Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 01-06-2017

  • Cập nhật : 01/06/2017

Lầu Năm Góc khoe thử thành công tên lửa đánh chặn

Quân đội Mỹ đã dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ thành công một đầu đạn tên lửa trên bầu trời Thái Bình Dương, đánh dấu thành công quan trọng trong chương trình phòng thử nhằm đối phó nguy cơ từ bán đảo Triều Tiên.

ten lua danh chan duoc phong len tu can cu khong quan vandenberg o california

Tên lửa đánh chặn được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg ở California

 

Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc cho hay trong vụ thử này, trước hết họ phóng một tên lửa liên lục địa (ICBM) - được mô phỏng theo tốc độ và tầm bắn của tên lửa liên lục địa mà CHDCND Triều Tiên có thể đang sở hữu - từ đảo san hô vòng Kwajalein thuộc quần đảo Marshall về hướng vùng biển phía nam Alaska.

Kế đến, tên lửa đánh chặn rời bệ phóng trong hầm ngầm ở căn cứ không quân Vandenberg ở California, và bắn trúng tên lửa đích vào thời điểm đang ở bên ngoài khí quyển Trái đất vào ngày 30/5.

MDA cho hay đây là đầu tiên trong vòng 3 năm qua Mỹ tiến hành đánh chặn bằng tên lửa thật với mục tiêu là một ICBM mô phỏng theo chương trình Phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).

“Hệ thống này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ Mỹ, và cuộc thử nghiệm mới nhất cho thấy chúng ta đang sở hữu vũ khí đầy năng lực và đáng tin cậy nhằm đối phó một mối đe dọa hết sức rõ rệt”, theo Reuters dẫn lời Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc MDA.

Vụ bắn thử được thực hiện chỉ 2 ngày sau khi CHDCND Triều Tiên khai hỏa tên lửa Scud từ thị trấn Wonsan thuộc tỉnh Gangwon và bay khoảng 450 km trước khi rơi xuống vùng biển gần lãnh hải Nhật Bản.

Tuy nhiên, bất chấp thành công trên, cuộc thử nghiệm tốn kém 244 triệu USD của Mỹ không đồng nghĩa với việc nước này có thể chắc chắn đánh chặn một tên lửa liên lục địa khai hỏa từ Triều Tiên trên thực tế.

Bình Nhưỡng được cho đang tiến gần đến khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân cho ICBM, và có thể chế tạo những quả đạn mồi phức tạp, đủ để đánh lạc hướng một hệ thống đánh chặn, cho phép đầu đạn thật đánh trúng mục tiêu.

Trước vụ thử vào ngày 30/5, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã trải qua 9 lần thất bại trong 17 đợt bắn thử bằng các dạng tên lửa khác. Thế nhưng, bất chấp thành tích kém lạc quan, tướng Lori Robinson, đứng đầu Bộ Tư lệnh miền bắc, cơ quan chịu trách nhiệm vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa, đã cam đoan với quốc hội Mỹ rằng mọi việc sẽ thuận lợi.

Tôi hết sức tự tin về năng lực của chúng tôi đối với công tác bảo vệ nước Mỹ và đủ sức đánh chặn một ICBM lao đến lãnh thổ chúng ta”, tướng Robinson nhấn mạnh.

Với sự ủng hộ của quốc hội, Lầu Năm Góc đang gia tăng số lượng tên lửa đánh chặn tại California và Alaska từ 36 lên 44 vào cuối năm nay.(Thanhnien)
----------------------------------

Liên Hợp Quốc cảnh báo Mỹ có thể mất vai trò lãnh đạo toàn cầu

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng nếu Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, vai trò của nước này có thể bị quốc gia khác thay thế.

 

tong thu ky lien hop quoc antonio guterres. anh: reuters

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

 

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức đối thoại với chính quyền và Quốc hội Mỹ để nước này hiểu rằng viện trợ phát triển, tài trợ cho chính sách đối ngoại nói chung và các tổ chức như Liên Hợp Quốc cũng phục vụ lợi ích của người dân Mỹ", Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói hôm 30/5.

Ông Guterres cảnh báo nếu Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, các quốc gia khác sẽ thay thế.

"Không chỉ có Nga và Trung Quốc, nếu nhìn vào các cường quốc khu vực như Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran,  khi ai đó rời chỗ, người khác sẽ thay thế. Nếu để lại khoảng trống cho người khác, bạn có thể đang tạo ra vấn đề an ninh cho chính mình", ông Guterres nói.

Mỹ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hợp Quốc, chi trả 22% trong số 5,4 tỷ USD ngân sách chính và 28,5% trong chi phí 7,9 tỷ USD gìn giữ hòa bình. 

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề xuất cắt giảm gần 19 tỷ USD ngân sách viện trợ và ngoại giao Mỹ, trong đó có khoảng một tỷ USD tài trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đồng thời giảm mạnh tiền tài trợ cho các tổ chức quốc tế.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Mỹ và đảng Dân chủ đều tuyên bố không ủng hộ việc cắt giảm mạnh tiền tài trợ như vậy. Quốc hội Mỹ là cơ quan phê duyệt ngân sách liên bang của nước này.(Vnexpress)
-------------------------------------

Đánh bom xe gần đại sứ quán Đức ở Afghanistan, 80 người chết

Một xe bom phát nổ tại trung tâm thủ đô Kabul, Afghanistan, hôm nay làm ít nhất 80 người chết, hàng trăm người bị thương.

Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết vụ nổ xảy ra ở quảng trường Zanbaq vào khoảng 8h30. Hơn 50 phương tiện gần đó bị phá hủy hoặc hư hỏng.

"Đó là một xe bom gần đại sứ quán Đức. Khu vực đó còn có một số cơ sở và văn phòng quan trọng. Khó có thể kết luận mục tiêu trong vụ đánh bom là gì", Reuters dẫn lời Basir Mujahid, người phát ngôn cảnh sát Kabul, nói. 

Một quan chức Bộ Y tế Afghanistan cho biết vụ nổ làm ít nhất 80 người chết, 350 người bị thương.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Marielle de Sarnez nói đại sứ quán Pháp và Đức ở Kabul có bị hư hại trong vụ việc, dường như không có quan chức ngoại giao nào bị thương. Đại sứ quán Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.

"Hai nhân viên đại sứ quán Nhật Bản bị thương nhẹ, bị cứa", một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với AFP. Nhiều cửa sổ ở đại sứ quán bị vỡ.

Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ nổ. Người phát ngôn của lực lượng Taliban nói ông đang thu thập thông tin. Nhà nước Hồi giáo (IS) trước đó tuyên bố thực hiện một số vụ đánh bom ở Kabul, bao gồm vụ nổ nhằm vào đoàn xe bọc thép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm 8 người chết hôm 3/5.(Vnexpress)
----------------------------

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 31-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 31-05-2017

    Ông Putin chắc chắn thắng nếu tái tranh cử; Người thân tín tin đồn của ông Tập Cận Bình thăng tiến 'chóng mặt'; Trung Quốc sẽ đặt hệ thống theo dõi ngầm khổng lồ ở Biển Đông; Ông Putin: Hiện còn sớm để nói đến tranh cử Tổng thống

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 31-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 31-05-2017

    Philippines có nguy cơ trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á; Lục quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận hệ thống tên lửa nội địa gần 3 tỷ USD; Nga và Nhật phối hợp khảo sát hoạt động kinh tế ở quần đảo tranh chấp; Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Đức về mức chi tiêu quân sự

Bài cùng chuyên mục