Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 17-08-2017:

  • Cập nhật : 17/08/2017

Giải mã bước tiến của tên lửa Triều Tiên

Triều Tiên được cho là phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa trong thời gian ngắn nhờ vào bản thiết kế và nguyên mẫu động cơ từ Ukraine.

nha lanh dao kim jong-un dang xem xet ke hoach phong ten lua roi gan dao guam anh: reuters/kcna

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang xem xét kế hoạch phóng tên lửa rơi gần đảo Guam ẢNH: REUTERS/KCNA

Trong khi Mỹ và các nước đồng minh đẩy mạnh cấm vận và gây áp lực nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến nhảy vọt với vụ phóng thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12 vào tháng 5 và 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 vào tháng 7. Trước đó, đa số tên lửa của Triều Tiên phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un buộc phải tuyên bố dừng thử nghiệm loại tên lửa Musudan, được cho là dễ bị Mỹ tấn công mạng phá hoại.

Sự tiến bộ bất thường trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên đang làm đau đầu giới quan sát vốn cho rằng Bình Nhưỡng không thể phóng thành công ICBM trước năm 2020. Nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) lần đầu tiên tiết lộ nhiều khả năng nước này đã âm thầm có được thiết kế động cơ tên lửa của Hãng sản xuất tên lửa Yuzhmash ở Ukraine, từng cho ra lò nhiều tên lửa nổi tiếng của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh như tên lửa SS-18. Thậm chí, Hãng tên lửa Energomash của Nga có liên hệ với Yuzhmash cũng bị nghi giúp chuyển giao động cơ tên lửa RD-250 cùng công nghệ cho Triều Tiên.

Theo ông Michael Elleman, chuyên gia IISS từng có 6 năm làm việc trong chương trình giải trừ tên lửa tầm xa ở Nga, Triều Tiên đã thay đổi thiết kế tên lửa trong vòng 2 năm qua. Hình ảnh ông Kim Jong-un thị sát động cơ tên lửa cho thấy nó có thể được sao chép từ nguyên mẫu của Liên Xô với khả năng đưa 10 đầu đạn nhiệt hạch bay xuyên lục địa cùng lúc. “Dường như các động cơ này có được một cách bất hợp pháp từ Ukraine. Vấn đề là họ có được bao nhiêu và người Ukraine có giúp họ không”, ông Elleman nêu lo ngại. Nhiều chuyên gia cũng nhận định Triều Tiên thử động cơ tên lửa mới vào tháng 9.2016 và chỉ mất 10 tháng để phóng thành công ICBM là một giai đoạn quá nhanh, trừ phi nước này có được thiết kế, nguyên mẫu và chuyên gia từ nước ngoài.

Thị trường chợ đen

Trước nghi vấn, Thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 14.8 đã bác bỏ thông tin nước này có liên quan và cho rằng đây là “tác phẩm” của tình báo Nga. CNN dẫn tuyên bố của văn phòng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng đây là nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng cho Kiev. Trong khi đó, người phát ngôn của Hãng Yuzhmash cũng bác bỏ cáo buộc.

Tuy nhiên, ông Elleman cho rằng có thể Triều Tiên có được công nghệ động cơ tên lửa từ Ukraine thông qua thị trường chợ đen, đồng thời ám chỉ đến tình trạng kinh tế khó khăn của hãng cùng những nhân viên không có điều kiện thể hiện hết năng lực. “Các băng nhóm tội phạm ở Ukraine có thể đã liên hệ với một số nhân viên nhà máy để lấy đi một số động cơ tên lửa không dùng đến”, ông nói.

Theo tờ The New York Times, Yuzhmash từng là một trong những hãng sản xuất tên lửa chính cho Nga kể cả sau khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1992. Tuy nhiên, hãng đã lâm vào tình trạng khó khăn sau khi tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014. Sau khi Nga hủy hợp đồng nâng cấp tàu hạt nhân, nhà máy đã lâm vào tình trạng nợ nần và hoạt động cầm chừng. Một báo cáo năm 2014 của Tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ) từng cảnh báo tình trạng khó khăn này có thể khiến các chuyên gia hạt nhân và tên lửa Ukraine mất việc và làm lộ thông tin mật.

Giới tình báo Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên lợi dụng thị trường chợ đen để có được công nghệ tên lửa và tuyển dụng chuyên gia. Năm 1992, Moscow từng chặn một đoàn chuyên gia tên lửa Nga đến Bình Nhưỡng. Một báo cáo của LHQ cho thấy 2 người Triều Tiên từng bị bắt vào năm 2011 vì tìm cách trộm thông tin mật về tên lửa của Yuzhmash.(Thanhnien)
---------------------------

Trung Quốc sẽ nhân nhượng Mỹ vấn đề Triều Tiên?

 Trung Quốc, Triều Tiên không muốn Mỹ tăng hiện diện Đông Á. Triều Tiên đe dọa Mỹ với việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gây hậu quả ngược lại.

Diễn biến Tổng thống Donald Trump quyết định điều tra thương mại Trung Quốc mới đây là một bước nữa trong chuỗi thắng thế của Mỹ trước Trung Quốc về khủng hoảng Triều Tiên.

Chưa đầy một tuần trước, nguy cơ xung đột ở Đông Á gần như đã hiện hữu khi căng thẳng Triều Tiên lên quá cao. Tuy nhiên, vài ngày gần đây đã khác.

Hàng loạt tuyên bố hòa giải từ Trung Quốc cuối tuần rồi đã làm dịu phần nào căng thẳng. Cụ thể hơn, ngày 14-8, Trung Quốc thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, quặng chì và nhiều mặt hàng khác từ Triều Tiên từ ngày 5-9 tới, theo lệnh trừng phạt của LHQ.

Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ điều tra thương mại Trung Quốc. Ảnh: AP
Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ điều tra thương mại Trung Quốc. Ảnh: AP

Chưa hết, trước đó tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 11-8 nói thẳng nếu Triều Tiên tấn công Mỹ, Trung Quốc sẽ giữ thế trung lập. Có thể hiểu là Triều Tiên sẽ phải tự thân vận động nếu xảy ra xung đột với Mỹ. Những điều này được xem là một thắng lợi dành cho ông Trump.

Trong một bài viết chung trên Wall Street Journal ngày 14-8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng khẳng định chính phủ Trump không tìm kiếm thay đổi thể chế Triều Tiên, muốn giải quyết bất đồng bằng giải pháp ngoại giao.

Mỹ không mất mát gì khi các đe dọa của ông Trump được thay thế bằng các tuyên bố hòa giải và hợp lý hơn từ hai cấp phó Mattis và Tillerson. Nhưng có vẻ các đe dọa của ông Trump đã tác động được đến Trung Quốc, khiến Trung Quốc cuối cùng phải chọn mạnh tay kiềm chế Triều Tiên bằng cách tuyên bố ngưng nhập khẩu hàng từ Triều Tiên.

Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không muốn Mỹ tăng hiện diện ở Đông Á. Nhưng việc Triều Tiên đe dọa Mỹ và đồng minh với các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã gây hậu quả ngược lại. Mỹ tăng sức mạnh phòng thủ ở bán đảo Triều Tiên, tăng số lượng máy bay ném bom tới khu vực. Trung Quốc nhận thức được điều này và có thể nói các đe dọa của ông Trump đã mang lại nhiều hơn mong đợi.

Mỹ triển khai hai máy bay ném bom B-1B Lancers từ đảo Guam đến bán đảo Triều Tiên tuần rồi để phô diễn sức mạnh. Ảnh: US AIR FORCE
Mỹ triển khai hai máy bay ném bom B-1B Lancers từ đảo Guam đến bán đảo Triều Tiên tuần rồi để phô diễn sức mạnh. Ảnh: US AIR FORCE

Đáng chú ý ông Trump quyết định điều tra thương mại Trung Quốc cùng ngày Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu từ Triều Tiên. Trong khi mới tuần trước ông Trump còn nói sẵn sàng bỏ qua vi phạm thương mại Trung Quốc nếu nước này nỗ lực hơn về Triều Tiên.

Trước giờ ông Trump không ít lần trước sau bất nhất nhưng lần này đã mang lại thắng thế cho Mỹ, theo trang tin Kvoa (Mỹ).(PLO)
-----------------------------

Ukraine tố Nga chuyển động cơ tên lửa cho Triều Tiên

Quyền Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ quốc gia Ukraine (USSA) Yury Radchenko hôm 15-8 cáo buộc Nga chuyển động cơ dùng trong các tên lửa Tsyklon-2 và Tsyklon-3 cho Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev, ông Radchenko phủ nhận thông tin do tờ báo The New York Times đã đưa, trong đó nói rằng Triều Tiên có thể đã mua động cơ tên lửa (hầu hết đều do Ukraine sản xuất) trên thị trường chợ đen.

Thay vào đó, ông Radchenko cho rằng với mối quan hệ thân thiện giữa Nga và Triều Tiên, Moscow có khả năng đã tháo động cơ từ các tên lửa Tsyklon-2 và Tsyklon-3 để chuyển cho Bình Nhưỡng. "Triều Tiên chỉ mất vỏn vẹn 2 năm để tung ra tên lửa hoàn chỉnh. Khoảng thời gian đó rất ngắn để có thể đạt được những tiến bộ về công nghệ" – quyền Chủ tịch USSA lập luận.

Cũng theo ông Radchenko, Ukraine đã sản xuất động cơ tên lửa trước năm 2001. Tất cả đều được chế tạo dành cho các tên lửa Tsyklon-2 và Tsyklon-3 chuyển cho phía Nga

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Radchenko cho biết Moscow đã sử dụng 7-20 quả Tsyklon-2 và Tsyklon-3. Vì vậy, không loại trừ khả năng Nga tháo động cơ tên lửa để cung cấp cho Triều Tiên.

chuong trinh ten lua trieu tien da co nhung tien bo than toc. anh: reuters

Chương trình tên lửa Triều Tiên đã có những tiến bộ thần tốc. Ảnh: REUTERS

 

Trước đó, hôm 14-8, The New York Times đưa tin sự thành công của chương trình tên lửa Triều Tiên đến từ việc Bình Nhưỡng mua động cơ tên lửa trên thị trường chợ đen, hầu hết đều do một nhà máy của Ukraine sản xuất.

Thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine Oleksandr Turchynov lập tức bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh các công ty quốc phòng nước này không cung cấp động cơ và công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Nhà máy Yuzhmash cũng khẳng định họ không dính dáng tới chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, USSA cho biết Ukraine tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế về việc hạn chế sự gia tăng của công nghệ tên lửa quân sự nên không có chuyện cung cấp động cơ và công nghệ tên lửa cho Bình Nhưỡng.(NLĐ)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục