Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 25-06-2017
- Cập nhật : 25/06/2017
Ông Putin đã chỉ đạo can thiệp trực tiếp giúp ông Trump đắc cử?
Báo Washington Post vừa tung ra bài báo chấn động, cáo buộc tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo trực tiếp những can thiệp giúp ông Trump đắc cử.
Theo bài điều tra công bố trên Washington Post ra ngày 23-6, cựu tổng thống Barack Obama đã nhận được một báo cáo bí mật của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) về việc can thiệp bầu cử Mỹ của Nga từ hồi tháng 8 năm ngoái.
Bản báo cáo cho biết đã “bắt được những chỉ dẫn cụ thể của ông Putin về các mục tiêu liều lĩnh của kế hoạch, đó là đánh gục hoặc ít nhất là gây tổn hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton”.
Căn cứ trên thông tin có được từ các cuộc phỏng vấn với hơn ba chục quan chức cao cấp Mỹ, cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, tờ Post tiếp tục xới lên những vấn đề nghi ngại về sự can thiệp bầu cử Mỹ của Nga và thông tin chi tiết về việc chính quyền tổng thống Obama đã từng chật vật ra sao để đương đầu với những cuộc tấn công mạng đó.
Theo đài CBS (Mỹ), từ năm ngoái nhiều quan chức tình báo Mỹ xác nhận họ đã biết rằng chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ của chính phủ Nga do chính ông Putin phê chuẩn.
Tuy nhiên các quan chức tình báo Mỹ khi đó miễn cưỡng tiết lộ những gì họ biết vì lo ngại các nguồn tin cũng như phương pháp khai thác thông tin có thể bị thao túng.
Theo bài báo ngày 23-6 của Washington Post, các cơ quan tình báo Mỹ có những nguồn tin sâu bên trong nội bộ chính phủ Nga, từ đó đã “bắt” được những chỉ dẫn trực tiếp của tổng thống Putin về chiến dịch can thiệp bầu cử.
Cùng với đó tờ Post thông tin chi tiết về những gì mà chính quyền ông Obama từng thảo luận về phương cách hành động trong vòng 5 tháng tiếp theo kể từ lúc nhận được nguồn tin mật báo của CIA.
Trong đó bao gồm từ các khả năng lên kế hoạch tấn công vào hệ thống hạ tầng mạng của Nga để công khai những tài liệu có thể làm bẽ mặt tổng thống Putin cho tới việc áp dụng những lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.
Tờ Post cũng cho biết trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã khởi động một chương trình bí mật được cài cắm trong hệ thống mạng của Nga, được coi như những “quả bom số” có thể được kích hoạt để trừng phạt Nga trong trường hợp nước này gây hấn Mỹ.
Theo đó quyết định có sử dụng công cụ đó hay không lúc này sẽ tùy thuộc vào tổng thống Donald Trump.(Tuoitre)
---------------------------
Mỹ truy tố người bán tin mật cho Trung Quốc
Theo AP ngày 23.6, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định truy tố Kevin Patrick Mallory, 60 tuổi, về hành vi cung cấp tài liệu mật cho điệp viên Trung Quốc.
Nghi can đến Thượng Hải vào tháng 4 và sau đó bị bắt khi vừa về đến sân bay ở TP.Chicago. Qua khám xét, giới chức phát hiện Mallory mang theo 16.500 USD nhưng người này không giải thích được nguồn gốc số tiền.
Sau đó, nghi can khai chuyển 2 tài liệu cho 2 “chuyên viên nghiên cứu” Trung Quốc. Mallory khẳng định chỉ cung cấp các tài liệu được phép công khai từ nguồn mở. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy người này đã gửi 2 hồ sơ quốc phòng đóng dấu mật và một tài liệu tối mật.
Mallory nói thành thạo tiếng Hoa. Tờ Politico dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận ông ta từng làm việc cho CIA lẫn FBI. Nghi can sẽ bị xét xử về tội chuyển thông tin mật trợ giúp chính quyền nước ngoài và khai man theo đạo luật Tình báo liên bang, đồng thời đối mặt mức án tối đa là tù chung thân.(Thanhnien)
-------------------------
Myanmar triệt phá 'lò luyện khủng bố' bí mật
Tờ The Global New Light Of Myanmar đưa tin lực lượng an ninh Myanmar vừa tiến hành chiến dịch truy quét một trại “huấn luyện khủng bố” ở núi Mayu trong bang Rakhine, thuộc miền bắc nước này.
Trong chiến dịch kéo dài 2 ngày vừa qua, lực lượng an ninh phát hiện một đường hầm rộng hơn 1,5 m, cao 1,2 m và dài 24 m, cùng vũ khí tự chế, đạn dược, thuốc súng, lều trại, gạo, dầu ăn và những vật dụng khác được dùng trong huấn luyện khủng bố.
Lực lượng an ninh cho hay họ đã bắn chết 3 kẻ tấn công cầm rựa trong đường hầm để tự vệ.
Chiến dịch truy quét được tiến hành sau khi lực lượng an ninh nhận được tin báo nặc danh tố cáo các tay súng đang huấn luyện khủng bố trong khu vực vào ban đêm. Các tay súng thuộc Đội quân cứu tế Arakan Rohingya (ARSA) này nhận được “viện trợ tài chính từ nước ngoài” và đã huấn luyện võ thuật, sử dụng vũ khí cho những thành viên mới, theo AFP dẫn một báo cáo từ chính phủ Myanmar.
Báo cáo còn cáo buộc ARSA đứng sau hàng loạt vụ tấn công nhắm vào dân làng và lãnh đạo cộng đồng địa phương trong thời gian gần đây, khiến 34 người chết.
Tuy nhiên, ARSA bác bỏ cáo buộc giết hại dân làng và khẳng định nhóm này đang đấu tranh vì quyền lợi chính trị của cộng đồng người Rohingya theo Hồi giáo ở Rakhine.(Thanhnien)
---------------------------
Quân đội Thái Lan vẫn có thể nắm quyền lực lớn sau bầu cử
Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) ngày 23.6 đã đồng thuận 100% kêu gọi thành lập một Ủy ban chiến lược quốc gia để giám sát kế hoạch dài hạn của các chính phủ trong hai thập niên tới.
Nhiệm vụ chính của Ủy ban là đưa ra các mục tiêu 5 năm nhằm phát triển xã hội, chính trị và kinh tế. Theo quân đội Thái Lan, các mục tiêu 5 năm này lâu nay "luôn bị cản trở bởi các chính trị gia trong chính quyền dân cử".
Hồi tháng 3, phát ngôn viên chính phủ Weerachon Sukhondhapatipak từng cho rằng quá trình cải cách ở Thái Lan đòi hỏi một chiến lược dài hạn 20 năm để giải quyết các vấn đề như tham nhũng và phát triển kinh tế vì các chính quyền trước đây "đã không thành công" trong việc giải quyết chúng.
Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử để chọn chính phủ mới thay cho chính quyền quân sự, vốn đã lãnh đạo đất nước sau cuộc đảo chính năm 2014, sẽ được tổ chức vào năm tới. Tuy nhiên, việc này cũng chưa chắc chắn vì thời điểm bầu cử liên tục bị trì hoãn trong thời gian qua.
Phản ứng trước diễn biến tại NLA, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho rằng dự luật này chỉ làm phức tạp công việc của các chính phủ trong tương lai và chính quyền quân sự cần hỏi ý kiến người dân trước khi đưa ban hành.(Thanhnien)