Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 23-05-2017
- Cập nhật : 23/05/2017
Ukraine và Đức nhất trí 'gây áp lực' với Nga
Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel kịch bản gây áp lực để buộc Nga thực hiện các hiện định Minsk.
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp tại Meseberg, Đức hôm 20/5. Ảnh: Reuters
Kênh 112 dẫn lời Tổng thống Ukraine Poroshenko nêu rõ: "Nga không tuân thủ các thỏa thuận Minsk nên chúng ta cần xây dựng một kịch bản thúc đẩy Nga ngồi vào bàn đàm phán, thực hiện những gì họ đã hứa, trước hết là các yếu tố đảm bảo an ninh".
Theo ông Poroshenko, phải làm tất cả để khôi phục hòa bình trên đất Ukraine và chấm dứt "sự xâm lược". Ông cho rằng Ukraine hiện nhận được sự ủng hộ toàn diện từ Đức, đồng thời nhấn mạnh: "Nếu các hiệp định Minsk không được thực hiện thì nhiều khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt".
Trước đó, ngày 20/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nhất trí nỗ lực cải thiện tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine và thực hiện trở lại thỏa thuận ngừng bắn Minsk sau khi bất ngờ xảy ra bạo lực ở khu vực này.
Phát biểu trước khi bắt đầu hội đàm ở ngoại ô thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel cho biết trọng tâm của sự kiện sẽ là làm thế nào để cải thiện tình hình an ninh, đồng thời nhấn mạnh an ninh là điều kiện tiên quyết để tiến hành các tiến trình chính trị xa hơn.
Về phần mình, Tổng thống Poroshenko bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình này, cho rằng các bên phải hành động quyết đoán để đưa tiến trình Minsk trở lại hướng mang tính xây dựng. (TTXVN)
----------------------------
Israel quan ngại về thương vụ vũ khí Mỹ - Saudi Arabia
Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz ngày 21/5 đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD của Mỹ với Saudi Arabia.
Quốc vương Saudi Arabia Salman (phải) tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại Riyadh ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Yuval Steinitz, một thân tín của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nói các quan chức nước này sẽ phải "nghe những lời giải thích" về thương vụ trên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Israel vào ngày 22/5. Ông Steinitz nói điều quan trọng là Israel duy trì ưu thế quân sự trước các quốc gia Arab láng giềng, bất chấp mối quan hệ đang ấm lên với các nước Arab theo dòng Hồi giáo Sunni như Saudi Arabia.
Ông Steinitz nhấn mạnh đó (Saudi Arabia) "là vẫn một quốc gia thù địch và không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai", và thương vụ này chắc chắn là "điều khiến chúng ta lo ngại".(TTXVN)
------------------------------
Bộ ngoại giao Mỹ còn khuyết nhiều vị trí quan trọng
Chính giới Mỹ đã bày tỏ lo ngại khi Bộ ngoại giao vẫn chưa hoàn thiện bộ máy nhân sự dù chính quyền mới đã làm việc được bốn tháng.
Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) và tổng thống Donald Trump tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 21-5 ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia - Ảnh: Reuters
Theo trang The Hill, ông Donald Trump đang thực hiện chuyến công du dài ngày đầu tiên ở nước ngoài trong khi có tới 7 trong số 9 chức danh cấp cao dưới quyền ngoại trưởng Rex Tillerson vẫn còn đang bỏ trống.
Mặc dù chính quyền tổng thống Trump đổ lỗi cho các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và quá trình phê chuẩn ở Thượng viện gây ra tình trạng này, nhưng cũng có một số ý kiến khác cho rằng ông Trump đã chậm đưa ra những đề cử.
Có khoảng 200 vị trí tại Bộ ngoại giao cần được Thượng viện phê chuẩn, trong đó có các vị trí đại sứ Mỹ tại các quốc gia trọng yếu, nhưng vẫn chưa được đệ trình hồ sơ bổ nhiệm.
"Chuyện này thực sự nghiêm trọng", bà Julie Smith, từng làm việc cho cựu phó tổng thống Joe Biden, nhận định. "Các đồng minh của chúng ta đang cảm nhận thấy vấn đề này. Họ không biết đối thoại với người đại diện nào".
Cũng theo bà Smith, hiện Mỹ vẫn chưa có các đại sứ tại NATO, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Nga. Với một số vị trí ngoại giao này, ông Trump thậm chí còn chưa nêu tên các nhân sự đề cử.
Chuyến công du dài ngày hiện tại của ông Trump được nhận định là dịp để chính quyền mới bắt nhịp với guồng công việc của chính trường thế giới, tuy nhiên giới chuyên gia cũng nhận định, sự thiếu hụt nhiều nhân sự quan trọng trong bộ máy Bộ ngoại giao Mỹ gây ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực về lòng tin của các đồng minh nước ngoài.
Tháng này, các nghị sĩ Dân chủ thuộc Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho ông Trump, cáo buộc ông đang "đặt giới ngoại giao Mỹ vào nguy cơ không cần thiết" khi không thể đề cử một trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề an ninh ngoại giao.(Tuoitre)
-------------------------------
Núi lửa Indonesia phun trào dữ dội
Cơ quan giảm thiểu thiên tai quốc gia Indonesia hôm qua cho biết núi lửa Sinabung ở huyện Karo, tỉnh Bắc Sumatra, lại vừa “trở mình” dữ dội, phun ra cột tro bụi cao đến 4 km.
Ngoài ra, khu vực xung quanh còn hứng chịu rung chấn kéo dài gần 5 phút, theo tờ The Jakarta Post.
Sau vụ phun trào, giới chức yêu cầu người dân và du khách không được tiếp cận núi lửa trong vòng bán kính 3 km. Cơ quan chức năng đã ra mức cảnh báo cao và đang theo dõi sát sao tình hình vì các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ còn những đợt phun trào lớn khác. Đến nay, chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại sau vụ phun trào mới.
Sinabung, cao 2.460 m, là một trong những núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất trên đảo Sumatra. Núi lửa này “tỉnh giấc” vào tháng 8.2010, sau 400 năm ngủ yên. Đến năm 2013, Sinabung vào thời kỳ hoạt động mạnh và liên tục phun trào nham thạch, khiến người dân địa phương vô cùng bất an. Tháng 5.2016, một vụ phún xuất bất ngờ của núi lửa này khiến nhiều người không kịp trở tay, hậu quả là 7 người thiệt mạng cùng nhiều ngôi nhà bị phá hủy.(Thanhnien)