Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 20-04-2017

  • Cập nhật : 20/04/2017

Chuyên gia Mỹ: 'Sự cố nhỏ có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào xung đột'

Giới quan sát Mỹ đánh giá căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt, một sự cố nhỏ cũng có thể khiến nó bùng phát.

trieu tien tuyen bo se thu ten lua hang tuan. anh minh hoa: ap

Triều Tiên tuyên bố sẽ thử tên lửa hàng tuần. Ảnh minh họa: AP

Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Lee Sung Yoon, Đại học Tufts, Mỹ, nhắc đến sự kiện năm 1993, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton thực hiện cuộc khảo sát kéo dài nhiều tháng về việc có tấn công lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyo hay không. Washington xác định khả năng Bình Nhưỡng trả đũa và xảy ra chiến tranh là rất lớn, là cái giá quá cao đối với cả Mỹ và Hàn Quốc.

"Tình hình hiện nay cũng không khác", ông Lee đánh giá và "kiềm chế chắc chắn là khả năng lớn nhất" chính quyền Trump theo đuổi.

Nhưng Giáo sư Lee cảnh báo khả năng Mỹ và Triều Tiên có tính toán sai lầm vẫn có thể xảy ra, khi hai bên không ngần ngại công bố những phát ngôn hăm dọa và phô trương sức mạnh quân sự.

Sau khi tổ chức lễ duyệt binh quân sự lớn chưa từng có, Han Song-ryol, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc thử tên lửa trên cơ sở hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm nay tái cảnh báo Triều Tiên khi phát biểu trước 2.500 thủy thủ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Ông Pence nhấn mạnh "những bên muốn thử thách sự sẵn sàng hay quyết tâm của Mỹ nên biết Washington sẽ đánh bại mọi cuộc tấn công". 

"Quân đội Mỹ luôn tìm kiếm hòa bình nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, tấm khiên để phòng vệ còn thanh gươm luôn sẵn sàng", ông tuyên bố.

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ đến gần bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng này.

Bày tỏ đồng tình với Giáo sư Lee, Tiến sĩ Robert Litwak, Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, Mỹ, nhận định nguy cơ lớn nhất đối với xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ xuất hiện từ sự tính toán sai.

"Một sự cố nhỏ hay có hiểu lầm nào đó cũng có thể dễ dàng leo thang thành xung đột lớn hơn", ông Litwak cảnh báo.

Mặc dù vậy, ông Lee lưu ý trên thực tế, bán đảo Triều Tiên vẫn duy trì được hòa bình suốt từ sau Chiến tranh hồi năm 1953, bất chấp vô số các cuộc tấn công có giới hạn của Triều Tiên. Điều đó gợi ý là những cái đầu lạnh sẽ thắng thế và nguy cơ chiến tranh có thể được đẩy lui.

Dự báo về phản ứng của Trung Quốc nếu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang thành xung đột quân sự, Giáo sư Lee tin rằng Bắc Kinh sẽ không "động thủ". Nguyên nhân là những động cơ của Trung Quốc từng theo đuổi trong Chiến tranh Triều Tiên hồi năm 1953 không còn tồn tại. Theo ông Lee, hiện nay Trung Quốc trở nên bớt chú trọng đến ý thức hệ hơn, trở nên giàu có hơn.

Chuyên gia này lưu ý thêm rằng Bắc Kinh hiện có mối quan hệ phức tạp và có lợi đôi bên với Washington, trong khi hai nước thời 1950 còn không có liên lạc trực tiếp.

Tiến sĩ Litwak đánh giá nếu xảy ra xung đột, tình hình nội bộ Triều Tiên sẽ hỗn loạn và gây nên làn sóng di cư sang Trung Quốc. 

"Có thể hiểu rằng Trung Quốc sẽ mất quá nhiều trong cuộc chiến chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Khả năng Triều Tiên sụp đổ và hình thành một Hàn Quốc thống nhất không phải là nguy cơ thực sự trong dài hạn", ông Lee nói.(Vnexpress)
---------------------------------------

Nước cờ Trump có thể hóa giải vấn đề Triều Tiên

 

Một thỏa thuận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể là cách để Tổng thống Mỹ Donald Trump xoa dịu tình hình song nó cũng đi kèm không ít điều kiện khó khăn.

 

tong thong my donald trump. anh: afp

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

 

Mỹ ngày 7/4 phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Syria, động thái được cho là vừa nhằm răn đe chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa gửi thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng đe dọa đáp trả tàn nhẫn nếu Washington tấn công.

Mỹ trong lúc đó điều cụm tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên, dường như nhằm thị uy sức mạnh. Phản ứng lại, Triều Tiên thông báo sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 khi nào thấy phù hợp. Những màn đấu khẩu gay gắt giữa đôi bên khiến ta rơi vào cảm giác rằng bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực chiến tranh, theo BBC.

Trên khắp thế giới, báo chí thi nhau kêu gào về một viễn cảnh đối đầu "nguy hiểm" giữa Mỹ và Triều Tiên, song ở ngay nơi tâm chấn, cuộc sống vẫn hoàn toàn bình thường, yên ả, không hề xuất hiện dấu hiệu của sự hoảng sợ, lo âu. Triều Tiên vẫn hân hoan kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành bằng màn duyệt binh lớn nhất lịch sử. Ở bên kia vĩ tuyến 38, thanh niên Hàn Quốc vẫn thản nhiên ăn Jajangmyeon, món mỳ rưới sốt tương đỗ đen, kỷ niệm cuộc sống độc thân trong Ngày Đen 14/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẵn sàng "giải quyết Triều Tiên" song câu hỏi đặt ra là ông chủ Nhà Trắng hiện tại nắm trong tay những quân cờ gì để có thể xử lý tận gốc vấn đề?

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng áp dụng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đối với Triều Tiên, thể hiện qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng hay thuyết phục những bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, làm điều tương tự.

Hôm 17/4, khi tới thăm khu quân quân sự (DMZ) nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã qua". Tuy nhiên, giới phân tích hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ thực sự chấm dứt "kiên nhẫn chiến lược" hay vẫn tiếp tục theo đuổi nó nhưng dưới một cái tên khác.

Theo cây bút Stephen Evans từ BBC, ông Trump có thể phát lệnh tấn công các căn cứ hạt nhân Triều Tiên, song cơ hội xảy ra khả năng này không cao. Một số tổng thống Mỹ trước đây từng xem xét những phương án tương tự nhưng sau đó, chúng đều bị gạt bỏ vì lo sợ hành động đáp trả từ Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1994 cân nhắc triển khai tấn công cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Mỹ lúc bấy giờ có thông tin cho hay Triều Tiên chuẩn bị di chuyển các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, tới một trung tâm xử lý (bước đầu tiên trong quá trình sản xuất bom nguyên tử).

Mỹ đã lên kế hoạch tấn công bằng chiến đấu cơ và tên lửa hành trình nhưng cuối cùng, mệnh lệnh không được đưa ra bởi ông William Perry, bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Mỹ Clinton, quan ngại Triều Tiên sẽ trả đũa Hàn Quốc.

Dù vậy, kế hoạch trên vẫn khiến người Triều Tiên cảm thấy ái ngại. Từ đây, một bản thỏa thuận quan trọng ra đời. Mỹ đồng ý cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên phải đóng băng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận trên sụp đổ vào năm 2002 do Bình Nhưỡng vi phạm các điều khoản.

Kịch bản Mỹ ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khó có cơ hội xảy ra bởi khả năng thành công không được đảm bảo. Mặt khác, cũng như phương án tấn công căn cứ hạt nhân Triều Tiên, lựa chọn này tiềm ẩn nguy cơ Bình Nhưỡng đáp trả tàn nhẫn đối với Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ, bình luận viên Evans nhận xét.

Cụm tàu sân bay Carl Vinson tiến về hướng bán đảo Triều Tiên

Thay vào đó, theo giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei, Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Trump nên quay trở lại trung thành thông điệp mà ông từng phát đi trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng: Đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên.

"Mỹ nên nhanh chóng đàm phán một hiệp định song phương với Triều Tiên nhằm đóng băng chương trình tên lửa và hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong-un", Delury nói.

Nhưng với kịch bản giáo sư Delury đề xuất, Mỹ nhiều khả năng sẽ phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để giúp Triều Tiên cải thiện nền kinh tế. Ngoài ra, Washington cần bằng cách này hay cách khác đảm bảo tránh đi lại vết xe đổ Bình Nhưỡng đơn phương phá vỡ thỏa thuận. Quan trọng hơn cả, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ông Delury nhấn mạnh.(Vnexpress)
--------------------------------------------

Hạ nhiệt Triều Tiên - nhiệm vụ mệt mỏi của đặc sứ Trung Quốc

Trung Quốc có một đặc phái viên cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhưng những nỗ lực của ông này chưa có hiệu quả.

Những chuyến công cán và nỗ lực của Vũ Đại Vĩ, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên, cho thấy rõ sự mệt mỏi ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong nỗ lực môi giới một giải pháp cho các căng thẳng đang gia tăng giữa Triều Tiên và Mỹ, theo Reuters.

Vũ Đại Vĩ, 70 tuổi, đã dành 5 ngày ở Seoul vào tuần trước. Ông đã gặp các ứng viên tổng thống Hàn Quốc và trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, một phần nhằm làm giảm căng thẳng khi cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ được lệnh đến khu vực ngay trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào tuần này.

