Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Những chủ đề trong cuộc gặp 'định hình thế giới' Trump-Putin
Hai nhà lãnh đạo có thể đề cập những vấn đề nóng hiện nay trong cuộc gặp đối mặt đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm nay có cuộc gặp được đánh giá là "định hình thế giới" bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Đức.
Joshua Tucker, giáo sư chính trị của Đại học New York, cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo một loạt vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, trong đó có 4 chủ đề rất đáng chú ý, theo Washington Post.
Ukraine
Có lẽ không điều gì gây cản trở cho mối quan hệ Mỹ - Nga hơn mối bất đồng giữa chính quyền Obama và Putin về cuộc khủng hoảng Ukraine. Vậy nên, mọi ánh mắt sẽ dồn vào Trump để xem liệu ông có bật đèn xanh cho bất cứ thay đổi nào trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Crimea và các biện pháp trừng phạt Nga hay không.
Nhiều người nghĩ đến triển vọng đó do Trump từng có những lời phát ngôn bày tỏ sự mến mộ Putin trong cuộc vận động tranh cử. Tuy nhiên, vấn đề này đã trở nên phức tạp vì cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller chủ trì.
Syria
Mỹ và Nga can dự vào cuộc chiến ở Syria về danh nghĩa là để ủng hộ một mục tiêu chung là tiêu diệt tổ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Song trên thực tế, cả hai nước đang theo đuổi các chiến lược đối nghịch nhau đối với vai trò tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người được Nga hậu thuẫn nhưng bị Mỹ phản đối.
Vì vậy, các cuộc thảo luận liên quan đến Syria có thể là mối quan tâm chung để Trump và Putin tìm kiếm sự tương đồng. Tuy nhiên, vấn đề Syria rất có thể sẽ bị bị lắng chìm trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ vì tính khẩn cấp của các diễn biến liên quan đến Triều Tiên.
Triều Tiên
Vấn đề Triều Tiên vốn không phải là trọng điểm trong mối quan hệ Mỹ - Nga, nhưng việc Bình Nhưỡng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đã khiến nước này trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Dù Mỹ và Nga đều mong muốn ngăn ngừa Triều Tiên gây bất ổn cho khu vực, Nga và Trung Quốc vẫn chỉ trích phản ứng của chính quyền Trump khi họ nói rằng có thể sử dụng giải pháp quân sự đối với Triều Tiên.
Vậy nên, rất đáng để xem liệu Putin và Trump có thể tháo ngòi căng thẳng giữa hai nước về vấn đề này hay các bất đồng về phản ứng đối với Triều Tiên sẽ bao trùm phần còn lại của cuộc thảo luận hay không.
Vấn đề Triều Tiên cũng có thể được nêu ra giữa các cuộc họp lớn hơn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi có sự góp mặt của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7. Video: 9news/KCTV
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Có lẽ câu hỏi lớn nhất đối với các nhà quan sát là liệu Trump và Putin có thảo luận về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.
Một điều đáng quan sát nữa là những chi tiết phụ xoay quanh cuộc gặp, chẳng hạn như danh sách phái đoàn quan chức Mỹ tham dự cuộc gặp. Aaxios đưa tin rằng Fiona Hill, giám đốc cấp cao về Nga và châu Âu của Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ, một người chỉ trích mạnh mẽ Putin, có thể không có mặt trong phái đoàn. Việc một người có vị trí như Hill không có mặt trong phái đoàn là điều bất thường, đặc biệt khi có nhiều nghi vấn về lập trường của Trump đối với Nga và các vấn đề khác sau cuộc gặp giữa ông với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak ở Phòng Bầu dục hồi tháng 5.
Rất nhiều điều có thể xảy ra giữa cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo. Cả hai tổng thống đều đối mặt với rủi ro rất lớn trong mối quan hệ với nhau và mỗi bên đều hy vọng sẽ đạt được điều gì đó từ cuộc gặp này.
"Mọi sự chú ý sẽ tập trung vào Trump để xem liệu ông có thể ứng phó được Putin hay không vì Putin là người chuẩn bị rất kỹ cho những cuộc gặp như vậy. Và một điều thú vị không kém là xem liệu Tổng thống Putin, người nổi tiếng vững vàng, điềm tĩnh có bị bối rối trước Tổng thống Mỹ Trump khó đoán hay không", Tucker nhận định.(Vnexpress)
-------------------------
Việt Nam xác nhận 7 công dân thiệt mạng ở Trung Quốc
Bộ Ngoại giao xác nhận 7 trong số 9 người thiệt mạng trên vùng biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là công dân Việt Nam.
Ngư dân Trung Quốc tại Sán Vĩ, Chủ Hải, tỉnh Quảng Đông, gần đây vớt được thi thể 9 người nghi là công dân Việt Nam tại vùng biển khu vực này.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu xác định 7 nạn nhân là công dân Việt Nam, gồm ba người ở Nghệ An, hai người ở Quảng Bình, một người ở Hải Dương và một người ở Hà Tĩnh. Hiện chưa rõ danh tính hai nạn nhân còn lại. Gia đình các nạn nhân đã được hỗ trợ sang Trung Quốc đưa di hài về nước, theo thông cáo Bộ Ngoại giao hôm nay.
Trung Quốc cho biết vùng biển tỉnh Quảng Đông gần đây có hiện tượng tổ chức đưa người vượt biên sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp cùng Trung Quốc điều tra vụ việc.
Trước đó, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cho biết người thân của họ ra Hà Nội để được một người đàn ông đưa sang Đài Loan làm việc vào cuối tháng 2. Những người này vẫn giữ liên lạc với gia đình khi sang Trung Quốc. Đến cuối tháng ba, gia đình mất liên lạc sau khi những người này lên tàu tới Đài Loan.(Vnexpress)
-----------------------------
Trung Quốc công bố ảnh trực thăng quân sự phóng tên lửa
Dòng trực thăng tấn công nội địa Z-19 của Trung Quốc phóng tên lửa diệt mục tiêu giả định trên mặt đất.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 5/7 lần đầu tiên công bố hình ảnh dòng trực thăng tấn công Z-19 diễn tập phóng tên lửa không đối đất tại tỉnh Cam Túc, tây bắc nước này, theo Defense Blog.
Đại diện đơn vị tham gia cuộc diễn tập cho biết tên lửa đã nhắm trúng mục tiêu giả định trên mặt đất.
Z-19 là dòng trực thăng trinh sát - tấn công hạng nhẹ được tập đoàn Công nghiệp hàng không Harbin chế tạo dành cho không quân và không quân lục quân Trung Quốc.
Z-19 được trang bị ít nhất 8 tên lửa chống tăng và thiết giáp. Máy bay cũng được trang bị công nghệ kết nối với lực lượng đặc nhiệm trong các nhiệm vụ trinh sát. Nhà sản xuất khẳng định Z-19 có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, khả năng cơ động và độ an toàn cao, bảo đảm sinh mạng cho tổ lái.(Vnexpress)
-------------------------------
Trung Quốc bực tức vì oanh tạc cơ Mỹ bay qua Biển Đông
Trung Quốc lên tiếng phản đối sau khi Mỹ điều hai phi cơ ném bom chiến lược B-1B bay qua Biển Đông.
Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay cho rằng chiến dịch tự do hàng không của Mỹ là cái cớ xâm phạm điều gọi là "an ninh và chủ quyền" của nước này, theo Reuters.
Ông Cảnh tuyên bố sau khi không quân Mỹ thông báo hai oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh B-1B hôm 6/7 bay qua Biển Đông, khẳng định quyền coi khu vực này là vùng biển quốc tế, trước tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Trước khi bay qua Biển Đông, hai chiếc B-1B đã lần đầu tiên tham gia diễn tập ban đêm cùng chiến đấu cơ Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Mỹ điều phi cơ bay qua Biển Đông trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Đức.
Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Hôm 2/7, Mỹ điều một tàu chiến áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng Tri Tôn trái phép từ năm 1974 và tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp tại đây trong vài năm qua.
Hồi cuối tháng 5, Mỹ cũng cử một tàu chiến áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.(Vnexpress)