Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 16-08-2017:
- Cập nhật : 16/08/2017
Triều Tiên tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân ngay bây giờ, chuyện thật hay đùa?
Hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng trước của Bình Nhưỡng khiến giới chuyên gia thế giới rơi vào vòng tranh luận liệu việc Triều Tiên có khả năng tấn công hạt nhân Mỹ ngay bây giờ là chuyện thật hay đùa.
Liệu Triều Tiên hiện thực sự có khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân?
Trong khi một số cơ quan tình báo và nhà phân tích tin rằng Triều Tiên đã sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên trên các ICBM và thực hiện tấn công lãnh thổ Mỹ, thì một số người lại cho rằng Bình Nhưỡng vẫn cần thời gian để hoàn thiện đầy đủ những công nghệ liên quan tới việc triển khai ICBM.
Tạp chí The Diplomat từng đưa tin theo bản báo cáo của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong vụ phóng ICBM hôm 28/7, Triều Tiên đã thất bại khi chứng minh khả năng phương tiện tái nhập khí quyển (RV) có thể sống sót khi bay vào khí quyển Trái đất.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc nhận định, Triều Tiên đã phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên trên RV của tên lửa.
Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện RV cho ICBM. Theo Hàn Quốc, công nghệ phát triển tên lửa mà Bình Nhưỡng hiện đang nắm trong tay tương đương với vụ phóng R-7, ICBM đầu tiên của thế giới do Liên Xô cũ chế tạo và phóng thử vào ngày 21/8/1958. Trong khi R-7 giúp Liên Xô cũ chứng minh khả năng phát triển công nghệ tên lửa tiên tiến nhưng R-7 lại chưa có RV phát triển đầy đủ để có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
"Cả Mỹ và Hàn Quốc đều không tin Triều Tiên đã hoàn thiện công nghệ RV. Chúng tôi cho rằng hiện Triều Tiên chưa sở hữu công nghệ này nhưng thực tế, họ sắp có được. Chúng tôi không thể đưa ra thời gian chính xác nhưng ít nhất là từ 1 – 2 năm nữa", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk chia sẻ trên kênh truyền hình KBS.
Trong khi đó, giới phân tích Mỹ lại có nhiều luồng đánh giá trái chiều. Một số người cho rằng, Triều Tiên đã sẵn sàng tấn công Mỹ bằng ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân thì những người khác lại không tin như vậy. Nhưng tất cả đều phải công nhận Triều Tiên đang nghiên cứu công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên ICBM và nhanh chóng đạt được những thành tựu lớn.
Trong số những chuyên gia tin Triều Tiên đã sở hữu năng lực tấn công Mỹ bằng ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân có ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt khu vực Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey.
"Theo tôi, không có lý do gì để nghi ngờ Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", ông Lewis chia sẻ với tạp chí National Interest.
Chuyên gia kiểm soát vũ khí Joseph Cirincione cho rằng Triều Tiên đang gần hoàn thiện khả năng sử dụng ICBM. Và Bình Nhưỡng có thể gấp rút hoàn thiện kỹ năng này trong trường hợp khẩn cấp.
"Liệu Triều Tiên có thực sự có khả năng tấn công Mỹ? Tôi tin họ chưa đủ tự tin trong việc sử dụng ICBM nhưng họ vô cùng tự tin khi sử dụng các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Đây chính là lực lượng tên lửa sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân để tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản", ông Cirincione nói.
"Tôi tin Triều Tiên sẽ cần vài năm nữa để hoàn thiện hoạt động của ICBM bao gồm khả năng định hướng, RV và độ tin cậy, nhưng quá trình này sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Trong lúc cấp thiết, Triều Tiên có thể hoàn thiện ICBM ngay trong tháng tới và tuyên bố đưa ICBM vào sử dụng. Liệu ICBM này có hoạt động được hay không? Câu trả lời là không ai có thể chắc chắn", ông Cirincione nói thêm.
