Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 03-07-2017

  • Cập nhật : 03/07/2017

Năm đầu không suôn sẻ của ông Duterte

Năm cầm quyền đầu tiên vừa đi qua chắc chắn không làm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hài lòng.

nam dau khong suon se cua ong duterte

Năm đầu không suôn sẻ của ông Duterte

Vị thế và nền tảng quyền lực của ông vẫn rất vững chãi và uy tín cá nhân ở trong nước vẫn rất cao, nhưng mọi dự định chính sách lớn lại chưa đâu vào đâu và thách thức về an ninh lại còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Duterte đắc cử tổng thống chủ yếu nhờ cam kết hành động quyết liệt để chống tội phạm và buôn bán ma túy. Ông khởi đầu nhiệm kỳ bằng việc tuyên chiến với tội phạm và buôn bán ma túy. Kết quả của chiến dịch này được ông Duterte và bên ngoài đánh giá khác nhau, nhưng nó không thành công sau 180 ngày như cam kết. Nhiều khả năng ông Duterte sẽ không đạt được mục tiêu này trong cả mấy năm cầm quyền còn lại. Tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc với một số tổ chức và lực lượng vũ trang ly khai được ông Duterte tiếp tục thúc đẩy nhưng vẫn còn đầy trắc trở, và nếu như không nhanh chóng có được bước chuyển mang tính đột phá thì chắc ông Duterte rồi đây cũng sẽ không thể đi xa hơn người tiền nhiệm. Việc các lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố tấn công chiếm TP.Marawi ở miền nam Philippines giữa lúc ông Duterte thăm Nga đã làm đảo lộn cả chương trình cầm quyền và là thất bại lớn nhất của vị tổng thống này trong năm cầm quyền đầu tiên.

Về đối ngoại, ông Duterte ở thời kỳ đầu đã thực thi những điều chỉnh định hướng chiến lược rất cơ bản. Nhưng việc thực hiện chúng lại khó khăn và không đạt kết quả nhanh chóng như mong đợi. Thiếu nhất quán và chưa có được chiến lược rõ ràng, ông Duterte từ chủ động mà thành bị động trong xử lý quan hệ với những đối tác quan trọng nhất. Năm cầm quyền đầu tiên thật chẳng suôn sẻ gì đối với ông Duterte.(Thanhnien)
----------------------------

Trở ngại bủa vây Trump vì đánh mất lòng tin của người Cộng hòa

Tổng thống Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thu phục ủng hộ, kể cả từ các thành viên Cộng hòa, khi thông qua những quyết sách quan trọng.

tong thong my donald trump gap go cac thanh vien cong hoa de ban ve du luat cham soc suc khoe. anh: washington post

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ các thành viên Cộng hòa để bàn về dự luật chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Washington Post

 

Cố tìm kiếm sự ủng hộ đối với dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/6 gọi điện cho thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mike Lee để thuyết phục ông bỏ phiếu tán đồng. Tuy nhiên, cuộc gọi riêng từ Tổng thống Mỹ là chưa đủ. Ngày 27/6, Lee cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống, theo Washington Post.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 22/6 công bố dự luật chăm sóc sức khỏe mới đã sửa đổi từ bản mà hạ viện Mỹ đã thông qua, nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng (Obamacare) từ thời cựu tổng thống Barack Obama. Dự luật mới đang chờ thông qua tại thượng viện, song chuyên gia nhận định quá trình này vô cùng khó khăn.

Các lãnh đạo phe Cộng hòa ở thượng viện đã hoãn việc bỏ phiếu thông qua dự thảo bởi quá nhiều người Cộng hòa phản đối, ít nhất là ở hiện tại.

Trump từng lạc quan cho rằng dự luật chăm sóc sức khỏe có thể được thông qua dễ dàng. Nhưng mọi chuyện không như tưởng tượng, dự luật bị trì hoãn và ông phải quay trở về bàn đàm phán. Theo các cây bút Philip Rucker, Robert Costa và Ashley Parker từ Washington Post, đây là bằng chứng mới nhất về những giới hạn của Tổng thống Mỹ trong việc thu phục ủng hộ tại Đồi Capitol.

Lòng tin đánh mất

Lịch sử đã chứng minh rằng các tổng thống Mỹ thành công đều là những người được nể sợ và kính trọng. Nhưng những mối bất đồng bên trong đảng Cộng hòa ở Washington đang cho thấy điều ngược lại, giới quan sát đánh giá.

