Mỹ chuốc họa lớn nếu dồn Nga vào chân tường
Sự thật là chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ tấn công lẫn nhau, hay nếu tên lửa hành trình của Mỹ tấn công vào căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa bất đối xứng, có thể ở miền đông Ukraine.Nga cũng có thể trang bị và hỗ trợ cho Hezbollah, Hamas và Taliban..., National Interest cảnh báo.
Lính Mỹ trong một cuộc tập trận ở châu Âu. NATO đang ngày càng tiến sát biên giới nước Nga.
Việc cải thiện mối quan hệ bất ổn hiện nay với Nga tuy khó khăn nhưng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Sự thù địch lẫn nhau hiện nay đe dọa sẽ nổ ra một cuộc đối đầu lớn, có thể hủy hoại nền văn minh của cả hai nước. Nếu không, Nga cũng có thể hành động mạnh tay hơn làm phương hại đến lợi ích và giá trị của Mỹ. Do đó Mỹ nên tìm cách bình thường hóa quan hệ với Nga.
National Interest cho rằng Mỹ nên hành động bớt ảo tưởng và xuất phát từ sức mạnh hiện nay của mình.
Hiện nay, Mỹ và Nga đang là đối thủ với các cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề quốc tế, hai nước cũng có hệ thống chính trị khác nhau và các hệ giá trị khác nhau. Những khó khăn này là trở ngại cho những nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Những trở ngại này đặc biệt hết sức thách thức trong nội bộ nước Mỹ, nơi quốc hội, truyền thông chính thống và dư luận Mỹ đều coi nước Nga và Putin là kẻ thù gần như Saddam Hussein của Iraq. Không giống Trung Quốc, Nga chỉ có quan hệ kinh tế hạn chế với Mỹ, do đó hầu như người dân Mỹ không nhận ra khía cạnh tích cực trong quan hệ với Nga.
Trong thời gian qua, Tổng thống Putin đã có những động thái mới trong việc định hình chính sách đối ngoại quốc gia, bao gồm việc tìm cách tái khởi động quan hệ với Washington. Cho dù trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn về kinh tế trước thềm bầu cử năm 2018, ông Putin vẫn không muốn tỏ ra yếu kém trước áp lực từ bên ngoài.
Đồng thời, cả Mỹ và Nga đề liên tục tính toán xem liệu quan hệ giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến các đối tác thân thiết ra sao. Chẳng hạn Nga không thể lờ đi phản ứng của Trung Quốc và Iran nếu họ coi Nga đang chấp nhận Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, Syria và các vấn đề khác, đặc biệt là nếu sự linh động của Mátxcơva có ảnh hưởng đến lợi ích của các nước này.
Dẫu vậy, việc không ngăn chặn được sự đi xuống trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ tạo ra những nguy hiểm khó lường, trong đó đáng sợ nhất là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, dẫn tới leo thang mất kiểm soát và có thể gây ra thảm kịch toàn cầu. Rất nhiều người đã loại trừ nguy cơ này vì cho rằng cả Mỹ và Nga đều không muốn tự hại mình nên sẽ biết cách kiềm chế. Tuy nhiên hãy nhìn lại Thế chiến I, có bên nào lùi lại vào phút cuối hay không?
Sự thật là chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ tấn công lẫn nhau, hay nếu tên lửa hành trình của Mỹ tấn công vào căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa bất đối xứng, có thể ở miền đông Ukraine, hoặc chiến sự có thể leo thang và mở rộng theo cách kích hoạt Điều 5 của NATO.
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo, Syria
Trong khi chính quyền Obama coi vũ khí hạt nhân là điều gì đó quá đáng sợ để sử dụng thì học thuyết quân sự của Nga lại coi vũ khí hạt nhân là lựa chọn nếu Nga bị tấn công nghiêm trọng. Liệu điều này sẽ đưa thế giới về đâu?
Bỏ qua cuộc tranh luận về vấn đề hạt nhân, việc từ chối quan hệ với Mátxcơva (vì điều này tức là Mỹ công nhận chính phủ Nga và khen ngợi các hành vi mà Mỹ cho là tồi tệ) sẽ khiến các lãnh đạo Nga cảm thấy mình chẳng còn gì để mất và phải đối đầu với chính sách thù địch của Mỹ.
Cáo buộc Nga can thiệp vào vụ bầu cử năm 2016 của Mỹ có thể chưa là gì so với các cuộc tấn công lâu dài và nghiêm trọng vào các hệ thống tài chính, cơ sở vật chất và các tổ chức xã hội khác của Mỹ, những tổ chức này rất dễ bị tấn công không gian mạng.
National Interest cho rằng sự trả đũa mạnh tay từ phía Mỹ có thể chẳng giúp gì được hàng triệu người dân Mỹ bị ảnh hưởng và cũng thẳng thể trấn an được người dân. Tương tự, Nga có thể hỗ trợ cho Bình Nhưỡng và các đối thủ của Mỹ phát triển khả năng quân sự và hạt nhân.
Nga cũng có thể trang bị và hỗ trợ cho Hezbollah, Hamas và Taliban. Nếu lãnh đạo Nga cảm thấy bị dồn vào chân tường, họ có thể cân nhắc một thỏa thuận với IS và bất kỳ bên nào dù hiện nay họ có đang phản đối, tạp chí Mỹ khuyến cáo.
Cuối cùng, Nga có thể tăng cường liên kết với Trung Quốc. Nga và Trung Quốc vẫn còn nghi kỵ lẫn nhau, và Trung Quốc hiện nay đã mạnh hơn Nga về nhiều mặt. Cho dù cả hai bên đều muốn bình thường hóa quan hệ bình đẳng với Mỹ và không muốn đi quá xa để dẫn tới xung đột nghiêm trọng, thì trên thực tế cả hai nước đều sợ hãi và lo lắng về Washington.
Do đó, Trung Quốc và Nga đang vạch ra sự hợp tác mạnh hơn về kinh tế và quân sự, ngày càng phối hợp với nhau về chính sách đối ngoại. Hai nước cũng quan ngại về sự bao vây của Mỹ và đặc biệt là mở rộng các hệ thống chống tên lửa của Mỹ hiện đang đe dọa đến các khả năng đối phó của hai nước.
Theo National Interest, ít nhất nếu quan hệ Nga- Mỹ càng xấu đi thì Trung Quốc càng có thể dựa vào sự hỗ trợ của Nga trong những bất đồng với Mỹ. Khiến Trung Quốc mạnh lên rõ ràng không phải là điều có lợi cho Mỹ.
Quân đội Nga và Trung Quốc thường xuyên có các cuộc tập trân chung, thể hiện sự xích lại gần nhau trong quan hệ
Để tránh những điều này, chính phủ Mỹ nên bình thường hóa quan hệ với Nga. Mục tiêu không phải để trở thành đồng minh hay bạn bè thân thiết mà là để Mỹ có thể tránh được một cuộc đối đầu quân sự không mong đợi thông qua đối thoại, kiểm soát sự khác biệt một cách hiệu quả hơn và hợp tác với nhau ở nơi lợi ích hai bên chồng lấn, National Interest gợi ý.
Việc theo đuổi cách tiếp cận như vậy đòi hỏi Mỹ phải giải thích rõ ràng về lợi ích quốc gia Mỹ để Quốc hội và công chúng hiểu rõ. Điều này cũng sẽ đòi hỏi sự chú tâm từ phía tổng thống và nỗ lực chung từ phía các lãnh đạo muốn đi theo hướng này và có khả năng hiện thực hóa cách tiếp cận này. Quan hệ giữa tổng thống hai nước Nga-Mỹ là một tín hiệu mừng, nhưng nền tảng vẫn phải là chính sách của hai nước.
Có quá nhiều thách thức trong việc tìm kiếm cách tiếp cận mới với Nga khiến nhiều người cảm thấy rằng cố gắng không phải là cách sử dụng khôn ngoan thời gian, sức lực và động lực chính trị có hạn của ông Trump. Tuy nhiên nếu đi sai cách, quan hệ hai nước có thể dẫn tới xung đột hạt nhân.
National Interest khẳng định nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất với chính quyền Mỹ là bảo vệ an ninh và sự tồn tại của người dân Mỹ. Đó là lý do vì sao không có chính quyền nào có thể ngừng theo đuổi mối quan hệ ổn định hơn với Nga. Đó cũng là lý do vì sao mọi chính quyền Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh đều cố thực hiện điều đó.(Viettimes)
-------------------------------
Hải quân Mỹ điều tra các hạm đội trên toàn cầu sau vụ va chạm
Hải quân Mỹ ngày 21-8 tuyên bố tiến hành điều tra toàn cầu về các hạm đội của lực lượng này sau khi một sự cố đâm tàu nữa xảy ra khiến 10 thủy thủ mất tích và 5 người bị thương.
Tàu USS McCain với một lỗ thủng bên thân bên ngoài căn cứ Hải quân Changi ở Singapore - Ảnh: AFP
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã ra lệnh cho các thủy thủ chuẩn bị dừng các hoạt động của họ để "xem xét lại" các bài thực hành sau khi tàu khu trục USS John McCain va chạm với tàu chở dầu thương mại ở ngoài khơi Singapore.
"Như các bạn biết thì đây là vụ va chạm thứ hai trong vòng 3 tháng qua và là vụ mới nhất trong chuỗi các vụ tai nạn ở Thái Bình Dương. Xu hướng này yêu cầu phải có hành động mạnh mẽ hơn. Do đó tôi chỉ đạo một cuộc dừng hoạt động của tất cả các hạm đội của chúng ta trên toàn thế giới" - đô đốc Richardson tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết "cuộc điều tra của ông Richardson sẽ tập trung vào tất cả các vụ tai nạn có liên quan trên biển, tìm hiểu các yếu tố dẫn đến tai nạn".
AFP cho biết 10 thủy thủ Mỹ vẫn đang mất tích sau vụ va chạm ngày 21-8 tại một trong những tuyến đường vận tải đông đúc của eo biển Singapore. Tàu USS John McCain cũng có một lỗ hổng lớn trên thân sau vụ va chạm này.
Đây là vụ tai nạn thứ hai liên quan đến tàu chiến Mỹ kể từ tháng 6 vừa qua. Singapore, Mỹ và Malaysia đã triển khai tàu và máy bay để tìm kiếm các thủy thủ đang mất tích.
USS John McCain đã được hộ tống về cảng Singapore sau vụ tai nạn khiến nước tràn vào tàu. Hải quân Mỹ cho biết có "thiệt hại đáng kể ở thân tàu" khiến nước tràn vào khu vực phòng ngủ, máy móc và phòng thông tin liên lạc.
"Những nỗ lực kiểm soát thiệt hại của thủy thủ đoàn đã ngăn nước tiếp tục tràn vào" - Hải quân tuyên bố.
Chiếc tàu dài 154 mét này vẫn có thể tự chạy bằng động cơ của tàu sau vụ va chạm với tàu chở dầu có gắn cờ Liberia. Hai tàu khác đã hộ tống USS McCain vào cảng Singapore.
Trong khi đó các nhà phân tích các vụ va chạm gần đây của tàu chiến Mỹ đang đặt ra câu hỏi liệu rằng Hải quân Mỹ có đang quá căng sức tại châu Á trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hay không.(Tuoitre)
------------------------
Nga đẩy mạnh không kích, tiêu diệt 800 tay súng IS tại Syria
Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã tăng cường các cuộc không kích để giúp quân đội Syria tái chiếm thành phố Deir el-Zour, cứ điểm chính của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thượng tướng Sergei Rudskoi, người đứng đầu Ban chỉ huy tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết các máy bay Nga thực hiện 60-70 chuyến bay mỗi ngày nhằm vào phiến quân ở Deir el-Zour, miền đông Syria. Nhờ sự yểm trợ này, quân đội Syria đang mở cuộc tấn công từ ba hướng để bao vây Deir el-Zour, theo tờ The Japan Times dẫn lời ông Rudskoi.
Chỉ trong tháng 8 này, các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành 990 cuộc không kích, phá hủy 40 xe thiết giáp, hơn 100 xe tải chở vũ khí và tiêu diệt khoảng 800 phiến quân - trong số này có hơn 200 tay súng đang trên đường tới thành phố Deir ez-Zor, ông Rudskoi nói.
Chính phủ Syria kiểm soát khoảng một nửa Deir ez-Zor và một căn cứ không quân gần đó, cả hai đều đang bị phiến quân IS bao vây. Trong những tháng gần đây, các tay súng IS tháo chạy khỏi các thành phố Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) đã đổ về Deir el-Zour nhằm tập hợp lực lượng và củng cố “sào huyệt” mới.
Cũng theo thượng tướng Rudskoi, quân đội Syria cũng bao vây Akerbat, một thành phố bị IS chiếm giữ ở miền trung Syria và các máy bay Nga cũng đã tấn công các đoàn xe đang cố tháo chạy khỏi khu vực này để đổ về Deir el-Zour.
Nga đã tiến hành một chiến dịch không kích tại Syria kể từ tháng 9.2015 nhằm giúp các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Assad đánh bại IS cũng như các nhóm nổi dậy tại nước này.
Theo ông Rudskoi, việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria trong thời gian qua cũng đã giúp quân đội Nga tập trung hiệu quả vào cuộc chiến chống IS. (Thanhnien)
-----------------------------
Dàn tỉ phú sở hữu 513 tỉ USD đổ tiền vào cuộc đua lên không gian
Khi nói đến tỉ phú và cuộc đua chinh phục không gian, ba cái tên Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson thường sẽ được nhắc đến đầu tiên.
Có đến 13 tỉ phú sở hữu tổng cộng 513 tỉ USD đầu tư cho 'cuộc đua' vào không gian ẢNH: SPACEX
Song theo Bloomberg, trên thực tế, vẫn còn 13 tỉ phú khác thuộc top 500 người giàu nhất thế giới, sở hữu tổng cộng 513 tỉ USD, đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp vũ trụ, theo dữ liệu của Bloomberg Billionaires và hãng tư vấn Bryce Space & Technology.
Dù giới tỉ phú công nghệ chiếm ưu thế trong danh sách, nhiều người giàu thuộc các lĩnh vực khác như ông trùm sòng bài Sheldon Adelson và tỉ phú ngành ngân hàng, bán lẻ Mexico Ricardo Salinas vẫn xuất hiện. Ông Adelson hiện hỗ trợ một sứ mệnh mặt trăng còn ông Salinas là nhà đầu tư vào mạng lưới vệ tinh OneWeb.
Danh sách các tỉ phú có đầu tư vào các start-up hàng không vũ trụ có CEO Facebook Mark Zuckerberg, tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, ông chủ Tencent Ma Huateng và nhiều người khác ẢNH: BLOOMBERG
Tổng cộng, những người này có giá trị tài sản ròng 513 tỉ USD. Đây là điều tốt vì các hoạt động không gian như việc phóng tên lửa có thể làm tiêu tốn rất nhiều tiền. Tỉ phú giàu nhì thế giới Jeff Bezos đang đầu tư 1 tỉ USD/năm vào Blue Origin. Hãng Virgin Galactic của tỉ phú Richard Branson chi hơn 600 triệu USD để khởi động các chuyến bay thương mại vào không gian vào cuối năm 2018.
Nhiều hãng khởi nghiệp vũ trụ bùng nổ trong thập niên vừa qua không chỉ là nhờ giới tỉ phú. Các hãng này bùng nổ một phần nhờ hãng Space Exploration Technologies (SpaceX) của ông Elon Musk. Công ty này hoạt động thương mại từ năm 2009, khuyến khích hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vũ trụ trước đây chùn chân bởi chi phí cao.
Số lượng các doanh nghiệp vũ trụ thương mại tăng vọt từ năm 2009ẢNH: BLOOMBERG
Space Angels, mạng lưới các nhà đầu tư không gian, cho biết có hơn 225 dự án không gian tư nhân đã nhận được tài trợ vốn cổ phần, cao hơn nhiều so với mức 33 dự án hồi năm 2009. Số tiền tài trợ cũng đi lên. Khoảng 3,1 tỉ USD được đầu tư vào các hãng này trong năm 2016 so với chỉ 409 triệu USD năm 2011.
Nhà tư vấn Maxime Puteaux của Euroconsult cho hay một số lượng nhất định các doanh nghiệp không gian sẽ không thất bại vì rủi ro cao và hầu hết các nhà đầu tư chưa thấy lợi nhuận hữu hình trên đồng tiền họ bỏ ra. Dù vậy, thị trường đang phát triển cũng giúp các doanh nghiệp đa dạng hơn bao giờ hết.(Thanhnien)