Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý sáng 28-09-2017

  • Cập nhật : 28/09/2017

Chân dung tướng Nga bị ông Putin sa thải

Thượng tướng - Tư lệnh Lực lượng Không quân-Vũ trụ liên bang Nga bất ngờ bị cách chức và trục xuất khỏi quân ngũ.

TASS ngày 26/9 dẫn thông báo đăng tải trên cổng thông tin pháp lý chính thức của Chính phủ Nga cho hay, Thượng tướng Viktor Bondarev - Tư lệnh Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) đã bị cách chức và trục xuất khỏi quân ngũ.

Sắc lệnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký cho thấy việc cách chức và buộc xuất ngũ đối với Thượng tướng Viktor Bondarev.

thuong tuong viktor bondarev - tu lenh luc luong khong quan - vu tru nga (vks)

Thượng tướng Viktor Bondarev - Tư lệnh Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS)

“Cách chức và trục xuất khỏi quân ngũ đối với Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh Lực lượng Không quân-Vũ trụ Liên bang Nga" - Thông báo ghi vỏn vẹn thông tin này và không có bất cứ chi tiết nào cho biết lý do.

Nguồn tin giấu tên từ Hội đồng liên bang tiết lộ với RIA Novosti cho biết, Thượng tướng Viktor Bondarev được quy hoạch vào vị trí Trưởng Ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang vào ngày 27/9.

Ông Viktor Bondarev được kỳ vọng là sẽ thay thế ông Victor Ozerov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng An ninh trước đây.

Ngay cả lời tuyên thệ nhậm chức của vị Tư lệnh mới cũng đã được cho biết là đã soạn thảo xong xuôi để chuẩn bị cho thời điểm tháng 10/2017.

Ông Viktor Bondarev mới hôm 19/9 đã chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Liên bang Nga. Thống đốc khu vực Kirov, Igor Vasilyev đã tăng quyền lực của Thượng tướng Bondarev với tư cách là Thượng Nghị sĩ của khu vực này.

Ông Bondarev trở thành người đứng đầu lực lượng VKS kể từ tháng 5/2012. Ông Bondarev đã làm Phó Tư lệnh thứ nhất của Ban chỉ huy lực lượng này bắt đầu từ tháng 7/2011.

Ông Victor Bondarev sinh ngày 7/12/1959 tại làng Novo-Bogoroditskoe thuộc quận Petropavlovsk, Voronezh. Ông Tốt nghiệp Trường đào tạo Phi công Borisoglebsk thuộc Học viện Không quân Liên bang Nga.

Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đã có các hoạt động tích cực vào năm 2015 khi Điện Kremlin có các bước ảnh hưởng rõ ràng tại Syria. Lực lượng này hiện nay đang hoạt động tập trung tại khu vực các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Idlib và Deir ez-Zor.

sac lenh cua tong thong putin ve viec bai nhiem tu lenh nga.

Sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc bãi nhiệm Tư lệnh Nga.

Người được chỉ định tạm thời thay thế ông Bondarev là Phó Tư lệnh thứ nhất Lực lượng Không quân - Vũ trụ, Trung tướng Pavel Kurachenko.

Sắc lệnh cùng ngày của Tổng thống Putin cũng bãi nhiệm chức vụ của Phó Chỉ huy Hạm đội Biển Đen - Phó Đô đốc Valery Kulikov;  người đứng đầu Cơ quan Hợp tác quốc tế (Rossotrudnichestvo) - ông Lyubov Glebova; và người đứng đầu ban giám đốc vùng Saratov của Bộ Nội vụ Nga - ông Sergey Arenin.

Quyết định cách chức hàng loạt các quan chức cấp cao lần này cũng như những các thông báo bãi nhiệm các quan chức cấp cao của Nga những năm vừa qua đều không được ghi rõ lý do.(Baodatviet)
--------------------------

Nga báo động trước ‘cẩm nang tác chiến’ mới của Mỹ

Đại sứ quán Nga tại Mỹ đang báo động trước cuốn cẩm nang tác chiến mới của quân đội Mỹ liên quan tới đối phó đe dọa từ lực lượng Nga.

Theo The Moscow Times, phát ngôn viên của đại sứ quán Nga tại Mỹ Nikolai Lakhonin hôm 26-9 cho biết Moscow đang báo động trước cuốn cẩm nang tác chiến mới của quân đội Mỹ liên quan tới đối phó đe dọa từ lực lượng Nga.

Cụ thể, cái gọi là “Cẩm nang tác chiến thế hệ mới về Nga” trong đó trình bày về khả năng của lực lượng Nga, đồng thời kêu gọi ngay lập tức nâng cao năng lực của quân đội Mỹ để đối phó mối đe dọa từ Nga. Cuốn sổ tay nêu rõ các chiến thuật và chiến lược mà Nga đã triển khai ở Ukraine, chẳng hạn như chiến tranh kết hợp và sử dụng lực lượng ủy nhiệm bên cạnh các lực lượng thông thường.

Nga báo động trước ‘cẩm nang tác chiến’ mới của Mỹ - ảnh 1
Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Ảnh: The Moscow Times

Ông Lakhonin nhấn mạnh rằng cuốn cẩm nang này của quân đội Mỹ đã “tưởng tượng ra khả năng về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga”.

“Điều này chỉ có thể được tưởng tượng trong một cơn mê sảng khủng khiếp” - ông Lakhonin bình luận trên trang Facebook của đại sứ quán Nga tại Mỹ.

Ông tiếp tục nhấn mạnh: “Bằng chứng việc quân đội Mỹ đang huấn luyện chuẩn bị cho một cuộc xung đột trực tiếp với Nga rất đáng báo động, đặc biệt là trong tình hình khó khăn của an ninh châu Âu như hiện nay”.

Frants Klintsevich - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga đánh giá cuốn cẩm nang là “vô dụng”.

“Họ không thể chiến đấu chống người Nga trong lĩnh vực quân sự hay kỹ thuật cũng như trong đạo đức hay huấn luyện tâm lý” - ông Klintsevich nói hồi cuối tuần qua.

Nhóm tác chiến bất đối xứng - một đơn vị của quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn, đã soạn thảo cuốn cẩm nang trên vào tháng 12-2016 và được dự án nghiên cứu tình báo công cộng công bố phiên bản chưa được phân loại vào ngày 18-9.(PLO)
-------------------------

Người Kurd đòi độc lập, khủng hoảng mới ở Trung Đông

Tối 27-9, kết quả trưng cầu dân ý của người Kurd Iraq đã chính thức được công bố: hơn 92% người Kurd đòi độc lập. Kết quả này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông.

 

nguoi kurd iraq xuong duong the hien tinh than doan ket sau cuoc trung cau y dan ngay 25-9 - anh: reuters

Người Kurd Iraq xuống đường thể hiện tinh thần đoàn kết sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 25-9 - Ảnh: REUTERS

 

Động thái diễn ra vài tiếng sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi yêu cầu hủy kết quả trưng cầu ý dân.

Ông al-Abadi nhấn mạnh hủy kết quả là điều kiện tiên quyết để đối thoại, giải quyết căng thẳng đang ngày càng leo thang.

"Sẽ không có đối thoại gì về kết quả trưng cầu gì hết. Nếu bọn họ muốn nói chuyện, hủy kết quả trưng cầu ý dân trước đã" - Reuters dẫn lời thủ tướng Iraq nhấn mạnh.

Thủ tướng Iraq thậm chí còn đe dọa, yêu cầu người Kurd ở miền bắc Iraq phải giao nộp lại quyền kiểm soát một sân bay quốc tế ở khu vực này trước 29-9 nếu không muốn bị 'trừng phạt'.

Trong diễn biến liên quan, chính quyền Baghdad cho biết một sĩ quan quân đội cấp cao Iraq đã lên đường sang Iran để "bàn về các biện pháp quân sự phối hợp giữa hai nước". 

Quân đội Iraq không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ngày 27-9, từ thủ phủ Erbil, khu tự trị người Kurd miền bắc Iraq, ông Mowlud Murad - người đứng đầu cơ quan giao thông vận tải của người Kurd, tuyên bố kiên quyết không chuyển giao quyền kiểm soát sân bay quốc tế Erbil. 

Vị này cho rằng điều đó là cần thiết cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Từ đầu tháng 9 đến nay, người Kurd Iraq, đứng đầu là Masoud Barzani, chịu những áp lực nặng nề từ mọi phía, đặc biệt là ba nước Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhằm ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân đã định.

TTO - Bất chấp mọi cản trở thậm chí đe dọa, ngày 25-9, lãnh đạo khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq đã tổ chức trưng cầu ý dân với chủ đích đòi quyền tự quyết, hướng tới một nền độc lập tách khỏi Iraq.

Người Kurd Iraq viện dẫn điều 140 của hiến pháp Iraq năm 2004 (sau khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ xóa sổ), theo đó quy định cho người Kurd được tổ chức trưng cầu ý dân vào năm 2007 để quyết định có ở lại Iraq hay không. Đến năm 2007, chính quyền Iraq khi ấy đã không cho phép người Kurd tổ chức trưng cầu ý dân như hiến pháp quy định.

Iraq cũng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều lo ngại phong trào đòi độc lập của người Kurd. Họ là một sắc tộc đông đảo đến mấy chục triệu người sống tại một khu vực địa lý thuộc lãnh thổ bốn quốc gia kể trên.

Cuộc trưng cầu gây tranh cãi nêu trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế, cảnh báo những hệ lụy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, hỗn loạn chính trị trong khu vực. Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Kurdistan là tên gọi chung của các khu vực có người Kurd sinh sống ở miền bắc Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi này chưa từng được công nhận như một quốc gia thực thụ song là đồng minh quan trọng của Mỹ trong các chiến dịch quân sự tại khu vực, điển hình như cuộc xâm lược Iraq năm 2003.

Trước cuộc trưng cầu dân ý, Mỹ đã gây sức ép, yêu cầu lãnh đạo người Kurd hủy bỏ, theo Reuters.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 28-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 28-09-2017

    NATO và Mỹ muốn theo dõi Nga đến khi nào?; Nổ kho vũ khí ở Ukraine, 30.000 dân sơ tán; Mỹ sẽ hạn chế máy bay Nga trinh sát lãnh thổ bất chấp Hiệp ước bầu trời mở

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 27-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý tối 27-09-2017

    Việt Nam có nên mua lại Su-30M2 để hoàn thiện đội hình?; Tỷ phú Bill Gates cảnh báo về cuộc chiến nguy hiểm hơn chiến tranh hạt nhân; Nước cờ sáng suốt của Thủ tướng Shinzo Abe

Bài cùng chuyên mục