Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 25-07-2017

  • Cập nhật : 25/07/2017

Máy bay quân sự Anh-Mỹ suýt đâm nhau do kiểm lưu nghe điện thoại

Do mải nghe điện thoại, một kiểm soát viên không lưu không cung cấp thông tin cho hai tiêm kích Mỹ khi bay trên không phận Anh.

mot chiec may bay cho dau voyager cua anh. anh: raf.

Một chiếc máy bay chở dầu Voyager của Anh. Ảnh: RAF.

 

Một máy bay chở dầu Voyager của không quân Hoàng gia Anh và hai tiêm kích F-15 Mỹ suýt va chạm ở tốc độ cao trên không phận Biển Bắc sau khi một nhân viên kiểm soát không lưu mất tập trung do nghe điện thoại.

Vụ việc xảy ra ngày 5/1/2017 tại độ cao 4,8 km sau khi chiếc Voyager tiếp nhiên liệu cho hai máy bay Typhoon của Anh, nhưng mới được cơ quan điều tra Anh công bố sau gần 7 tháng tìm hiểu nguyên nhân sự cố, Telegraph hôm qua đưa tin.

Theo kết quả điều tra, trước khi sự cố diễn ra, các phi công trên hai tiêm kích Mỹ đã thông báo với trạm kiểm soát không lưu tại Stanwick, hạt Hampshire của Anh rằng họ đang đến "khu vực chiến thuật trên không Wash" ở phía bắc, gần vùng tiếp liệu mà máy bay Anh đang có mặt.

Tuy nhiên, một nhân viên kiểm lưu của trạm này đã hiểu nhầm khu vực Wash theo chỉ giới địa lý, vốn có phạm vi hẹp hơn khu vực chiến thuật trên không và không nằm trên đường bay của chiếc Voyager.

Nhân viên này tin chắc rằng hai tiêm kích F-15 sẽ bay an toàn về phía nam và chuyển sang nghe một cuộc điện thoại cố định vốn không thuộc trách nhiệm của mình. Cuộc điện thoại khiến nhân viên này không thể tập trung vào nhiệm vụ theo dõi và cảnh báo cho hai chiến đấu cơ Mỹ.

Hệ quả là một chiếc F-15 đã bay cắt ngang đường chiếc Voyager ở khoảng cách chỉ khoảng 50 m. Lúc đó máy bay Anh bay với tốc độ 518 km/h, còn tiêm kích Mỹ di chuyển ở tốc độ 647 km/h.

Các máy bay gần nhau đến mức phi hành đoàn chiếc Voyager có thể cảm nhận được nhiễu động từ luồng khí phản lực của tiêm kích Mỹ và buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm. Cơ quan điều tra Anh đưa ra 15 khuyến nghị để ngăn ngừa các sự cố tương tự, bao gồm việc đặt lại tên cho các vùng không phận để tránh hiểu nhầm.(Vnexpress)
--------------------

Quân đội Thái Lan giám sát nhóm ủng hộ bà Yingluck

Chính quyền quân sự hiện xem những nhóm ủng hộ bà Yingluck là thách thức lớn trong việc giữ gìn an ninh quốc gia.

Trong cuộc điều trần cuối cùng hôm 21.7, Tòa tối cao Thái Lan cho biết vào hạ tuần tháng 8.2017 sẽ ra phán quyết về những cáo buộc liên quan đến trách nhiệm của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong việc điều hành chính phủ hồi năm 2012 - 2013.

Với cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát hàng trăm tỉ baht từ chính sách trợ giá gạo cho nông dân, bà Yingluck đối mặt mức án cao nhất 10 năm tù.

Một phán quyết có tội và hình phạt tù được cho là sẽ kích động mạnh những người ủng hộ bà. Chính quyền quân sự hiện xem những nhóm ủng hộ bà Yingluck là thách thức lớn trong việc giữ gìn an ninh quốc gia, nếu dấy lên phong trào ủng hộ từ các địa phương, đặc biệt là những vùng đất được cho là trung thành với gia đình Shinawatra.

Tờ Matichon hôm 22.7 dẫn nguồn tin từ Hội đồng trật tự và an ninh quốc gia cho biết quân đội được huy động để giám sát những nhóm thủ lĩnh ở các địa phương. Theo tờ báo, những nhóm này có kế hoạch kêu gọi dân chúng ủng hộ bà Yingluck và sẽ kéo lên Bangkok vào ngày phán quyết nhằm gây sức ép lên chính quyền quân sự và tòa án.

