Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 02-09-2017:
- Cập nhật : 02/09/2017
Hàn Quốc bác bỏ khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 1/9, Hàn Quốc đã bác bỏ khả năng tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc như một cách để răn đe các hành động khiêu khích vũ trang của Triều Tiên.
Một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định: “Hàn Quốc chưa bao giờ cho rằng cần tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ”. Phát biểu trên được đưa ra 1 ngày sau khi có tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo bóng gió về khả năng triển khai loại vũ khí trên trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ James Mattis tại Washington.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap, tân Chủ tịch đảng Nhân dân Hàn Quốc Ahn Cheol-soo bày tỏ thái độ phản đối ý tưởng trên vì cho rằng động thái này sẽ đồng nghĩa với việc công nhận các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông, đây không phải là một biện pháp mà Hàn Quốc có thể áp dụng trong tình hình hiện nay. Thay vào đó, Hàn Quốc nên đề nghị Mỹ triển khai lâu dài các loại khí tài quân sự chiến lược theo phương cách luân phiên, nghĩa là luôn có trên lãnh thổ hay không phận của Hàn Quốc hoặc ở gần nước này trong mọi thời điểm.
Ông Ahn - một ứng cử viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua - cũng phê phán Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã “cầu xin” đối thoại với Triều Tiên. Theo ông Ahn, "tất cả những gì chúng ta thấy hiện nay chỉ là các chính sách mềm, không phải là sự kết hợp của đối thoại và sức ép". Ông cho rằng giờ là lúc thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt thông qua quan hệ đồng minh Hàn – Mỹ và hợp tác quốc tế.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các quan chức quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc họp 3 bên qua cầu truyền hình và cam kết tăng cường hợp tác chống tên lửa Triều Tiên. Tại cuộc họp, 3 nước nhất trí cho rằng vụ Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản ngày 29/8 vừa qua là một mối đe dọa “chưa từng có và nghiêm trọng” đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Các quan chức ba bên đã nhất trí hợp tác với cộng đồng quốc tế, gây sức ép với Triều Tiên. Phía Mỹ cũng tái khẳng định cam kết vững chắc đối với việc bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, các quan chức Nhật Bản và Mỹ thông báo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã hủy chuyến thăm và hội đàm không chính thức với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về các vấn đề kinh tế. Lý do được ông Aso đưa ra là "cần cân nhắc các biện pháp đối phó với căng thẳng gia tăng hiện nay liên quan tới vấn đề Triều Tiên".
Hồi đầu tuần, ông Aso cho biết sẽ thăm Mỹ từ ngày 4/9 để đặt nền móng cho vòng đối thoại kinh tế song phương lần thứ 2, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Theo kế hoạch, ông Aso sẽ hội đàm với Phó Tổng thống Pence trong ngày 5/9. Ngoài ra trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Aso cũng sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Gary Cohn.(Baotintuc)
-----------------------
Ông Kim Jong-un thị sát các khu quân sự 12 lần trong 2 tháng
Theo phân tích của hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 1/9, các hoạt động công khai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tháng 7 và 8/2017 tập trung vào việc phát triển vũ khí mà không có bất kỳ chuyến đi thị sát cơ sở nào liên quan đến kinh tế.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) chỉ đạo công việc tại Bộ Tư lệnh chiến lược Triều Tiên ngày 14/8. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Hãng tin này dẫn truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, trong số 13 hoạt động công khai diễn ra trong 2 tháng này, ông Kim Jong-un thực hiện tới 12 chuyến thị sát các khu quân sự, trong đó 10 cơ sở liên quan tới phát triển tên lửa. Lần thị sát cuối cùng của ông Kim tới các cơ sở liên quan đến kinh tế diễn ra hồi cuối tháng 6.
Động thái của nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như thể hiện quyết tâm của ông trong việc tập trung phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để gây áp lực với Mỹ và tạo ưu thế trước Washington.(TTXVN)
--------------------------
Australia kêu gọi Trung Quốc cắt xăng dầu cho Triều Tiên
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 31/8 đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường kiềm chế Triều Tiên về kinh tế, kể cả cắt nguồn cung xăng dầu cho nước này.
Phát biểu trên Đài phát thanh John Laws tại Sydney, Thủ tướng Turnbull cho rằng cơ may tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên mà không xảy ra xung đột là đảm bảo chế độ Bình Nhưỡng bị cô lập hoàn toàn về kinh tế. Theo ông, Trung Quốc cần có quyết tâm trong việc dùng các biện pháp kinh tế chống lại nước láng giềng, và nếu có những hành động quyết liệt, chế độ Bình Nhưỡng “sẽ gặp nhiều khó khăn để sống còn”.
Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc phải thực sự tăng cường áp lực ngay bây giờ để làm cho chế độ Bình Nhưỡng biết điều hơn. Trung Quốc cam kết ngưng mua than đá, quặng sắt, hải sản và những sản phẩm khác của Triều Tiên, Trung Quốc có thể tiến xa hơn nữa bằng cách cắt nguồn cung cấp xăng dầu chẳng hạn”.
Ông Turnbull bày tỏ tin tưởng rằng cần phải tăng cường những chế tài kinh tế lên Triều Tiên, nếu không việc bùng nổ một cuộc xung đột toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là đại họa. Ông Turnbull nhận định: “Những biện pháp chế tài quyết liệt là cơ may tốt nhất để giải quyết tình hình này mà không xảy ra xung đột”.(Baotintuc)