Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 18-08-2017:
- Cập nhật : 18/08/2017
Ukraine tìm ra “dấu vết Nga” trong vụ bán công nghệ tên lửa cho Triều Tiên
Sau khi tờ The New York Times đăng tải các thông tin nghi ngờ Ukraine bán chui công nghệ tên lửa cho Triều Tiên, giới chức Ukraine đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau đạo diễn vụ việc này.
Nga đứng sau cáo buộc Ukraine bán công nghệ tên lửa cho Triều Tiên?
Theo hãng thông tấn Ria Novosti của Nga, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/8 tại Kiev, quyền Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Ukraine (GKA) Yuri Radchenko cho biết, vụ việc The New York Times đăng tải thông tin nghi ngờ Ukraine bán chui công nghệ tên lửa cho Triều Tiên là do có bàn tay can thiệp của Nga.
“Tôi cho rằng có rất nhiều khả năng các “bạn Nga” của chúng tôi đã đạo diễn vụ The New York Times cáo buộc Ukraine bán chui công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Nguyên nhân là do Nga mong muốn hạ thấp uy tín của Ukraine vì Ukraine mới công bố các dự án vũ trụ đầy tham vọng “- ông Yuri Radchenko nói với báo giới, đồng thời khẳng định rằng GKA sẽ không kiện The New York Times vì Mỹ là “đối tác chiến lược của Ukraine trong các chương trình vũ trụ”.
Theo ông Radchenko, uy tín của Ukraine sau sự vụ này sẽ không bị sụt giảm vì các đối tác quốc tế vẫn tin vào khả năng công nghệ của Ukraine.
Trước đó, tờ The New York Times, dựa vào các nguồn thông tin mật từ các cơ quan mật vụ Mỹ và nghiên cứu của các chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược Quốc tế (IISS) Michael Ellman, đã cho đăng tải thông tin nghi ngờ rằng nhà máy “Yuzmash” của Ukraine đã bán chui các động cơ tên lửa đạn đạo cho Triều Tiên.
Ngay sau đó, đại diện chính thức của Ukraine tuyên bố rằng, bài báo của The New York Times là không có cơ sở, còn IISS khẳng định rằng chuyên gia Ellman không nói về việc “Yuzmash” bán công nghệ cho Bình Nhưỡng.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov gọi bài báo trên là hành động khiêu khích của các cơ quan mật vụ Nga. Giám đốc Yuzmash - Aleksandr Degtiarev thì cho rằng nước nào đó đã kịp sao chép lại động cơ tên lửa của Ukraine để bán cho Triều Tiên. Ông Degtiarev cũng đưa ra dẫn chứng về việc năm 2012, Ukraine đã bắt giữ 2 công dân Triều Tiên vì nghi ngờ hoạt động tình báo ở “Yuzmash”.
Reuters khẳng định Triều Tiên đủ sức tự sản xuất động cơ tên lửa
Trong bối cảnh vụ việc trên vẫn chưa được sáng tỏ, hãng thông tấn Reuters đã cho đăng tải nhận định về việc Triều Tiên hoàn toàn có đủ khả năng để tự sản xuất động cơ tên lửa mà không cần đến các sản phẩm nhập khẩu. Reuters cũng khẳng định đây là các thông tin do cộng đồng tình báo Mỹ cung cấp.
“Chúng tôi có các thông tin để nhận định rằng: Triều Tiên không phụ thuộc vào việc nhập khẩu động cơ. Washington đang nhận định rằng Bình Nhưỡng có thể tự mình nắm được các công nghệ này”- nguồn tin cung cấp thông tin cho Reuters khẳng định.(Infonet)
--------------------------
Vì sao khủng hoảng Triều Tiên hạ nhiệt đột ngột?
Tuần trước, khi căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ nóng tột độ và khiến không ít người lo lắng, thì hiện khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên lại nguội bất ngờ.
Triều Tiên không còn là tin được đăng trên trang bìa các báo, dù cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về an ninh quốc gia Sebastian Gorka từng tuyên bố, khủng hoảng hạt nhân liên quan tới Triều Tiên cũng tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Ảnh: KCNA
Hôm 15/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp báo song không ai nghĩ tới chuyện đặt ra các câu hỏi liên quan tới Triều Tiên, kể từ khi nó dường như không đặc biệt quan trọng nữa.
Theo các chuyên gia, khủng hoảng Triều Tiên bất ngờ nguội đi một phần là do Tổng thống Mỹ tập trung vào sự việc xảy ra ở Charlottesville và việc này thực sự là một diễn biến tích cực đối với sự ổn định của quốc tế.
Ngoài ra, cùng thời điểm, Triều Tiên cũng tuyên bố hủy kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa.
"Giới truyền thông và Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua đã xao lãng, giúp cho tình hình Triều Tiên có chút dễ thở", Jenny Town, Trợ lý giám đốc Viện Mỹ-Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins nói.
Trang mạng MSNBC nhận xét, quan trọng là cần hiểu rõ điều gì khiến tình hình liên quan tới Triều Tiên nóng bỏng. Việc Triều Tiên hăm dọa không có gì mới, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dọa tấn công Guam cũng không mới.
Ngoài ra, tin tình báo rằng Triều Tiến đạt tiến bộ về năng lực hạt nhân cũng không hoàn toàn mới. Có chăng, đó là Tổng thống Trump thay đổi thái độ và đả kích Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ càng đưa ra những cụm từ như "lửa và cuồng nộ" thì khủng hoảng càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, khi Tổng thống ngừng nói tới chuyện tấn công Triều Tiên thì bầu không khí căng thẳng dường như đã nguội đi.
Sáng 17/8, Tổng thống Donald Trump còn viết trên Twitter, khen lãnh đạo Triều Tiên: "Ông Kim Jong Un của Triều Tiên đã có một quyết định rất khôn ngoan và hợp lý. Sự thay thế sẽ rất thảm khốc và không thể chấp nhận được!".(Vietnamnet)
-------------------------------
'Giải pháp quân sự ở Triều Tiên là quá khủng khiếp để nghĩ đến'
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng LHQ đã gửi thông điệp rõ ràng về các nghĩa vụ an ninh, hòa bình mà Triều Tiên nên thực hiện và giải pháp quân sự là quá khủng khiếp để nghĩ đến.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 16/8 cho rằng Triều Tiên nên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế và tham gia vào một cuộc đối thoại đáng tin cậy và có ý nghĩa nhằm làm giảm căng thẳng.
Trả lời phóng viên từ trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, ông Guterres nói: “Hội đồng Bảo An đã thống thất thực hiện Nghị quyết 2371 và nghị quyết này gửi thông điệp rõ ràng về các nghĩa vụ an ninh, hòa bình của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Tổng thư ký thúc giục tất cả các bên liên quan thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan của mình. “Tất cả các bên liên quan nên hiểu việc thực hiện Nghị quyết 2371 như đã thống nhất là một cơ hội gắn kết ngoại giao và làm mới đối thoại để giải quyết khủng hoảng", ông Guterres nhấn mạnh.
“Tôi hoan ngênh sự tham gia quan trọng của các nước thành viên và kêu gọi Triều Tiên tham gia vào một cuộc đối thoại đáng tin cậy và có ý nghĩa”, Tổng thư ký LHQ nói.
Theo ông, có nhiều cách để tổ chức cuộc đối thoại này, bao gồm nhiều hình thức song phương hoặc đàm phán 6 bên.
Tổng thư ký LHQ cũng tiết lộ đã chuyển thông điệp này cho các đại diện của đàm phán 6 bên. Ngoài ra, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi thông điệp rõ ràng, mạch lạc cho nhà lãnh đạo Triều Tiên: “Tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế, hướng tới mở lại các kênh giao tiếp và hỗ trợ các giảm leo thang căng thẳng".
“Giải pháp cho khủng hoảng này phải là con đường chính trị”, ông nhấn mạnh và nói hậu quả của biện pháp quân sự quá khủng khiếp để nghĩ đến.(VTC)