Dù là lãnh đạo đảng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía mình khi thông qua những quyết định quan trọng. Hệ quả là chưa quyết sách nào thực sự đột phá được đưa ra trong 5 tháng đầu ông nhậm chức. Việc phê chuẩn chức vụ đối với thẩm phán  Tòa án Tối cao Neil M. Gorsuch là thành tựu đáng kể hơn cả tính đến nay.

Trump "là tổng thống đầu tiên trong lịch sử không có cả kinh nghiệm chính trị lẫn quân sự. Vì thế, việc học cách giao tiếp với quốc hội và thúc đẩy chương trình nghị sự thực sự là thử thách khó khăn với ông ấy", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Maine Susan Collins nhận xét. Bà Collins cũng phản đối dự thảo luật chăm sóc sức khỏe do đảng Cộng hòa đề xuất.

"Tổng thống vẫn một mình một đường, không phải một phần của đảng Cộng hòa truyền thống", hạ nghị sĩ bang Florida Carlos Curbelo bình luận. "Tôi trao cho ông Trump chính quyền đúng theo cách đã trao cho ông Obama. Khi tôi đồng thuận, tôi làm việc với họ. Khi tôi bất đồng, tôi từ chối", ông nhấn mạnh.

Trong các cuộc đối thoại cá nhân ở Đồi Capitol, ông Trump thường không được coi trọng, theo Washington Post. Một số nghị sĩ Cộng hòa xem những lời hứa của ông, ví dụ như tuyên bố buộc Mexico phải trả tiền xây bức tường biên giới ngăn cách hai nước, là điều không tưởng.

Họ đôi khi kiệt sức và tức giận trước cách ông liên tục nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác hay vì những dòng trạng thái gây kích động trên Twitter mà Tổng thống Mỹ đăng tải. Họ nhanh chóng nhận ra sự thiếu kinh nghiệm trong điều hành và hoạch định chính sách ở ông. Không ít người coi những lời đe dọa từ Trump là vô nghĩa và họ cảm thấy chẳng có vấn đề gì nguy hiểm nếu chống lại ông.

"Cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo sức khỏe ở hạ viện cho thấy ông ấy phần nào được ủng hộ, đặc biệt từ những người cánh hữu", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey O. Graham bình luận. "Cuộc bỏ phiếu tại thượng viện cho thấy chăm sóc sức khỏe là một vấn đề sống còn và rất khó để một chính trị gia thúc ép được một thượng nghị sĩ bỏ lá phiếu có thể để lại hậu quả suốt quãng đời còn lại của họ".

Khi được hỏi bản thân ông có sợ Tổng thống Trump không, Graham bật cười và nói: "Không".

Nghị sĩ Cộng hòa bang California Darrell Issa, người bất đồng với Trump trước hàng loạt vấn đề, cho hay rất ít thành viên quốc hội e sợ việc Tổng thống Mỹ trả đũa họ.

"Ông ấy đến từ khu vực tư nhân, nơi đối tác kinh doanh hôm nay của bạn không phải lúc nào cũng là đối tác vào ngày mai", Issa nói. "Bạn đồng tình hôm nay không có nghĩa bạn phải đồng tình mãi về sau".

Một thành viên cấp cao đảng Cộng hòa thân thiết với Nhà Trắng và nhiều thượng nghị sĩ nhận xét Tổng thống Trump không khác gì "hổ giấy". Điều này khiến các nghị sĩ Cộng hòa cảm thấy tự do, thoải mái "làm theo cách của mình".

John Weaver, một cố vấn đảng Cộng hòa thường xuyên chỉ trích ông Trump, đã thẳng thắn nêu lên lý do khiến Tổng thống Mỹ không thể điều hành bộ máy thuận lợi.

"Khi bạn đạt mức tín nhiệm chỉ 35% và bạn bị FBI điều tra, tiếng nói của bạn không thể có trọng lượng", Weaver nói, nhắc tới cuộc điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Theo Chris Whipple, tác giả cuốn sách với tựa đề "The Gatekeepers" (tạm dịch: Những người gác cổng) viết về công việc của các chánh văn phòng Nhà Trắng, những rối loạn bên trong phủ tổng thống cũng như việc Trump không thể đưa ra thông điệp hay tầm nhìn rõ ràng về chương trình nghị sự khiến ông gặp khó khăn khi áp đặt khuôn khổ tại quốc hội.

"Không điều gì gây nể sợ ở Đồi Capitol hơn là sự thành công, và tất cả những gì Nhà Trắng đã làm được là thất bại nối tiếp thất bại", ông Whipple nói. "Họ chưa có thành tích gì cả. Ai sẽ sợ cơ chứ".(Vnexpress)
-------------------------

Ngoại trưởng Saudi Arabia tiết lộ thông điệp trong việc tẩy chay Qatar

Saudi Arabia nhắc lại quan điểm phản đối Qatar hỗ trợ khủng bố, đồng thời cho biết việc tẩy chay nước láng giềng nhằm gửi một thông điệp tới Doha rằng sự kiên nhẫn của Riyadh đã chấm hết.

Theo tờ al Arabiya, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubair đã đưa ra tuyên bố trên thông qua một dòng tweet trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao nước này ngày 1/7.

Qua đó, ông al-Jubair khẳng định những yêu cầu của nước này đối với Qatar là không thể thương lượng được và Saudi Arabia phản đối Qatar ủng hộ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đe dọa an ninh của vương quốc này cũng như khu vực.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubair. Ảnh: AFP

Ông al-Jubair chỉ ra rằng Qatar đã không tuân thủ các cam kết của mình và không hoàn thành lời hứa ngừng ủng hộ và tài trợ cho khủng bố cũng như can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia láng giềng.

Quan chức ngoại giao này, trong một tuyên bố từ Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington (Mỹ) ba ngày trước đó, đã khẳng định rằng không một quốc gia nào trên thế giới có thể chấp nhận nguyên tắc tài trợ các nhóm và tổ chức cực đoan. Ông al-Jubair cho rằng việc trả tiền chuộc cho các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là không thể chấp nhận được.

Theo cáo buộc của ông, Qatar đã trả 300 triệu USD cho các phiến quân Shiite ở Iraq, nơi phần lớn số tiền có khả năng đã rơi vào tay Quds Force – đơn vị trực thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. “Tôi nghĩ rằng phần đông thế giới này sẽ đồng ý rằng chuyện này nên chấm dứt”, Ngoại trưởng Saudi Arabia nói. 

Các quốc gia tham gia phong trào tẩy chay, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập… đã gia hạn cho quốc gia Vùng Vịnh này hạn cuối là ngày 3/6 để hồi đáp về các yêu cầu như họ đã thông báo trước đó, bao gồm ngừng tài trợ cho khủng bố và các tổ chức cực đoan cũng như ngừng can thiệp vào nội bộ các nước. 

Ngày 1/7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố nước này sẽ bác bỏ một loạt yêu cầu của các quốc gia Arab, song khẳng định Doha sẵn sàng đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Rome của Italy sau chuyến thăm Mỹ, ông al-Thani nhấn mạnh "tối hậu thư" của các nước Arab và vùng Vịnh không nhằm mục đích giải quyết chủ nghĩa khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền của Qatar.(TTXVN)
-----------------------

Phiến quân cáo buộc quân đội Syria tấn công bằng khí Clo

Một nhóm phiến quân Syria đã cáo buộc quân đội nước này sử dụng khí Clo tấn công các tay súng của họ ngày 1/7 trong các trận giao tranh ở phía Đông thủ đô Damascus.

Quân đội Syria bị cáo buộc sử dụng khí Clo. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, cáo buộc này đã nhanh chóng bị quân đội Syria phủ nhận và cho rằng đây là sự bịa đặt. 

Nhóm phiến quân Failaq al-Rahman nói rằng hơn 30 người đã bị nghẹt thở do hậu quả từ một cuộc tấn công ở khu vực Ain Tarma thuộc vùng Đông Ghouta, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đang giao tranh nhằm giành lại từ các phần tử nổi dậy. 

Trong một thông báo do truyền thông nhà nước Syria đưa ra, một nguồn tin quân đội nói rằng chỉ huy quân đội Syria đã hoàn toàn phủ nhận cáo buộc trên. 

Quan chức này khẳng định quân đội Syria không sử dụng bất kỳ vũ khí hóa học nào và sẽ không sử dụng chúng trong bất kỳ thời điểm nào. 

Hôm 28/6, Mỹ nói rằng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dường như không lưu ý đến một cảnh báo được đưa ra trước đó trong tuần về việc không được tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-07-2017

    Tàu sân bay Trung Quốc đủng đỉnh dằn mặt Đài Loan; Đức triển khai 20.000 cảnh sát bảo vệ hội nghị G20; Mỹ chuẩn bị có chiến binh vũ trụ; Tranh chấp tay ba ở Himalaya

  • Tin thế giới đáng chú ý 03-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 03-07-2017

    Trung Quốc thử nghiệm xe tăng mới ở Tây Tạng; Ông Tập Cận Bình thị sát quân đội tại Hong Kong; Trung Quốc kìn kìn chở vũ khí sang Philippines

Bài cùng chuyên mục