Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 10-06-2017
- Cập nhật : 10/06/2017
3 nước Đông Nam Á hợp tác quân sự chống khủng bố
Tờ Nikkei Asian Review ngày 8.6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết nước này sẽ hợp tác với Philippines và Indonesia tuần tra vùng biển phía nam Philippines nhằm phòng chống khủng bố.
Theo đó, lực lượng hải quân và không quân 3 nước sẽ bắt đầu phối hợp từ ngày 19.6 với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các tổ chức khủng bố hoạt động ở vùng biển này, trong đó có 2 nhóm Abu Sayyaf và Maute trung thành với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trước đó tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 4.6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã đề nghị Singapore, Thái Lan và các nước khác cùng hợp tác. Ông cho rằng các tổ chức khủng bố trên đảo Mindanao của Philippines có khả năng bành trướng thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen sau đó nói với báo giới rằng nước này sẽ tham gia phối hợp trên biển. Ông Ng cho rằng có ít nhất 31 nhóm khủng bố ở Đông Nam Á có liên quan đến IS và cần nỗ lực ngăn chặn các tổ chức này “cắm rễ” sâu hơn trong khu vực.
Liên quan đến nhóm nổi dậy ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao, ông Ryacudu từng cho rằng có 1.200 tay súng đang tham gia. Tuy nhiên, quân đội Philippines sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Theo tờ SunStar, lực lượng chính phủ đang đẩy lùi nhóm nổi dậy Maute tại đây. Trung tướng Carlito Galvez, tư lệnh Bộ chỉ huy Tây Mindanao cho biết các tay súng chỉ còn tại 3 điểm trong thành phố và “kết thúc đang rất gần”.
Ông Galvez cho rằng có từ 150-400 tay súng tham gia và đến nay chỉ còn khoảng 230 tên đang giữ khoảng 100 con tin. Xung đột tại Marawi từ ngày 23.5 đến nay khiến ít nhất 134 tay súng, 38 nhân viên an ninh và 30 người dân thiệt mạng.(Thanhnien)
-----------------------------
Đại sứ Philippines tiết lộ kế hoạch mua vũ khí Nga
Đến cuối năm 2017, Philippines có thể ký hợp đồng mua vũ khí với Nga, Đại sứ Cộng hòa Philippines tại Liên bang Nga Carlos Sorreta nói hôm thứ Năm.
"Tôi nghĩ là cho đến cuối năm nay sẽ tiến hành một số hợp đồng (với Nga)," ông Sorreta nói tại cuộc họp báo ở trụ sở MIA Rossiya Segodnya.
Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nga rằng, Manila quan tâm mua của Nga các loại súng, tên lửa chính xác cao, trực thăng và máy bay.
Theo lời Tổng giám đốc Rosoboronexport, ông Aleksandr Mikheev, vào cuối tháng 5 năm nay chưa có các cuộc đàm phán về hợp đồng vũ khí giữa Moscow và Manila.
"Hiện nay chúng tôi tiến hành các đàm phán cụ thể về vũ khí. Chúng tôi muốn có các loại súng phục vụ nhu cầu quốc phòng an ninh nội địa. Hôm nay đang thảo luận về vũ khí cho an ninh chống khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận có lợi với Nga," Đại sứ Sorreta nói.(Bizlive)
-----------------------------
Trung Quốc có thể xây căn cứ quân sự tại Pakistan
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc, công bố ngày 6/6/2017, cho biết Pakistan có thể là địa điểm tiềm năng trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Điều này phù hợp với dự đoán Bắc Kinh có thể xây thêm căn cứ tại hải ngoại, sau khi đã hoàn tất một cơ sở tại Djibouti, RFI đưa tin.
Báo cáo thường niên trình lên Quốc Hội Mỹ, được Reuters trích dẫn, nhận định dường như Trung Quốc đang tìm cách thiết lập thêm một số căn cứ quân sự tại các nước có quan hệ thân thiết lâu dài và có chung lợi ích với Bắc Kinh, như Pakistan.
Vẫn theo báo cáo, Pakistan đã là thị trường xuất khẩu vũ khí chính của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2016, Trung Quốc đã ký hợp đồng bán 8 tầu ngầm cho Pakistan. Chỉ riêng tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí từ 9 tỷ USD (2011) lên thành hơn 20 tỷ USD (2015).
Được hỏi về bản báo cáo thường niên của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh kiên quyết phản đối báo cáo "vô trách nhiệm" của Lầu Năm góc khi không nhắc đến Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Mặt khác, bà Hoa Xuân Oánh tránh mọi bình luận về căn cứ tại Pakistan như dự đoán, đồng thời khẳng định Trung Quốc và Pakistan duy trì quan hệ hợp tác hữu hảo và không nhắm vào nước thứ ba nào hết.
Ngoài ra, bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhắc lại vị trí chiến lược của căn cứ Djibouti, nằm tại cửa ngõ phía nam vào Biển Đỏ (Hồng Hải) trên tuyến đường đến kênh đào Suez.
Vị trí quan trọng bên bờ Ấn Độ Dương của Djibouti khiến New Delhi lo ngại vì cho rằng Djibouti sẽ trở thành một mắt xích trong vành đai liên minh quân sự quan trọng của Trung Quốc vây quanh Ấn Độ, gồm các nước Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka. Tuy nhiên, bản báo cáo không nhắc đến phản ứng của Ấn Độ về căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Pakistan.(Bizlive)
---------------------------