Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 05-06-2017

  • Cập nhật : 05/06/2017

Báo Nga nói về việc Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát ngầm ở Biển Đông

Xây dựng mạng lưới quân sự giám sát ngầm là bước làm quan trọng hướng tới đảm bảo sự thống trị của Hạm đội Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên. Không loại trừ cả khả năng Mỹ sẽ cố gắng phối hợp với một trong những nước Đông Nam Á bố trí hệ thống giám sát ở khu vực nào đó trên Biển Đông.

da subi da bi trung quoc boi lap, xay dung thanh dao nhan tao phi phap voi duong bang, nha chua may bay va cac cong trinh quan su kien co

Đá Subi đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dừng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết nước này sẽ chi 290 triệu USD triển khai hệ thống cảm biến giám sát tình hình dưới biển Hoa Đông và Biển Đông làm giới quan sát nước ngoài đặc biệt chú ý.

Dự án được xem như một bước quan trọng của Trung Quốc trong hoạt động quân sự hóa các khu vực biển tranh chấp, được đánh giá như một phương tiện tương đồng với hệ thống giám sát tàu ngầm SOSUS của Mỹ (SOund SUrveillance System). Liệu sự xuất hiện hệ thống của Trung Quốc có làm thay đổi nhiều tình hình trong khu vực? Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin  bình luận trên Sputnik.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc bố trí các cảm biến phục vụ công tác nghiên cứu và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại những khu vực biển này. Quan điểm của Trung Quốc về ý nghĩa quân sự của hệ thống này.

Các  phương tiện của Trung Quốc tương đương SOSUS - mạng lưới khổng lồ các hydrophone quân sự và cảm biến bất thường từ tính dưới nước truyền dữ liệu cho trạm mặt đất qua cáp đặc biệt, đã tồn tại lâu nay.

Những bước làm đầu tiên xây dựng hệ thống như vậy có lẽ được Trung Quốc thực hiện sớm nhất vào những năm 1990. Tới đầu những năm 2010, Mỹ đã công bố một số công trình mô tả khá chi tiết các dự án của Trung Quốc, đặc biệt ở vùng Biển Đông. Phía Mỹ nhận định, tiềm năng phát hiện tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc tại đây đã tăng hàng chục lần.

Xây dựng mạng lưới quân sự giám sát ngầm là bước làm quan trọng hướng tới đảm bảo sự thống trị của hạm đội Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất thực hiện các dự án tương tự ở châu Á. Theo những bài viết được công bố, có thể hiểu Mỹ và Nhật Bản cũng xây dựng các mạng lưới quan trắc tương tự ở biển Hoa Đông.

Không loại trừ cả khả năng Mỹ sẽ cố gắng phối hợp với một trong những nước Đông Nam Á bố trí hệ thống giám sát ở khu vực nào đó trên Biển Đông. Đây cũng có thể là lý do Hải quân Trung Quốc phản ứng kích động trước bất kỳ hoạt động tàu thăm dò và thủy văn của hải quân Mỹ tại đây.

Như vậy, ở phía tây Thái Bình Dương đã có cuộc cạnh tranh ngầm khốc liệt. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và một số nước đang gia tăng đầu tư công nghệ chiến tranh dưới mặt biển, trong đó có cả các phương tiện dưới nước điều khiển từ xa, các loại hình mìn và ngư lôi mới, hệ thống chiến tranh chống ngầm.

Mọi cái đã đi quá xa để hệ thống mới được nhắc đến có thể thay đổi đáng kể chuyện gì đó. Có lẽ, đó thực sự là một hệ thống giám sát dưới nước với mục đích kép của Trung Quốc. So với các hệ thống quân sự, nó có phạm vi hoạt động nhỏ hơn và sử dụng các thành phần cảm biến khác cho phép bổ sung và tăng cường những hệ thống giám sát quân sự hiện có.(Viettimes)
--------------------------------

Lời trấn an chưa trọn vẹn của Mỹ với châu Á tại Đối thoại Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trấn an đối tác và đồng minh châu Á về cam kết của Mỹ trong khu vực, nhưng ông không phải là người đưa ra quyết sách cuối cùng về châu Á.

 

bo truong quoc phong my james mattis phat bieu tai doi thoai shangri-la ngay 3/6. anh: trong giap.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6. Ảnh: Trọng Giáp.

 

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bước lên phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm qua, các cử tọa đều mong chờ được ông trả lời hai câu hỏi quan trọng: Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi lợi ích an ninh quốc gia ở châu Á của mình như thế nào và Washington sẽ cân bằng giữa lợi ích an ninh và giá trị đối ngoại của mình trong khu vực ra sao, theo Economist.

Hai câu hỏi này càng trở nên quan trọng với các quốc gia trong khu vực, trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố bãi bỏ chiến lược "tái cân bằng châu Á", trong khi Trung Quốc không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình, thông qua các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, còn Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Các bình luận viên của Economist cho rằng ông Mattis đã tận dụng cơ hội phát biểu này để đưa ra câu trả lời khéo léo cho câu hỏi thứ nhất. Ông cho biết Mỹ coi mối đe dọa từ Triều Tiên là "hiện hữu và rõ ràng", muốn Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát đồng minh này, nhưng sẽ không đánh đổi điều đó để chấp nhận thỏa hiệp với Bắc trên Biển Đông.

"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá", ông Mattis nói. "Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi hiện trạng đơn phương, cưỡng ép".

Tuyên bố của ông Mattis phản ánh một điều rằng những quan điểm cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên phải đánh đổi bằng sự nhượng bộ trên Biển Đông là sai lầm. Nói một cách khác, câu trả lời của Mattis phản ánh quyết tâm của Mỹ trên Biển Đông, trong đó có thể bao hàm việc nước này gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển chiến lược này.

Giới quan sát đánh giá bài phát biểu của ông Mattis là "tốt hết mức có thể" khi trả lời câu hỏi thứ nhất về lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong câu hỏi thứ hai liên quan đến giá trị của chính sách đối ngoại ở khu vực, câu trả lời của ông chưa thực sự thuyết phục như vậy.

Một đại biểu Australia tham dự phiên thảo luận đặt câu hỏi liệu khu vực châu Á có nên lo lắng rằng họ đang chứng kiến sự "sụp đổ của trật tự thượng tôn pháp luật" hay không, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp có những quyết sách như rút khỏi TPP và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Một đại biểu Nhật còn chất vấn liệu Mỹ vẫn chia sẻ "những giá trị chung" với các đồng minh của mình hay không, hay chỉ còn đơn thuần là các lợi ích về an ninh.

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tìm cách trấn an các đồng minh và đối tác châu Á rằng trong tinh thần của người Mỹ tồn tại những nguyên tắc và bản năng ăn sâu bám rễ đến mức chúng có thể trụ vững qua những biến động chính trị của các cuộc bầu cử. Ông cũng nhấn mạnh rằng chính Tổng thống Trump đã cử ông tới Tokyo và Seoul trong chuyến công du đầu tiên của mình để làm rõ cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á.

"Lịch sử Đại Suy thoái trong thế kỷ 20 cho chúng ta thấy mọi thứ tồi tệ như thế nào nếu chúng ta đều rút lui vào trong biên giới của mình. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn là một phần của thế giới. Điều đó vẫn trường tồn, dù có những nỗi giận dữ trong lòng nước Mỹ rằng chúng tôi đã đảm đương gánh nặng quá lớn. Sát cánh cùng thế giới vẫn là thứ thâm căn cố đế trong tinh thần Mỹ", ông nói.

Nhưng khi đề cập đến trật tự thượng tôn pháp luật ở châu Á, cũng như mức độ cam kết của Mỹ trong khu vực, các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Mattis chỉ là người truyền tải thông điệp, trong khi người có quyết định cuối cùng là Tổng thống Donald Trump, người luôn đề cao chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết".

Giới quan sát cho rằng tại đối thoại Shangri-La, các đại biểu không giấu nổi sự nhẹ nhõm rằng nước Mỹ đang có một Bộ trưởng Quốc phòng đầy khôn ngoan và nguyên tắc như ông Mattis. Nhưng Lầu Năm Góc không thể là bên quyết định cuối cùng về cách nước Mỹ cân bằng giá trị và lợi ích trong vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

"Dù ông Mattis đã thể hiện được rất nhiều trong Đối thoại Shangri-La, người có tiếng nói cuối cùng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á vẫn là Tổng thống Trump. Với châu Á, đó vẫn là sự trấn an chưa trọn vẹn", bình luận viên của Economist kết luận.(Vnexpress)
----------------------------------

Mỹ phát triển biệt đội tác chiến hỗn hợp người và robot

Quân đội Mỹ thực hiện dự án phát triển những đơn vị tác chiến bao gồm binh sĩ và robot nhằm tối ưu hóa khả năng chiến đấu.

bo binh my su dung uav co nho trong tac chien. anh: us army.

Bộ binh Mỹ sử dụng UAV cỡ nhỏ trong tác chiến. Ảnh: US Army.

 

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 31/5 cho biết đã trao cho nhà thầu Six3 Advanced Systems hợp đồng thiết kế, phát triển và thử nghiệm các hệ thống robot có khả năng liên lạc và phối hợp tác chiến với một đơn vị vũ trang hỗn hợp của quân đội, theo Sputnik.

"Hợp đồng trao cho Six3 Advanced Systems có trị giá khoảng 10,5 triệu USD để thiết kế và thử nghiệm các biệt đội hỗn hợp giữa con người với robot có khả năng thông tin liên lạc thông thường và các năng lực tiên tiến", Lầu Năm Góc nêu trong thông cáo.

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định hệ thống này sẽ được sử dụng trong mọi điều kiện tác chiến để tối ưu hóa hiệu quả chiến đấu trong các môi trường ngày càng phức tạp. Hệ thống này cũng có thể liên lạc với các máy bay yểm trợ, pháo binh và tàu chiến.

Quân đội Mỹ cũng dự định sử dụng máy bay không người lái (UAV) để thiết lập mạng lưới liên lạc và các robot ngựa thồ để vận chuyển hàng hóa tự động, hỗ trợ các đơn vị nhỏ hoạt động trên chiến trường.(Vnexpress)
 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 04-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 04-06-2017

    Brazil tiếp tục mở rộng điều tra nghi án Tổng thống Temer tham nhũng; Đối thoại Shangri-La: Trung Quốc, Nga đề cao quan hệ hợp tác quân sự; Philippines bắt hàng chục người Indonesia dính líu bạo động ở Mindanao; George Soros: Liên minh châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng về sự tồn tại

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 04-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 04-06-2017

    Đối thoại Shangri-La 16: Đề cao luật lệ quốc tế trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực; Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt giữ cố vấn cấp cao của thủ tướng; HĐBA LHQ có 6 thành viên không thường trực mới; LHQ cảnh báo về nhiều loại ma túy mới ở Đông Nam Á

Bài cùng chuyên mục