Tin Biển Đông

 
 
 

Điểm nóng tranh chấp Malaysia - Singapore

  • Cập nhật : 03/07/2017

Malaysia vừa đệ đơn lên Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu giải thích về phán quyết năm 2008 liên quan đến nhóm đảo tranh chấp với Singapore.

luoc do vi tri cac khu vuc tranh chap giua malaysia va singapore jappalang

Lược đồ vị trí các khu vực tranh chấp giữa Malaysia và Singapore JAPPALANG

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hồi cuối tuần thông báo đã nhận được đơn của Malaysia, yêu cầu xem xét lại phán quyết đưa ra ngày 23.8.2008 về chủ quyền đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, dải đá Middle Rocks và dải South Ledge. Những thực thể này nằm gần nhau ở phía đông eo biển Singapore và phía tây Biển Đông. Theo phán quyết, Pedra Branca thuộc chủ quyền của Singapore, Middle Rocks thuộc về Malaysia, còn South Ledge nằm trong lãnh hải quốc gia nào thì thuộc chủ quyền nước đó.

Trong đơn gửi lên ICJ, Kuala Lumpur yêu cầu tòa giải thích phán quyết năm 2008 về Pedra Branca và dải South Ledge với lập luận Pedra Branca và dải South Ledge “nằm trong lãnh hải của Malaysia, nên phải thuộc chủ quyền nước này chứ không phải Singapore”. Theo thông tấn xã Bernama, Malaysia cho biết 2 quốc gia đã thành lập Ủy ban Kỹ thuật chung Malaysia - Singapore (MSJTC) có nhiệm vụ xúc tiến thực hiện phán quyết năm 2008 và nghiên cứu phân định ranh giới trên biển. Nhưng đến năm 2013, MSJTC rơi vào tình trạng bế tắc do hai bên không thể nhất trí về lãnh hải quanh Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và South Ledge. Đơn gửi ICJ của nước này tuyên bố “tình trạng bất định kéo dài liên quan đến chủ quyền ở khu vực tranh chấp gây khó khăn cho nhiệm vụ đảm bảo mối quan hệ hòa bình và hữu nghị”, đồng thời nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết hiện tại là phải có giải pháp khả thi vì lưu lượng lưu thông bằng đường biển và hàng không qua khu vực này rất cao”.

Trước đó, ngày 2.2, Malaysia cũng đã đệ đơn yêu cầu tòa xem xét lại phán quyết sau khi nước này phát hiện 3 tài liệu từ Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh “khẳng định chủ quyền của Malaysia tại Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và South Ledge”. Trong thông báo mới nhất, chính quyền Kuala Lumpur tuyên bố đơn yêu cầu làm rõ phán quyết được dựa theo điều 60 Quy chế ICJ và hoàn toàn khác với đơn yêu cầu xem xét lại hồi tháng 2.

dao pedra branca/pulau batu puteh va cong trinh hai dang do anh xay dunganh: reuters

Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh và công trình hải đăng do Anh xây dựngẢNH: REUTERS

ICJ thông báo sẽ nghiên cứu đơn mới nhất của Malaysia trong khi Singapore chỉ trích nước láng giềng có động thái “không cần thiết và gây hoang mang”. Tờ The Straits Times ngày 2.7 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định phán quyết năm 2008 là “cuối cùng, không kháng cáo, rõ ràng và không mơ hồ”, đồng thời nhấn mạnh hai bên đã nhất trí tuân thủ phán quyết, thể hiện qua việc thành lập MSJTC. Vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Singapore cũng đã gửi công văn lên ICJ phản đối yêu cầu xem xét lại phán quyết do nước láng giềng đưa ra hồi tháng 2. Trong phiên họp quốc hội gần đây, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định Malaysia không thể đáp ứng đủ yêu cầu tái xem xét phán quyết của ICJ. “Chúng tôi có cơ sở vững chắc và sẽ tiếp tục phản đối việc Malaysia yêu cầu giải thích phán quyết của ICJ. Singapore luôn giữ vững cam kết giải quyết tất cả vấn đề theo đúng luật pháp quốc tế”, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố.

Năm 1824, Malaya (tên cũ của Malaysia) nhượng cho Anh một phần lãnh thổ làm thuộc địa mà sau này trở thành quốc gia Singapore. Người Anh xây dựng trên đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh (rộng 2.000 m2) cột hải đăng Horsburgh và giao Singapore quản lý từ năm 1851. Sau khi chính thức giành độc lập, Singapore vẫn tiếp tục quản lý Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Thế nhưng đến năm 1979, Malaysia bất ngờ xuất bản 2 tấm bản đồ quốc gia chính thức với lập luận đảo này không nằm trong phần lãnh thổ được giao cho người Anh năm 1824. Singapore sau đó đưa ra thông cáo phản đối vào đầu năm 1980. Giới chuyên gia nhận định tranh chấp diễn ra ngấm ngầm như một ung nhọt trong quan hệ giữa hai nước láng giềng. Năm 1989, Singapore đề nghị Malaysia đưa vụ tranh chấp lên ICJ và mãi đến năm 1994 Malaysia mới đồng ý. Hai nước đã ký kết “thỏa thuận đặc biệt” năm 2003, mở đường cho mỗi bên đệ trình lập luận và chứng cứ của mình lên ICJ trước khi tòa ra phán quyết vào năm 2008.

Phúc Duy
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục