Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 11-08-2017: Tiết lộ sốc, Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân không phải để "đánh Mỹ"
- Cập nhật : 11/08/2017
Giới phân tích nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ mà sẽ dùng số vũ khí này để làm Mỹ nhụt chí và không can thiệp vào các cuộc xung đột giữa Hàn – Triều.
Cuộc khẩu chiến gay gắt gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên khiến nhiều người tin rằng, căng thẳng giữa hai nước có thể bùng phát thành một cuộc chiến trong thực tế bất cứ lúc nào. Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo ông Kim rằng: "Triều Tiên sẽ bị thiêu đốt và đối mặt với sự giận dữ mà thế giới chưa từng được chứng kiến". Về phần mình, Bình Nhưỡng cũng công khai ý định tấn công đảo Guam của Mỹ.
Theo giới chức Mỹ, những tuyên bố mạnh miệng của ông Trump với Triều Tiên là nhằm truyền đi thông điệp cảnh cáo "mọi chuyện đã là quá đủ" đối với Bình Nhưỡng và đồng minh thân thiết của quốc gia này là Trung Quốc. Còn theo giới chuyên gia, đối với ông Kim, chiến lược cuối cùng vẫn là duy trì quyền lực lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân để khơi mào chiến sự với Mỹ.
"Điều mà ông Kim Jong-un thực sự muốn là cải thiện năng lực tên lửa và vũ khí hạt nhân cũng như duy trì quyền lực lãnh đạo", Washington Post dẫn lời ông Michael Madden, người điều hành trang web "North Korea Leadership Watch".
Chiến tranh là điều không ai muốn đặc biệt là đối với 25 triệu dân Hàn Quốc, những người đang sống dưới tầm bắn của lực lượng pháo binh truyền thống Triều Tiên. Nhưng sự "hiếu chiến" của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cùng với việc hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân khiến bầu không khí căng thẳng có thể bùng nổ thành chiến tranh bất cứ lúc nào.
"Rủi ro chiến tranh ở khu vực Đông Bắc Á xuất phát từ Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim đang đẩy căng thẳng tới mức đỉnh điểm trong khi Tổng thống Trump không loại trừ khả năng tiến hành chiến tranh", ông Koo Hae-woo, người từng là một quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo Hàn Quốc tới năm 2014 và hiện điều hành Viện Chiến lược tương lai Hàn Quốc nhận định.
Ý định phát triển vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un?
Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011, ông Kim được cho đã củng cố quyền lực bằng cách thắt chặt khả năng kiểm soát bộ máy quan chức trong nước đồng thời cô lập Triều Tiên khỏi thế giới bằng cách theo đuổi tham vọng phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đây được xem là chiến lược phòng thủ mà cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã thi hành.
Năng lực phát triển hạt nhân và tên lửa vượt bậc của Triều Tiên được thể hiện qua hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn được cho vươn tới nhiều thành phố lớn của Mỹ hồi tháng trước. Thậm chí, giới tình báo Mỹ cũng thừa nhận Triều Tiên đã có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và tích hợp lên trên các ICBM. Đây là bước tiến lớn quan trọng giúp Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân toàn diện.
Tuy nhiên với tư tưởng phòng thủ, việc ông Kim sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công hoặc đe dọa một cường quốc quân sự lớn như Mỹ bị xem là hành động tự sát.
"Ông Kim Jong-un không phải đang cố tình tạo ra một cuộc chiến", ông Madden nói.
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân sẽ khiến Mỹ nhụt chí và không can thiệp vào các cuộc xung đột giữa Hàn - Triều.
Chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, ông Cheong Seong-changn cũng đồng tình với nhận định của ông Madden về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không muốn chiến tranh với Mỹ.
"Triều Tiên không phát triển công nghệ ICBM để khơi mào chiến sự với Mỹ. Mục đích chỉ là ngăn chặn Mỹ can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên muốn gây tầm ảnh hưởng tới các quyết định của Mỹ. Trong khi Mỹ cũng không muốn bị chỉ trích là gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân Mỹ để bảo vệ các quốc gia đồng minh", ông Cheong cho hay.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên đẩy căng thẳng lên tới cao trào trong khi tiếp tục đạt được nhiều thành tựu lớn trong chương trình nghiên cứu vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, là mánh khóe của Bình Nhưỡng để buộc các cường quốc hạt nhân phải ngồi vào bàn đàm phán.
"Mỹ sẽ chỉ đồng ý đối thoại với Triều Tiên nếu như họ nghĩ một cuộc chiến sắp cận kề. Triều Tiên dù không muốn chiến tranh nhưng chính việc làm gia tăng căng thẳng là để tạo bầu không khí cho các cuộc đàm phán", ông Koo chia sẻ.
Còn theo ông Van Jackson, chuyên gia về an ninh Triều Tiên tại Đại học Victoria ở New Zealand, đối với những nhà lãnh đạo có lý trí tại những quốc gia hạt nhân mới vốn chỉ nắm trong tay số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân, thì những năm đầu tiên là năm có nhiều hành động khinh suất nhất.
"Họ bị cuốn vào tư tưởng xem có thể tận dụng tối đa được gì từ các loại vũ khí mà họ đã dành nhiều tiền và nỗ lực để có được", ông Jackson cho rằng điều này càng tạo ra thêm áp lực để phô trương năng lực hạt nhân.
Theo ông Jackson, sự tương đồng lớn nhất với tình hình Triều Tiên hiện nay chính là Pakistan. Thay vì theo đuổi mô hình Chiến tranh Lạnh, Pakistan đã chọn chiến lược "leo thang bất đối xứng" để có thể dùng kho vũ khí hạt nhân chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí truyền thống.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn