Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 21-04-2017
- Cập nhật : 21/04/2017
Đại sứ Mỹ cảnh báo Triều Tiên 'chớ cố gây chiến'
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cảnh báo Bình Nhưỡng đừng gây chiến với Washington, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi đang không gây chiến vì vậy đừng cố gây chiến với chúng tôi", bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hôm 19/4 nói. "Bóng đang ở sân của họ. Họ không nên thử và chơi vào lúc này".
Bà Haley đưa ra bình luận sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố Washington muốn hòa bình và liệu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn hòa bình đến đâu sẽ là yếu tố quyết định trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.
Ông Trump đang gây sức ép với Trung Quốc để giúp giải quyết tình hình liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo Washington sẽ tự giải quyết nếu các nước khác không giúp.
Mỹ đang điều một đội tàu sân bay tấn công tới tây Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên được cho là nhằm phô trương sức mạnh. Triều Tiên coi động thái là hành động xâm lược, đe dọa tấn công hạt nhân nếu bị Mỹ khiêu khích. Nước này cũng cảnh báo có thể dễ dàng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, nơi hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đóng quân.
Bất chấp những động thái căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, các nhà phân tích an ninh quốc tế cho rằng Washington rất khó có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng, bởi những hậu quả quá lớn mà hành động này để lại.(Vnexpress)
--------------------------------
Hàn Quốc lệnh quân đội sẵn sàng đánh trả Triều Tiên
Hãng tin Yonhap đưa tin, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đưa ra bình luận trên trong bối cảnh các lo ngại ngày càng tăng về việc Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân lần sáu hoặc phóng tên lửa liên lục địa nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên vào 25-4.
“Tôi kêu gọi quân đội theo dõi chặt chẽ khả năng Bình Nhưỡng khiêu khích và nâng cao tâm thế sẵn sàng đáp trả ngay lập tức” - ông Hwang Kyo-ahn phát biểu trong cuộc họp các bộ trưởng Nội các về các vấn đề quốc gia.
Nhắc tới vụ Triều Tiên phóng tên lửa thất bại sáng 16-4 cùng những tuyên bố mang tính đe dọa của Bình Nhưỡng, quyền tổng thống Hàn Quốc cho hay Triều Tiên có thể lại tiến hành các hành động khiêu khích “bất cứ lúc nào”.
Căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây với việc giới quan sát dự đoán Bình Nhưỡng sắp chuẩn bị thử hạt nhân và Mỹ phát đi những lời cảnh báo cứng rắn nhằm vào các hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Trong chuyến thăm Seoul đầu tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên đừng thách thức sự kiên quyết của Mỹ, lưu ý tới một loạt hành động quân sự mà Washington thực hiện gần đây ở Syria, Afghanistan.
Hôm 7-4, Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Shayrat của quân đội Syria với lý do trả đũa vụ tấn công hóa học ở tỉnh Idlib hôm 4-4 mà Washington cáo buộc Tổng thống Bashar al-Assad là thủ phạm. Tiếp đó, chưa đầy một tuần, Mỹ lại thả một quả siêu bom GBU-43/B MOAB được mệnh danh “mẹ của mọi loại bom” vào khu phức hợp đường hầm của quân khủng bố IS ở Afghanistan. Giới quan sát nhận định Mỹ thực hiện những hành động quân sự này nhằm “dằn mặt” Triều Tiên.(PLO)
---------------------------------
Triều Tiên có được tiền từ đâu?
Theo Fox News, mặc dù Triều Tiên hiện tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng cuộc diễu binh đồ sộ hôm 15-4 phần nào cho thấy nước này vẫn duy trì được nguồn thu nhập từ một số nguồn lực để cung cấp tài chính cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Vậy câu hỏi đặt ra là Triều Tiên có được tiền từ đâu? Theo Fox News, câu trả lời là: Rất nhiều nơi.
“Triều Tiên hiện duy trì một nền kinh tế cả ngầm và công khai. Đây chính là kênh tài chính mà nước này tận dụng” - Bruce Klingner, nghiên cứu viên cao cấp tại quỹ Heritage Foundation (Mỹ), nhận định.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Giải thích chi tiết về nhận định của mình, ông Klingner cho biết: “Nền kinh tế công khai của Triều Tiên phần lớn là bán các tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, nền kinh tế ngầm khó đánh giá hơn. Tuy nhiên, nó bao gồm buôn bán vũ khí, in giả đồng 100 USD, rửa tiền, sản xuất và buôn bán bất hợp pháp ma túy, thuốc lá, dược phẩm (gồm thuốc Viagra)…”.
Theo ông Klingner, danh sách dài thườn thượt các hoạt động ngầm trên còn bao gồm việc “xén bớt lương của các công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài”. Đồng thời, các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng “tham gia vào việc buôn bán phi pháp động vật hoang dã, sừng tê giác và ngà voi”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng được xem là nguồn cung cấp tài chính quan trọng hàng đầu của Triều Tiên. “Nếu không có Trung Quốc, Triều Tiên đã rơi vào tình trạng sụp đổ rồi!” - ông Nicholas Eberstadt, học giả tại Viện Kinh doanh Mỹ (AEI) đồng thời là một chuyên gia về Triều Tiên, nói.
“Trung Quốc là nhân tố chủ lực và lớn mạnh trong việc nhập khẩu và xuất khẩu sang Triều Tiên. Mặc dù Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Trung Quốc dĩ nhiên vẫn sẽ ủng hộ nước này” - ông Eberstadt nói.(PLO)
------------------------------------
Mỹ cần dè chừng uy lực lưới phòng không Triều Tiên
Tạp chí National Interest (Mỹ) chuyên về quan hệ quốc tế nhận định nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tấn công Triều Tiên, Washington có thể sẽ nhận ra rằng Bình Nhưỡng đích thực là một kẻ thù đáng gờm hơn nhiều người tưởng.
