Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 01-09-2017:
- Cập nhật : 01/09/2017
Thử bom hạt nhân B61-12, Mỹ răn đe hay chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên?
Một nhà phân tích quân sự Nga cho rằng cuộc kiểm tra quả bom hạt nhân B61-12 mới được nâng cấp trên sa mạc Nevada của không quân Mỹ có thể đồng nghĩa với dấu hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho chiến tranh sau khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và như Bình Nhưỡng nói thì đây là "khúc dạo đầu" trước khi tấn công đảo Guam.
Nhận định này rất đáng chú ý trong bối cảnh ngày 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ trên mạng xã hội Twitter rằng “đối thoại không phải là câu trả lời” khi đề cập tới CHDCND Triều Tiên, còn trước đó, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Mọi lựa chọn đã sẵn sàng”.
Theo nhà phân tích Oleg Glazunov, “phiên bản cải tiến của bom B61 sẽ được sử dụng để thay thế cho gần 200 quả bom loại này tại châu Âu. Người Mỹ từng nói rằng điều này được thực hiện để đối đầu với Iran nhưng vẫn còn Nga ở ngoài kia, đúng không?”.
Những quả bom B61.
Trong một đánh giá với hãng tin Sputnik (Nga), nhà phân tích này còn nhận định rằng những cuộc thử bom hạt nhân B61 trong thời gian gần đây cũng nhằm mục đích hăm dọa CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Glazunov cho rằng người Mỹ sẽ không dùng chính loại bom hạt nhân này để chống lại Triều Tiên.
“Vậy nhưng, đây có thể là nỗ lực của Mỹ để cho thấy rằng nước này đã phát triển những thứ mới có thể khiến Triều Tiên sợ hãi”, ông Glazunov cho hay.
Ngày 8/8, Mỹ đã hoàn thành loạt bay thử nghiệm thứ hai cho phiên bản cải tiến của bom hạt nhân B61. Lần thử đầu tiên đã diễn ra trong tháng 3.
Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) cho biết vào ngày 8/8, một phiên bản mô phỏng của bom hạt nhân B61-12 đã được chiến đấu cơ F-15E thả tại bãi thử Tonopah ở bang Nevada để kiểm nghiệm khả năng hoạt động cũng như năng lực của phi cơ quân sự để vận chuyển loại vũ khí này.
Cuộc thử nghiệm còn nằm trong chương trình nhằm kéo dài tuổi thọ của bom B61, được coi là trụ cột của vũ khí hạt nhân thuộc Không quân Mỹ. Cả hai cuộc thử nghiệm trong tháng 3 và tháng 8 đều được tiến hành với chiến đấu cơ F-15E tại bãi thử Tonopah.
Các chuyên gia đánh giá rằng B61-12 có thể được vận chuyển bởi máy bay ném bom B2A và B21 cũng như các phi cơ F16C/D, F16 MLU, F35 và PA-200. Theo NNSA, loạt B61-12 đầu tiên được sản xuất sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Bom B61 là một trong những nhân tố chính của bộ ba hạt nhân Mỹ và là phiên bản được nâng cấp từ một loại bom hạt nhân xuất hiện từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.
B61 còn được đánh giá là thiết bị hạt nhân nguy hiểm nhất từng được sản xuất. Bom hạt nhân này có chiều dài 3,58m và trọng lượng trong khoảng từ 320-500kg.(TTXVN)
----------------------
Chuyên gia: Mỹ đã bỏ lỡ thời cơ đàm phán với Triều Tiên như thế nào?
Thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 29/8 của Triều Tiên diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ đánh giá cao quyết định tạm ngừng kế hoạch tấn công đảo Guam của lãnh đạo Kim Jong-un.
Với 2 thử nghiệm phóng tên lửa trong vòng 3 ngày (26-29/8), Triều Tiên lại một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi vụ phóng tên lửa ngày 29/8 là mối đe dọa “nghiêm trọng và nguy hiểm nhất” từ trước đến nay với nước Nhật. Chính quyền Nhật thậm chí phải cảnh báo người dân vùng phía Bắc tìm nơi trú ẩn ngay trong buổi sáng 29/8.
Bức ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố về thử nghiệm phóng tên lửa ngày 29/8. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Trước đó, sau hơn 3 tuần kể từ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ca ngợi sự “kiềm chế” của Triều Tiên và gợi ý “có lẽ chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy con đường tiến đến đối thoại trong tương lai không xa”. Tổng thống Donald Trump thì nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un “cuối cùng thì cũng tôn trọng chúng ta”.
Tuy nhiên, theo The Guardian, thử nghiệm tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã đập tan hi vọng về tiến trình đi tới đối thoại của Washington và Bình Nhưỡng. Thử nghiệm lần này được thực hiện với một tên lửa tầm trung, được cho là Hwasong-12 đã phát triển. Tên lửa đã bay qua vùng lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, cách nơi phóng khoảng 2.700 km.
