Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 28-09-2017: Toàn cảnh nửa thế kỷ hạt nhân, tên lửa Triều Tiên

  • Cập nhật : 28/09/2017

Các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên lớn mạnh dần theo từng đời lãnh đạo.

Chuyện các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã và đang là mối quan ngại sâu sắc với cộng đồng quốc tế là không thể bàn cãi.

Căng thẳng đang dâng rất cao và cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang nguy hiểm sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn đến bờ biển phía Đông nước Mỹ và bom hạt nhân hydrogen trong vài tuần vừa rồi.

Cùng nhìn lại quá trình phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên theo thông tin và số liệu từ Tổ chức Sáng kiến giảm đe dọa hạt nhân (Mỹ).

Triều Tiên bắt đầu nghĩ tới việc phát triển năng lực hạt nhân ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai và thể hiện rõ ý định vào đầu thập niên 1950, dưới thời lãnh đạo Kim Il-sung.

1976: Bắt đầu chương trình tên lửa với tên lửa Scud do Xô Viết thiết kế. Đợt hàng đầu tiên nhập qua cửa Ai Cập.

1984: Lần đầu thử tên lửa với thiết kế Scub, có tên gọi Hwasongs.

Tên lửa Hwasong-5 phát triển từ tên lửa Scub. Ảnh: YONHAP
Tên lửa Hwasong-5 phát triển từ tên lửa Scub. Ảnh: YONHAP

1985: Ký Hiệp ước Không phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, đến năm 1993 Triều Tiên từ chối cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào kiểm tra các cơ sở hạt nhân.

1986: Ký với Mỹ (dưới thời Tổng thống Bill Clinton) một thỏa thuận đồng ý ngưng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân đổi lấy hỗ trợ từ Mỹ. Nhưng thỏa thuận đổ vỡ trong thời gian ngắn vì Triều Tiên tức giận bị chính phủ Tổng thống George W. Bush gọi là một phần của “trục quỹ dữ”.

1993: Thử tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong.

Từ thập niên 1980-1990, Triều Tiên liên tục phát triển các biến thể của tên lửa Scub: Rodong (tầm bắn 1.300 km), Taepodong-1 (tầm bắn 2.500 km), Musudan-1 (tầm bắn 3.000 km), Taepodong-2 (tầm bắn 6.700 km).

Tên lửa Rodong phát triển từ tên lửa Scub. Ảnh: YONHAP
Tên lửa Rodong phát triển từ tên lửa Scub. Ảnh: YONHAP

Sau khi lãnh đạo Kim Il-sung qua đời năm 1994, con trai ông và là người kế nhiệm Kim Jong-il đẩy mạnh các chương trình hạt nhân và tên lửa.

1998: Lần đầu thử tên lửa tầm xa 1.300 km.

2003: Rút khỏi Hiệp ước Không phát triển hạt nhân và tuyên bố đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tên lửa Hwasong-10 của Triều Tiên trong một lần thử. Ảnh: YONHAP
Tên lửa Hwasong-10 của Triều Tiên trong một lần thử. Ảnh: YONHAP

2006: Thử hạt nhân lần đầu, bảy lần thử tên lửa đạn đạo. Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt đầu tiên, yêu cầu Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân.

Tháng 12-2008: Đàm phán hạt nhân sáu bên ở Trung Quốc đổ vỡ.

2009: Thử hạt nhân lần hai, thử tên lửa tầm xa.  Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt thứ hai.

Khi ông Kim Jong-il qua đời năm 2011, di sản hạt nhân, tên lửa về tay lãnh đạo Kim Jong-un. Thời điểm này các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên đã không còn có thể ngăn chặn khi Triều Tiên liên tục phải đối mặt với áp lực lên án, trừng phạt từ thế giới.

2012: Mỹ thông báo Triều Tiên đã chịu ngưng hoạt động hạt nhân đổi viện trợ thực phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, cũng trong năm này Triều Tiên thử một tên lửa tầm xa. Tên lửa phát nổ và rơi ngay sau khi phóng.

Tháng 2-2013, Triều Tiên thử hạt nhân lần ba, dưới thời Kim Jong-un. Hội đồng Bảo an tiếp tục trừng phạt.

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 ngay trong ngày quốc khánh Mỹ 4-7. Ảnh: CSIS
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 ngay trong ngày Quốc khánh Mỹ 4-7. Ảnh: CSIS

2014: Căng thẳng Triều Tiên với Hàn Quốc rất cao, hai bên nã pháo giao tranh ở biên giới. Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc.

Tháng 12-2015: Triều Tiên tuyên bố đã sở hữu được bom hạt nhân hydrogen.

Tháng 1-2016: Thử hạt nhân lần bốn.

Tháng 4-2016: Thử tên lửa tầm xa, thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Tháng 9-2016: Thử hạt nhân lần năm.

Cũng trong năm 2016, Triều Tiên lần đầu bắn một tên lửa đạn đạo xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

2017: Thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa có tầm bắn về lý thuyết là 10.000 km, có thể bắn đến Mỹ. Trong tháng 7-2017, Triều Tiên thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14.

Ngày 3-9-2017: Thử bom hạt nhân lần sáu, có khả năng gắn vào tên lửa tầm xa.

Một số loại tên lửa đáng chú ý của Triều Tiên: Hwasong có tầm bắn 1.000 km, Nodong có tầm bắn 1.300 km, Musudan có tầm bắn 3.500 km, Hwasong-14 có tầm bắn 6.700 km, tên lửa xuyên lục địa KN-08 có tầm bắn 11.500 km (chưa thử).

ĐĂNG KHOA
Theo Plo.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục