Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý sáng 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
Trung Quốc: Mỹ triển khai hơn 300.000 quân ở 150 quốc gia trên thế giới
Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Mỹ năm 2016 của Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc cho rằng Mỹ là quốc gia triển khai binh lực ở nước ngoài nhiều nhất, phạm vi triển khai rộng nhất trên phạm vi toàn cầu.
Những lực lượng này dùng để bảo vệ lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài, răn đe các đối thủ an ninh chủ yếu, bảo vệ lợi ích của Mỹ ở các khu vực, tiến hành các nhiệm vụ như chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, chống ma túy.
Báo cáo còn làm rõ chi tiết tình hình triển khai của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Lục quân Mỹ có gần 180.000 quân đóng ở nước ngoài. Trong đó, lực lượng lục quân trực thuộc Bộ Tư lệnh miền Bắc (phụ trách Bắc Mỹ và Bắc Cực) có 26.000 quân, chủ yếu đóng ở biên giới Mỹ - Mexico và Mỹ - Canada, cùng quân đội Canada thực hiện hành động liên hợp, đồng thời là lực lượng dự bị tác chiến ở nước ngoài của Mỹ.
Lực lượng lục quân thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam (chủ yếu phụ trách Mỹ Latinh) có 4.000 quân, chủ yếu đóng ở căn cứ không quân Soto Cano ở Honduras và căn cứ hải quân Guantanamo ở Cuba, duy trì khả năng can dự của Mỹ đối với các vấn đề của Mỹ Latinh và là điểm tựa chiến lược khu vực của Mỹ. Ngoài ra Mỹ còn điều lực lượng tham gia các chiến dịch chống ma túy của các nước như Mexico, Colombia, Peru. Mỹ điều quân đến các nước này theo phương thức đóng quân luân phiên, huấn luyện quân sự, tập trận định kỳ.
Lực lượng lục quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có 75.000 quân, chủ yếu đóng ở các căn cứ Yongsan, Daegu, Busan của Hàn Quốc và các căn cứ Yokota, Okinawa và Zama của Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ còn đóng quân ở Thái Lan, Singapore và Australia.
Lục quân của Bộ Tư lệnh Trung tâm có 40.000 quân, chủ yếu đóng ở các nước như Afghanistan, Iraq, Syria, tấn công các tổ chức khủng bố tại đó như Taliban, Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), huấn luyện cho quân đội chính phủ Afghanistan, Iraq.
Lục quân của Bộ Tư lệnh châu Âu có 34.000 quân, chủ yếu đóng ở Đức và Italia. Lục quân của Bộ Tư lệnh châu Phi có 8.000 quân, phân tán ở gần 60 "điểm hợp tác an ninh" của 34 quốc gia châu Phi.
Hải quân Mỹ duy trì 1/3 tàu tuần tra ở các tuyến đường hàng hải quốc tế. Trong đó, ở Thái Bình Dương có 54 tàu (bao gồm 2 tàu sân bay và 1 lực lượng tác chiến đổ bộ), ở Đại Tây Dương có 13 tàu, ở Ấn Độ Dương và biển Ả rập có 24 tàu (bao gồm 1 tàu sân bay và 1 lực lượng tác chiến đổ bộ). Không quân Mỹ có 20.000 quân đóng lâu dài ở nước ngoài, ngoài ra còn có 80.000 quân đóng luân phiên ở nước ngoài, chiếm 1/3 tổng binh lực. Mỹ có các căn cứ không quân quy mô tương đối lớn ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Afghanistan, Bahrain.
Ngoài ra, Mỹ còn thực hiện "hành động quân sự ở nước ngoài" tại các nước như Djibouti, Bulgaria, Estonia, Ba Lan, Romania, Lithuania, trong đó Djibouti trở thành căn cứ chủ yếu để quân đội Mỹ phát động không kích bằng máy bay không người lái ở Trung Đông.
Báo cáo của Trung Quốc cho rằng, Mỹ thông qua các chiến lược như chống khủng bố, quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục gia tăng hiện diện quân sự ở nước ngoài đã "phần nào đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng quốc tế".(Viettimes)
--------------------------
Trung Quốc, Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp
Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 28/8 cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ vừa đồng ý "rút quân nhanh chóng" khỏi khu vực tranh chấp.
Quyết định trên được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh các quốc gia BRICS - một tổ chức gồm cả Nga, Brazil và Nam Phi - tại Trung Quốc vào tháng 9 tới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tham dự hội nghị này.
Các binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu với nhau tại cao nguyên Doklam/ Donglang gần biên giới Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc, trong bế tắc quân sự nghiêm trọng và kéo dài nhất trong suốt vài thập kỷ qua dọc khu vực biên giới tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, hai bên đã đồng ý hạ nhiệt căng thẳng sau các cuộc đàm phán ngoại giao. "Trong vài tuần gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì liên lạc ngoại giao về vụ việc tại Doklam", thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ.
"Dựa trên cơ sở này, việc rút quân nhanh chóng tại khu vực xung đột ở Doklam đã được tán thành và đang diễn ra", thông báo cho biết thêm nhưng không tiết lộ chi tiết về các điều khoản.
Bắc Kinh nói rằng các binh lính Ấn Độ đã rút khỏi khu vực hẻo lánh ở phía đông Himalaya. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra khu vực Doklam/ Donglang.
"Trung Quốc hy vọng rằng, Ấn Độ tôn trọng ranh giới lịch sử và hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình dọc biên giới trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau", bà Hua Chunying nói thêm.(VietnamNet)
--------------------------------
Nga-Trung sắp ký thỏa thuận thám hiểm vũ trụ chung
Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 27-8 cho biết Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ ký một thỏa thuận kéo dài năm năm từ 2018-2022 về thám hiểm vũ trụ chung. Thỏa thuận bao gồm năm lĩnh vực là thám hiểm mặt trăng và vũ trụ sâu, phát triển nguồn tài liệu đặc biệt, hợp tác về hệ thống vệ tinh, nghiên cứu mảnh vỡ trong không gian, và viễn thám Trái đất.
Theo trang tin ecns.cn, thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký vào tháng 10 tới và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai nước, đặc biệt trong các sứ mệnh thám hiểm mặt trăng có người trong tương lai.
Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5 từ đảo Hải Nam hôm 2-7 vừa qua. Ảnh: REUTERS
Xu Yansong, người đứng đầu Ban hợp tác quốc tế thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), hồi tháng 6 từng cho biết Bắc Kinh và Moscow đang thảo luận về việc hợp tác thám hiểm mặt trăng vì các sứ mệnh khám phá mặt trăng như Hằng Nga 4, 5 và 6 của Trung Quốc và các sứ mệnh Luna-26, 27 và 28 của Nga khá tương tự.
Đây không phải là thỏa thuận thám hiểm vũ trụ đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hai nước ký một thỏa thuận kéo dài tới tận năm năm về lĩnh vực trên. Khoảng thời gian này được dự đoán sẽ cho phép nhiều kế hoạch và mục tiêu đầy tham vọng của Bắc Kinh và Moscow được thực hiện.(PLO)