Bên cạnh vũ khí hạt nhân, Triều Tiên hiện sở hữu các hệ thống phòng không được đánh giá là khá tiên tiến. Hơn nữa, Bình Nhưỡng còn đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với bất kỳ cuộc không kích nào mà Mỹ có thể khởi động trong trường hợp xảy ra chiến tranh. CHDCND Triều Tiên hẵn đã không quên những bài học về chiến tranh Triều Tiên, mà về lý thuyết vẫn chưa chấm dứt, theo National Interest.
“Trong giai đoạn 1950-1953, Không quân và Hải quân Mỹ đã có các chiến dịch nhằm san phẳng Triều Tiên, do đó người dân Triều Tiên hẵn đã có 65 năm bàn luận về cách thức làm cách nào để điều đó không tái diễn, trong đó có việc đào hàng loạt nơi trú bom và đường hầm” – Thiếu tướng Mỹ về hưu Mike McDevitt, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), nhận định.
Triều Tiên được đánh giá là "khó chơi" nếu Mỹ quyết định không kích nước này. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Bên cạnh việc củng cố hạ tầng, Bình Nhưỡng cũng đầu tư cho các hệ thống phòng không tiên tiến. Trong khi đa số hệ thống phòng không mà Triều Tiên hiện sở hữu là các hệ thống của Liên Xô trước đây, nước này cũng sản xuất các vũ khí nội địa có uy lực đáng gờm.
“Họ sở hữu các tên lửa của Liên Xô gồm S-75, S-125, S-200 và Kyadrat” – Vasily Kashin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và châu Âu toàn diện thuộc Trường kinh tế Moscow, nói trên tạp chí National Interest. “Triều Tiên từng tự sản xuất các tên lửa S-75 và tiến hành nâng cấp chúng. Từ sau năm 2010, nước này cũng đã chế tạo được hệ thống tên lửa đất đối không nội địa mà Mỹ và Hàn Quốc thường hay gọi là KN-06” – ông Kashin nói.
Hiện không rõ Triều Tiên đã chế tạo được bao nhiêu tổ hợp KN-06 nhưng hệ thống này có năng lực ngang hàng với các biến thể đời đầu của S-300 do Nga chế tạo. “Không ai biết chính xác Triều Tiên hiện sở bao nhiêu hệ thống như vậy. KN-06 có thể quét radar và theo dõi bằng hệ thống dẫn đường tên lửa có thể tương đương các biến thể S-300P đời đầu, nhưng có tầm hoạt động lớn hơn” – chuyên gia Vasily Kashin cho biết.
Triều Tiên tiết lộ nhiều mẫu tên lửa tiên tiến trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cô Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15-4. Ảnh: CNN
Nhiều nguồn tin từ Hàn Quốc từng tiết lộ KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Loại vũ khí này được cho là có tầm hoạt động lên tới 150 km. Một trong những nguyên nhân mà hệ thống KN-06 bị phớt lờ là vì các nhà phân tích phương Tây thường hay đánh giá thấp năng lực của Triều Tiên, mặc dù các thông tin về loại vũ khí này đã được công bố.
“Nhìn chung, có một sự đánh giá thấp về khả năng của Triều Tiên trên toàn thế giới. Như những gì tôi được biết, họ đã sản xuất được nhiều công cụ máy tính hóa, robot công nghiệp, sợi cáp quang, chất bán dẫn cũng như các loại ô tô, đồ điện và nhiều thứ khác. Khả năng của Triều Tiên hiện có thể sánh ngang với Liên Xô của những năm 1970 và 1980, đó là còn chưa kể tới việc Bình Nhưỡng hợp tác bí mật với Iran” - ông Kashin nhấn mạnh.
Các hệ thống phòng không tầm thấp của Triều Tiên ngoài ra cũng khá uy lực mặc dù chúng đã lỗi thời. “Ở tầm thấp, Triều Tiên sở hữu nhiều hệ thống tên lửa phòng không vác vai và pháo phản lực 23 đến 57 li” – theo ông Kashin.
Trong khi đó, Triều Tiên cũng sở hữu một lực lương không quân lớn mặc dù binh chủng này có vẻ đã quá già cũ. Máy bay duy nhất mà Bình Nhưỡng có thể dùng để đe dọa không lực của Mỹ là phi đội Mikoyan MiG-29 Fulcrums. “Triều Tiên có thể đang sở hữu lên tới 40 chiếc MiG-29. Tôi không chắc liệu nhiều trong số những máy bay này hoạt động được hay không nhưng một số chiếc chắc chắn có thể. Việc huấn luyện phi công cũng ít hẵn vì chưa bao giờ qua con số 20 chuyến bay/giờ/năm”.
Ông Kashin công nhận rằng công nghệ của Triều Tiên hiện khá nguyên sơ nhưng nước này cũng đã bí mật nhận sự trợ giúp từ Iran. Cũng theo vị chuyên gia, các đơn vị phòng không của Triều Tiên thường sử dụng các nơi ẩn nấp dưới mặt đất để che chắn, khó mà bị các cuộc không kích phá hủy. Do đó, mặc dù công nghệ Triều Tiên không thể đem ra so với Mỹ nhưng nước này được đánh giá là một “người khó chơi”. Với khả năng tự chủ tự lực bấy lâu nay, Triều Tiên có thể tự sản xuất các phần cứng quân sự cho riêng nước này và nâng cấp chúng trở nên uy lực hơn.(PLO)