Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 02-09-2017
- Cập nhật : 02/09/2017
Iraq vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ IS
Giới chuyên gia nhận định giành quyền kiểm soát hoàn toàn Tal Afar được xem là chiến thắng mới nhất của quân đội Iraq trước tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo.
Các lực lượng Iraq tiến vào Tal Afar trong chiến dịch giải phóng khu vực này từ phiến quân IS ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, các lực lượng tại Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trước đó, ngày 26/8, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jafari cảnh báo rằng "chiến thắng tại Iraq không có nghĩa là kết thúc mối đe dọa từ IS". Theo ông, Iraq sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với liên quân do Mỹ đứng đầu và cần có những biện pháp "an ninh phòng ngừa các nhóm khủng bố hoạt động trong bóng tối". Chuyên gia quân sự người Iraq Jassem Hanoun cho biết IS có thể sẽ trở lại với "phương thức hoạt động ban đầu", tấn công các khu dân cư và chợ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc thiếu phối hợp và tổ chức khiến cho các cơ quan an ninh gặp khó khăn khi đối phó với những cuộc tấn công nhỏ, lẻ như vậy.
Khả năng liệu liên quân có tiếp tục hoạt động tại Iraq cũng như cách thức hoạt động là một chủ đề chính trị nóng bỏng đối với cả Baghdad và Washington. Việc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hợp tác với Mỹ gây ra một thế tiến thoái lưỡng nan: Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi sẽ ra sao khi đây là lực lượng chủ chốt chiến đấu chống lại IS, nhưng có đa số thành viên là các tay súng Hồi giáo dòng Shiite (Si-ai) được Iran hậu thuẫn. Giới chuyên gia cho rằng sự tồn tại của Hashed là một "thừa nhận cho sự thất bại của quân đội được chính quyền Mỹ đầu tư huấn luyện với chi phí tài chính và trang thiết bị khổng lổ suốt 14 năm".
Bên cạnh vấn đề phe phái, Iraq còn phải đối mặt với một thách thức khác liên quan tới thống nhất dân tộc: cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại khu tự trị người Kurd dự kiến vào ngày 25/9 tới. Mỹ và các thành viên liên minh mạnh mẽ phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS. Baghdad cũng dự kiến sẽ tổ chức bầu cử cuộc hội và chính quyền tỉnh vào mùa Xuân năm 2018, một thử thách của Thủ tướng al-Abadi.
Chiến dịch quân sự giải phóng Tal Afar do Mỹ hỗ trợ được mở màn hôm 20/8, một tháng sau khi Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của nước này. Sự sụp đổ của Mosul đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tự phong mà IS tuyên bố thành lập trên các vùng lãnh thổ của Iraq và Syria hồi năm 2014. Thắng lợi của các lực lượng Iraq tại Tal Afar - khu vực nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng của IS giữa Mosul và các khu vực của Syria, một lần nữa là "cú đòn" giáng mạnh vào tàn quân IS tại đất nước này.
Hiện IS chỉ còn kiểm soát một thành phố duy nhất là Hawija ở tỉnh Kirkuk, cách Baghdad khoảng 300 km về phía Bắc và một số khu vực sa mạc nằm dọc biên giới với Syria.(Baotintuc)
-----------------------------
Bell đẩy nhanh thử nghiệm sau khi S-97 Raider rơi
Hãng Bell Helicopter đẩy nhanh quá trình thử nghiệm với V-280 Valor - dòng máy bay sẽ cạnh tranh với S-97 Raider của Sikorsky bị rơi khi thử nghiệm.
Theo Aviationist, hôm 31/8, Tập đoàn Bell Helicopter bắt đầu quá trình thử nghiệm động cơ cho trực thăng lai thế hệ hai mang tên V-280 Valor. Đây là mẫu phi cơ dành cho dự án trực thăng đa nhiệm tương lai (FVL), nhằm thay thế các dòng UH-60 Black Hawk, AH-64 Apache và cạnh tranh với máy bay S-97 Raider cũng của Mỹ.
Phát biểu sau khi thử nghiệm thành công, một đại diện cấp cao của Bell Helicopter cho biết, cuộc thử nghiệm động cơ của V-280 Valor đã được thực hiện sớm hơn kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, vị đại diện này không tiết lộ gì thêm.
Mặc dù vậy, theo nhận định của giới quân sự Mỹ, nguyên nhân khiến nhà sản xuất này đẩy nhanh quá trình phát triển và thử nghiệm V-280 Valor có thể liên quan đến bước thụt lùi của đối thủ S-97 Raider khi nguyên mẫu duy nhất của dòng máy bay đã rơi trong quá trình thử nghiệm hồi đầu tháng 8/2017.
V-280 Valor là một trong những ứng viên của chương trình JMR-TD do Lục quân Mỹ khởi xướng từ năm 2004. Tham gia cuộc đua này có 4 hãng gồm Bell Helicopter, Sikorsky (liên danh với Boeing), AVX Aircraft và Karem Aircraft.
Theo ý đồ thiết kế, hãng Bell Helicopter cho biết, V-280 Valor có tốc độ hành trình 520 km/h, phạm vi tác chiến từ 930-1.500 km và tầm hoạt động là 3.900 km.
Thiết kế đặc biệt của máy bay là có đuôi hình chữ V, cánh rộng bằng vật liệu carbon và thân bằng vật liệu tổng hợp composite. Thân máy bay có 2 cánh cửa rộng 1,8 m hai bên tạo thuận lợi cho việc chở quân hoặc bốc dỡ hàng hóa.
Đai diện nhà sản xuất cho biết thêm, V-280 sẽ có thể bay với tốc độ gấp đôi các trực thăng thông thường và tầm hoạt động rộng hơn rất nhiều so với các loại trực thăng hiện nay. Nó có thể bay trong khu vực có bán kính từ 500 đến 800 hải lý, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, khoang chứa rộng hơn trực thăng UH-60 25%.
Theo tạp chí Aviation Week của Mỹ, máy bay Valor cũng sẽ được trang bị các loại tên lửa hiện đại và buồng lái được lắp một loại kính đặc biệt giống như F-35.
Một điểm rất đáng chú ý đó là V-280 cũng sẽ có giá thành rẻ hơn V-22 Osprey (máy bay cánh lật đang hoạt động trong quân đội Mỹ). Do thiết kế đặc thù, V-280 không chỉ tốn một nửa thời gian để chế tạo so với V-22 mà lại có giá chỉ 20 triệu USD, tương tự như UH-60.(ĐVO)
----------------------------
Mỹ lưu ý nguy cơ khủng bố khi du lịch châu Âu
Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này cảnh giác trước các vụ tấn công khủng bố khi đến tham quan các thắng cảnh du lịch tại châu Âu.
Trong cảnh báo đưa ra ngày 31.8, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý công dân nước này về nguy cơ khủng bố tại các nhà hàng, khách sạn và sân bay, đang trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố trong thời gian gần đây.
“Gần đây, nhiều vụ tấn công xảy ra ở Pháp, Nga, Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha và Phần Lan cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cùng một số nhóm liên kết có khả năng lên kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu”, theo cảnh báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nội dung cảnh báo trên cũng ghi rõ bọn khủng bố thực hiện nhiều cách tấn công khác nhau như sử dụng vũ khí và chất nổ, đâm xe hoặc dùng các loại vũ khí sắc nhọn như dao thường khó bị phát hiện trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân Mỹ đi lại giữa các nước châu Âu cần thường xuyên vào xem trang web của các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ để cập nhật tình hình an ninh cũng như theo dõi thông tin từ báo đài địa phương.
Cảnh báo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ có hiệu lực đến ngày 30.11.2017.(Thanhnien)
-------------------------
CIA bị cáo buộc tấn công máy tính dùng Windows
Tài liệu công bố chi tiết quá trình công cụ của CIA tấn công vào các máy tính dùng Windows và qua mặt các phần mềm nhận diện.
Tổ chức WikiLeaks ngày 31.8 công bố các thông tin cho rằng Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sở hữu công cụ có thể đột nhập vào các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trên khắp thế giới.
Tài liệu của WikiLeaks cho thấy CIA đặt tên công cụ này là Angelfire có thể thâm nhập vào tạo các thư viện ẩn trên các máy tính bị tấn công.
Angelfire gồm có 5 thành phần với các tên gọi Solartime, Wolfcreek, Keystone, BadMFS và Windows Transitory File system.
Một khi thâm nhập, Solartime có nhiệm vụ can thiệp từ ngay quá trình khởi động của Windows XP và Windows 7, nhằm mở đường cho Wolfcreek thâm nhập. Wolfcreek sau đó sẽ tải và khởi động các thành phần còn lại.
Đến lượt Keystone sẽ tải các ứng dụng gián điệp vào máy mà không hề chạm đến hệ điều hành nên khó để lại dấu vết.
BadMFS là một thư viện lưu trữ mọi chương trình điều khiển mà Wolfcreek có thể kích hoạt. BadMFS có thể bị phát hiện ở một số phiên bản Windows nhưng thường dễ qua mặt các chương trình quét phần mềm độc hại.
Sau cùng, Windows Transitory File system có vai trò cài đặt Angelfire cho phép chép hoặc xóa các tập tin.
WikiLeaks cho biết đã có được loạt tài liệu này từ CIA. Tuy nhiên, CIA đã từ chối xác nhận.
Trước đó WikiLeaks đã công bố các thông tin cho rằng CIA sử dụng nhiều công cụ khác để tấn công vào điện thoại di động, truyền hình và thậm chí theo dõi thiết bị sử dụng hệ điều hành của Apple.(Thanhnien)