Tuy nhiên, ông Vũ không xác nhận kế hoạch thăm Triều Tiên. Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc nói rằng: "Tôi hiểu phía Trung Quốc đang yêu cầu thăm Bình Nhưỡng nhưng Triều Tiên không phản hồi".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 17/4 rằng ông không có thông tin nào để chia sẻ về bất kỳ chuyến viếng thăm nào như vậy. Ông Khảng cho biết thêm: "Trung Quốc và Triều Tiên vẫn duy trì truyền thống giao thiệp hữu nghị".

Lần cuối ông Vũ thăm Bình Nhưỡng là đầu tháng 2/2016, khi ông được giao nhiệm vụ kiềm chế Triều Tiên sau khi nước này thông báo kế hoạch phóng một vệ tinh vào quỹ đạo bằng tên lửa tầm xa. Hai ngày sau khi ông Vũ trở về Bắc Kinh, Triều Tiên đã phóng vệ tinh nhưng nhiều người coi đây là vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình. Động thái này làm dâng cao căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc đã cho thấy nước này ngày càng sẵn sàng thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Từ ngày 26/2, Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên vì nước này ngày càng mất kiên nhẫn với các động thái phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, bao gồm vụ phóng thử tên lửa thất bại vào sáng 16/4.Tuy nhiên, về mặt chính thức, Trung Quốc vẫn xem đối thoại là lựa chọn ưu tiên nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điều này đã đặt ông Vũ vào công việc khó khăn, đó là cố thuyết phục Triều Tiên cũng như các nước láng giềng và đối thủ quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

ong vu dai vi (giua), dac phai vien trung quoc ve van de ban dao trieu tien den gap ngoai truong han quoc yun byung-se o seoul, han quoc ngay 10/4. anh: reuters

Ông Vũ Đại Vĩ (giữa), đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên đến gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ ngày càng xa cách

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bình Nhưỡng phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về nguồn cung lương thực và nhiên liệu, đồng thời phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đều đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tập vẫn chưa gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2012. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên xa cách hơn sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu tăng tốc phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo của Triều Tiên.

Trong hơn một thập kỷ, ông Vũ đã cầm trịch các nỗ lực mà phần lớn không có kết quả nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua cuộc đàm phán 6 bên giữa Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật và Nga. Cuộc đàm phán 6 bên bị ngưng lại kể từ khi vòng thương lượng cuối cùng sụp đổ vào năm 2008, sau một vụ phóng thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng.

Là một nhà ngoại giao và là chuyên gia nghiên cứu Nhật, ông Vũ có thể nói một ít tiếng Hàn Quốc nhưng không biết tiếng Anh.

Ông Vũ có nhiều người bạn ở Hàn Quốc và xây dựng được danh tiếng như là nhà ngoại giao "đáng tin cậy", theo một nhà ngoại giao ở châu Á.

Đàm phán 6 bên gây được chú ý ngay sau khi ông Vũ đảm nhận nhiệm vụ và các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 9/2005 về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, thỏa thuận đó nhanh chóng sụp đổ vì Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006 và rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2009. Kể từ đó, Trung Quốc là nước kêu gọi nối lại đàm phán mạnh mẽ nhất.

Hòa bình thông qua đối thoại

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong phát sóng hôm 14/4, ông Vũ truyền tải lập trường của Trung Quốc là Washington và Bình Nhưỡng nên nhất trí cùng dừng các vụ thử hạt nhân và các cuộc tập trận, xem đây như là nền tảng để quay trở lại đàm phán, một lập trường bị Mỹ lẫn đồng minh Hàn Quốc phản đối.

Ông Vũ không đề cập đến các lệnh trừng phạt Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn nhưng tái khẳng định sự cam kết của Trung Quốc với giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, giống như quan điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm vào tuần trước.

"Nếu kiểu hành xử ăn miếng trả miếng và phô diễn sức mạnh của Triều Tiên và Mỹ - Hàn không tạo ra thay đổi cơ bản, chẳng sớm thì muộn sẽ có điều gì đó sai lầm xảy ra trên bán đảo Triều Tiên", ông Vũ nói.

Một quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhắc lại về vòng đàm phán 6 bên và nói rằng dù thỉnh thoảng ông Vũ quá quyết liệt, "ông ấy là người chúng tôi cần vào thời điểm đó để duy trì đàm phán".

"Đôi khi ông ấy tranh luận với trưởng đoàn đàm phán các nước khác để giữ họ tiếp tục bám theo kế hoạch nhưng đôi khi ông ấy phớt lờ họ hoặc cảnh báo về hậu quả nếu đàm phán sụp đổ", quan chức ngoại giao Hàn Quốc nói.

Tuy nhiên, theo một điện tín ngoại giao của Mỹ vào năm 2010 được Wikileaks tiết lộ, cựu trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Chun Yung-woo lại có đánh giá ít kiêng dè hơn, gọi ông Vũ là "quan chức kém năng lực nhất" của Trung Quốc vì "không biết tiếng Anh và quá quán triệt đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc". (Vnexpress)

 

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục