Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-06-2017
- Cập nhật : 26/06/2017
Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có gì mà khiến Mỹ lo ngại?
Theo tạp chí National Interest, việc Trung Quốc chế tạo được các loại tàu ngầm hiện đại và yên lặng hơn so với các mẫu tàu trước đây đang trở thành một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây được rất nhiều sự chú ý khi lực lượng hải quân của họ ngày càng phát triển. Cụ thể, nước này đã cho ra mắt tàu Liêu Ninh, một mẫu tàu sân bay được cải tạo từ tàu cũ do Liên Xô chế tạo, vào năm 2012 và tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ được hạ thủy vào năm 2020. Thêm vào đó, từ năm 2004 đến nay, nhiều loại tàu quân sự trên biển mới đã xuất hiện.
Trung Quốc cũng cho ra mắt nhiều loại tàu ngầm hiện đại hơn, được trang bị các loại tên lửa thường hoặc tên lửa hạt nhân. Trước đây, các tàu ngầm Trung Quốc đều đã cũ và gây ra tiếng ồn khá lớn, khiến các tàu ngầm của Mỹ có thể dễ dàng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt, tuy nhiên trong báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, các chuyên gia đã đánh giá rất cao về quá trình phát triển tàu ngầm của Trung Quốc.
Ông Jim Fanell, một cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang rất chú trọng phát triển tàu ngầm. “Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là qua mặt Hải quân Mỹ và trở thành lực lượng tàu ngầm lớn và lợi hại nhất trên thế giới”, ông Fanell nói.
Hiện lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có 63 tàu, trong đó có 9 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 54 tàu ngầm diesel. Tuy nhiên ước tính trong ba năm tới tổng số tàu ngầm Trung Quốc sẽ tăng lên thành khoảng từ 69 đến 78 tàu.
Số lượng tàu ngầm mang tên lửa chống hạm của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Từ thập niên 1990 tới nay, Trung Quốc đã cho đóng 13 tàu lớp Tống và 17 tàu lớp Nguyên có động cơ không phụ thuộc không khí. Dự kiến 3 tàu lớp Nguyên nữa sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2020.
Đối với tàu ngầm hạt nhân, Hải quân Trung Quốc đã cho phát triển 2 tàu ngầm lớp Thương-1 và 4 tàu ngầm lớp Thương-2. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các tàu ngầm lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo JL-2, một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai do Trung Quốc phát triển. Trong tương lai, tàu Type 096 sẽ được đưa vào hoạt động và sẽ mang tên lửa JL-3, lợi hại hơn nhiều so với JL-2.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu phát triển một lớp tàu ngầm hạt nhân mới, có tên gọi Type 093B. Theo Lầu Năm Góc, Type 093B “không những nâng cấp khả năng công kích các tàu chiến trên biển của Trung Quốc, mà còn có thể tập kích các mục tiêu gần bở biển”. Nhiều tàu ngầm của Trung Quốc đều đang trang bị các tên lửa hiện đại YJ-18, được Mỹ coi là một trong những loại vũ khí chống hạm chết người nhất trên thế giới.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài và đang thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Mỹ. Ông Rick Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế Mỹ (IASC) cho biết báo cáo của Lầu Năm Góc về Type 095, loại tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc là rất đáng chú ý.
Theo đó, báo cáo này nói rằng Trung Quốc có thể sẽ chế tạo thêm 14 tàu ngầm hạt nhân Type 095. “Rất có thể loại tàu này đang được phát triển cùng với những loại tàu khác của Trung Quốc”, ông Fissher nói. “Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ có đến 20 tàu ngầm hạt nhân trong tương lai. Nó sẽ khiến sức ép đối với các tàu ngầm của Mỹ được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương ngày càng tăng, và sẽ khiến nhiều người lo ngại rằng khả năng chiến đấu của tàu ngầm Trung Quốc có thể sánh được với Mỹ”. (Infonet)
---------------------------------
Mỹ muốn kéo Trung Quốc vào cuộc chiến chống IS ở Trung Đông?
Mỹ muốn Trung Quốc chia sẻ một phần gánh nặng trong cuộc chiến chống khủng bố IS ở Trung Đông song dường như Bắc Kinh sẽ không dễ dàng chấp nhận lời đề nghị của Washington mà không đi kèm điều kiện.
Chia sẻ với Sputnik, giới chuyên gia tại Nga và Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận lời đề nghị của Mỹ mà không đi kèm điều kiện. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đang ngày càng quan tâm hơn tới cuộc chiến chống khủng bố riêng của Trung Quốc.
Hôm 21/6, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc họp "Đối thoại Ngoại giao và An ninh" đầu tiên ở Washington. Phía Mỹ đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tiếp đón những người đồng cấp Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy.
Theo Sputnik, vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố có thể là những nội dung chính được giới chức Mỹ - Trung đưa ra thảo luận. Ngoài ra, Nhà Trắng có thể đã thuyết phục Trung Quốc mở rộng trao đổi giữa hai nước trong những vấn đề an ninh trên.
"Dù hai bên chưa đưa ra thông báo chính thức nào về nội dung trao đổi nhưng cho tới nay, nhiều khả năng, hai bên đã thảo luận về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên toàn cầu, căng thẳng ở Biển Đông và mối quan hệ hợp tác liên quân giữa hai nước", nhà báo Ankit Panda của tạp chí Diplomat chia sẻ.
Trước thời điểm diễn ra cuộc họp vào ngày 21/6, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, bà Susan Thornton cho hay Mỹ "sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc tận dụng tầm ảnh hưởng độc nhất của mình là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên để kiềm chế Bình Nhưỡng cũng như muốn Bắc Kinh tham gia cuộc chiến chống IS ở Trung Đông".
Chia sẻ với Sputnik, ông Azhdar Kurtov tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga cũng cho rằng, Washington muốn Bắc Kinh chia sẻ gánh nặng chống khủng bố ở Iraq với Mỹ. Song Mỹ còn muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố theo những quy định mà Mỹ đặt ra. Nói cách khác, theo ông Kurtov, Nhà Trắng không quan tâm tới lợi ích và quan hệ ngoại giao của Trung Quốc khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố với Mỹ.
"Tình trạng hiện nay của Iraq là hậu quả từ chính sách đối ngoại yếu kém của Mỹ. Iraq hiện đang đứng trước nguy cơ bị chia thành hai quốc gia riêng biệt và một phần rộng lớn của đất nước này đang rơi vào tay của IS", ông Kurtov nhận định.
Do đó, theo ông Kurtov, Mỹ đang tìm kiếm một đối tác có thể chia sẻ gánh nặng và Nhà Trắng nhận thấy Trung Quốc là một ứng cử viên sáng giá.
Song thực tế, Trung Quốc dường như không dễ dàng đồng tình với ý tưởng của Mỹ.
"Mỹ vẫn không thể loại bỏ IS khỏi Iraq bằng biện pháp quân sự. Trong khi, hiện không có quốc gia nào muốn giúp cũng như chia sẻ gánh nặng thiệt hại trong giai đoạn tham chiến của Mỹ. Và Mỹ đang phải chứng kiến bộ máy quân sự bị tổn thất trong cuộc chiến chống khủng bố", ông Kurtov nhấn mạnh.
Chuyên gia phân tích quân sự Nga Vladimir Evseev cũng đồng tình với quan điểm của ông Kurtov và cho rằng, Mỹ muốn Trung Quốc giúp thoát khỏi chảo lửa ở Trung Đông.
Cũng theo ông Evseev, Mỹ hiện xem cuộc chiến chống khủng bố là một phần trong chiến lược địa chính trị rộng lớn ở Trung Đông. Trong khi Washington vẫn đang ủng hộ một số nhóm vũ trang đối lập ở Syria vốn bị chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad coi là khủng bố.
"Hiện không rõ Trung Quốc có sẵn sàng giúp đỡ Mỹ và liệu Bắc Kinh có giúp Washington theo cách mà Mỹ mong muốn hay không", ông Evseev nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, trong khi Mỹ và Trung Quốc hiện có quan điểm khá trái ngược nhau về vấn đề khủng bố thì Bắc Kinh và Moscow lại có nhiều điểm tương đồng về chính sách an ninh. Điều này được thể hiện rõ nét qua cách xử lý các mối đe dọa khủng bố trong nước của Nga và Trung Quốc.
Và dù Washington tỏ ra không hài lòng, mối quan hệ hợp tác chống khủng bố của Nga – Trung cũng đang làm giảm "thế độc quyền" của Mỹ trong cuộc chiến này. Sự hòa hợp giữa Nga và Trung Quốc còn giúp hai quốc gia này tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu mà cụ thể là ở Trung Đông.
Chuyên gia Yang Mian tại Trung tâm Các mối quan hệ nước ngoài tại Viện Truyền thông Trung Quốc cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể cùng chung sức tiêu diệt khủng bố một khi hai nước có cùng phương án hành động.
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải chiến đấu chống khủng bố. Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc trong cuộc chiến này bởi hiện giờ, Mỹ không thể tự giải quyết vấn đề của mình", ông Yang chia sẻ.
Cũng theo ông Yang, "Mỹ và phương Tây hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố trong thế giới hiện đại. Trung Quốc cũng có thể chia sẻ trách nhiệm chống khủng bố nhưng phần lớn trách nhiệm này do Mỹ đảm nhận. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới đều xuất phát từ những tác động của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ và phương Tây thực hiện". (Infonet)
------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ nói yêu cầu từ các nước Arab 'vi phạm luật quốc tế'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói danh sách yêu cầu 4 nước Arab gửi cho Qatar "vi phạm luật quốc tế", hoan nghênh Doha vì đã bác bỏ.
"Chúng tôi hoan nghênh (lập trường của Qatar) bởi danh sách 13 yêu cầu vi phạm luật pháp quốc tế", Anadolu dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm nay nói.
Arab Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập đưa ra danh sách 13 yêu cầu Qatar cần thực hiện để được 4 nước này dỡ bỏ phong tỏa ngoại giao và thương mại. Danh sách được chuyển tới Qatar hôm 22/6 thông qua Kuwait, quốc gia trung gian đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng khu vực.
Qatar ngày 24/6 lên án danh sách là "không hợp lý" và "can thiệp vào chủ quyền" của Doha. Danh sách có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, giảm quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan gọi yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Qatar là "thiếu tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ". Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng thông qua dự luật cho phép Ankara triển khai vài nghìn binh sĩ tới căn cứ ở Qatar.
Arab Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập và một số nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5/6 với lý do Doha ủng hộ khủng bố và Iran. Qatar bác bỏ cáo buộc. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất những năm gần đây tại vùng Vịnh.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Qatar và bác cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, Ankara không chỉ trích trực tiếp hành động của Riyadh, chỉ kêu gọi Arab Saudi đi đầu trong giải quyết khủng hoảng.(Vnexpress)
-----------------------------------
Trump nói Obama 'không làm gì khi biết Nga can thiệp bầu cử Mỹ'
Tổng thống Donald Trump tố người tiền nhiệm Barack Obama "không làm gì" khi có thông tin cho rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Trump trả lời Fox & Friends Weekend. Video: Fox News.
"Tôi vừa nghe tin (cựu tổng thống) Barack Obama biết vụ Nga từ lâu trước cuộc bầu cử và ông ấy không làm gì cả", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn chương trình "Fox & Friends Weekend" của Fox News, dự kiến phát sóng sáng nay. "Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã báo tin cho ông ấy... Nếu đã có thông tin, tại sao ông ấy không làm gì?".
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Washington Post ngày 23/6 đăng bài cho biết các nguồn tin đã nói với ông Obama về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin "trực tiếp liên quan đến chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ nhằm giúp Trump chiếm ưu thế trước đối thủ Hillary Clinton".
Ông Obama bí mật thảo luận về hàng chục lựa chọn trừng phạt Nga nhưng cuối cùng chỉ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào tháng 12/2016, khá lâu sau khi bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc.
Tony Blinken, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Obama, nói chính quyền Obama đã hành động để ngăn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. "Chúng tôi đã có những nỗ lực to lớn để ngăn họ", Blinken nói với CNN. "Ông Obama cảnh báo ông Putin hồi tháng 9 tại hội nghị G20 ở Trung Quốc và dường như Nga đã dừng lại nhưng khi đó đã có thiệt hại".
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Adam Kinzinger cho biết ông không thấy sốc trước thông tin trên Washington Post.
"Tôi nghĩ Tổng thống Trump được bầu hợp pháp bởi những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, bảo vệ nền dân chủ, đất nước và tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử là rất quan trọng", theo Kinzinger. Ông kêu gọi quốc hội phối hợp với Nhà Trắng để đối phó với "thông tin sai hướng từ Nga".
Các nhà điều tra Mỹ đang xem xét cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và trợ lý của Trump có liên hệ với Moscow. Nga phủ nhận cáo buộc này. Trong khi đó, Tổng thống Trump mô tả các cuộc điều tra là "săn phù thủy".(Vnexpress)