Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 17-08-2017

  • Cập nhật : 17/08/2017

Bhutan quay lưng với Ấn Độ, ngả theo Trung Quốc?

Căng thẳng leo thang trên khu vực cao nguyên Doklam cùng với tham vọng và chủ nghĩa quốc gia có thể kéo Trung Quốc và Ấn Độ vào một cuộc chiến tranh, lặp lại những ký ức đẫm máu của cuộc chiến biên giới 1962.

Với sức mạnh quân sự hiện tại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, hậu quả chiến tranh chắc chắn sẽ tàn khốc hơn quá khứ. Cuộc khủng hoảng trên cao nguyên Doklam - khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc - đã bước sang tháng thứ hai và hàng trăm binh sĩ Ấn - Trung được cho là đang đối đầu tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Căng thẳng nổ ra vào đầu hè này khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường xuyên qua cao nguyên Doklam nhưng gặp phải sự ngăn chặn của Ấn Độ. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh mở rộng tuyến đường nhằm bành trướng vùng lãnh thổ kiểm soát. Cao nguyên Doklam rất quan trọng bởi nó nhìn xuống một thung lũng hẹp của Ấn Độ (gọi là "cổ gà") và nối các bang Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.

Ấn Độ tuyên bố thay mặt Bhutan, với dân số 800.000 người, để ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên, sự can thiệp của Ấn Độ lại không được người dân Bhutan chào đón. Theo báo New York Times, nhiều người Bhutan cảm thấy "ngột ngạt" trước hành động bảo hộ của Ấn Độ.

"Nếu chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra, chúng tôi sẽ như miếng thịt bị kẹp trong ổ bánh mì" – ông Pema Gyamtsho, thủ lĩnh phe đối lập tại Quốc hội Bhutan, khẳng định.

 

Bhutan quay lưng với Ấn Độ, ngả theo Trung Quốc? - Ảnh 1.

Căn cứ quân sự Ấn Độ tại khu vực Haa - Bhutan, chỉ cách khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 20 km. Ảnh: New York Times

Trong nhiều thập kỷ, Bhutan chọn Ấn Độ. Hơn 50 năm trước, Bhutan lo ngại khi Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng. New Delhi khi ấy đề nghị bảo vệ Bhutan và đã được đồng ý.

Kể từ khi ký kết hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ vào năm 1949, năng lực quốc phòng của Bhutan phần lớn phụ thuộc vào Ấn Độ. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn huấn luyện và trả lương cho Quân đội Hoàng gia Bhutan.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Doklam khiến nhiều người Bhutan không hài lòng với sự can thiệp ngày càng tăng của Ấn Độ. Cụ thể, nhiều người nghi ngờ rằng Ấn Độ tìm cách ngăn chặn Bhutan thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng thương mại với Bắc Kinh vì lo ngại điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến những lợi ích chiến lược mà Bhutan mang lại cho New Delhi.

"Bhutan được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Đó là mấu chốt vấn đề. Chúng tôi được quyền sống cuộc sống chúng tôi muốn. Chúng tôi được quyền thiết lập quan hệ ngoại giao chúng tôi muốn" – ông Wangcha Sangey, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Bhutan, khẳng định.

Khi Ấn Độ điều binh lính vượt qua biên giới Bhutan vào hôm 16-6, nhiều khả năng New Delhi không hành động theo yêu cầu của Bhutan, theo The New York Times. Mặc dù lên tiếng chỉ trích công cuộc làm đường của Trung Quốc, Bhutan không đả động đến vấn đề liệu quốc gia này có nhờ Ấn Độ can thiệp hay không. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ cũng né tránh câu hỏi này.

Bhutan quay lưng với Ấn Độ, ngả theo Trung Quốc? - Ảnh 2.

Cao nguyên Doklam, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, có vị trí chiến lược quan trọng. Ảnh: Nepal Foreign Affairs

Nhà chức trách Bhutan hiện vẫn giữ im lặng để tránh rủi ro làm phật lòng Ấn Độ lẫn Trung Quốc. Thậm chí, cả Bộ Ngoại giao Bhutan và Thủ tướng Tshering Tobgay đều không bình luận gì. Hôm 11-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bhutan Damcho Dorji chỉ nói chung chung rằng ông mong tình hình sẽ được giải quyết một cách "hòa bình và thân thiện".

Sau nhiều thập kỷ nghiêng mình về phía Nam, Bhutan bắt đầu hướng về phía Trung Quốc và mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì những lợi ích về mặt kinh tế.

Việc cao nguyên Doklam bị phong tỏa khiến giao thương giữa Bhutan và các thị trấn Tây Tạng (bên kia biên giới Trung Quốc) bị tắc nghẽn. Với vương quốc có bình quân thu nhập đầu người đạt 2.751 USD vào năm ngoái, thương mại là kế mưu sinh đắc lợi. Nhiều năm nay, thương nhân Bhutan cưỡi ngựa hoặc đi bộ qua biên giới bán các loại thảo dược, bao gồm cordyceps (còn có tên viagra Himalaya) và trở về với hàng điện tử, thảm, lụa, quần áo...

Nhiều người Bhutan cho biết rằng họ lo ngại về hành động của Ấn Độ hơn là của Trung Quốc. Một số người chia sẻ rằng hành động của Ấn Độ đã gây ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán biên giới với Trung Quốc có thể mang lại các mối quan hệ kinh tế có lợi cho Bhutan.(NLĐ)
----------------------------

Tàu siêu trọng chở chiến hạm nghìn tấn Mỹ

Hải quân Mỹ sử dụng nhiều tàu vận tải hạng nặng để triển khai và thu hồi tàu chiến trên khắp thế giới.tau-sieu-trong-cho-chien-ham-nghin-tan-my

Tàu khu trục USS Samuel B. Roberts được vận chuyển bằng tàu MV Mighty Servant 2. Ảnh: Business Insider.

Hải quân Mỹ ngày 15/8 cho biết sẽ dùng tàu vận tải hạng nặng để chở khu trục hạm USS Fitzgerald gặp nạn tại Nhật về nước nhằm tiết kiệm chi phí và giải phóng ụ bảo dưỡng tàu tại quân cảng Yokosuka, theo Stars and Stripes.

Theo các chuyên gia, việc đưa một tàu khu trục nặng gần 9.000 tấn lên tàu vận tải siêu trọng không phải là quá trình dễ dàng. Trước tiên, thủy thủ đoàn sẽ phải bơm nước vào các bể dằn để tàu vận tải chìm xuống đến độ sâu cần thiết để tàu khu trục có thể di chuyển được vào boong tàu mẹ. Sau khi tàu khu trục được cố định bằng các thiết bị đặc biệt, nước sẽ được bơm ra để tàu vận tải nổi lên và bắt đầu hành trình.

Đây không phải lần đầu tiên hải quân Mỹ sử dụng phương pháp này để vận chuyển tàu chiến bị hư hỏng trở lại cảng nhà hoặc triển khai các tàu chiến lớn đi khắp thế giới.

Năm 1988, Lầu Năm Góc cũng phải ký hợp đồng thuê tàu vận tải siêu trọng MV Mighty Servant 2 của Hà Lan đưa tàu khu trục USS Samuel B. Roberts bị trúng thủy lôi của Iran trong chiến dịch Earnest Will về căn cứ. Sức công phá của quả thủy lôi đã khiến USS Samuel B. Roberts thủng một lỗ có kích thước 4,6 m và động cơ không thể hoạt động.

tau-sieu-trong-cho-chien-ham-nghin-tan-my-1

Tàu vận tải MV Blue Marlin đưa khu trục hạm USS Cole về Mỹ. Ảnh: Reddit.

Năm 2000, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke khác của Mỹ là USS Cole bị phiến quân al-Qaeda dùng xuồng đánh bom tự sát khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 người bị thương. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó buộc phải sử dụng tàu chở hàng hạng nặng MV Blue Marlin của Na Uy để chuyên chở USS Cole về cảng nhà.

Nhiều khả năng, tàu MV Blue Marlin sẽ được lựa chọn để chở tàu USS Fitzgerald về Mỹ vào đầu tháng 9. 

Ngoài việc đưa tàu chiến cỡ lớn bị hư hỏng về nước, hải quân Mỹ cũng thường xuyên dùng tàu vận tải hạng nặng để triển khai tàu tuần tra và tàu quét mìn đến các vùng biển trên khắp thế giới.(Vnexpress)
-----------------------

Tên khủng bố khét tiếng Australia bị tiêu diệt tại Syria

Chính phủ Australia vừa nhận được nguồn tin đáng tin cậy cho biết Khaled Sharrouf - đối tượng khủng bố khét tiếng ở nước này, đã bị tiêu diệt cùng 2 con của y trong một cuộc không kích ở khu vực Trung Đông.

 

khaled sharrouf - doi tuong khung bo khet tieng. anh: smh.com.au

Khaled Sharrouf - đối tượng khủng bố khét tiếng. Ảnh: smh.com.au

 

Một quan chức chính phủ giấu tên cho biết Sharrouf cùng 2 con trai là Abdullah và Zarqawi được cho là đã thiệt mạng khi đang lái xe gần thủ đô tự xưng Raqqa của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hôm 11/8 vừa qua. 

Trong một tin nhắn gửi đến một nhóm người Australia có tư tưởng cực đoan, một người anh em của Sharrouf cũng khẳng định đối tượng này và 2 con của y đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu. Một số thành viên thuộc cộng đồng cực đoan Australia đã nhìn thấy những tấm ảnh chụp thi thể 3 bố con Sharrouf. 

Từ lâu, thông tin về Sharrouf đã được báo chí nhiều lần đăng tải và tên này là một trong số đối tượng thuộc nhóm người Australia mang theo gia đình bỏ sang Syria và Iraq để tham chiến trong hàng ngũ IS. Sharrouf đào tẩu sang Syria vào năm 2013 bằng hộ chiếu của một trong những người anh em của y. 

Sau đó không lâu, vợ y là Tara đưa 5 con theo cùng, song người vợ đã chết bệnh vào năm 2015 và 5 người con sống cùng Sharrouf. Đối tượng này là công dân Australia đầu tiên bị tước quốc tịch đầu năm nay theo luật chống khủng bố và tên này hiện chỉ còn mang quốc tịch Liban. (TTXVN)
------------------------

Quốc hội Mỹ khó thông qua dự thảo chi tiêu quốc phòng

Theo các chuyên gia, bất chấp những quan ngại về Triều Tiên, dự thảo chi tiêu quốc phòng quốc gia Mỹ có thể tiếp tục không được thông qua do Quốc hội phải đối mặt với những vấn đề cấp thiết khác.

Thượng viện Mỹ vẫn chưa bỏ phiếu về dự thảo quốc phòng. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng loạt công việc chưa hoàn tất đang chờ đợi các nghị sỹ Mỹ trong thời gian tới, từ vấn đề nợ trần cao cho đến chi tiêu của chính phủ. Thực tế, việc đưa ra một dự thảo chi tiêu quốc phòng 2018 mà được cả hai viện quốc hội có thể tán thành vẫn là một thách thức bởi có những bất đồng về việc làm sao để trả được khoản tiền này cũng như rào cản về những giới hạn ngân sách do luật pháp quy định hiện nay theo Đạo luật Quản lý Ngân sách 2011. 

Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo chi tiêu quốc phòng tài khóa 2018 với khoản tiền lên tới 696,5 tỷ USD, cao hơn cả kế hoạch 667 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump và cũng cao hơn khoảng 70 tỷ USD so với những hạn định chi tiêu Quốc hội đặt ra. 

Tuy nhiên, Thượng viện vẫn chưa bỏ phiếu về dự thảo quốc phòng quốc gia mặc dù bản dự thảo của Ủy ban Quân lực bao gồm kế hoạch chi tiêu quốc phòng lên tới 700 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD dành cho việc hỗ trợ những chiến dịch bất ngờ ở nước ngoài liên quan tới chiến tranh. 

Frederico Bartels, nhà phân tích chính sách về ngân sách quốc phòng tại Qũy Heritage, nhận định: "Để kế hoạch này được thông qua, bạn phải thay đổi luật (với Đạo luật Quản lý Ngân sách) hoặc mọi thứ sẽ được đem ra bàn thảo". 

Theo chuyên gia này, viễn cảnh khả thi là Quốc hội sẽ lại dựa vào một dự thảo chi tiêu ngắn hạn, hoặc một quyền chi tiêu chưa thông qua ngân sách (CR) để duy trì sự hoạt động của chính phủ cũng như cấp tiền cho các hoạt động quốc phòng. Ông Bartels cho rằng có khả năng sẽ là một CR 3 tháng hoặc 6 tháng kể từ khi năm tài khóa mới bắt đầu vào ngày 1/10.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 17-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 17-08-2017

    Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vác gậy đập nhau; Cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ: Nên trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản; Taliban gửi thư cảnh báo Tổng thống Donald Trump

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 17-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 17-08-2017

    Israel tố Iran xây nhà máy làm tên lửa tại Syria; Iran dọa hủy thỏa thuận hạt nhân ‘trong vòng vài giờ’ nếu bị cấm vận; Phe ủng hộ bà Yingluck bị tố lạm dụng công quỹ; Venezuela phô diễn sức mạnh quân sự thị uy Mỹ

Bài cùng chuyên mục