 chế thử ống nổ, hạt lửa, nhồi lắp đạn và tổ chức bắn thử. Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật đã hoàn thành thiết kế cơ bản và đưa vào chế thử.
Theo đó, súng chống tăng CT-62 được sản xuất bằng vật liệu thép hợp kim 35X/CA. Trong đó, nòng súng (cỡ 50mm) được gia công qua nhiều công đoạn như khoan, doa, miết và nhiệt luyệt đảm bảo chịu được áp suất cực đại 700kG/cm2. Chiều dài của nòng được tính để bảo đảm sơ tốc ban đầu đạt trung bình 82m/s. Để triệt tiêu toàn bộ độ giật lùi, súng thiết kế loa phụt ở phần đuôi nòng.
Một trong nhưng khâu mà các cán bộ Việt Nam mất khá nhiều thời gian, độ phức tạp cao là phần chế tạo đạn chống tăng CT-62.
Qua kinh nghiệm dùng đạn chống tăng SKZ và B-40, các cán bộ kỹ thuật quyết định thiết kế đạn cỡ 100mm theo nguyên lý có miếng chắn sóng giống như đạn chống tăng B-40, góc nón 60 độ (góc nón tối ưu đạn SKZ). Cán bộ ta đã thực hiện gần 30 lần thử nổ xuyên trục thép để xác định khoảng cách tối ưu giữa miếng chắn sóng và đỉnh nón, bề dày của miếng chắn sóng.
Những khẩu B-50 đã sát cánh cùng B-40 và B-41 tiêu diệt nhiều xe tăng - thiết giáp địch. Trong ảnh, chiến sĩ quân giải phóng dùng súng chống tăng B-40. |
Về phần gia công đuôi đạn không phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng ta lại không có ống thép đúng qui định của Liên Xô. Nếu thay bằng thép thường thì phải tăng độ dày, như vậy ống đuôi sẽ nặng và làm hạn chế tốc độ đầu đạn. Sau quá trình tìm tòi, các cán bộ ta quyết định dùng gỗ nghiến làm đuôi đạn.
Phần chế tạo đạn phức tạp nhất đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao là chế ngòi đạn. Thực tế sử dụng ngòi nổ AT và Bazoka cho thấy sức xuyên đạn rất hạn chế, không giữ được khoảng cách tối ưu của luồng xuyên.
Để giải quyết vấn đề này, cán bộ Z2 quyết định sản xuất ngòi kiểu AT nhưng rút ngắn tối đa khoảng cách giữa mũi kim hỏa và đáy đạn lửa. Ngoài ra, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dung, ngòi đạn được thiết kế thêm một bộ phận an toàn – ngòi đạn chỉ phát hỏa khi đạn rời nòng súng từ 1-1,5m.
Ngày 26/8/1963, Cục Quân giới tổ chức cuộc bắn thử kiểm tra tổng hợp súng – đạn CT-62 tại trường bắn quốc gia Sơn Tây. Cuộc bắn thử đã thành công mỹ mãn, mọi thông số kỹ thuật thể hiện đều đúng theo tính toán.
Súng chống tăng CT-62 có tầm bắn hiệu quả tầm 100m, tầm bắn xa nhất 150m, độ xuyên thép trên 200mm và độ xuyên bê tông 600mm. Tuy nhiên, trọng lượng súng có phần nặng hơn so với B-40.
Với kết quả này, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Cục Quân giới sản xuất hàng loạt súng – đạn CT-62.
Năm 1964, nhà máy Z1 và Z2 đưa vào sản xuất loạt được 54 khẩu và 3.762 quả đạn. Tất cả được chuyển ngay vào chiến trường miền Nam phục vụ cho yêu cầu chiến đấu.
Phượng Hồng
Theo Đất Việt