Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 01-09-2017:
- Cập nhật : 01/09/2017
Tính toán của ông Kim Jong-un về thời điểm phóng tên lửa
Theo chiến lược gia địa chính trị toàn cầu Philippe Dauba-Pantanacce đến từ ngân hàng Standard Chartered, không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên lại chọn phóng tên lửa vào thời điểm cách đây vài ngày.
Ông Philippe cho rằng thoạt nhìn, nhiều thử nghiệm tên lửa liên tiếp thời gian gần đây của Triều Tiên và hành động thách thức các biện pháp trừng phạt của quốc tế với nhiều người có vẻ thất thường. Nhưng trên thực tế, vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là một chiến lược hợp lý và đã được tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Theo chuyên gia người Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chọn phóng tên lửa đúng vào thời điểm Tổng thống Trump đang phải bận rộn đối phó với siêu bão Harvey, đồng thời liên minh giữa Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác vẫn chưa được hoàn thiện.
"Từ quan điểm của ông Kim Jong-un, các lựa chọn được cầm lên đặt xuống mà cộng đồng quốc tế đang cân nhắc đều tồi tệ và ông ấy biết điều đó. Vậy nên, Triều Tiên đang tìm mọi cách cố gắng để được công nhận là một cường quốc hạt nhân", ông Philippe cho hay.
"Vụ phóng mới nhất và những gì ông Kim đang thực hiện là hết sức hợp lý, Lần phóng mới đây đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Việc ông Kim để tên lửa bay theo một góc độ khác là để chứng minh rằng họ có thể đạt được những khoảng cách nhất định như lời đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ", ông này nói thêm.
Cho tới nay, các tên lửa của Bình Nhưỡng đều được phóng theo phương thẳng đứng.
Trong khi đó, ông Tal Inbar, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược Không gian và Vũ trụ Fisher cho rằng động thái mới của Triều Tiên trên đất Nhật giống như một điểm tựa Archimedes.
"Nếu không bên nào đưa ra phản ứng rõ ràng, chúng ta sẽ sớm phải chứng kiến thêm những vụ thử nghiệm mới", ông Tal khẳng định.
Họ muốn cho chúng ta thấy rằng họ vẫn sẽ tiếp tục chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế", chuyên gia thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace cho hay. Triều Tiên theo đó cũng đang muốn chứng minh rằng việc dùng Trung Quốc hay sử dụng các biện pháp ngoại giao với họ đều không có tác dụng.(VTC)
-------------------------------
Nga: Cấm vận không có tác dụng với Triều Tiên
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Chủ tịch hội đồng ngoại giao của Hội đồng liên bang (Nga) Konstantin Kosachev đều khẳng định rằng vụ phóng tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã chứng tỏ lệnh cấm vận của LHQ không có tác dụng với Triều Tiên.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga và Chủ tịch hội đồng ngoại giao Quốc hội liên bang Nga Sergei Ryabkov cho rằng Hội đồng bảo an LHQ không còn khả năng tác động đến Triều Tiên với các lệnh cấm vận. Ông cho rằng vụ thử tên lửa gần nhất của Triều Tiên đã chứng tỏ các biện pháp cấm vận đã thất bại.
“Rõ ràng là áp lực từ các lệnh cấm vận đã không còn”, vị thứ trưởng này cho biết. Ông cũng nhấn mạnh thêm, “không thể tiếp tục thông qua các giải pháp tại Hội đồng bảo an LHQ mà trong đó không ghi rõ rằng các bên không được phép dùng giải pháp quân sự mà chỉ được dùng giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.
Ông Sergei Ryabkov cũng nói thêm, Liên Hợp Quốc cần phủ quyết các lệnh trừng phạt đơn phương và cho rằng Mỹ và các đồng minh sẽ có thể có “những bước đi mới nhằm thắt chặt chế độ trừng phạt” Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa ngày 29/8 của nước này.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát trở lại khi Mỹ và Hàn Quốc thực hiện cuộc tập trận chung quy mô lớn ở khu vực này. Theo ông Sergei Ryabkov nhận định thì cuộc tập trận này có thể “có vai trò nhất định” trong việc khiến Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa ngày 29/8.
Đại sứ Triều Tiên Han Tae-song tuyên bố tại Hội nghị của LHQ về giải trừ quân bị tại Geneva: “Hiện nay Mỹ đã công khai ý định thù địch của mình đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bằng việc thực hiện các cuộc tập trận chung bất chấp những cảnh báo được lặp lại nhiều lần”.
Đại sứ Triều Tiên Han Tae-song cho rằng Bình Nhưỡng có đầy đủ lý do để đáp trả những hành động thù địch ngay sát nước mình như cuộc tập trận này bởi “đó là quyền tự vệ của đất nước chúng tôi”. Vị đại sứ này cũng nói thêm Washington sẽ phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả thảm khốc” mà do chính hành động của họ gây ra.
Cùng quan điểm với thứ trưởng Sergei Ryabkov, Chủ tịch hội đồng ngoại giao của Hội đồng liên bang (Nga) Konstantin Kosachev cũng cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29/8 cho thấy lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã thất bại.
“Vụ phóng tên lửa cho thấy đã có bế tắc hình thành xung quanh vấn đề Triều Tiên: Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ vừa được thông qua vào đầu tháng 8 đã không thể đạt được mục tiêu và tình hình hiện tại đã chuyển sang chế độ song phương giữa Triều Tiên và Mỹ”, ông Sergei Ryabkov viết trên mạng xã hội Facebook.
Ông Kosachev cảnh báo rằng với vụ phóng tên lửa mới nhất của mình, Triều Tiên đã chứng tỏ rằng lời đe dọa bắn tên lửa tới đảo Guam của nước này không phải là lời đe dọa suông.
Mặc dù chưa có chứng cứ cho thấy Triều Tiên đã làm chủ hoàn toàn công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng ông Kosachev nhận định rằng Triều Tiên chắc chắn sẽ phát triển được tên lửa có tầm bắn đến bờ Tây nước Mỹ.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Kosachev cho rằng cả Mỹ lẫn Triều Tiên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi hành động của mình để thế giới “có thể thức giấc mỗi sáng theo cách yên bình hơn”.
“Cuối cùng, nếu lại tiếp tục yêu cầu mỗi Bình Nhưỡng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, hành động có thể dự đoán được và có tính minh bạch, trong khi đó Mỹ có quyền hành động theo bất cứ cách nào họ muốn, can thiệp thô bạo và tìm cách gây nguy hiểm đến Triều Tiên thì tình hình tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn”, ông Kosachev nói.
Dù vậy, ông Kosachev cũng cho rằng các bên đã hành động tương đối kiềm chế và căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên không cao như trước đây. Ông cho rằng, đây là một điều “phần nào đó đáng khích lệ, nhưng nó không giải quyết được vấn đề. Và cần phải tìm ra được một giải pháp, mà điều này Bình Nhưỡng đã từng tuyên bố rõ ràng và cương quyết”.
Ông Kosachev cũng hi vọng rằng những quyết định hợp lý nhất sẽ được thực hiện bởi sáng kiến “đóng băng kép” được Nga và Trung Quốc ủng hộ. Kế hoạch này yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung còn Triều Tiên ngừng thử tên lửa cùng một lúc.(VTC)
--------------------
Trung Quốc kêu gọi từ bỏ chương trình phòng thủ tên lửa ở Triều Tiên
Sau thử nghiệm tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi ngừng triển khai chương trình phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo cho tới khi khủng hoảng được giải quyết.
Theo Sputnik, sau thử nghiệm tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc Lưu Kết Nhất đã phát biểu vào ngày 30/8, kêu gọi ngừng triển khai chương trình phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do lo ngại căng thẳng leo thang.
Vào ngày 29/8, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản, trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, vùng phía Bắc đảo Hokkaido. Truyền thông Triều Tiên cho biết thử nghiệm tên lửa nhằm phản ứng lại trước cuộc tập trận “Bảo vệ Tự do Ulchi” của quân đội Mỹ - Hàn. Cuộc tập trận này đã diễn ra từ 21/8 bất chấp những đe dọa của Triều Tiên.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (UNSC), ông Lưu nói Trung Quốc phản đối mọi xung đột hoặc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. “Tăng cường phát triển quân sự trên bán đảo sẽ không giúp chúng ta đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hay ổn định khu vực. Việc triển khai hệ thống THAAD tại Đông Bắc Á đã gây tổn hại nghiêm trọng đến cân bằng chiến lược mà không cân nhắc đúng mức lợi ích an ninh của tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc. Điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang và làm vấn đề trở nên phức tạp khó can thiệp”.
Ông Lưu kêu gọi các bên liên quan ngừng quá trình triển khai và tháo dỡ các trang thiết bị liên quan ngay lập tức.
Vào tháng 7/2016, Washington và Seoul đã thỏa thuận đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở lãnh thổ Hàn Quốc. Đầu tháng 3/2017, hệ thống này bắt đầu được triển khai nhằm đáp trả các thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên.
Sau thử nghiệm tên lửa vào tháng 7/2017 của Bình Nhưỡng, Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc cho biết đã cân nhắc đến việc phát triển thêm thiết bị phóng cho hệ thống THAAD này.(VTC)
---------------