Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 23-08-2017:

  • Cập nhật : 23/08/2017

Triều Tiên hoàn tất khâu chuẩn bị tấn công đảo Guam

Đại biện của đại sứ quán Triều Tiên tại Nga cho biết Bình Nhưỡng đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào đảo Guam của Mỹ và đã sẵn sàng thực hiện nếu bị “khiêu khích”.

Theo hãng tin Sputnik ngày 22-8, đại biện của đại sứ quán Triều Tiên ở Nga Jin Jong Hyop nói rằng Mỹ phải chấm dứt gây sức ép lên Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có xảy ra hay không đều phụ thuộc vào Washington.

“Như các bạn đã biết, chúng tôi vừa hoàn tất quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công đảo Guam. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có hành động hợp lý hay không. Nếu họ không hành động phải phép, họ sẽ lần nữa phải chuốc lấy xấu hổ trước toàn thế giới. Họ phải chấm dứt các hành vi khiêu khích và đơn phương gây sức ép lên Triều Tiên. Điều này sẽ quyết định việc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có xảy ra hay không” – ông Jin Jong Hyop nhấn mạnh.

Triều Tiên hoàn tất khâu chuẩn bị tấn công đảo Guam - ảnh 1
Các tàu hải quân neo đậu tại căn cứ Guam của hải quân Mỹ tại cảng Apra. Ảnh: REUTERS

Bình luận trên đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận chung với tên gọi Người bảo vệ tự do Ulchi, bắt đầu từ hôm 21-8. Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn này với sự tham gia của khoảng 17.500 binh sĩ Mỹ và 50.000 binh sĩ Hàn Quốc.

Ông Jin Jong Hyop nói với Sputnik rằng Bình Nhưỡng đang theo dõi sát sao cuộc tập trận chung trên của Mỹ-Hàn và sẵn sàng phát động một cuộc tấn công phòng thủ trong trường hợp bị khiêu khích.

Hôm 21-8, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc đã cảnh báo rằng thậm chí một cuộc xung đột nhỏ giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng có thể đe dọa  tính mạng của người dân Hàn Quốc và người nước ngoài, trong đó có lực lượng Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng 7, Nga và Trung Quốc đã đề xuất kịch bản “đóng băng gấp đôi”  đồng thời kêu gọi Mỹ-Hàn dừng các cuộc tập trận chung nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị Mỹ bác, còn Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng chính thức về vấn đề này.

Căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên xung quanh chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng trong những tuần gần đây. Triều Tiên và Mỹ liên tục công kích lẫn nhau và đe dọa tấn công lãnh thổ của nhau. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bình Nhưỡng tuyên bố nước này có thể cân nhắc tấn công vào khu vực gần đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.(PLO)
-----------------------

Chuyên gia không tin Nhật Bản có thể cạnh tranh hạt nhân với Triều Tiên

Một chuyên gia an ninh Nhật Bản hồi tuần trước tại Đài Bắc nhận định, Nhật Bản không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tờ The Japan Times hôm 22/8 trích dẫn lời bà Yuki Tatsumi, Giám đốc Chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Stimson – một nhà tư vấn của chính quyền Washington, khẳng định Nhật Bản sẽ không lao vào con đường này vì hai lý do chính.

Thứ nhất là tâm lý. Nhật Bản là nước từng phải hứng chịu hậu quả của các cuộc tấn công hạt nhân và thảm họa hạt nhân. Theo ông Tatsumi mô tả, đó là thứ cảm giác “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Màn hình tivi ở Hàn Quốc đưa tin về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AP

Từ thảm họa hạt nhân 2011 ở Fukushima, người Nhật thêm tin rằng điện hạt nhân là rủi ro không thể lường nổi.

Lý do thứ hai là thực tế. Ngay cả khi Nhật Bản chấp nhận phát triển vũ khí hạt nhân ngay lập tức, sẽ rất khó để bắt kịp những gì Triều Tiên đã đạt được.

Theo bà Tatsumi, sẽ tốt hơn nếu Nhật Bản đầu tư tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và hy vọng hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc trong việc chia sẻ thông tin tình báo và các lĩnh vực khác.

Bà Tatsumi đưa ra nhận xét trên trong một cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn tại một diễn đàn quốc tế được tổ chức tại Đài Loan do một viện nghiên cứu ở Đài Bắc tổ chức. Bà được yêu cầu bình luận về đề xuất của cựu tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Phó Đô đốc John Bird cho rằng vì Bình Nhưỡng không từ bỏ khả năng hạt nhân, nước Nhật nên phát triển vũ khí hạt nhân để thúc đẩy Trung Quốc kiềm chế người hàng xóm và là đồng minh của họ.

Tatsumi nói bà không nghĩ rằng Nhật Bản sẽ tăng cường các hoạt động hạt nhân của mình trừ khi nó bị sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh thúc đẩy.

Bà cũng nói rằng áp lực từ Trung Quốc sẽ không thuyết phục Nhật Bản thay đổi hành vi của họ ở biển Hoa Đông, nơi hai nước đang bị sa lầy trong một cuộc tranh chấp về quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

"Vấn đề Senkaku là vấn đề chủ quyền", bà nói, và Nhật Bản "sẽ không lùi bước". Bà nói rằng cách thức Nhật Bản phản ứng là theo dõi chặt chẽ tình hình, tương tự như những thách thức của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.

Bà nói: "Hành vi của Nhật Bản... tạo niềm an ủi cho các quốc gia ở Đông Nam Á rằng bạn không cần phải vào hang động và bạn không nên lẩn trốn”.

