Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 29-08-2017:

  • Cập nhật : 29/08/2017

Tình báo Hàn Quốc dự báo Triều Tiên sẵn sàng thử hạt nhân

Ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên dường như đã sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6. Đây là nội dung trong báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc trình Ủy ban Quốc hội nước này ngày 28/8.

Hãng tin Kyodo dẫn lời của một nghị sĩ tham dự cuộc họp kín nói trên cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 6 tại hai đường hầm trong lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, ở miền Đông Bắc nước này. 

Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

ngoai truong han quoc kang kyung-wha tai hoi nghi ngoai truong asean + 3 o manila, philippines ngay 7/8. anh: epa/ttxvn

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN + 3 ở Manila, Philippines ngày 7/8. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha kêu gọi Triều Tiên ngừng có thêm các hành động khiêu khích để tạo môi trường cho đàm phán, đồng thời tái khẳng định Seoul sẵn sàng nối lại thương lượng mặc dù Bình Nhưỡng vẫn liên tục thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa. 

Theo bà, vẫn còn khả năng có cơ hội cho đàm phán phi hạt nhân nếu “mọi việc được kiểm soát tốt” cho đến tháng 10 tới - thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ liên Triều, trong đó có ngày kỷ niệm 10 năm hai miền ra tuyên bố chung (4/10/2007-4/10/2017). Đây là kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007 giữa cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. 

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định Seoul sẽ kiên trì nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vấn đề nhân đạo giữa hai miền, mặc dù cho đến này Bình Nhưỡng chưa có bất cứ hồi đáp nào. Bà Kang Kyung-wha khẳng định sẽ huy động nỗ lực đa phương để thúc đẩy đối thoại liên Triều thông qua các kênh ngoại giao sẵn có cũng như kênh trao đổi thường xuyên với Mỹ. Bà cho biết Hàn Quốc có thể thử liên lạc với các đại sứ quán Triều Tiên tại nước ngoài để diễn giải về kế hoạch thương lượng và khuyến khích Bình Nhưỡng có hồi đáp tích cực trước các đề xuất đối thoại. 

Tình hình tại Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng. Mới đây nhất, hôm 26/8, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên “Người Bảo vệ tự do Ulchi” (UFG) đang diễn ra tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng lên án hoạt động diễn tập chung trên là "cuộc diễn tập xâm lược" dù trước đó Seoul và Washington nhiều lần khẳng định hoạt động chỉ mang tính phòng thủ.(TTXVN)
-------------------------

Mỹ chỉ trích Triều Tiên gây hấn nhưng vẫn muốn đàm phán

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 27.8 tuyên bố đợt phóng thử tên lửa mới đây của CHDCND Triều Tiên là “hành động gây hấn”, nhưng ông vẫn kỳ vọng có thể thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.

ngoai truong my rex tillerson

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Tillerson đã tuyên bố cánh cửa ngoại giao có thể mở ra sau khi ông đánh giá Triều Tiên phản ứng “với mức độ kiềm chế nhất định” trước các biện pháp trừng mới của Liên Hiệp Quốc, theo AFP.

Tổng thống Donald Trump cũng nhận xét lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “bắt đầu tôn trọng chúng ta” sau khi Bình Nhưỡng hoãn kế hoạch phóng tên lửa nhắm vào đảo Guam của Mỹ hồi giữa tháng 8. Tuy nhiên, vào ngày 26.8, Triều Tiên lại tiếp tục phóng 3 tên lửa đạn đạo.

“Phóng bất kỳ tên lửa đạn đạo nào là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi xem đây là hành động gây hấn chống lại Mỹ và đồng minh”, ông Tillerson nói trong cuộc phỏng vấn với Đài Fox News.

Dù vậy, ông Tillerson cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn muốn lãnh đạo Kim hiểu rằng ông ta có thể lựa chọn lộ trình khác”.

Khi được hỏi liệu rằng Washington có quá hấp tấp khi nhận định Triều Tiên kiềm chế, Ngoại trưởng Tillerson lưu ý: “Tôi không biết chúng tôi có sai lầm hay không… Tôi nghĩ cần phải có thêm thời gian mới có thể xác định được”.

