Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 05-06-2017
- Cập nhật : 05/06/2017
Trung Quốc tức giận vì bị Mỹ tố coi thường các nước ở Biển Đông
Trung Quốc phản đối sau khi Mỹ nhận xét Bắc Kinh coi thường lợi ích của các nước khác ở Biển Đông và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay nói Trung Quốc "kiên quyết phản đối" và kêu gọi "các bên liên quan ngừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm" ở Biển Đông, theo Reuters.
Hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, cáo buộc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây tổn hại đến sự ổn định khu vực.
"Trung Quốc coi thường lợi ích của các nước khác và coi thường luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá", ông Mattis nói.
Bà Hoa lớn tiếng cho rằng các công trình phi pháp do nước này xây dựng ở Trường Sa của Việt Nam là nhằm "cải thiện điều kiện làm việc cho những người ở đó, duy trì chủ quyền và thực hiện trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng các hoạt động trái phép của Bắc Kinh ở Trường Sa "không liên quan đến quân sự hóa".
Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD lưu thông mỗi năm, chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Bà Hoa cho rằng các nước quanh Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, song các quốc gia ngoài khu vực "lặp đi lặp lại các nhận xét sai lầm, bỏ qua thực tế và đổi trắng thay đen với động cơ xấu".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố việc tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không chống lại các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mỹ hôm 24/5 điều tàu khu trục USS Dewey tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong hoạt động được biết với tên gọi tự do hàng hải.(Vnexpress)
-----------------------------
Nhiều quốc gia đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar
Ai Cập, Bahrain, Arab Saudi đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do nước này liên quan chủ nghĩa khủng bố.
Vị trí các quốc gia vùng Vịnh. Đồ họa: BBC.
Arab Saudi cắt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới với Qatar "để bảo vệ an ninh quốc gia khỏi nguy hiểm từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan", hãng thông tấn quốc gia Arab Saudi SPA đưa tin hôm nay. Arab Saudi dừng mọi liên lạc trên biển và đất liền với Qatar, kêu gọi "các quốc gia anh em làm tương tự".
Bahrain cũng thông báo chấm dứt quan hệ với Qatar vì Doha gây ảnh hưởng tới "an ninh và ổn định của Manama, can thiệp vào vấn đề nội bộ vương quốc này". Công dân Qatar ở Bahrain có 14 ngày để rời đi, Reuters cho biết.
Ai Cập cáo buộc Qatar tài trợ các tổ chức "khủng bố", trong đó có Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) và tuyên bố cắt quan hệ với Doha. Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo đóng cửa không phận và các cảng biển đối với mọi phương tiện vận tải Qatar.
Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nói Qatar "ủng hộ, tài trợ và khuyến khích các tổ chức khủng bố, cực đoan", làm xói mòn ổn định khu vực. Với lý do đó, UAE cắt quan hệ và cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để rời đi.
Liên minh Arab, do Arab Saudi dẫn đầu, đang đối phó phiến quân nổi dậy ở Yemen cũng thông báo khai trừ Qatar.
Theo AFP, Qatar từ lâu đã bị cáo buộc là quốc gia tài trợ khủng bố. Nước này từng bị chỉ trích vì ủng hộ những nhóm nổi dậy đối phó chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bộ Tài chính Mỹ đã ra lệnh trừng phạt nhiều cá nhân Qatar do "tài trợ các hoạt động khủng bố".
Qatar là thành viên trong liên minh quốc tế, do Mỹ dẫn đầu, đang đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS). Quốc gia này có căn cứ không quân al-Udeid, nơi Mỹ bắt đầu mọi chiến dịch trên không của liên minh trong khu vực.(VNexpress)
------------------------
Cựu ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trump rút khỏi hiệp định khí hậu
Cựu ngoại trưởng John Kerry chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
"Khi Donald Trump thông báo với thế giới rằng chúng tôi sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn... nó giống như O.J. Simpson nói ông ta sẽ tìm kẻ giết người thực sự", cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong cuộc phỏng vấn với NBC News ngày 4/6. Simpson là cựu cầu thủ bóng bầu dục Mỹ gây tranh cãi sau khi được trắng án trong vụ giết vợ cũ.
Theo ông Kerry, Tổng thống Trump sẽ không tái đàm phán Hiệp định Paris dù ông tuyên bố sẽ làm như vậy.
"Bởi vì ông ấy không tin Hiệp định. Nếu tin thì ông ấy đã không rút Mỹ khỏi Hiệp định", ông Kerry nói. "Mỹ đã đơn phương nhường lại vai trò lãnh đạo trong vấn đề khí hậu".
Ông Kerry được coi là kiến trúc sư của Hiệp định Paris, được gần 200 nước thông qua tại Pháp hồi tháng 12/2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore có cùng quan điểm với ông Kerry.
"Quyết định của Trump vô nghĩa đối với tôi, một quyết định liều lĩnh, không thể bào chữa. Tôi nghĩ nó làm xói mòn vị thế của Mỹ trên thế giới, đe dọa khả năng giải quyết đúng lúc cuộc khủng hoảng này của nhân loại", ông nói trong chương trình Fox News Sunday.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lên tiếng trấn an ông Trump có tin vào biến đổi khí hậu. Ông chủ Nhà Trắng trước đó gọi biến đổi khí hậu là "trò lừa đảo" của Trung Quốc. Scott Pruitt, đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), cho biết ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris là "đặt nước Mỹ lên trước tiên".(Vnexpress)