Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Mỹ chi 6,9 tỉ USD để F-22 mang tên lửa đối không
Để máy bay tàng hình F-22 mang được tên lửa đối không AIM-9X và AIM-120D, Mỹ quyết định chi tới 6,9 tỉ USD cho gói nâng cấp lên chuẩn Increment 3.2B.
Theo Tướng Không quân Mỹ, ông James Holmes cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng thượng viện Mỹ: "Bộ Quốc phòng và quốc hội Mỹ đã quyết định đánh giá lại những mối nguy hiểm trên không. Chúng tôi đang nhìn thấy Nga và Trung Quốc phát triển máy bay với tốc độ nhanh hơn tưởng tượng".
Đánh giá trên được đưa ra khi Mỹ có tổng cộng 187 chiếc F-22 Raptor. Lầu Năm Góc hiện không có ý định sản xuất thêm, tuy nhiên, đã quyết định nâng cấp các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.
Quyết định nâng cấp được công bố cho biết, Không quân Mỹ sẽ chi 6,9 tỷ USD để hiện đại hóa các máy bay F-22 Raptor. Hợp đồng được trao cho công ty Lockheed Martin.
Trước khi hợp đồng lần này được ký kết, công ty Lockheed Martin đã bắt đầu nâng cấp các máy bay F-22 Raptor lên phiên bản Increment 3.1 (bắt đầu từ tháng 3/2012), sau đó là Increment 3.2A và Increment 3.2B. Thời hạn hoàn tất hợp đồng sẽ kéo dài tới ngày 20/3/2023.
Trong khuôn khổ hiện đại hóa F-22, các máy bay sẽ được trang bị radar cải tiến có khẩu độ tổng hợp có khả năng thiết lập bản đồ địa hình, độc lập phát hiện các mục tiêu mặt đất và dẫn bắn. Ngoài ra, phiên bản mới còn được trang bị thêm 8 bom SDB 113 kg.
Cùng với gói Increment 3.1, phiên bản Increment 3.2A cũng đã được nâng cấp từ năm 2014. Trên phiên bản này đã được được lắp đặt các hệ thống tác chiến điện tử và nhận biết mục tiêu mới.
F-22 phiên bản Increment 3.2A cũng có thể đối chiếu thông tin nhận được qua máy thu chuẩn Link 16 (trên F-22 máy này chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận thông tin) với các thông tin có trong cơ sở dữ liệu cũng như kết hợp với các thông tin nhận được từ các cảm biến riêng.
Chương trình nâng cấp F-22 lên phiên bản Increment 3.2B sẽ bắt đầu từ năm 2017. Chương trình này kéo dài 6 năm, tới năm 2023. Dự kiến, các máy bay F-22 phiên bản này sẽ được trang bị các hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử hiện đại.
Hệ thống tự động hóa và chương trình tin học hóa trên máy bay cũng được cải tiến. Nhờ đó, F-22 có thể sẽ được trang bị các tên lửa AIM-120D AMRAAM và AIM-9X Sidewinder lớp không đối không (những vũ khí hầu hết máy bay thế hệ 4 của Mỹ đều có thể mang được).
Ngoài gói hợp đồng nâng cấp trên, không quân Mỹ dự kiến sẽ chi thêm tiền nhằm cải tiến F-22 lên phiên bản Increment 3.3. Trước đó, có thông tin cho biết không quân Mỹ sẽ chi tổng cộng 16 tỷ USD để hiện đại các máy bay này từ năm 2012, tuy nhiên thông tin này không được Mỹ xác nhận.(BDV)
------------------------------------
Yêu cầu luận tội Tổng thống Philippines bị bác bỏ
Một ủy ban của quốc hội Philippines hôm nay bác đơn yêu cầu luận tội Tổng thống Rodrigo Duterte vì xác định nó thiếu chắc chắn.
Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhất trí bỏ phiếu bác đơn yêu cầu của nghị sĩ Gary Alejano, một thành viên khối thiểu số, và sẽ đề nghị quốc hội gồm 292 ghế bác bỏ đơn này, theo Reuters. Đây là mục tiêu không khó khăn bởi ông Duterte được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội.
Ông Alejano cáo buộc ông Duterte về các hành động phạm tội, phản bội lòng tin của dân chúng khi giấu tài sản, ủng hộ việc giết hàng nghìn người trong cuộc chiến chống ma túy và có hướng tiếp cận "theo chủ nghĩa chủ bại" trước sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ủy ban cho rằng đơn khiếu nại của ông Alejano "không chắc chắn" sau phiên chất vấn, trong đó ông Alejano thừa nhận ông không trực tiếp chứng kiến các vụ giết người trong chiến dịch chống ma túy của ông Duterte. Alejano tức giận khi ủy ban không muốn nghe những điều ông cho là bằng chứng từ các nhân chứng và người sống sót trong các vụ bạo lực liên quan đến ma túy.
Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của Tổng thống cho rằng việc bác đơn khiếu nại là điều dự đoán được bởi nó dựa trên thông tin sai trái và nhằm "bôi nhọ danh tiếng" của ông Duterte. (Vnexpress)
----------------------------
Nga trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho tàu phá băng
Tàu phá băng Đề án 23550 sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr và pháo hạm AK-176MA, một phần trong tham vọng Bắc Cực của Nga.
Nga đang sở hữu hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới với hơn 40 tàu các loại, bao gồm 6 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điểm nhấn của lực lượng tàu phá băng Nga sẽ là Đề án 23350, lớp đầu tiên được trang bị vũ khí tiến công hạng nặng, theo National Interest.
Chiếc tàu phá băng đầu tiên thuộc đề án này là Ivan Papanin, có lượng giãn nước 7.000 tấn. Tuy nhỏ hơn nhiều tàu phá băng khác trong hạm đội, tàu Ivan Papanin được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr-NK đặt trong hai container phía sau. Mỗi container chứa một quả đạn, có tầm bắn tối đa 600-2.500 km tùy phiên bản. Ngoài ra, lớp tàu này còn được lắp một pháo hạm AK-176MA với vỏ bọc giảm phản xạ radar.
Tàu phá băng thường chỉ được trang bị vũ khí bộ binh và tên lửa vác vai để tự vệ. Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho rằng việc lắp tên lửa Kalibr-NK và pháo AK-176MA khiến Đề án 23550 giống khu trục hạm hơn là tàu phá băng. Điều này được cho là một phần trong chiến lược tăng ảnh hưởng và sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực.
Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy từng trang bị pháo hạm Bofors 57 mm cho tàu phá băng Svalbard. Thiết kế của Ivan Papanin có nhiều nét giống và có khả năng lấy cảm hứng từ chính tàu chiến Na Uy.Tàu phá băng chủ yếu hoạt động trong thời bình, mở đường cho phương tiện vận tải dân sự đi qua vùng băng giá. Chúng cũng có khả năng dọn đường cho tàu chiến khi nổ ra xung đột. Bên cạnh đó, tàu phá băng vũ trang cũng đủ sức tham gia một số nhiệm vụ tác chiến cùng hải quân khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga khó có thể tạo nên sự khác biệt lớn bằng hạm đội tàu phá băng vũ trang. Họ sẽ cần số lượng rất lớn phương tiện để dọn đường tới những căn cứ, nhà máy đóng tàu phía bắc. Khi đi qua lớp băng dày, tàu chiến cũng phải bám theo lộ trình cố định do tàu phá băng tạo ra, khiến chúng rất dễ trở thành con mồi cho tàu ngầm tấn công.
Hải quân Mỹ được cho là nắm ưu thế ở Bắc Cực với 41 tàu ngầm có khả năng tác chiến tại khu vực này. Trong khi đó, Nga chỉ có 25 tàu ngầm cùng loại. Một con tàu phá băng với tên lửa hành trình và pháo hạm khó có khả năng thay đổi cán cân hiện tại ở Bắc Cực, chuyên gia Beckhusen nhận định.(Vnexpress)
------------------
Tân Tổng thống Pháp chỉ định ông Edouard Philippe làm Thủ tướng
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15/5 đã chỉ định ông Edouard Philippe theo đường lối bảo thủ làm Thủ tướng mới của nước này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị cận đại Pháp, một tổng thống chỉ định một thủ tướng là một nhân vật ngoài đảng của tổng thống.
Ông Philippe, 46 tuổi, là một nghị sĩ và là Thị trưởng thành phố cảng Le Havre, thuộc cánh trung dung của đảng Những người Cộng hòa. Ông được cho là người thân cận với cựu Thủ tướng Alain Juppe.
Ông Philippe bắt đầu sự nghiệp chính trị là một nhà hoạt động thuộc Đảng Xã hội khi còn là một sinh viên. Sau đó, ông gia nhập phe cánh hữu.
Ông từng làm Giám đốc quan hệ công chúng cho Tập đoàn hạt nhân Areva từ năm 2007-2010, trước khi trở thành nghị sĩ vào năm 2012 và Thị trưởng thành phố Le Havre vào năm 2014.(TTXVN)