Mục tiêu của quân đội là ngăn chặn việc kích động dân chúng và sẽ sử dụng biện pháp mạnh nếu cần thiết. Đồng thời quân đội cũng có nhiệm vụ tuyên truyền để người dân ở các địa phương hợp tác với chính quyền và ủng hộ phán quyết của tòa thay vì bị kích động gây rối xã hội, theo báo Thái Lan.(thanhnien)
------------------------

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ chớ nuôi ảo tưởng về căng thẳng biên giới

Trung Quốc nói Ấn Độ không nên nuôi ảo tưởng về căng thẳng ở biên giới, nói năng lực phòng vệ của Bắc Kinh đã "liên tục tăng cường".

phat ngon vien bo quoc phong trung quoc ngo khiem. anh: scmp.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: SCMP.

 

"Làm rung chuyển một ngọn núi là điều đơn giản nhưng khiến quân Giải phóng Nhân dân (PLA) run sợ là rất khó", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm nay nói. Ông cảnh báo năng lực bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc của PLA "liên tục tăng cường".

"Quyết tâm và sự sẵn sàng của Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền là không thể bị khuất phục. Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích an ninh bằng mọi giá", ông Ngô cho biết thêm.

Căng thẳng Trung - Ấn bắt đầu khi một trung đội PLA hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ tuần tra biên giới.

Ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan. Lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300 - 400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc.

Binh sĩ hai nước sau đó đối đầu nhau gần một thung lũng, chia tách Ấn Độ và Bhutan, mà Trung Quốc đang kiểm soát. Thung lũng này cho phép Trung Quốc tiếp cận khu vực gọi là Cổ Gà, một dải đất hẹp kết nối Ấn Độ và những khu vực hẻo lánh phía đông bắc nước này.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc xô xát ở biên giới.

Ấn Độ rút lính biên phòng là điều kiện tiên quyết để giải quyết tình hình, ông Ngô nói. "Ấn Độ không nên phó mặc cho vận may và nuôi dưỡng những ảo tưởng phi thực tế". PLA đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp ở khu vực và tiếp tục tập trung điều động, diễn tập.

Ông Ngô kêu gọi Ấn Độ có "những bước đi thực tiễn để sửa sai, dừng khiêu khích và cùng Trung Quốc bảo vệ hòa bình tại khu vực biên giới".

Giới chức Ấn Độ cho biết có khoảng 300 binh sĩ đang đối mặt nhau trong khu vực dài 150 m. Các nhà ngoại giao hai nước đã đối thoại trong thầm lặng để đảm bảo căng thẳng không leo thang. Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực tìm cách để hai bên cùng xuống thang mà không mất hình ảnh.

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ sẽ đối mặt với số phận tồi tệ hơn thất bại nước này hứng chịu trong chiến tranh biên giới năm 1962. Truyền thông Trung Quốc còn đưa tin PLA đã diễn tập bắn đạn thật gần khu vực có tranh chấp trong tháng 7 nhưng không nêu rõ thời gian hay địa điểm.(Vnexpress)
--------------------

Liên đoàn Ả Rập vạch lằn ranh đỏ với Israel

“Jerusalem là lằn ranh đỏ. Không người Ả Rập hay người Hồi giáo nào chấp nhận bị xâm phạm”

Hãng AFP ngày 23.7 dẫn thông cáo của Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Abul Gheit cảnh cáo Israel đang “đùa với lửa” khi áp dụng các biện pháp an ninh tại khu vực đền thờ Hồi giáo al-Aqsa ở thành cổ Jerusalem.

“Jerusalem là lằn ranh đỏ. Không người Ả Rập hay người Hồi giáo nào chấp nhận bị xâm phạm”, thông cáo viết.

Nhiều vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra tại Jerusalem sau khi chính quyền Israel đặt các máy dò kim loại tại lối vào khu vực đền thờ sau vụ tấn công ngày 14.7 khiến 2 cảnh sát thiệt mạng.

Người Palestine cho rằng Israel đang cố giành quyền kiểm soát khu vực linh thiêng này. Ông Abul Gheit cáo buộc chính phủ Israel đang “phiêu lưu” và điều này có thể châm ngòi cho “cuộc khủng hoảng với thế giới Ả Rập và Hồi giáo”.

Reuters dẫn lời Giáo hoàng Francis hôm qua cảnh báo về bạo lực tại Jerusalem, kêu gọi đàm phán và kiềm chế để gìn giữ hòa bình.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-07-2017

    Trung Quốc tuyên bố 'bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá' ở biên giới Ấn Độ; Uy tín tân tổng thống Pháp giảm sút; Cựu bí thư Trùng Khánh bị cáo buộc 'vi phạm kỷ luật nghiêm trọng'; Hải quân Mỹ tiếp nhận siêu tàu sân bay

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 25-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 25-07-2017

    Trung Quốc lo Nhật Bản triển khai Kế hoạch hải dương giai đoạn 3; Tỉ lệ ủng hộ thủ tướng Nhật tiếp tục giảm; Điện Kremlin cảnh báo Mỹ về ý định tăng cường trừng phạt Nga; Trung Quốc ca ngợi quan hệ 'anh em' với Thái Lan

Bài cùng chuyên mục