Về mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, Stephen Young, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ về hưu nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố “bắt nạt” Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Theo ông Young, đó là cách suy nghĩ “thiển cận”. "Tôi không nghĩ bà ấy là một người có thể bị bắt nạt", ông Young nói, "Trung Quốc đang mắc sai lầm khi không tiếp cận được Đài Loan".

Ông Young vốn là cựu giám đốc của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan – nơi được xem là đại sứ quán của Mỹ tại Đài Loan. Chuyên gia này nhận định, Washington có một cam kết mạnh mẽ với Đài Loan và sẽ rất dại dột nếu Trung Quốc thử thách cam kết đó.(Infonet)
----------------------------

Trung Quốc "ra tay", Triều Tiên vẫn không chùn bước

Theo giới chuyên gia, dù lệnh trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt khiến Triều Tiên bị thâm hụt tới 1,5 tỷ USD tương đương với 60% tổng doanh thu xuất khẩu của quốc gia này thì nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong năm 2016, Triều Tiên đã thu về 1,5 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu than đá, quặng sắt và hải sản sang Trung Quốc. Con số này chiếm 58,1% tổng doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên. Trung Quốc cũng là nguồn thu ngoại tệ chính cho Bình Nhưỡng.

Trong nửa đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu 3 mặt trên của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 432,7 triệu USD, tương đương 48,8% doanh thu xuất khẩu của Bình Nhưỡng.

than da la mat hang chinh trieu tien xuat khau sang trung quoc nhung nay cung da bi bac kinh ap dat lenh cam keo sang ca nam 2018.

Than đá là mặt hàng chính Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nay cũng đã bị Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm kéo sang cả năm 2018.

Trong số 3 hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên sang Trung Quốc thì than đá có doanh thu cao nhất. Trong năm 2016, hoạt động xuất khẩu than đá sang Trung Quốc đã giúp Triều Tiên thu về 1,2 tỷ USD, bỏ xa doanh thu xuất khẩu quặng sắt (114,8 triệu USD) và hải sản (193 triệu USD). 

Tuy nhiên hồi tuần trước, Bắc Kinh đã ra thông báo kéo dài thời gian cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên sang cả năm sau. Lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì cho tới khi Triều Tiên chịu từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

Theo bản báo cáo hồi năm ngoái của Reuters, chính phủ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã chi từ 1,1 tỷ - 3,2 tỷ USD cho riêng hoạt động phát triển hạt nhân.

Chính phủ Mỹ thì cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nắm trong tay 60 vũ khí hạt nhân nhưng theo một số chuyên gia, con số này thực tế là ít hơn. Nếu Triều Tiên sở hữu 60 vũ khí hạt nhân, thì chi phí sản xuất đầu đạn sẽ rơi vào khoảng từ 18 – 53 triệu USD, theo CNBC. 

Lệnh trừng phạt mới nhất được Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) quyết định tăng cường cấm vận với Bình Nhưỡng hôm 6/8. Quyết định của LHQ được đưa ra sau khi Triều Tiên phóng thử thành công 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng Bảy.

Theo giới chuyên gia, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ khiến Bình Nhưỡng không có đủ nguồn tiền để phục vụ các chương trình quân sự và giới chức cấp cao.

"Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới khả năng kiếm tiền của Triều Tiên bởi ngay cả các mặt hàng phi chiến lược như hải sản nay cũng đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc", SCMP dẫn lời chuyên gia Cai Jian tại Đại học Phúc Đán.

Còn theo chuyên gia tại Đại học Cát Lâm, ông Sun Xingjie, phần lớn doanh thu từ xuất khẩu mà Triều Tiên thu được là để phục vụ chương trình quân sự và chu cấp cho gia đình quan chức. Do đó, "lệnh cấm của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại sẽ khiến ông Kim cảm thấy bị áp lực", ông Sun nói. 

Tuy nhiên, chuyên gia các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney, ông Justin Hastings lại tỏ ra nghi ngờ trước việc Trung Quốc có thể duy trì lệnh cấm với Triều Tiên lâu dài.

"Thực tế, Trung Quốc sẽ chỉ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than đá, quặng sắt và hải sản của Triều Tiên trong thời gian ngắn. Khi đối mặt với nạn buôn lậu phổ biến như hiện nay, Bắc Kinh cũng sẽ sớm gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Do đó, tác động từ lệnh trừng phạt của Trung Quốc với Triều Tiên sẽ không phải là 100%. Kinh tế Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn chứ không thể lâu dài. Dù Trung Quốc có thay đổi chính sách đối với Triều Tiên thì Triều Tiên vẫn sẽ có cách thích nghi với hoàn cảnh hiện tại", ông Hastings chia sẻ.

Mặc dù, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ gia tăng thêm áp lực đối với Bình Nhưỡng nhưng theo hai chuyên gia Cai và Sun, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

"Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lợi ích quốc gia cốt lõi là an ninh và sự ổn định của chính quyền lãnh đạo. Đây là hai vấn đề mà ông Kim sẽ không bao giờ thỏa hiệp dù hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên có phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài như thế nào", ông Cai nói.

Thậm chí, ông Sun còn cho rằng: "Lệnh cấm mới sẽ làm ông Kim cảm thấy mối đe dọa lớn từ cộng đồng quốc tế và khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên càng đẩy nhanh chương trình phát triển hạt nhân bởi đây là cách đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng". (Infonet)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục