Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 01-09-2017:

  • Cập nhật : 01/09/2017

Mỹ trước câu hỏi: Bắn hay không bắn tên lửa Triều Tiên?

Các chuyên gia nhận định không có gì đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, kể cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được bố trí ở đảo Guam và Hàn Quốc, sẽ đánh trúng mục tiêu.

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 31-8, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản hôm 29-8 có thể làm tăng thêm áp lực lên Washington trong việc bắn hạ tên lửa thử nghiệm, mặc dù không có gì đảm bảo sẽ thành công. Giới chức Mỹ cũng đang cảnh giác tình hình leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.

Phá tên lửa sẽ châm ngòi chiến tranh

Một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng điều đáng chú ý hơn chính là viễn cảnh về một vụ đánh chặn tên lửa đang lao đến sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa sáng 29-8. Tuy nhiên, một quyết định như vậy không dễ gì được đưa ra trong bối cảnh chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đạt được thành tựu.

Mỹ trước câu hỏi: Bắn hay không bắn tên lửa Triều Tiên? - ảnh 1
Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành thêm ba vụ thử hạt nhân và rất nhiều vụ phóng tên lửa, mỗi lần cho thấy tầm bắn xa hơn. Ảnh: AP

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố “mọi lựa chọn đang được tính đến” để đáp trả Triều Tiên, song đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy sự xê xịch trong chính sách của Washington hướng tới hành động quân sự, bất chấp Bình Nhưỡng hôm 30-8 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều vụ thử tên lửa nhắm vào Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào gây nguy hiểm cho lãnh thổ Mỹ và đồng minh. Song điều chưa rõ ràng là liệu Washington có sẵn sàng sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng để đánh chặn một tên lửa giống như tên lửa đã bay qua vùng trời Nhật Bản hay không.

Làm như vậy là hành động biểu dương lực lượng của Mỹ chứ không phải hành động phòng thủ. Một số chuyên gia lại đánh giá nguy hiểm ở chỗ Triều Tiên sẽ xem đây là hành động chiến tranh và sẽ trả đũa về mặt quân sự mà hậu quả tiềm năng sẽ do Hàn Quốc và Nhật Bản gánh lấy. Trung Quốc – nước láng giềng và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên cũng có thể sẽ phản đối hành động đáp trả quân sự trực tiếp này của Mỹ.

Bắn hụt càng nguy hiểm

 Các chuyên gia cho rằng không có gì đảm bảo việc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, kể cả các tàu trang bị tên lửa đạn đạo Aegis trong khu vực và THAAD bố trí ở đảo Guam và Hàn Quốc, sẽ đánh trúng mục tiêu dù rằng các vụ thử nghiệm gần đây đều thành công.

Giả như vụ đánh chặn thất bại thì có thể làm Mỹ bối rối và Triều Tiên “bạo gan” hơn nữa. Mỹ đã mạnh tay chi ra 40 tỉ USD trong hơn 18 năm qua để nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, song chúng vẫn chưa bao giờ được dùng tới trong điều kiện thời chiến.

Ông Mattis trong tháng này bày tỏ tự tin việc quân đội Mỹ có thể đánh chặn một tên lửa phóng đi từ Triều Tiên nếu Guam là mục tiêu. Nếu Triều Tiên thật sự phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh, ông Mattis khẳng định. Tuy vậy, không phải ai cũng tin rằng quân đội Mỹ có thể phòng ngự được trước khả năng tên lửa ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên.

Một số chuyên gia lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay được hướng tới bắn hạ một hoặc một số nhỏ tên lửa sắp lao đến. Nhưng nếu công nghệ và sản xuất tên lửa của Triều Tiên cứ đà phát triển như hiện nay thì khả năng phòng thủ của Mỹ sẽ bị choáng ngợp.

Mỹ trước câu hỏi: Bắn hay không bắn tên lửa Triều Tiên? - ảnh 2
Hệ thống THAAD của Mỹ bắn hạ thành công tên lửa trong một vụ thử nghiệm ở Alaska hồi tháng 7. Ảnh: SCMP

“Nếu vụ bắn hạ thất bại, Mỹ sẽ rất hoang mang dù điều này không có gì ngạc nhiên lắm” – Michael Elleman, một chuyên gia tên lửa tại viện chính sách 38 North ở Washington, nói. “Hệ thống phòng thủ tên lửa không phải là lá chắn để bảo vệ trước tên lửa. Đúng hơn là nó giống như phòng không, được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại mà kẻ thù có thể gây ra” – ông Elleman cho biết.

Một quan chức Mỹ cho hay quân đội nước này sẽ đặc biệt thận trọng việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên dù tên lửa này không đe dọa trực tiếp. Sở dĩ như vậy vì có liên quan tới thương vong dân thường nếu đánh chặn tên lửa bay qua Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với những khó khăn trong việc xác định Bình Nhưỡng sẽ trả đũa như thế nào.

Giới chức quân đội và tình báo Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể tấn công vào kho tên lửa và pháo bình ở Seoul và ở các căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc để đáp trả bất cứ cuộc tấn công quân sự nào. Việc nhắm bắn một tên lửa Triều Tiên đang bay dù không gây nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh nhưng cũng có thể đặt ra câu hỏi pháp lý. Nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rõ ràng không cho phép các hành động như vậy.

Nhật Bản cũng đối mặt với các thắc mắc liên quan tới tính pháp lý về bắn hạ tên lửa trong không phận nước mình nhưng lại không trực tiếp nhắm vào Nhật Bản. Theo luật được thông qua vào năm 2015, Tokyo có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể vốn bị giới hạn hoặc hỗ trợ quân sự một đồng minh đang bị tất công nếu xét thấy tồn tại một mối đe dọa cho Nhật Bản.(PLO)
---------------------------

Triều Tiên đã giảm nửa tầm bắn của tên lửa vừa bay qua Nhật Bản

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 31/8 cho biết trong vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây nhất, Triều Tiên đã hạn chế một nửa tầm bắn của tên lửa này xuống mức khoảng 2.700 km.

 

ten lua dan dao xuyen luc dia hwasong-14 cua trieu tien duoc phong tai mot dia diem bi mat ngay 4/7. anh: epa/ttxvn

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 4/7. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Trong một báo cáo trình Quốc hội, bộ trên cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12 được bắn ở góc độ "bình thường" nhưng với tầm bắn chỉ bằng một nửa so với tầm bắn bình thường là từ 4.500 - 5.000 km. 

Bộ trên nêu rõ: "Có khả năng sẽ có thêm những hành động khiêu khích chiến lược như tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo bổ sung và thử hạt nhân lần thứ 6". 

Tên lửa được phóng ở sân bay Sunan gần thủ đô Bĩnh Nhưỡng vào sáng 29/8 đã bay qua lãnh thổ miền Bắc của Nhật Bản rồi rơi xuống vùng biển gần đó. Tên lửa đã bay được 2.700 km ở độ cao tối đa 550 km.(TTXVN)
----------------------

Ông Trump bất đồng với tướng lĩnh về Triều Tiên

Nội bộ chính phủ Mỹ đang lục đục về Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump ngày 30-8 nói “đối thoại không phải là câu trả lời” cho căng thẳng với Triều Tiên quanh chương trình tên lửa hạt nhân nước này, trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ duy trì phương án ngoại giao.

“Mỹ đã từng đối thoại với Triều Tiên và chịu sự tống tiền của họ, trong 25 năm. Đối thoại không phải là câu trả lời!” - ông Trump viết trên Twitter.

Theo số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong thời gian 1995-2008 Mỹ viện trợ cho Triều Tiên hơn 1,3 tỉ USD, chủ yếu là thực phẩm và nhiên liệu. Khoản viện trợ này là một phần thỏa thuận hạt nhân mà Triều Tiên sau đó đã vi phạm. Phát ngôn mới nhất của ông Trump khiến nhiều nghị sĩ Mỹ lo lắng và chỉ trích rằng đây là phát ngôn nguy hiểm, vô trách nhiệm nhất của ông Trump với tư cách tổng thống, đe dọa đến hàng triệu người.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên trong vụ thử ngày 28-8. Ảnh: REUTERS
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên trong vụ thử ngày 28-8. Ảnh: REUTERS

Ông Trump từng tuyên bố sẽ không để Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân có thể bắn đến Mỹ. Trong hai ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật, ông Trump liên tục có các phát ngôn cứng rắn về Triều Tiên. Ngày 29-8, ông cảnh cáo “mọi phương án đều được cân nhắc”. Chỉ mới tuần trước ông Trump còn cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “bắt đầu tôn trọng” Mỹ.

Tuy nhiên vài giờ sau, khi được các nhà báo hỏi liệu Mỹ đã từ bỏ phương án ngoại giao giữa làn sóng căng thẳng sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định: “Không!”.

“Chúng tôi không bao giờ từ bỏ giải pháp ngoại giao” - Bộ trưởng Mattis nói với báo chí trước buổi tiếp người đồng cấp Hàn Quốc tại Mỹ - “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau, bộ trưởng và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, người dân và quyền lợi của chúng ta”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 28-8. Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 28-8. Ảnh: REUTERS

Trong khi ông Trump hay có phát ngôn cứng rắn thì Bộ trưởng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson chú trọng giải pháp ngoại giao, thường có giọng điệu mềm dẻo hơn về Triều Tiên và cả các vấn đề khác. Còn nhớ vài ngày sau khi ông Trump dọa nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, hai ông Mattis và Tillerson có chung bài viết trên Wall Street Journal trấn an Triều Tiên rằng: “Mỹ không quan tâm đến việc thay đổi thể chế hay thúc đẩy hợp nhất liên Triều”.

Ngày 6-9 tới, hai ông Mattis, Tillerson, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats sẽ có buổi điều trần kín với Quốc hội Mỹ về Triều Tiên.

Một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa ngang qua Nhật, Cơ quan Tên lửa phòng thủ Mỹ thực hiện thành công một vụ thử tên lửa phòng thủ ở bờ biển Hawaii. Các tên lửa dùng trong vụ thử là tên lửa hành trình Standard Missile-6, được thiết kế đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng ngang qua Nhật.

Một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ Cơ sở Trận địa Tên lửa Thái Bình Dương trước khi bị đánh chặn bởi tên lửa phòng thủ Standard Missile-6 được phóng từ tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones ở Hawaii, ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ Cơ sở Trận địa tên lửa Thái Bình Dương trước khi bị đánh chặn bởi tên lửa phòng thủ Standard Missile-6 được phóng từ tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones ở Hawaii ngày 29-8. Ảnh: REUTERS

Giữa lúc chính phủ Trump đang chỏi nhau về Triều Tiên thì Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30-8 điện đàm với người đồng cấp Tillerson, đề nghị Mỹ kiềm chế hành động quân sự ở bán đảo Triều Tiên vì sẽ dẫn tới hậu quả không lường trước.

Nhật đang đề nghị trừng phạt thêm Triều Tiên vụ phóng tên lửa mới nhất này. Mỹ cho biết các nước đang bàn khả năng này. Tuy nhiên, điện đàm với ông Tillerson, ông Lavrov nói Nga tin trừng phạt thêm nữa chỉ phản tác dụng với Triều Tiên mà thôi.

Hội đồng Bảo an LHQ họp lên án Triều Tiên ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Hội đồng Bảo an LHQ họp lên án Triều Tiên ngày 29-8. Ảnh: REUTERS

Triều Tiên nói vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 ngang qua Nhật là phản ứng với cuộc tập trận "Người bảo vệ tự do Ulchi" giữa Mỹ với Hàn Quốc. Đây cũng là bước đầu tiên nhằm kiểm tra, phát triển năng lực bắn tên lửa tới đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.(PLO)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục