Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 29-08-2017:
- Cập nhật : 29/08/2017
Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh chuẩn bị chiến lược tấn công Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh cho các lực lượng vũ trang chuẩn bị chiến lược tấn công trong trường hợp Triều Tiên “vượt qua đường ranh đỏ” và giáng đòn tấn công Seoul, theo Yonhap.
"Tôi muốn cải cách trong cấu trúc các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến hiện đại, để nhanh chóng chuyển sang chiến lược tấn công trong trường hợp Triều Tiên thực hiện hành động khiêu khích, vượt qua ranh giới cuối cùng hoặc tấn công vào khu vực thủ đô", hãng thông tấn Hàn Quốc dẫn lời Tổng thống Moon Jae-in tại cuộc gặp với lãnh đạo quân đội Hàn Quốc.
Tuyên bố trên được ông Moon đưa ra không lâu sau khi Bình Nhưỡng phóng 3 tên lửa tầm ngắn, trong đó 2 tên lửa bay được quãng đường khoảng 250 km hướng về phía Đông Bắc nước này.
Trước đó, trong bài phát biểu trước báo giới nhân dịp 100 ngày đầu cầm quyền ngày 17/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo Triều Tiên sẽ vượt "lằn ranh đỏ" nếu gắn đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Đáp trả cảnh báo này của Seoul, Triều Tiên cho rằng đây là chỉ là "điều ngớ ngẩn".
"Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã quá kiêu ngạo khi nói về 'lằn ranh đỏ' ngay cả khi ông chủ của họ (ám chỉ Mỹ) còn chưa dám đề cập", Yonhap dẫn trích dẫn bài xã luận được đăng tải trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. (VTC)
---------------------------
Chính Tổng thống Mỹ tự tạo khủng hoảng hạt nhân với Triều Tiên?
Theo Foreign Policy, nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên xuất phát từ chính những lời hăm dọa và mong muốn thể hiện lòng can đảm trước cả thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những màn khẩu chiến dữ dội giữa Mỹ và Triều Tiên hồi đầu tháng này đã khiến cả thế giới lo sợ về một cuộc chiến hạt nhân sắp bùng nổ. Thậm chí, một cố vấn của Tổng thống Trump còn so sánh tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Mỹ - Triều hiện nay giống như cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba. Song mọi chuyện đã tạm lắng xuống khi Triều Tiên tuyên bố tạm hoãn kế hoạch dùng tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ.
Trong một động thái nhằm làm giảm căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên, hôm 23/8, Ngoại trưởng Rex Tillerson còn tuyên bố khả năng tiến tới đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng "trong tương lai gần". Đây là điều mà cả thế giới cho rằng không thể xảy ra cách đó chỉ vài ngày.
Vậy nguyên nhân gì khiến căng thẳng Mỹ - Triều nhanh chóng bị đẩy lên đỉnh điểm? Theo Foreign Policy, nguyên nhân xuất phát từ chính những lời hăm dọa và mong muốn thể hiện lòng can đảm trước cả thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, vào ngày 8/8, Washington Post đưa tin theo giới tình báo Mỹ, Triều Tiên đã thành công thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Cũng theo Washington Post, bản phân tích của giới tình báo Mỹ được hoàn thiện hồi tháng trước. Do đó, giới chính trị gia cấp cao Mỹ và kể cả vị Tổng Tư lệnh là Tổng thống Trump cũng đã biết được nội dung báo cáo.
Tuy nhiên, thay vì xoa dịu tình hình, ông Trump lại ra tuyên bố cho rằng: "Tốt nhất, Triều Tiên không nên tạo ra thêm mối đe dọa nào với Mỹ. Bởi Triều Tiên sẽ phải đối mặt với lửa và những cơn giận dữ mà thế giới chưa từng được chứng kiến".
Phát biểu của ông Trump đã kiến một số cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Mỹ phải đưa ra những tuyên bố mang tính đính chính.
Điển hình, một ngày sau tuyên bố của ông Trump, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng người dân Mỹ cứ "yên tâm ngủ ngon". Còn Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho công bố bản viết tay mà theo đánh giá của giới ngoại giao là sử dụng từ ngữ hết sức thận trọng và rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên.
Nhưng dù có những lời trấn an từ phía giới chức cấp cao Mỹ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Triều Tiên vẫn cho công khai kế hoạch dùng 4 tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ.
Theo Foreign Policy, thay vì cho qua những lời đe dọa được xem là chiến thuật của Triều Tiên, ông Trump lại xem đây là cái cớ chính đáng để đưa ra những hành động khiến Bình Nhưỡng và đồng minh phải ngạc nhiên.
"Hãy xem ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) có thể làm gì với đảo Guam. Mỹ sẽ có phản ứng mà chưa ai từng được chứng kiến", ông Trump nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thay vì thay đổi những tuyên bố nóng giận và nhanh chóng từng đưa ra trước đó, ông Trump lại cho rằng lời đe dọa với Triều Tiên "chưa đủ mạnh".
Điều đáng nói, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đang ở thế cân bằng trong cuộc khẩu chiến căng thẳng có nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến hạt nhân thì ông Trump lại rút lui một cách thầm lặng để nhường lại cho những tuyên bố của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo đó, ông Tillerson và Mattis ám chỉ Mỹ sẽ thi hành một chiến lược đối ngoại với Triều Tiên tương tự như chính quyền tiền nhiệm mà trong đó cam kết, "Mỹ không có ý định thay đổi chế độ hoặc tiến tới thống nhất hai miền Triều Tiên".
Ngay cả Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cũng đưa ra nhận định tương tự trong các bài phỏng vấn trên truyền hình.
Song thực tế, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chỉ tạm lắng xuống khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch dùng tên lửa tấn công đảo Guam.
Vấn đề then chốt ở đây chính là ông Trump không chịu thừa nhận Mỹ không thể, không nên và không nên cố gắng lật đổ ông Kim Jong-un. Chính thái độ hiếu chiến của ông Trump khiến các đồng minh quân sự trong khu vực của Mỹ cảm thấy bất an trước nhà lãnh đạo hạt nhân khó đoán ở Washington giống như đối với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định trước người dân nước này rằng, Seoul sẽ phản đối mọi hành động quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Dù tuyên bố của ông Moon có đáng tin cậy hay không thì Triều Tiên hiện cũng có lý do để cảm thấy an toàn hơn và chắc chắn một điều như ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia Nhà Trắng là những tuyên bố công khai không đi kèm với hành động quân sự. (Infonet)
-----------------------
Triều Tiên yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn
“Triều Tiên mạnh mẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thảo luận cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn như một vấn đề trong chương trình nghị sự khẩn cấp” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27-8 dẫn lại một phần nội dung trong lá thư cho biết.
Theo KCNA, lá thư này đã được đại diện thường trực của Triều Tiên gửi lên HĐBA LHQ hôm 25-8. Lá thư nhấn mạnh: “Nếu HĐBA LHQ phớt lờ đề nghị của Triều Tiên một lần nữa, đó sẽ là bằng chứng cho thấy HĐBA LHQ từ bỏ vai trò là một cơ quan có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.
Ảnh được KCNA cung cấp hôm 25-8 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc tập trận chiếm đảo của quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA). Ảnh: KCNA
KCNA nói rằng cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, đồng thời cáo buộc Washington đang theo đuổi “âm mưu xâm chiếm Triều Tiên bằng vũ lực”.
Bài viết của KCNA được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) từ ngày 21 tới 31-8. Tham gia cuộc tập trận có khoảng 17.500 quân nhân Mỹ và 50.000 quân nhân Hàn Quốc.
Theo Yonhap, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn được tổ chức thường niên nhằm trang bị cho liên minh sự sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp Triều Tiên tổ chức một cuộc tấn công. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng luôn cáo buộc cuộc tập trận là một hoạt động chuẩn bị để xâm lược Triều Tiên.(PLO)