“Tuy nhiên, Triều Tiên rõ ràng vẫn đang cố gửi thông điệp rằng họ sẽ không thay đổi quan điểm. Chính vì thế, chúng tôi tiếp chiến dịch gây áp lực hòa bình, phối hợp với đồng minh và cả Trung Quốc để xem liệu rằng chúng ta có thể đưa Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, bắt đầu đối thoại về tương lai mới ở bán đảo Triều Tiên”, ông Tillerson cho hay.(Thanhnien)
---------------------

Các doanh nghiệp lớn Trung Quốc có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vì Triều Tiên

Trừng phạt thứ cấp các công ty dầu mỏ và ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể là cách mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dùng để gây sức ép lên vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

tong thong my donald trump (trai) va chu tich trung quoc tap can binh anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ẢNH: REUTERS

Theo Bloomberg, Mỹ đã vận động thành công lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn từ Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên trong tháng này. Bộ Tài chính Mỹ hôm 22.8 đã xử phạt các công ty Trung Quốc và Nga trước cáo buộc đã hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Công tố viên của Mỹ cũng muốn thu hồi khoảng 11 triệu USD từ các công ty có trụ sở tại Đại lục và Singapore, vì cho rằng những công ty này đã âm mưu giúp Triều Tiên trốn tránh các biện pháp trừng phạt.

Cho đến nay, mặc dù Mỹ chỉ mới trừng phạt các công ty tương đối nhỏ như Công ty thương mại Đan Đông, nhưng có lý do để giới quan chức Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể sẽ “đụng” tới các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng lớn của Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn nói với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc rằng dù chỉ là nhân tố có liên quan thì cũng là một thành phần nằm trong trò chơi”, Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nói.

Chính quyền Tổng thống Trump gần đây cũng đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên, thì Mỹ sẽ làm nhiều hơn thông qua những biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào không chỉ các công ty nhỏ, mà cả các tập đoàn lớn của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

Song, trong khi các cố vấn cũ trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ lệnh trừng phạt bổ sung tại phiên điều trần của Thượng viện hồi tháng 5.2017, chính quyền mới của Mỹ vẫn đang hành động thận trọng để tránh căng thẳng giữa hai bên đi quá xa. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với 578,6 tỉ USD thương mại hai chiều vào năm ngoái.

“Đối đầu với các tổ chức nổi tiếng như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ là một vấn đề không đơn giản. Chính quyền mới của Mỹ sẽ tìm ra cách để không phải đưa ra biện pháp trừng phạt này”, Richard Nephew, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời cũng là cựu quan chức Mỹ, nhận định.

Bên cạnh ngân hàng thì dầu mỏ là bước khắc nghiệt nhất nếu Mỹ muốn gây sức ép lên Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên. Đại lục đã gửi ít nhất 1 triệu tấn dầu thô cho hàng xóm của mình mỗi năm, chiếm gần như toàn bộ nguồn cung cấp.

“Hầu hết mặt hàng xuất khẩu này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC)”, Kim Kyung Sool, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc, cho biết.

Theo Ahn Chan-il, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, việc Trung Quốc “tạm ngưng xuất khẩu dầu thô tới Triều Tiên có thể là tấm thẻ đỏ tối cao dành cho nước láng giềng. Mọi sinh hoạt của Triều Tiên hầu như sẽ phải bị dừng lại”.

Mặc dù việc xử phạt các công ty lớn của Trung Quốc là có khả năng, nhưng thực tế lại không chắc chắn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23.8 đã chỉ trích những động thái mới nhất của Washington, gọi đó là “phương pháp sai lầm”, và nói rằng Bắc Kinh có thể dùng luật của chính mình để trừng phạt lại những người vi phạm.

“Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương bên ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với thực thể tổ chức trong nước hoặc cá nhân Trung Quốc”, Hua Chunying, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho hay.

Đại lục cũng lo lắng về việc các đồng minh thân cận của Mỹ sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt của riêng họ. Hôm 25.8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Nhật Bản vì đã phạt các công ty và cá nhân của Trung Quốc, theo Tân Hoa xã.

“Trung Quốc không phải là một nước nhỏ để người khác có thể ép buộc bất cứ điều gì. Chắc chắn nước này sẽ không chấp nhận và sẽ có biện pháp đáp trả. Và điều đó chỉ khiến mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên ngột ngạt hơn”, Yuan Zheng, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.(Thanhnien)
----------------------

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục