Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 14-08-2017:Hệ thống nào chặn được Hwasong-12 của Triều Tiên?
- Cập nhật : 14/08/2017
Lời đe dọa phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào vùng biển gần đảo Guam của Triều Tiên có thể đánh dấu cuộc thử nghiệm đầu tiên hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Mỹ và các đồng minh châu Á.
Mặc dù vụ phóng có thể không xảy ra vì nhiều lý do, ví dụ như thất bại hay Mỹ và đồng minh có thể hủy diệt tên lửa ngay trên bệ phóng, nhưng các giải pháp ngăn chặn tên lửa chủ yếu dựa vào giai đoạn cuối của chúng.
Giai đoạn phóng
Tên lửa Hwasong-12, một loại tên lửa nhiên liệu lỏng được Triều Tiên phát triển, có tầm bắn tối đa là 4.828 km và đạt được độ cao khoảng 756 km trên đường bay đến mục tiêu. Điều này có nghĩa là khi tên lửa phóng lên được khoảng 1 phút, nó đã đạt vận tốc nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh.
Với vận tốc trong giai đoạn tăng tốc này, việc phóng một tên lửa đuổi theo sau để tiêu diệt là điều bất khả thi. Dù hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc có thể dùng radar để phát hiện nhưng nó lại không được thiết kế để bắn trúng tên lửa Hwasong-12 trên không.
Trước đây, Lực lượng Không quân Mỹ từng đổ ra hàng tỉ USD để gắn một khẩu súng laser khổng lồ lên chiếc Boeing 747 được thiết kế để hủy diệt tên lửa đạn đạo của phe địch trong giai đoạn tăng tốc. Dù có hiệu quả nhưng hệ thống này quá sức đắt đỏ và đòi hỏi máy bay trang bị súng laser để bay tới sát lãnh thổ quân địch nên không được tiếp tục.
Giai đoạn giữa
Sau khi kết thúc giai đoạn tăng tốc và bay đến gần bầu khí quyển của Trái Đất, tên lửa Hwasong-12 sẽ bay chậm lại nhưng tốc độ và độ cao vẫn nhỉnh hơn một số loại vệ tinh. Trong quỹ đạo của tên lửa, đây được gọi là "giai đoạn giữa" và cũng là thời điểm khó khăn nhất để đánh chặn. Nguyên nhân là do đầu đạn di chuyển nhanh có thể giải phóng một loạt những quả bóng bay làm "chim mồi" để lừa hệ thống đánh chặn.
Tuy nhiên, ý tưởng phá hủy tên lửa đạn đạo trong không gian lại rất hấp dẫn vì nó giúp cho những mảnh vỡ và vụ nổ xa khỏi mục tiêu. Cả Nhật Bản và Mỹ đều sở hữu những con tàu có trang bị tên lửa SM-3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Theo lời bà Laura Grego, nhà khoa học hàng đầu tại Liên đoàn Các nhà khoa học quan tâm, tên lửa SM-3 có khả năng tiêu diệt tên lửa tầm trung trong giai đoạn giữa.
Tuy nhiên, quỹ đạo nhắm đến đảo Guam của tên lửa Hwasong-12 có thể khiến giai đoạn giữa cách quá xa biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông), nơi có những con tàu trang bị SM-3. Việc đánh chặn tên lửa Triều Tiên trong giai đoạn này có thể gặp nhiều khó khăn nếu không đưa những con tàu này đến gần đảo Guam hơn.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) của Mỹ lại nằm ở bang Alaska và California nên không thể ngăn chặn tên lửa ở phía Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, các đợt thử nghiệm GMD cũng có kết quả không đồng nhất dù cuộc thử nghiệm gần nhất vào tháng 5 đã thành công.
Giai đoạn lao xuống mục tiêu
Tất cả các loại tên lửa đạn đạo đều bắt đầu chịu ảnh hưởng của trọng lực sau giai đoạn giữa và đầu đạn sẽ phóng về phía mục tiêu.Trong giai đoạn cuối này, điểm đến cuối cùng của tên lửa Hwasong-12 được xác định hoàn toàn bởi những lần điều chỉnh đường đi khi động cơ của nó vẫn còn hoạt động.
Về mặt lý thuyết, điều này khiến tên lửa Triều Tiên dễ dàng bị nhắm trúng hơn. Tên lửa SM-3 có thể đánh chặn Hwasong-12 trong giai đoạn này. Dù Hải quân Mỹ không tiết lộ vị trí chính xác của những con tàu chiến nhưng rất nhiều tàu khu trục lớp Arleigh Burke có trang bị SM-3 đều nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Nếu ở gần đảo Guam, tên lửa SM-3 có thể bắn trúng Hwasong-12. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thay đổi vị trí tàu chiến để bảo vệ khu vực xung quanh đảo Guam hay không.
Ngoài SM-3, hệ thống THAAD ở căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam cũng có khả năng đánh chặn Hwasong-12. THAAD có kết quả thử nghiệm khá tốt khi mới hủy diệt một tên lửa có thiết kế khá giống Hwasong-12 vào tháng 7.
Ngoài SM-3 và THAAD, căn cứ trên đảo Guam còn có thể được bảo vệ bởi các loại tên lửa Patriot. Dù là loại cũ và có tầm ngắn hơn nhưng tên lửa Patriot hiện đại nhất, Patriot PAC-3, vẫn có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Liệu có đáng thử?
Nếu Nhật Bản hay Mỹ bắn hạ tên lửa Hwasong-12, Triều Tiên có thể xem đây là hành động leo thang và đáp trả bằng quân sự. Tuy nhiên, không rõ Bình Nhưỡng sẽ phản ứng ra sao nếu Mỹ và Nhật để yên cho tên lửa Hwasong-12.
Mặt khác, nếu Washington và Tokyo cố gắng đánh chặn tên lửa nhưng thất bại, điều này có thể làm suy giảm uy tín về hệ thống phòng thủ tên lửa của 2 nước. "Một số người cho rằng đây sẽ là thảm họa đối với Mỹ. Có thể nó sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự hiệu quả của hệ thống. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa hoàn thiện và chưa được thử nghiệm đầy đủ hoạt động trong điều kiện thực tế nên tôi nghĩ thất bại có thể xảy ra" - bà Grego nói.
Bảo Hạnh (Theo Straits Times, Nld.com.vn)