Video: Triều Tiên tung video phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản
Vào thời điểm Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng tấn công đảo Guam và sẽ quan sát thêm động thái của người Mỹ, các chuyên gia về Triều Tiên đã cảnh báo có thể giới cầm quyền Mỹ đang hiểu lầm rằng những đe dọa của Tổng thống Donald Trump đã khiến Bình Nhưỡng lùi bước trong việc tiến hành thêm các thử nghiệm vũ khí, bao gồm cả kế hoạch tấn công đảo Guam như đã định.
“Họ có thể sẽ trở nên hung hăng hơn,” Kelsey Davenport, giám đốc chương trình chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói. “Bình Nhưỡng có thể vẫn nhắm đến tên lửa tấn công vùng gần đảo Guam như đã lên kế hoạch.”
“Thời điểm là rất quan trọng. Mỹ và Hàn Quốc đang triển khai tập trận và Nhật vừa đặt ra các biện pháp trừng phạt đơn phương, trong khi Bình Nhưỡng luôn luôn dùng khiêu khích đáp trả lại khiêu khích”.
Bà nói thêm: “Điều này cho thấy những phát ngôn đe dọa của Tổng thống Donald Trump đã không khiến Bình Nhưỡng lùi bước, nhưng Triều Tiên vẫn thể hiện dấu hiệu cho thấy họ có thể mở cửa đàm phán. Họ đã nói sẽ không sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân trong khi Mỹ vẫn tham gia vào một ‘chính sách thù địch’. Triều Tiên không nói là sẽ không bao giờ đối thoại.”
Học sinh Triều Tiên xem phát sóng và chúc mừng thử nghiệm tên lửa thành công ngày 29/8. (Ảnh: CNN)
Suzanne DiMaggio, một chuyên gia tại Quỹ Nước Mỹ Mới thì cho rằng hiện tại, Triều Tiên đang đánh giá các phương án của mình để tìm ra con đường tốt nhất. “Tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng tham gia đàm phán một khi họ cảm thấy mình có thể tham gia với một vị thế có sức mạnh”.
Từng tham gia tổ chức cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa chính quyền Trump và các đại diện chính phủ Triều Tiên ở Oslo vào tháng 5/2017, DiMaggio nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể sẽ phải chứng kiến một thử nghiệm phóng tên lửa khác, thậm chí là một thử nghiệm hạt nhân khác trong những tuần và tháng sắp tới”.(VTC)
-----------------------------
Mỹ loay hoay trước vấn đề Triều Tiên
Sau thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên diễn ra ngày 29/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nói chuyện không phải là giải pháp, nhưng nhận định này nhanh chóng bị Bộ trưởng quốc phòng James Mattis phủ nhận.
Chỉ vài phút sau tuyên bố thẳng thừng của Tổng thống Mỹ "nói chuyện không phải là câu trả lời" với Triều Tiên, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã đưa ra ý kiến mâu thuẫn khi cho rằng: “Chúng ta chưa bao giờ hết các giải pháp ngoại giao”.
Những phát ngôn mâu thuẫn không phải là chuyện hiếm giữa Tổng thống Mỹ và các quan chức. Dù vậy, vẫn chưa rõ thế giới, đặc biệt là Bình Nhưỡng, nhìn nhận như thế nào về thông điệp này.
Theo The Guardian, tuyên bố của ông Trump được đăng trên Twitter, thể hiện phần nào sự mệt mỏi khi lời đe dọa “lửa và cơn giận” chống lại Triều Tiên đầu tháng 8 đã không thể khiến Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm tên lửa. Sau khi kế hoạch tấn công đảo Guam của Triều Tiên được hoãn lại, ông Trump từng nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un “cuối cùng thì cũng tôn trọng chúng ta”.
Theo ông, “Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên, trả khoản tiền viện trợ trong 25 năm liền. Nói chuyện không phải là câu trả lời!”
Dù vậy, các chuyên gia Triều Tiên đã chỉ ra rằng Mỹ đã không viện trợ gì cho Triều Tiên từ năm 2008 và cũng không có cuộc nói chuyện thực sự nào từ đầu năm 2012.
Trong khi đó, ông Kim Jong-un, lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng trong ngày 30/8 rằng sẽ có thêm nhiều thử nghiệm tên lửa đạn đạo sau thử nghiệm phóng tên lửa tầm trung ngày 29/8. Đây là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ông cho rằng đây là một “bước dạo đầu ý nghĩa” trước kế hoạch phóng những tên lửa tương tự đến đảo Guam của Mỹ.
Sự kiện phóng tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc chỉ trích. Trong ngày 30/8, các quan chức quân sự cấp cao đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có phiên họp tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva về những tiến bộ kĩ thuật của Triều Tiên.
Ông Robert Wood, đại diện từ Mỹ cho rằng: “Thời gian tranh cãi đã qua rồi; mối nguy hiểm đó đang hiện hữu; và giờ là lúc cần hành động phối hợp.”(VTC)