Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 23-08-2017:
- Cập nhật : 23/08/2017
Triều Tiên cảnh báo sẵn sàng 'đáp trả không thương tiếc' tập trận Mỹ-Hàn
Quân đội CHDCND Triều Tiên ngày 22.8 tuyên bố rằng Mỹ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những hậu quả thảm khốc của cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ đang diễn ra.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hôm 21.8 bắt đầu cuộc tập trận thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, kéo dài 10 ngày. Tham gia tập trận có 17.500 binh sĩ Mỹ và khoảng 50.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Hãng thông tấn KCNA dẫn thông cáo từ một phát ngôn viên của Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhấn mạnh rằng dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định cuộc tập trận mang tính phòng thủ, nhưng nó lại tập trung diễn tập “hoạt động tiêu diệt đầu não” và “hoạt động bí mật” để “loại bỏ” tổng hành dinh tối cao của CHDCND Triều Tiên.
“Không ai dám nói chắc rằng những lực lượng khổng lồ đang tập trung ở miền nam sẽ không chuyển sang hành động chiến tranh một khi căng thẳng quân sự ở bán đảo Triều Tiên chạm đỉnh”, thông cáo viết.
“Mỹ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những hậu quả thảm khốc xuất phát từ những đợt tập trận hung hăng liều lĩnh như thế, vì nước này chọn đối đầu quân sự đối với CHDCND Triều Tiên”, quân đội Triều Tiên cảnh báo trong thông cáo.
Trong khi đó, 3 chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Hàn Quốc, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris nói ngoại giao sẽ có hiệu quả hơn hành động quân sự. Còn Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược John Hyten khẳng định Lầu Năm Góc cam kết sẽ cung cấp Hàn Quốc mọi phương tiện chiến lược phòng thủ cần thiết.
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ Samuel Greaves cũng có mặt trong cuộc họp báo, được tổ chức tại căn cứ không quân Osan ở tỉnh Gyeonggi. (Thanhnien)
-------------------------
Triều Tiên cảnh báo Australia nếu giúp đỡ Mỹ
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chỉ trích chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Ông Turnbull nói: “Triều Tiên đã cho thấy mình không quan tâm đến an ninh và mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và không quan tâm đến luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Australia nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia nỗ lực gấp đôi, bao gồm việc thực thi nghị quyết đã được thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để Triều Tiên trở về đúng vị trí và kết thúc những đe dọa liều lĩnh và nguy hiểm của mình đối với hòa bình khu vực và thế giới".
Thủ tướng Turnbull từng nói có tấn công nhắm đến Mỹ, Canberra sẽ gửi quân đội dựa theo Hiệp ước An ninh Australia, New Zealand, Mỹ (ANZUS).
Một số lượng nhỏ quân đội Australia và Anh đang tham gia vào cuộc tập trận Ulchi kéo dài 10 ngày giả lập trên máy tính của Mỹ và Hàn Quốc, được tổ chức định kỳ hàng năm. Trong khi đó, Triều Tiên lại cho rằng những động thái như vậy nhằm mục đích chuẩn bị xâm lược.
Tuy nhiên theo bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, Australia đã không còn giữ vai trò lớn trong các cuộc tập trận kể từ 2010 và các động thái này “không nên được xem là động thái khiêu khích dưới mọi hình thức”.
Trong khi đó tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cảnh báo cuộc tập trận này sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa và khiến tình hình bán đảo xấu đi.
Ngày 21/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo Bình Nhưỡng không nên sử dụng tập trận là cái cớ để tấn công Seoul và Washington. Ông nhấn mạnh: “Tập trận Ulchi là tập trận phòng thủ diễn ra hàng năm. Chúng tôi không hề có ý định gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tập trận Ulchi nhằm mục đích kiểm tra năng lực phòng thủ để bảo vệ mạng sống và tài sản cho người dân của chúng tôi", Yonhap News đưa tin.
Ông Moon cũng nói thêm: “Triều Tiên phải hiểu rằng vì sự khiêu khích liên tục của nước này mà Hàn Quốc và Mỹ phải tập trận phòng thủ, khiến cho vòng luẩn quẩn ngày càng tệ hơn nữa".(VTC)
---------------------------
LHQ: Triều Tiên chở hàng cho cơ quan vũ khí hóa học Syria
Báo cáo của LHQ về những vi phạm của Triều Tiên cho biết hai chuyến hàng của nước này tới một cơ quan chính phủ Syria chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hóa học đã bị chặn trong vòng 6 tháng qua.
Một người đàn ông đi bộ dọc các ngôi mộ tập thể của những nạn nhân trong vụ tấn công hóa học ở Zamalka, ngoại ô Damascus hồi tháng 8-2014 - Ảnh: Reuters
Reuters ngày 21-8 cho biết báo cáo trên của một nhóm chuyên gia độc lập tại LHQ không nêu chi tiết về thời gian hoặc địa điểm nơi các chuyến hàng bị chặn hoặc bên trong những con tàu hàng này chứa gì.
"Nhóm đang điều tra về sự hợp tác về các hóa chất bị cấm, tên lửa đạn đạo và vũ khí giữa Syria và Triều Tiên" - báo cáo dày 37 trang cho biết.
"Hai quốc gia thành viên của LHQ đã chặn các chuyến hàng đang trên đường đến Syria. Một quốc gia thành viên thứ ba thông báo với nhóm điều tra rằng nước này có lý do để tin rằng hàng hóa trên tàu là một phần trong hợp đồng KOMID với Syria" - báo cáo thông tin thêm.
KOMID là Tập đoàn Thương mại Khai thác mỏ Triều Tiên. Hội đồng Bảo an LHQ đã đưa tập đoàn này vào danh sách đen năm 2009 sau khi mô tả KOMID là một đại lý vũ khí chính của Bình Nhưỡng cũng như là nhà xuất khẩu các trang thiết bị liên quan đến tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí thông thường.
Đến tháng 3-2016, Hội đồng tiếp tục đưa 2 đại diện của KOMID tại Syria vào danh sách đen.
"Nơi nhận hàng là các thực thể Syria bị Liên minh châu Âu và Mỹ mô tả là các công ty bình phong của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC). Nhóm điều tra xác định rằng SSRC từng hợp tác với KOMID trong các thương vụ bị cấm trước đây" - báo cáo cho biết.
Các chuyên gia LHQ cho biết họ đang điều tra các hoạt động về hợp tác chương trình tên lửa Scud của Syria và về bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống phòng không tên lửa đất đối không của Syria giữa Bình Nhưỡng và Damascus.
Các chuyên gia cho biết họ cũng đang điều tra việc dùng chất độc thần kinh VX tại Malaysia trong vụ giết hại anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2 này.
LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên từ năm 2006 vì chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng để phản ứng lại 5 vụ thử vũ khí hạt nhân và 4 vụ phóng tên lửa tầm xa của chính quyền Kim Jong Un.
Trong khi đó Syria đã đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này hồi năm 2003 theo một hợp đồng giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên các nhà ngoại giao và các nhà điều tra nghi ngờ Syria có thể đã bí mật duy trì hoặc phát triển kho vũ khí hóa học mới.(Tuoitre)
----------------------------