Giám đốc Chính sách giảm thiểu các mối đe dọa và giải trừ vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, ông Kingston Reif chia sẻ với National Interest rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã làm chủ toàn bộ công nghệ liên quan tới khả năng hoạt động đáng tin cậy trong các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.
"Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử ICBM và sẽ còn tiến hành thêm một số vụ phóng khác để chứng minh độ tin cậy cũng như khả năng hoạt động của tên lửa. Những báo cáo gần đây từ cộng đồng tình báo Mỹ cũng tin rằng, Triều Tiên đã thành công phát triển loại đầu đạn hạng nhẹ để tích hợp lên trên ICBM. Ngay cả khi Triều Tiên chưa sở hữu những công nghệ liên quan tới việc triển khai ICBM thì với những vụ phóng thử gần đây cùng quá trình phát triển nhanh chóng, Bình Nhưỡng cũng sẽ sớm làm chủ công nghệ", ông Reif nhận định.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã nhiều lần khẩu chiến trong tuần qua liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Việc Triều Tiên sắp sở hữu công nghệ triển khai ICBM đồng nghĩa với việc Mỹ có lý do phải lo lắng, nhưng không có nghĩa là Mỹ cần tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.
"Tốc độ phát triển tên lửa nhanh chóng của Triều Tiên càng khiến việc tạo ra sức ép kinh tế với quốc gia này trở nên cấp thiết hơn kết hợp với chiến lược ngoại giao nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước cũng như đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Không may là chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại chưa có một chiến lược nhất quán. Chính quyền Mỹ cần phải thay đổi một cách nhanh chóng", ông Reif nói thêm.
Còn theo ông Cirincione, một khi Triều Tiên sở hữu năng lực triển khai ICBM, vũ khí này sẽ được Bình Nhưỡng sử dụng cùng nhiều biện pháp khác nhằm làm rối loạn hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Mỹ đang sử dụng.
"Bản báo cáo tình báo quốc gia về mối đe dọa của tên lửa đạn đạo mà Mỹ công bố năm 1999 từng đưa ra kết luận rằng, bất cứ quốc gia nào triển khai ICBM cũng sẽ có khả năng đưa ra thêm từ 1 cho tới hơn 6 biện pháp khác nhau để hạ các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện thời bao gồm ngụy trang và phá sóng", ông Cirincione cho hay.
Và trên hết, Mỹ sẽ cần phải ngăn Triều Tiên phát triển ICBM để không phải sống trong tình cảnh Bình Nhưỡng sở hữu loại vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Mỹ bất cứ lúc nào.
"Triều Tiên sẽ sớm có khả năng tấn công phần lớn các thành phố của Mỹ bằng ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân và một khi Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ sẽ không thể ngăn chặn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhanh chóng đàm phán để đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Sở hữu một kho vũ khí quy mô nhỏ đã là chuyện không hay. Sở hữu một lực lượng có tới 100 ICBM chắc chắn là điều tồi tệ hơn rất nhiều", ông Cirincione kết luận.(Infonet)
-----------------
Lầu Năm Góc: Triều Tiên khai hỏa, sẽ có chiến tranh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 14-8 cảnh báo chiến tranh “sẽ bắt đầu” nếu Triều Tiên thật sự phóng tên lửa vào khu vực lãnh thổ của Mỹ.
“Nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, nó có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh rất nhanh. Tình huống đó gọi là chiến tranh” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm qua. “Nếu họ phóng tên lửa về phía chúng tôi, tôi giả sử như vậy, thì khi đó cuộc chiến sẽ bắt đầu”.
Ông Mattis cũng khẳng định đảo Guam là một phần thuộc lãnh thổ của Mỹ. Có khoảng 7.000 binh sĩ quân đội Mỹ và gia đình đang ở trên đảo Guam, khu vực lãnh thổ Mỹ chưa có tư cách pháp nhân với tổng dân số 170.000 người. Tiền đồn chiến lược này của Mỹ cách Bình Nhưỡng khoảng 3.400 km về phía đông nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Ảnh: AP.
Tổng thống Trump hồi tuần trước đã tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả đợt tấn công từ Triều Tiên bằng “hỏa lực và cơn thịnh nộ” chưa từng thấy, đồng thời khẳng định các biện pháp quân sự đã sẵn sàng nếu Bình Nhưỡng có ý định tấn công đảo Guam.
Tuy nhiên bất chấp những cảnh báo này, Triều Tiên đã vạch ra kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung gần khu vực đảo Guam. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Kim Jong-un đã thảo luận về kế hoạch này với các sĩ quan chỉ huy quân đội trong cuộc họp hôm qua.
Bộ trưởng Jim Mattis khẳng định rằng Mỹ sẽ cố gắng và làm hết sức để đảm bảo rằng tên lửa của Triều Tiên không đạt đến lãnh thổ Mỹ. Ông chủ Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ có thể xác định được tên lửa mà Triều Tiên bắn ra có khả năng bay đến đâu "chỉ trong khoảnh khắc" và sẽ bắn hạ bất cứ thứ gì đe dọa đến nước này.
Trong một bình luận chung đăng trên tờ Wall Street Journal, cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều khẳng định họ hy vọng một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thăng ở bán đảo Triều Tiên và Mỹ luôn “sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng”.(PLO)
--------------------------
Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao với Triều Tiên
Giải pháp quân sự mà Mỹ đang chuẩn bị để đối phó CHDCND Triều Tiên chỉ được áp dụng khi các lệnh trừng phạt về kinh tế và ngoại giao thất bại.
Tuyên bố trên do Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul ngày 14.8. Ông Dunford nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của hai nước giải quyết vấn đề tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp kinh tế và ngoại giao, theo Yonhap dẫn lời phát ngôn viên tổng thống Hàn Quốc Park Su-hyun. Ông Dunford còn khẳng định mọi người đều muốn chấm dứt tình trạng hiện nay mà không xảy ra chiến tranh. Về phần mình, Tổng thống Moon kêu gọi Triều Tiều nhanh chóng trở lại bàn đàm phán, nhấn mạnh những hành động khiêu khích và đe dọa chỉ làm tổn hại hòa bình, ổn định ở khu vực và cả thế giới.
Sau khi có cuộc gặp với Tổng thống Moon, ông Dunford rời khỏi Hàn Quốc để đến Trung Quốc và Nhật Bản. Chuyến công du châu Á lần này của vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên theo sau các cảnh báo qua lại của hai bên. Hôm 11.8, Tổng thống Donald Trump cảnh báo “giải pháp quân sự đã sẵn sàng” nếu Triều Tiên hành động thiếu khôn ngoan. Trước đó, giới chức Bình Nhưỡng cho hay kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo rơi cách đảo Guam của Mỹ 30 - 40 km sẽ được hoàn tất trong giữa tháng này để trình lãnh đạo Kim Jong-un xem xét. Dù ủng hộ cảnh báo của Tổng thống Trump, nhiều quan chức Mỹ, kể cả Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster và Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mike Pompeo, hôm 13.8 hạ thấp nguy cơ xảy ra xung đột. Ông Pompeo nói rõ rằng ông không tin một cuộc tấn công từ Triều Tiên đang “ló dạng”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua ra lệnh cấm nhập khẩu hải sản và nhiều loại khoáng sản như than, quặng sắt, chì từ Triều Tiên, nhằm đáp ứng nghị quyết trừng phạt ngày 6.8 của HĐBA LHQ, theo Reuters. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh vừa bổ nhiệm Trợ lý ngoại trưởng Khổng Huyễn Hựu làm đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên, thay ông Vũ Đại Vĩ, theo Reuters. Ông Khổng, 58 tuổi, từng làm đại sứ Trung Quốc ở VN trong giai đoạn 2011 - 2014.(Thanhnien)