Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 02-08-2017: Lý do Mỹ lo sợ tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên

  • Cập nhật : 02/08/2017

ICBM có thể giúp Triều Tiên tấn công nhiều mục tiêu trên đất Mỹ, trong khi rất khó bị đánh chặn sau khi phóng.

hwasong-14 co the duoc trang bi moi bay hoac nhieu dau dan. anh: reuters.

Hwasong-14 có thể được trang bị mồi bẫy hoặc nhiều đầu đạn. Ảnh: Reuters.

 

Triều Tiên hai lần thử thành công tên lửa đạo xuyên lục địa (ICBM) chỉ trong tháng 7. Giới chuyên gia cho rằng việc thử thành công  ICBM giúp Triều Tiên sở hữu khả năng tấn công toàn cầu, đe dọa tới phần lớn lãnh thổ Mỹ, trong khi Mỹ và đồng minh không bảo đảm đủ sức đánh chặn loại vũ khí này, theo Business Insider.

Tên lửa Hwasong-14 hôm 28/7 bay xa 998 km và đạt độ cao 3.700 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Với quỹ đạo bay này, quả đạn có thể đạt tầm bắn thực tế tới 10.400 km nếu được phóng ở góc chuẩn 45 độ, đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm.

Khó bị đánh chặn

ICBM đặc biệt đáng sợ bởi nó rất khó ngăn chặn sau khi phóng. Loại tên lửa này là những mục tiêu có kích cỡ nhỏ, di chuyển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong giai đoạn hồi quyển.

Việc đánh chặn đầu đạn ICBM hồi quyển được ví như bắn hạ một viên đạn đang di chuyển với tốc độ hơn 16.000 km/h bằng một viên đạn khác. Nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ, sử dụng vũ khí hạt nhân không thể tự hủy sau khi phóng, ngay cả khi chúng được bắn đi do lỗi con người hoặc không có lý do chính đáng.

ly-do-my-lo-so-ten-lua-xuyen-luc-dia-trieu-tien

Uy lực tên lửa Hwasong-14. 

Mỹ đã chi hàng tỷ USD để phát triển công nghệ đánh chặn ICBM, nhưng tiến trình này diễn ra rất chậm và đắt đỏ. Hồi tháng 5, cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã thử thành công Hệ thống lá chắn tên lửa giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), phá hủy một ICBM giả định đang bay trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng vụ thử này không bảo đảm việc Mỹ có thể ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.

Giới quân sự cho rằng vụ thử nghiệm đánh chặn được tiến hành trong điều kiện lý tưởng, không sát với thực tế chiến trường. Ngay cả với lần thử nghiệm này, tỷ lệ đánh chặn thành công của GMD đến nay mới chỉ là 50%.

"Vụ thử không chứng tỏ được hiệu quả hệ thống trong thực tế. GMD vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể trở thành khiên chắn hiệu quả trước ICBM", chuyên gia vật lý Laura Grego nhận định.

Đánh lừa lá chắn tên lửa Mỹ

Các chuyên gia quân sự phát hiện tên lửa Hwasong-14 được lắp đặt một nắp che rỗng hình nón, thay vì một phần mũi đặc như hầu hết mẫu tên lửa trước đó của Triều Tiên. Theo chuyên gia tên lửa David Schmerler, phần nắp che hình nón thường là dấu hiệu cho thấy tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn.

"ICBM thường sử dụng nắp che trong trường hợp được lên kế hoạch để phóng nhiều đầu đạn có khả năng tái nhập khí quyển hoặc nhiều đầu đạn mồi bẫy", Schmerler phân tích. Ông Schmerler cho rằng chưa có bằng chứng khẳng định Triều Tiên có khả năng lắp đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên một tên lửa, nhưng Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể sử dụng các đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Một nắp che rỗng có thể chứa nhiều khối cầu đóng vai trò là những đầu đạn giả. Khi tên lửa đánh chặn lao tới, các khối cầu sẽ tự động bung ra khiến tên lửa đánh chặn rất khó phân biệt đâu là đầu đạn hạt nhân thật.

"Mặc dù Triều Tiên chưa từng tuyên bố công khai rằng tên lửa của nước này được lắp đặt đầu đạn giả, nắp che rỗng hình nón trên Hwasong-14 cho thấy khả năng này là rất cao", chuyên gia Schmerler nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục