Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 11-08-2017
- Cập nhật : 11/08/2017
Máy bay do thám Nga bay ngang Lầu Năm Góc, Quốc hội Mỹ
Tờ The Washington Post đưa tin một máy bay trinh sát Tupolev Tu-154 phi vũ trang của Không quân Nga ngày 9-8 (giờ Mỹ) đã bay qua vùng không phận an toàn phía trên Lầu Năm Góc, trụ sở Quốc hội Mỹ cùng các tòa nhà chính phủ Mỹ khác. Hoạt động này được cho là để thu thập tình báo.
Thật ra đây là một chuyến bay hợp pháp. Tupolev Tu-154 của Nga đã thực thi quyền được quy định trong Hiệp ước Bầu trời mở mà Nga, Mỹ cùng 32 quốc gia khác đã ký. Hiệp ước này cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay quan sát phi vũ trang trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên khác nhằm mục đích thúc đẩy tính minh bạch và các nỗ lực kiểm soát vũ khí quốc tế, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cảnh sát gác tại trụ sở Quốc hội Mỹ trong ngày đã phát cảnh báo nói rõ “một máy bay được ủy quyền bay ở độ cao thấp” sẽ đi vào vùng không phận được quy định vào giữa 11 giờ sáng 9-8 và 3 giờ chiều cùng ngày. “Chuyến bay này sẽ được cảnh sát trụ sở quốc hội Mỹ và các cơ quan chính phủ liên bang giám sát” - theo cảnh báo.
Tuy nhiên, theo trang Politico, điều đáng chú ý là phi cơ Nga cũng thực hiện một chuyến bay quan sát khác bay qua Bedminster, bang New Jersey, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có một kỳ nghỉ. “Tôi không biết bất kỳ căn cứ quân sự nào ở đó” – một quan chức Nhà Trắng nói. Cũng trong ngày 9-8, máy bay trinh sát Nga bay ở độ cao thấp ngang TP Dayton, bang Ohio, gần căn cứ không quân Wright-Patterson trước khi biến mất khỏi hệ thống giám sát chuyến bay trực tuyến vào chiều cùng ngày.
Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), Trung tướng Vincent Stewart cảnh báo Nga có thể đang lợi dụng hiệp ước này. “Những thứ có thể thấy, những dữ liệu có thể thu thập sẽ cho phép Nga có được thông tin tình báo nền tảng về cơ sở hạ tầng, các căn cứ, cảng và tất cả cơ sở quan trọng của chúng ta. Điều đó sẽ cho họ một lợi thế đáng kể” – ông Stewart nói.
Steve Rademaker, cựu quan chức Cục an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ, đánh giá Nga tuân thủ hiệp ước trên nhưng Moscow đã đưa ra một số biện pháp đi ngược lại tinh thần của hiệp ước.
Chẳng hạn, hiệp ước bắt buộc mỗi thành viên phải cho phép thành viên khác thực hiện bay quan sát ở bất cứ nơi nào trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Nga đã áp đặt việc giới hạn bay trinh sát qua thủ đô Moscow và các khu vực Chechnya, gần Abkhazia và South Ossetia.
Theo The Washington Post, Mỹ cũng thực hiện các chuyến bay trinh sát tương tự bằng máy bay OC-135B trong khuôn khổ hiệp ước trên. Politico cho biết trong 15 năm qua, Mỹ và Nga đã thực hiện tổng cộng 165 lần bay như vậy. Kể từ khi hiệp ước này có hiệu lực vào năm 2002, có hơn 1.200 chuyến bay quan sát bầu trời mở đã được thực hiện.(PLO)
----------------------------
Lao động nô lệ gia tăng ở châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận tình trạng nô lệ lao động ở khu vực này tăng nhiều nhất so vơi bất kỳ khu vực nào trên thế giới từ đầu năm tới nay, khi có hơn 100.000 người di cư đến đó.
Kết luận trên do Công ty phân tích Anh Verisk Maplecroft đưa ra khi công bố chỉ số nô lệ toàn cầu thường niên của công ty hôm 10.8, theo Reuters.
Chỉ số đánh giá các vụ việc về buôn người và nô lệ cùng tình trạng thực thi pháp luật ở 198 quốc gia. Theo đó, Romania, Hy Lạp, Ý, CH Síp, Bulgaria là những quốc gia có nô lệ lao động nhiều nhất trong EU.
Tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 115.000 người di cư và xin tị nạn đến châu Âu bằng đường biển, với hơn 80% đến Ý, theo Tổ chức Di trú quốc tế.
Verisk Maplecroft cho rằng nguy cơ nô lệ lao động có mặt trong nông nghiệp, xây dựng và nhiều lãnh vực khác ở khu vực, với 20 trong số 28 quốc gia thành viên EU ghi nhận nguy cơ này tồi tệ hơn năm 2016.
“Cuộc khủng hoảng nhập cư làm gia tăng nguy cơ về các vụ việc liên quan nô lệ mà xuất hiện trong các chuỗi cung cấp lao động khắp châu Âu”, nhà phân tích nhân quyền Sam Haynes tại Verisk Maplecroft nhận định.
Theo Tổ chức Lao động thế giới, hiện trên toàn cầu có 21 triệu người bị ép buộc làm việc, trong một ngành kinh doanh trị giá 150 tỉ USD/năm.(Thanhnien)
------------------------------
Đàm phán hạ nhiệt Trung-Ấn tiếp tục bế tắc
Tình hình căng thẳng quân sự trên cao nguyên Dokalam (khu vực tranh chấp giữa TQ và Bhutan) đã kéo dài gần bảy tuần qua. Các nguồn tin của Reuters thân cận với chính phủ Thủ tướng Narendra Modi tiết lộ phía Ấn Độ thời gian qua đã nhiều lần đề nghị hai bên cùng rút quân nhưng phía TQ nhất quyết không phản hồi. Đại diện Bắc Kinh yêu cầu Ấn Độ đơn phương rút quân vô điều kiện khỏi khu vực đối đầu.
Theo Reuters, đàm phán qua kênh không chính thức, Ấn Độ đã hai lần đề nghị quân đội hai nước cùng lui quân 250 m hoặc 100 m khỏi khu vực đối đầu. Tuy nhiên, phía TQ không phản hồi một lời nào. “Tình hình hiện nay bế tắc, không có tiến triển gì” - theo một nguồn tin của Reuters. Trả lời câu hỏi của Reuters về các nỗ lực đối thoại bí mật này, Bộ Ngoại giao TQ khẳng định sẽ không đời nào từ bỏ chủ quyền “dù thế nào chăng nữa”.(PLO)
--------------------------
LHQ cảnh báo nguy cơ tái diễn nạn diệt chủng ở CH Trung Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng bạo lực gia tăng là dấu hiệu có thể tái diễn nạn diệt chủng ở Cộng hòa (CH) Trung Phi trong thời gian tới.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Stephen OBrien cho biết từ đầu năm đến nay, hơn 180.000 người Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nâng số người phải rời đất nước sang các nước láng giềng lánh nạn lên tới hơn 500.000 người.
Trong báo cáo trình Hội đồng Bảo an LHQ sau chuyến thăm CH Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo mới đây, ông Obrien cho biết những tín hiệu báo trước về diệt chủng đang xuất hiện trở lại ở quốc gia châu Phi này. Do vậy, LHQ và cộng đồng quốc tế cần sớm có những hành động hiệu quả để ngăn chặn hiểm họa nguy hiểm này.
Theo Phó Tổng Thư ký LHQ, đây là thời điểm để tăng thêm số lượng binh lính và cảnh sát trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở CH Trung Phi (MINUSCA) để có thể đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ dân sự tại đây. Ông Obrien nêu rõ gần một nửa dân số quốc gia Trung Phi này đang thiếu lượng thực và cần sự hỗ trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ và lương thực.
Đặc biệt, nước này có khoảng 500.000 người tỵ nạn và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây đang có chiều hướng gia tăng và trên phạm vi rất rộng. Đến nay, LHQ mới chỉ nhận được 25% trong tổng số gần 500 triệu USD mà các nước cam kết hỗ trợ CH Trung Phi trong năm nay.(TTXVN)