Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 24-05-2017

  • Cập nhật : 24/05/2017

Tổng thống Donal Trump gửi thông điệp gì đến các lãnh đạo quốc gia Hồi giáo?

“Các quốc gia Trung Đông không thể trông chờ vào sức mạnh Mỹ, mà thay vào đó phải quyết định tương lai mà các bạn muốn cho chính bản thân các bạn, cho đất nước của các bạn và cho con cháu của các bạn”.

Trong bài phát biểu quan trọng trước các quốc gia Hồi giáo hôm 21/5, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ không tiến hành cuộc chiến với các nước Hồi giáo mà định nghĩa cuộc chiến chống các nhóm khủng bố là “trận đấu giữa cái tốt và cái xấu”.

CNN đưa tin, trong bài phát biểu trước 55 lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Arab Hồi giáo tại Riyadh, Tổng thống Mỹ đề nghị các nước này hãy tăng cường gấp đôi những nỗ lực chống khủng bố của mình.

“Đây không là trận chiến giữa những đức tin khác nhau, giữa các nền văn minh hay giáo phái khác nhau. Đây là trận chiến giữa những kẻ thủ ác man rợ, muốn xóa sổ cuộc sống con người với những người tử tế của  mọi tôn giáo, muốn bảo vệ cuộc sống. Đây là trận chiến giữa cái thiện và cái ác”, ông Trump khẳng định.

Trong chuyến công du lần này, ông Trump thừa nhận phần lớn nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố là người Hồi giáo đồng thời gọi Hồi giáo là “một trong những tín ngưỡng vĩ đại nhất thế giới”. Ông cũng phủ nhận quan điểm cho rằng “Hồi giáo cực đoan” là “nguồn gốc của mọi tội lỗi” và khẳng định có khoảng cách giữa Hồi giáo và lý tưởng châm ngòi cho các nhóm khủng bố như IS.

tong thong donald trump phat bieu tai hoi nghi thuong dinh my - arab hom 21/5. nguon: cnn

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Arab hôm 21/5. Nguồn: CNN

Mặc dù Tổng thống Mỹ cam kết rằng ông không phải ở đây để “giảng dạy” gì cho thế giới Hồi giáo, song bài phát biểu của ông vẫn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, đó là đề nghị các quốc gia Hồi giáo lớn phải làm nhiều hơn nữa để đẩy lùi và xóa sổ các nhóm khủng bố lấy vỏ bọc của Hồi giáo.

“Hãy xóa sổ chúng, hãy đẩy lùi những kẻ khủng bố, những kẻ cực đoan. Hãy đẩy chúng khỏi các thành đường cầu nguyện, khỏi cộng đồng của các bạn. Đẩy chúng khỏi mảnh đất tôn giáo và đẩy chúng ra khỏi Trái Đất”, ông Trump kêu gọi.

Ông chủ Nhà Trắng cũng nói thêm: “Các quốc gia Trung Đông không thể trông chờ vào sức mạnh Mỹ, mà thay vào đó phải quyết định tương lai mà các bạn muốn cho chính bản thân các bạn, cho đất nước của các bạn và cho con cháu của các bạn”.

Bài phát biểu là nỗ lực đầu tiên nhằm tiếp cận 1,6 tỷ dân số Hồi giáo trên toàn thế giới của Tổng thống Mỹ. Bài phát biểu cũng nhằm mục đích tái thiết mối quan hệ với thế giới Hồi giáo sau quãng thời gian tranh cử với những lời lẽ gay gắt của ông Trump.

Mặc dù đã sử dụng những từ ngữ dịu dàng hơn, ông Trump vẫn cảnh báo các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Riyadh rằng nếu không hành động thì sẽ đem lại “sự chết chóc, nỗi tuyệt vọng và sự đau đớn”, đồng thời ông cũng liệt kê một loạt hành động mà các nước Hồi giáo cần phải làm để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Chúng ta chỉ có thể vượt qua được tai họa này nếu các lực lượng tốt đoàn kết và mạnh mẽ và nếu tất cả mọi người ở trong căn phòng này cùng chia sẻ một cách công bằng và hoàn thành phần việc của mình thì gánh nặng sẽ được giảm bớt. Các quốc gia Hồi giáo lớn cần phải đi đầu trong việc loại bỏ chủ nghĩa cực đoan”, ông Trump nhấn mạnh.

Sau chuyến thăm đầu tiên tới Ả Rập Xê Út, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Israel vào chiều nay (22/5) và sẽ có buổi hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào ngày hôm sau tại Jerusalem. Ông Trump dự kiến sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Bức tường Phía Tây, địa điểm linh thiêng nhất đối với người Do Thái tọa lạc tại Đông Jerusalem.

Tiếp đó, ngày 23/5, ông sẽ thăm Bethlehem ở Bờ Tây để hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.(Infonet)
-------------------------------------------------

Ukraine chuẩn bị “ly hôn toàn diện” với Nga

Trong tuần tới, Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ thông qua đạo luật mới về áp đặt quy chế thị thực đối với Nga. Nếu điều này được thông qua thì đây có thể coi là cuộc “ly hôn toàn diện” của Ukraine với Nga.

Phát biểu trên kênh truyền hình 112 của Ukraine, đại diện đảng “Mặt trân dân tộc” và là nghị sỹ Quốc hội Ukraine Andrey Teteruk cho biết thông tin về việc Quốc hội Ukraine sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc áp đặt quy chế thị thực với Nga. Theo nghị sỹ này, hiện Quốc hội Ukraine đang tiến hành các đánh giá để nhận định về khả năng quy chế này sẽ được thông qua khi đưa ra quốc hội. Nếu như có đủ khả năng thu thập được số phiếu ủng hộ thì quy chế này sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine trong tuần tới.

Các nguồn tin của hãng thông tấn Ukraine cho biết khả năng thu thập đủ số phiếu ủng hộ quyết định này để quy chế được đưa ra Quốc hội Ukraine là khá cao.

Hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Ukraine Poroshenko, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm ngày các nạn nhân kỳ thị chính trị, đã nhấn mạnh về các sáng kiến “chống Nga” mà ông sẵn sàng ủng hộ. Ông Poroshenko cũng khẳng định rằng các lệnh cấm đối với các mạng xã hội Nga và về dải băng vàng-đen (biểu tượng cho ngày chiến thắng phát xít) nhưng lại không đề cập gì đến quy chế thị thực sẽ áp đặt đối với Nga.

Được biết, quy chế này được bàn thảo là do ý kiến đề nghị của khối “Mặt trận Dân tộc” trong Quốc hội Ukraine. Đề nghị này được đưa ra ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) ký quyết định về hủy bỏ quy chế thị thực đối với các công dân Ukraine khi nhập cảnh vào các quốc gia EU.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố rằng Kiev có thể sẽ áp đặt quy chế thị thực đối với công dân Nga “trong trường hợp cần thiết”. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng đây là nỗ lực nữa của giới cầm quyền Ukraine nhằm đẩy nhanh quá trình “ly hôn hoàn toàn” với Nga. Nỗ lực này càng được đẩy mạnh sau khi EU đã thông qua quy chế miễn thị thực đối với công dân Ukraine. Tuy nhiên, quy chế này chỉ có hiệu lực đối với các công dân Ukraine sang các nước EU trong vòng tối đa 90 ngày với mục đích du lịch, thăm thân, công tác… và phải chứng minh được khả năng tài chính của mình. Quy chế miễn thị thực này cũng cấm các công dân Ukraine sang các nước châu Âu để tìm kiếm công việc mới.(Infonet)
----------------------------

Giải pháp giúp Mỹ làm mù lưới phòng không đối phương

Phi đội EA-18G Growler của Mỹ sẽ được trang bị thiết bị gây nhiễu mới, giúp đối đầu với các hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc và Nga.

Bộ tư lệnh Không quân Hải quân Mỹ (NAVAIR) vừa hoàn thành bản đánh giá thiết kế cho phiên bản đầu tiên của Tổ hợp gây nhiễu thế hệ tiếp theo (NGJ) để trang bị trên tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler, theo National Interest.

Tổ hợp gây nhiễu dải tần trung AN/ALQ-249 sẽ là công cụ thiết yếu cho phi đội EA-18G Growler trong việc chống lại mối đe dọa từ mạng lưới phòng không tiên tiến của Nga và Trung Quốc như S-400 hay HQ-9. Đây được coi là bước nâng cấp quan trọng của quân đội Mỹ, bởi tổ hợp AN/ALQ-99 tiêu chuẩn của EA-18G ra đời cách đây 40 năm, quá cổ lỗ và không còn hiệu quả trước các mối đe dọa mới.AN/ALQ-249 được cho là loại khí tài có thể làm thay đổi cách thức tác chiến điện tử của hải quân Mỹ. Cụm thiết bị gây nhiễu mới sử dụng bộ phát mảng pha chế tạo từ vật liệu Gallium Nitride, có tính năng mạnh gấp nhiều lần hệ thống ALQ-99 cũ. Với cơ cấu quét điện tử và khả năng áp dụng nhiều kỹ thuật gây nhiễu mới, NGJ sẽ là sự bổ sung đáng gờm cho kho vũ khí của dòng tiêm kích Growler.

he thong an/alq-99 da gia coi va se bi thay the trong thoi gian toi. anh: wikipedia.

Hệ thống AN/ALQ-99 đã già cỗi và sẽ bị thay thế trong thời gian tới. Ảnh: Wikipedia.

Khi kết hợp với đường truyền dữ liệu thế hệ mới (TTNT), AN/ALQ-249 có thể truyền thông tin nhanh gấp nhiều lần đường truyền Link-16 hiện tại. Hệ thống này được đánh giá là đủ sức "làm mù" các cảm biến hiện đại trong các tổ hợp phòng không tối tân của Nga và Trung Quốc.

Phiên bản đầu tiên của NGJ dự kiến hoạt động từ năm 2021. Hải quân Mỹ đã bắt đầu xem xét các phiên bản tiếp theo để đối phó với đe dọa ở dải tần thấp và cao. Phiên bản AN/ALQ-49 thứ hai có khả năng hoạt động vào cuối thập niên 2020, được thiết kế để làm nhiễu radar cảnh báo sớm tần số thấp, vốn đủ sức phát hiện tiêm kích tàng hình. Phiên bản cuối cùng sẽ đối đầu với radar điều khiển hỏa lực ở dải sóng cao tần.

Ba phiên bản của NGJ có thể kết hợp lại, tạo thành bộ gây nhiễu hoàn thiện giống như ALQ-99 hiện nay, với ít khối thiết bị hơn nhưng hiệu quả cao hơn, chuyên gia quân sự Dave Majumdar kết luận.(Vnexpress)
-----------------------------

Tổng thống Duterte tới Nga gặp 'người hùng' Putin

Tổng thống Philippines đang có chuyến công du tới Moscow trong một nỗ lực xa rời đồng minh lâu năm Mỹ để hướng tới người bạn mới Nga.

tong thong philippines rodrigo duterte. anh: afp

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP

 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 22/5 bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Moscow và dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được ông gọi là "anh hùng yêu thích", Guardian hôm nay đưa tin.

Chuyến thăm Nga này của ông Duterte được coi là một nỗ lực nhằm điều chỉnh quan hệ đồng minh địa chính trị của Manila theo hướng xa rời Mỹ và hướng về Nga.

Trong chuyến công du này, ông Duterte sẽ phát biểu tại một đại học hàng đầu Nga, gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vào hôm 24/5 và hội đàm với Tổng thống Putin vào ngày hôm sau, theo PhilStar.

Trước chuyến thăm, ông Duterte đã nói bóng gió về việc ông sẽ tham gia một liên minh quân sự chính thức với Nga. "Tình hình thế giới hiện tại gần tới mức nguy cấp, tôi không thể loại trừ các liên minh quân sự", Duterte nói với truyền thông Nga trước khi lên đường tới Moscow.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Duterte cũng giải thích lý do ông quay lưng với Mỹ để hướng tới Nga. "Từ cuối thập niên 1960, Mỹ đã can thiệp vào các nước khác. Họ giúp đỡ một đất nước, nhưng cũng ra lệnh cho nước đó phải thông qua các đạo luật, ví dụ như hôn nhân đồng tính", Duterte nói. 

"Tôi không muốn làm gì với Mỹ và tôi muốn họ ngừng nói với tôi về việc tôi phải làm gì. Tôi chưa từng tới Mỹ, khi họ mời tôi tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, tôi đã từ chối. Bởi vì tôi đã có kế hoạch thăm Nga", ông cho biết. 

Ông Duterte từng nhiều lần chỉ trích Mỹ từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái, đồng thời khẳng định chỉ có Nga, Trung Quốc là hai cường quốc mà ông tin tưởng. 

"Có lẽ tôi sẽ tới Nga và nói với Putin rằng ba chúng ta chống lại cả thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga. Đó là con đường duy nhất", Duterte nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm ngoái.

Nga cũng chưa từng lên tiếng chỉ trích cuộc chiến chống ma túy do ông Duterte phát động, trong khi Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền đã cảnh báo Manila về hậu quả của chiến dịch vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này. 

Ông Duterte và ông Putin gặp nhau lần đầu bên lề một cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế tháng 11/2016 và Tổng thống Nga đã mời người đồng cấp Philippines tới thăm Moscow. 

Hợp tác quân sự Philippines - Nga được tăng cường sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo. Hai đội tàu của hải quân Nga đã tới thăm Philippines, trong khi Philippines giảm mức độ các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Duterte cho biết một trong những mục tiêu chính của ông trong chuyến thăm Nga là ký kết hợp đồng mua vũ khí để chống lại phiến quân Hồi giáo tại Philippines. Sau khi bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bán hàng nghìn khẩu súng trường, ông Duterte đã tuyên bố sẽ chuyển hướng sang vũ khí Nga.

"Tôi nhớ giới ngoại giao Nga nói: 'Hãy đến Nga, chúng tôi có tất cả những gì ông cần'", ông Duterte cho biết.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 23-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 23-05-2017

    Duterte chỉ trích Mỹ lôi kéo ông chống Trung Quốc; Mỹ sẽ huy động thêm F-35 làm tai mắt cho lá chắn tên lửa; Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về nguy cơ hạt nhân Iran; Cựu Ngoại trưởng Philippines muốn nối lại tuần tra chung với Mỹ

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 23-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 23-05-2017

    6 công dân Nhật bị giữ ở Trung Quốc vì nghi làm gián điệp; Xuồng hải quân Malaysia mất tích khi truy đuổi tàu cá phi pháp; Mỹ loay hoay tìm giải pháp thay thế tàu tuần dương lớp Ticonderoga; Hạm đội Thái Bình Dương Nga diễn tập bắn pháo, phóng tên lửa

Bài cùng chuyên mục