Nga cảnh cáo Mỹ, cuộc chiến Syria xuất lộ điềm báo đáng sợ
Báo Anh The Guardian nhận định sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mátxcơva và Washington trên thế giới làm tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô lớn, có thể bùng lên do hậu quả của một sự cố ngẫu nhiên nào đó, nhất là sau vụ chiến đấu cơ F-18 Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 Syria.
Tên lửa S-400 Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận
Theo The Guardian, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những điềm báo đáng sợ Mỹ-Nga đối đầu trực tiếp ở Syria, trong trường hợp xấu nhất có thể biến thành cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Lần mới nhất tình hình đáng báo động là vụ quân đội Mỹ bắn hạ máy bay của lực lượng chính phủ Syria. Ngay sau đó, Nga đã lại một lần nữa đình chỉ liên lạc với Mỹ tại Syria và tuyên bố mọi vật thể bay ở phía tây Syria đều trở thành mục tiêu. Rõ ràng là cuộc xung đột ở Syria, trên cơ sở tình trạng hiện thời có liên quan trước hết với tương lai của đất nước này và thứ hai, gắn liền với sự cạnh tranh ảnh hưởng chi phối trong khu vực, nơi còn có các tay chơi quyền lực khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Phải chăng đây là lý do mà Mỹ dường như đã trở nên quyết đoán hơn?
Là đồng minh lâu năm của Syria, Nga ủng hộ ông Assad, coi Syria là nơi có thể phục hồi ảnh hưởng của Liên Xô, kể cả ở Trung Đông. Tuy nhiên, cân nhắc như vậy luôn có tầm quan trọng thứ yếu so với quyết tâm của Nga bảo vệ Syria như một quốc gia thống nhất. Đối với Mátxcơva, Iraq và Libya là những ví dụ về những gì mà Syria cần phải tránh lặp lại.
Ngược lại, lập trường của Mỹ dường như không trước sau như một. Khi Obama là tổng thống, Mỹ ủng hộ nhóm đối lập và khăng khăng đòi ông Assad từ chức. Nhiều người tin rằng ông Trump lên nắm quyền có thể sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối với Syria, ông Trump từng hứa rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào các cuộc chiến tranh nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, không có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ. Tái lập quan hệ với Mátxcơva cũng không bắt đầu vì chiến dịch thổi phồng chống Nga ở Washington. Hơn nữa ông Donald Trump đã ra lệnh không kích vào sân bay của chính phủ Syria. Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nhóm nổi dậy, đến mức quân Mỹ bắn hạ máy bay Syria vào cuối tuần trước.
Chiến đấu cơ F-18 Mỹ đã ngang nhiên bắn hạ Su-22 Syria
Và nếu người ta đang nói về sự khởi đầu giai đoạn kết thúc cuộc chiến ở Syria, The Guardian cho rằng điều đó có thể trở thành giai đoạn nguy hiểm nhất kể từ khi Mỹ-Nga ganh đua giành ảnh hưởng trên thế giới, tăng nguy cơ chiến tranh ngẫu nhiên.(Viettimes)
----------------------------------
Nga, Mỹ đụng độ tại Syria dẫn đến hậu họa gì?
Mỹ cần nghiêm túc xem xét các bước tiếp theo của họ ở Syria và chớ gây xung đột không thể đoán trước với Nga trên bầu trời Syria, biên tập viên cao cấp The National Interest, chuyên gia của Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc gia Nicholas Gvozdev khuyên.
Nga đã triển khai các hệ thống S-400 đáng gờm tại chiến trường Syria
Mấy ngày trước, liên quân các nước đối tác chống lực lượng khủng bố Hồi giáo Nhà nước (IS) do Mỹ đứng đầu đã bắn rơi trên bầu trời Raqqa máy bay của quân đội Syria. Kremlin đã có phản ứng phẫn nộ nhưng kiềm chế đối với sự kiện này, ông Gvozdev ghi nhận. Bây giờ Mátxcơva có thể coi bất kỳ máy bay nào bay qua lãnh thổ Syria mà không có sự cho phép của chính phủ Assad là máy bay thù địch tiềm năng.
Ông Gvozdev lưu ý lại chuyện Mátxcơva đã phản ứng như thế nào với tình hình máy bay Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Loại trừ phản ứng quân sự, Nga đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống Ankara. Sáu tháng sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã phải xin lỗi. Chắc Nga cũng sẽ không thách thức Mỹ, tuy nhiên Nga sẽ tìm thấy cách gây phức tạp cho Mỹ ở Trung Đông, ông Gvozdev khẳng định.
"Bây giờ rõ ràng là không thể nói về mục đích ban đầu của chính quyền ông Donald Trump đạt được thỏa thuận nào đó với điện Kremlin. Không ngoại trừ rằng sự khác biệt trong giá trị và lợi ích của Nga và Mỹ lớn đến nỗi không thể thu hẹp khoảng cách giữa hai nước bằng bất kỳ thỏa hiệp nào", National Interest viết.
Do đó, Mỹ nên thận trọng trên bầu trời Syria và tránh xung đột với Nga, bởi vì mâu thuẫn như vậy không cần thiết cho họ, ông Gvozdev cảnh báo. (Viettimes)
---------------------------------
Qatar đáp trả những yêu sách của 4 nước Ả rập
Qatar đã gọi những yêu sách của 4 quốc gia Ả Rập đưa ra nhằm giải quyết khủng hoảng là không thực tế và hối thúc những nước này xem xét lại đòi hỏi, kênh truyền hình Al Arabiya dẫn lời tuyên bố của Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho hay.
Những tòa nhà chọc trời trong khu tài chính của thủ đô Doha, Qatar, bên Vịnh Corniche
Ngoại trưởng Qatar cũng khẳng định những biện pháp trừng phạt Qatar là "bất hợp pháp" và vi phạm chủ quyền của quốc gia.
Trước đó, bốn nước Ả-rập tẩy chay Qatar đã đưa ra tối hậu thư cho Doha đòi nước này phải đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera, hạn chế quan hệ với Iran, đóng căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ và trả tiền bồi thường.
Ả-rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập (UAE) đã đưa ra một danh sách 13 điểm đòi hỏi, rõ ràng nhắm mục tiêu xóa sổ chính sách đối ngoại mang tính can thiệp kéo dài hai thập niên của nước láng giềng này vốn khiến họ phẫn nộ.
Các quốc gia áp đặt trừng phạt cáo buộc Qatar tài trợ chủ nghĩa khủng bố, khơi lên bất ổn trong khu vực, và xích lại quá gần kẻ thù Iran. Qatar bác bỏ những cáo buộc này và nói rằng họ đang bị trừng phạt vì không chịu hậu thuẫn những nhà cai trị quân sự và cha truyền con nối độc đoán của các nước láng giềng.
Một quan chức từ một trong bốn quốc gia, người cung cấp chi tiết về những đòi hỏi này với điều kiện giấu tên, nói với Reuters rằng đề nghị này sẽ "vô giá trị" trừ phi Qatar chấp hành trong vòng 10 ngày.(Bizlive)
---------------------------
Australia đưa máy bay trinh thám tới giúp Philippines chiếm lại Marawi
Quân đội Australia hôm thứ Sáu (23/6) cho biết, họ sẽ gửi 2 máy bay trinh thám tới Philippines để giúp chính phủ nước này chiến đấu chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo và chiếm lại thành phố Marawi.
"Chính phủ Philippines đã chấp nhận đề nghị của Úc đưa hai chiếc máy bay AP-3C Orion của Quân đội Úc tới hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Philippines giám sát tình hình", tuyên bố gửi qua email của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne nói.
"Mối đe dọa khu vực từ khủng bố, đặc biệt là từ Daesh (cách gọi lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS theo Ả Rập) và các phần tử chiến binh nước ngoài, là một mối đe dọa trực tiếp đối với Úc và các lợi ích của chúng tôi", bà Marise Payne nói trong tuyên bố.
AP-3C Orion của Không lực Hoàng gia Australia.
Reuters trích dẫn một ước tính chính thức từ Manila cho biết, vụ chiếm giữ Marawi từ cách đây 5 tuần của quân khủng bố Hồi giáo và cuộc chiến giành lại chủ quyền lực lượng an ninh quốc gia đã làm 369 người thiệt mạng.
Cuộc chiến ở Marawi khiến các quốc gia Đông Nam Á lo sợ việc IS đang thất thế ở Iraq và Syria sẽ cố gắng thiết lập một căn cứ ở phía nam Philippines, nơi chủ yếu người dân có gốc Công giáo La Mã, có thể đe dọa toàn khu vực.
Các tàu chiến của Indonesia và Malaysia đã tiến hành các cuộc tập trận chống quân nổi dậy với Philippines ở vùng biển gần đó. Phía Mỹ cũng đã đưa quân đến gần thành phố bị bao vây, tuy nhiên họ không chiến đấu tại đó. Mỹ cũng cung cấp máy bay giám sát P-3 để giúp Philippines trong trận chiến này.
Tuyên bố của Úc lên án cuộc tấn công nhắm vào Marawi, nhưng không đưa ra chi tiết về nơi các máy bay sẽ được triển khai.
Tuần này, lực lượng Philippines đã thực hiện một nỗ lực tái chiếm thành phố, nhằm giải phóng Marawi vào lễ hội cuối tuần Eid.
Hôm thứ Năm, một quan chức quân sự Philippine cho hay khoảng 100 tay súng vẫn còn cố thủ trong khu vực chỉ khoảng 1 km2. Con số này thấp hơn ước tính 400 hoặc 500 quân nổi dậy đã chiếm thành phố vào ngày 23/5.(Infonet)