Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-07-2017

  • Cập nhật : 03/07/2017

Tàu sân bay Trung Quốc đủng đỉnh dằn mặt Đài Loan

Cơ quan quốc phòng Đài Loan đã triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu bám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi nó băng ngang eo biển Đài Loan để đến Hong Kong.

tau san bay lieu ninh va bien doi tau ho tong trong mot chuyen di bien - anh: reuters

Tàu sân bay Liêu Ninh và biên đội tàu hộ tống trong một chuyến đi biển - Ảnh: Reuters

Thông báo ngày 2-7 của Đài Loan cho biết tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của vùng lãnh thổ này ngày hôm qua (1-7) và đang ở phía tây eo biển Đài Loan. Dự kiến nó sẽ rời khỏi ADIZ của Đài Loan vào tối hôm nay.

Đây là lần thứ 3 tàu Liêu Ninh di chuyển gần đảo Đài Loan, vùng lãnh thổ chưa thu hồi của Trung Quốc. Cơ quan quốc phòng Đài Loan đã bắt đầu cảnh giác và theo dõi sát hải trình của Liêu Ninh kể từ khi có thông báo nó sẽ đi từ cảng nhà Liêu Ninh tới Hong Kong.

Chuyến thăm của tàu sân bay Liêu Ninh được đánh giá là mang tính cột mốc. Trong thời gian neo đậu tại cảng Victoria, lần đầu tiên kể từ khi được biên chế cho Hải quân Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ mở cửa cho công chúng lên tham quan.

Dự kiến, tàu Liêu Ninh sẽ đến Hong Kong vào ngày 7-7 và rời đi vào ngày 11-7, theo báo South China Morning Post (SCMP). Cảng Victoria là địa điểm viếng thăm yêu thích của các tàu chiến cỡ lớn và tàu sân bay Mỹ trong nhiều năm qua. Tờ SCMP mô tả mỗi khi tàu chiến Mỹ ghé thăm là khu ăn chơi Loan Tử lại thêm phần nhộn nhịp bởi các thủy thủy và sĩ quan Mỹ.

Điều này sẽ khó lặp lại khi Liêu Ninh cùng thủy thủ đoàn gần 2.000 người của nó ghé Hong Kong. Tất cả sẽ phải theo lịch trình, thủy thủ không được phép rời tàu trừ các hoạt động tham quan và giao lưu, theo báo SCMP.

Chuyến thăm Hong Kong của tàu Liêu Ninh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến đi nhân dịp kỷ niệm 20 năm thu hồi đặc khu này.

Nhiều nhà quan sát nhận định việc sắp xếp chuyến thăm của Liêu Ninh sát mốc kỷ niệm 20 năm cho thấy Bắc Kinh đang mong muốn sự hiện diện của tàu sân bay này sẽ khơi gợi và vực dậy ý thức tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hướng về Trung Quốc đại lục ở những người trẻ Hong Kong.

Trong nhiều năm qua, việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của quân đội Trung Quốc trong lẫn ngoài nước đã có bước tiến vượt bậc, chỉ xếp sau Mỹ. (Tuoitre)
-------------------------------

Đức triển khai 20.000 cảnh sát bảo vệ hội nghị G20

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là một thách thức an ninh cho thành phố Hamburg của Đức khi dự kiến có hơn 30 cuộc biểu tình lớn nhỏ.

trung tam chi huy canh sat o hamburg - anh: reuters

Trung tâm chỉ huy cảnh sát ở Hamburg - Ảnh: Reuters

Tờ Deutsche Welle dẫn lời lãnh đạo thành phố cho biết 20.000 cảnh sát sẽ được huy động để đảm bảo cho hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới từ ngày 7-7.

Các nhóm tổ chức biểu tình như Liên đoàn thương mại Đức, Greenpeace, Oxfam và 12 tổ chức khác đã nộp đơn xin kéo dài các cuộc biểu tình tại Hamburg, dự kiến có thể thu hút khoảng 150.000 người tham gia xuống đường phản đối các vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột toàn cầu.

Ngoài ra, nhóm Protest Wave cho biết những người biểu tình cũng sẽ kêu gọi thay đổi chính trị tại Đức. Do lo ngại an ninh, nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình trước hội nghị vài ngày.

Tuy nhiên cảnh sát lo ngại nhiều nhóm sẽ sử dụng bạo lực để cản trở hội nghị, ném đá vào cảnh sát hay chặn đường.

Thị trưởng Olaf Scholz khẳng định thành phố Humburg sẽ không để xảy ra các hành động bạo lực và các cuộc biểu tình "mang tính chất thù địch" trong thời gian diễn ra hội nghị.

Giới chức thành phố đã lập những trung tâm tạm thời để có thể bắt giữ những người vi phạm pháp luật. Chi phí cho những trung tâm này hiện đã lên tới 750.000 euro và được lấy từ ngân sách liên bang. 

Giới chức an ninh Đức cũng đã lên kế hoạch ứng phó với các cuộc biểu tình, bạo loạn có thể xảy ra trong thời gian diễn ra hội nghị.

Trước đó, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay tổ chức tại thành phố Hamburg sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa việc thực thi các mục tiêu của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.

Bà Merkel tin rằng chủ đề này có thể sẽ là vấn đề nghị sự khó khăn sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên bà khẳng định việc giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu vẫn sẽ là một ưu tiên của châu Âu, theo đài BBC.(Tuoitre)
---------------------

Mỹ chuẩn bị có chiến binh vũ trụ

Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua quyết định thành lập "Binh đoàn không gian", nhánh thứ sáu của quân đội Mỹ tập trung vào các hoạt động quân sự ngoài tầng khí quyển.

Nếu được thông qua ở phiên họp toàn thể, lực lượng này sẽ tiếp nhận toàn bộ các sứ mệnh không gian hiện tại của không quân Mỹ và người đứng đầu sẽ trở thành thành viên thứ 8 của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, theo tờ Colorado Springs Gazette.

Kế hoạch trên, có thể được triển khai sớm nhất là vào tháng 1.2019, là một phần của nỗ lực cải tổ mạnh mẽ theo hướng tái cấu trúc không quân Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên một lực lượng mới được Mỹ thành lập kể từ năm 1947.

Một số thành viên của ủy ban than phiền rằng không được thông báo trước về kế hoạch mới cho đến tham dự phiên điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, theo RT.

khong quan my se ban giao moi chuong trinh lien quan den hoat dong ngoai khi quyen cho luc luong moiafp

Không quân Mỹ sẽ bàn giao mọi chương trình liên quan đến hoạt động ngoài khí quyển cho lực lượng mới AFP

Chủ tịch tiểu ban Quân vụ Hạ viện về các lực lượng Bộ binh và Không quân chiến thuật Michael Turner cho hay chỉ biết về đề xuất mới hồi tuần rồi, nhưng cuối cũng vẫn không có ai bác bỏ kiến nghị này.

Trong khi đó, đồng nghiệp của ông là Mike Rogers tranh luận rằng kế hoạch trên đã được phát triển từ thời điểm công bố báo cáo Ủy ban Rumsfeld, chỉ cuộc nghiên cứu thảo luận về chiến lược không gian tương lai của Mỹ, vào năm 2001.(Thanhnien)
--------------------

Tranh chấp tay ba ở Himalaya

Vương quốc nhỏ bé Bhutan giữ vị trí chiến lược trong cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Thoạt nhìn, vương quốc Bhutan thanh bình dường như chẳng phải là một quốc gia có cân lượng trên trường quốc tế, với dân số hơn 700.000 người và diện tích 38.394 km2. Tuy vậy, do vị trí chiến lược, đất nước trên dãy Himalaya đang nằm ở vị trí trung tâm trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.

Tâm điểm của cuộc đối đầu này là tranh chấp lãnh thổ. Giữa Trung Quốc và Bhutan hiện có 3 khu vực tranh chấp: hai thung lũng Jakarlung và Pasamlung ở biên giới phía bắc của Bhutan và cao nguyên Doklam mà Bắc Kinh gọi là Động Lãng ở phía đông. Trong số đó, cao nguyên Doklam hiện do Bhutan kiểm soát là khu vực Trung Quốc thèm muốn nhất, và yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực giao nhau giữa biên giới ba nước khiến Ấn Độ cực kỳ lo ngại. Lý do là từ cao nguyên này có thể kiểm soát thung lũng Chumbi bên phía Tây Tạng và quan trọng hơn là có thể khống chế hành lang Siliguri của Ấn Độ.

Con dao kề vào yết hầu

Hành lang Siliguri là dải đất hẹp nối liền các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của lãnh thổ, thường được ví von là “cổ gà”. Nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, một khi xung đột xảy ra, Trung Quốc có thể cô lập toàn bộ các bang đông bắc của Ấn Độ, bao gồm khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh, bằng cách chặt đứt “cổ gà” Siliguri ở cách đó không xa. Chính vì vị trí chiến lược của Doklam nên vào năm 1996, Trung Quốc từng đề nghị giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bhutan bằng cách từ bỏ chủ quyền đối với 495 km2 ở hai thung lũng Jakarlung và Pasamlung để đổi lấy 269 km2 ở cao nguyên này. May mắn cho Ấn Độ là Bhutan đã cự tuyệt đề nghị của Trung Quốc, xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa New Delhi và Thimphu. Đến năm 1998, Bhutan và Trung Quốc ký thỏa thuận cam kết “duy trì hòa bình và ổn định” ở khu vực biên giới hai nước dù Bắc Kinh và Thimphu cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong những tuần qua, căng thẳng bùng phát tại khu vực biên giới giữa ba nước sau khi Ấn Độ và Bhutan tố cáo Trung Quốc xây một con đường dẫn từ thung lũng Chumbi sang cao nguyên Doklam. Dưới góc độ chiến lược, Ấn Độ xem con đường này như một con dao găm kề vào yết hầu của mình là hành lang Siliguri. Chính vì thế, dù không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Bhutan, Ấn Độ đã triển khai binh sĩ ngăn chặn Trung Quốc xây đường ở cao nguyên Doklam. Đây cũng là “đầu dây mối nhợ” cho những tranh cãi gay gắt giữa Bắc Kinh và New Delhi những ngày qua. Trung Quốc bực tức khi Ấn Độ can thiệp vào vấn đề giữa nước này với Bhutan. Bản thân Bhutan lại đứng về phía Ấn Độ khi gửi công hàm tố cáo Trung Quốc vi phạm thỏa thuận hòa bình ở biên giới và yêu cầu Bắc Kinh khôi phục nguyên trạng.

Tranh chấp tay ba ở Himalaya - ảnh 1

Lược đồ khu vực biên giới 3 nướcĐỒ HỌA: C.C

Tranh chấp tay ba ở Himalaya - ảnh 2

Thung lũng Chumbi có hình dạng con dao gămĐỒ HỌA: C.C

"Hai cuộc chiến rưỡi”

Tình hình căng thẳng leo thang khi quân đội Trung Quốc từ chối cho phép người Ấn Độ hành hương đến đỉnh núi thiêng Kailash ở Tây Tạng băng qua cửa khẩu Nathu La nối bang Sikkim với khu tự trị bên phía Trung Quốc. Những hình ảnh xô đẩy giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới cũng lan truyền trên mạng. Trung Quốc khẳng định vụ xô đẩy bắt nguồn từ việc binh sĩ Ấn Độ ngăn cản hoạt động xây đường của họ. Sau đó, lính Trung Quốc được cho là ủi sập một boong-ke cũ của Ấn Độ nằm ở khu vực giao nhau giữa biên giới ba nước để trả đũa.

Cuộc đối đầu đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo tờ The Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi nước đã triển khai khoảng 3.000 binh sĩ đến khu vực. Ngày 29.6, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat thực hiện chuyến thị sát 2 ngày ở Sikkim để theo dõi tình hình. Khi căng thẳng bùng phát vào đầu tháng, đại tướng Rawat đã tuyên bố quân đội Ấn Độ hiện sẵn sàng cho “hai cuộc chiến rưỡi”, ám chỉ về hai cuộc xung đột với Pakistan và Trung Quốc và việc xử lý những bất ổn trong nước.

Ngày 30.6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên án phát biểu của tướng Rawat là “vô trách nhiệm”, đồng thời cảnh báo New Delhi nên “rút ra bài học lịch sử”, ý nhắc đến cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước. Và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley lập tức phản pháo: “Tình hình năm 1962 khác và Ấn Độ năm 2017 cũng khác”.

Cũng trong ngày 30.6, chính phủ Ấn Độ đưa ra phản ứng chính thức về vụ đối đầu, cho hay binh sĩ nước này đang phối hợp với quân đội Bhutan để ngăn cản Trung Quốc xây đường và “đơn phương thay đổi hiện trạng”. Tuy vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này “cam kết hợp tác với Trung Quốc để tìm giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề ở khu vực biên giới thông qua đối thoại”.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 03-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 03-07-2017

    Trung Quốc thử nghiệm xe tăng mới ở Tây Tạng; Ông Tập Cận Bình thị sát quân đội tại Hong Kong; Trung Quốc kìn kìn chở vũ khí sang Philippines

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 02-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý tối 02-07-2017

    Ấn Độ lên án Trung Quốc xây đường gần biên giới tranh chấp; Trung Quốc tức giận phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ; Chuyên gia: Hành động 'chưa từng có' của Mỹ khiến xung đột Syria leo thang nghiêm trọng; Tàu tác chiến cận bờ của Mỹ, Philippines cùng tuần tra biển Sulu

Bài cùng chuyên mục