Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 15-08-2017:

  • Cập nhật : 15/08/2017

Trung Quốc thực thi nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay (14/8) đã ra lệnh cấm nhập khẩu than đá, quặng sắt, quặng chì, chì và hải sản từ Triều Tiên.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày mai, 15/8.

mot cua khau tai sinuiju, mot thanh pho cua trieu tien co chung bien gioi voi thanh pho dan dong, trung quoc. (anh: ap)

Một cửa khẩu tại Sinuiju, một thành phố của Triều Tiên có chung biên giới với thành phố Đan Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc phải được thực thi 30 ngày sau khi nghị quyết được bỏ phiếu thông qua vào hôm 5/8.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 7/8 nhấn mạnh nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho thấy sự phản đối của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đối với hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

"Vì Trung Quốc và Triều Tiên vốn có quan hệ kinh tế truyền thống, nên Trung Quốc là quốc gia phải trả giá lớn nhất cho việc triển khai các lệnh trừng phạt", Reuters dẫn lời ông Vương cho biết.

"Tuy nhiên, để bảo đảm một hệ thống quốc tế không vũ khí hạt nhân và sự hòa bình, ổn định trong khu vực, Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nội dung trong nghị quyết", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.(VietnamNet)
-------------------------------

Triều Tiên rục rịch ở khu vực thử tên lửa tàu ngầm, Hàn Quốc lên tiếng

Các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc chưa xác nhận việc Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Vào ngày 13/8, dự án giám sát khu vực phía bắc vĩ tuyến 38 của Mỹ cho biết, những hình ảnh gần đây vệ tinh chụp được cho thấy các hoạt động gia tăng ở khu vực xưởng đóng tàu Sinpo của Triều Tiên.

Dựa trên những hình ảnh này, một số nguồn tin cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Tuy nhiên, phát ngôn viên Baik Tae-hyun của Bộ thống nhất Hàn Quốc tuyên bố: "Chúng tôi có thể xác nhận không có những bước đi cụ thể nào ở Triều Tiên hiện tại.

Các cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang theo dõi chặt những hoạt động này, chúng có thể có liên quan đến những hành động khiêu khích trong tương lai".

1053158454

 Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong-1 trong lễ duyệt binh ngày 15/4/2017 tại thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Vào tháng 7/2017, Triều Tiên thực hiện hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và Hội đồng bảo an LHQ chính thức thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Triều Tiên vào ngày 8/5.

Động thái này ngay lập tức bị Bình Nhưỡng phản đối dữ dội và đe dọa trả đũa Mỹ sau khi dự thảo các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Mỹ được Hội đồng bảo an chấp thuận.

Đáp lại, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng những hành động của Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với “lửa và cơn thịnh nộ” của nước Mỹ.

Sau đó, Triều Tiên tuyên bố nước này đang cân nhắc việc tấn công vào đảo Guam, nơi triển khai nhiều căn cứ quân sự của Mỹ.(VTC)
-----------------------

Triều Tiên phóng tên lửa qua 3 tỉnh, "cả nước Nhật bị cao huyết áp"

Dù đã quá quen thuộc với những sự nguy hiểm từ thảm họa động đất và sóng thần, người dân Nhật Bản lại đang phải làm quen với một mối đe dọa mới, đó chính là tên lửa Triều Tiên.

Khi những hồi chuông báo động vang khắp bầu trời Sakata, một thị trấn nằm ở bên bờ biển phía tây bắc Nhật Bản, các học sinh tiểu học vội vàng chạy từ sân trường vào trong phòng tập thể dục để lánh nạn. Trong khi đó, những người dân trong thị trấn cũng nhanh chóng núp dưới các bức tường hoặc nằm rạp xuống các cánh đồng trồng lúa.

Theo Guardian, đây chính là cảnh tượng mà thị trấn Sakata và hàng chục thị trấn khác ở Nhật Bản đang tiến hành diễn tập sơ tán người dân khi không may bị tên lửa Triều Tiên tấn công. 

tre em nhat ban tham gia mot cuoc dien tap so tan khi bi ten lua dan dao tan cong.

Trẻ em Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập sơ tán khi bị tên lửa đạn đạo tấn công.

Chính cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên trong những ngày gần đây càng khiến người dân Nhật Bản có lý do phải lo lắng. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với "lửa và những cơ giận dữ khủng khiếp" thì Bình Nhưỡng cũng không ngần ngại công khai kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ bằng 4 quả tên lửa tầm trung.

Đáng nói, 14 quả tên lửa được Triều Tiên phóng thử trong năm nay đều bay về hướng bờ biển Nhật Bản bao gồm 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được Bình Nhưỡng phóng hồi tháng trước. Và hẳn người dân Nhật vẫn không quên được cảnh tượng thót tim vào năm 1998 khi một tên lửa tầm xa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Còn theo giới chuyên gia, người dân Nhật hiện chỉ có chưa tới 10 phút để tìm nơi ẩn náu một khi Triều Tiên phóng tên lửa bay thẳng về phía Nhật Bản. Chính Bình Nhưỡng cũng từng tuyên bố các tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên sẽ bay qua 3 tỉnh của Nhật Bản bao gồm Hiroshima trên hành trình tấn công các mục tiêu cách đảo Guam của Mỹ từ 30 – 40 km.

Đáp trả trước tuyên bố của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đưa ra lời cảnh báo rằng theo quy định của hiến pháp, Nhật Bản có quyền bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tới 4 khu vực nằm trên đường bay của các tên lửa mà Triều Tiên dự kiến sẽ phóng nhằm về phía đảo Guam.

Để chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu trước mối đe dọa từ Triều Tiên, truyền thông Nhật Bản còn cho đăng bức ảnh hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 đã được triển khai tới khuôn viên trong Bộ Quốc phòng nước này ở trung tâm thủ đô Tokyo. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và các chính trị gia đối lập tại Nhật Bản, việc truyền thông Nhật cho đăng những bức ảnh về việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ được xem là mang tính biểu tượng thuần túy. Bởi thực tế, Nhật Bản còn vô số thách thức trong việc ngăn chặn các tên lửa bay ở tầm cao và được phóng từ khu vực cách Nhật hơn 2.400 km.

"Nếu Triều Tiên cho phóng 4 quả tên lửa bay qua Shimane, một tỉnh phía tây Nhật Bản và Okinawa, với những hệ thống phòng thủ hiện tại, Nhật Bản dường như khó có thể ngăn chặn tên lửa Triều Tiên. Tôi sẽ cảm thấy ngạc nhiên nếu như Nhật Bản đã đủ năng lực để tự phòng thủ tên lửa", Guardian dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chatham House, ông John Nilsson-Wright. 

Tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" giữa Mỹ và Triều Tiên càng trở nên đáng lo ngại sau khi Sách Trắng được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tuần trước nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân của Bình nhưỡng đã bước sang một giai đoạn mới và đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên trên các loại tên lửa. Chỉ sau vài giờ thông tin trong Sách Trắng của Nhật Bản được công bố, giới chức Mỹ cũng đã đưa ra nhận định tương tự về năng lực phát triển hạt nhân hiện thời của Triều Tiên.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp mặt Tổng thống Trump kể từ khi ông này thắng cử, đã từ chối tham gia cùng Đức, Trung Quốc và Nga chỉ trích những tuyên bố bị xem là thái quá của Mỹ về mối đe dọa từ Triều Tiên.

Nhưng chính tình hình căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington còn có thể giúp Thủ tướng Abe có thêm động lực tăng thêm sức mạnh quân sự quốc gia mặc dù kế hoạch cải tổ hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đã bị phản đối vì nhiều bê bối liên quan.

Ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo nhận định: "Không để lỡ cơ hội, nhóm của Thủ tướng Abe đang tận dụng căng thẳng Mỹ - Triều để nâng cao năng lực quân sự cho Nhật Bản. Căng thẳng vẫn không ngừng leo thang vì cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un".

Cũng theo ông Kingston, khẩu chiến giữa Mỹ - Triều dường như là "điềm báo" với Nhật Bản, quốc gia từng trải qua thảm kịch Mỹ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki cách đây 72 năm. 

Theo Guardian, vào ngày các chuyên gia xác nhận Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân xuyên Thái Bình Dương và quay trở lại tầng khí quyển để tấn công một thành phố của Mỹ, người dân Nhật Bản và các lực lượng quân sự Mỹ đóng tại khu vực hiểu rằng trên lý thuyết, họ đã nằm trong phạm vi tấn công của các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học của Triều Tiên.

"Tuyên bố về đường bay của tên lửa nhắm tới đảo Guam cùng việc liệt kê cụ thể tên các tỉnh ở Nhật Bản sẽ là nơi tên lửa Triều Tiên bay qua, đã thực sự khiến cả nước Nhật bị cao huyết áp", ông Kingston nói.

Trong chuyến thăm gần đây tới tỉnh Hiroshima và Nagasaki, Thủ tướng Abe đã một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ của Nhật Bản đối với lệnh cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, trước mối đe dọa từ phía Triều Tiên cùng mối lo ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có nên sở hữu năng lực phòng thủ hạt nhân độc lập.

"Cách đây hơn nửa năm, tôi cho rằng Nhật Bản sẽ không có cơ hội làm như vậy. Nhưng khi niềm tin ngày càng mờ nhạt về việc Mỹ có khả năng hoặc sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản cùng việc ngày càng nhiều cử tri Hàn Quốc ủng hộ quốc gia này sở hữu năng lực phòng thủ hạt nhân, chắc chắn nhiều người Nhật sẽ phải suy nghĩ lại. Nhưng viễn cảnh sở hữu năng lực phòng thủ hạt nhân còn là điều khá xa với Nhật Bản", ông Nilsson-Wright nhận định. 

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Onodera cũng đã bày tỏ hy vọng Nhật Bản có thể tổ chức tấn công phủ đầu nhằm vào lực lượng tên lửa Triều Tiên khi còn chưa rời bệ phóng nếu như mối đe dọa từ Bình Nhưỡng sắp đến gần. Mong muốn của ông Onodera đã đánh dấu bước dịch chuyển lớn trong suy nghĩ suốt hàng thập niên của Nhật Bản rằng, quốc gia này chỉ có thể tiêu diệt các tên lửa nhắm tới tấn công Nhật Bản. (Infonet)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục