Tin Biển Đông

 
 
 

Tranh chấp Biển Đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động thương mại của khu vực?

  • Cập nhật : 01/09/2017

Những bất đồng về chính trị có thể ảnh hưởng tới những cam kết về kinh tế và sự hỗ trợ phát triển song phương có thể mất đi khi các mối quan hệ không còn tốt đẹp như trước. Một cuộc đối đầu hải quân công khai hay sự cố trên biển - đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ – thực sự sẽ gây mất ổn định.

tranh chap bien dong se anh huong the nao den hoat dong thuong mai cua khu vuc?

Tranh chấp Biển Đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động thương mại của khu vực?

Vấn đề Biển Đông đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay ra phán quyết cuối cùng hồi tháng 7/2016 với lợi thế nghiêng về Philippines và lên án Trung Quốc. Tất nhiên, những bất đồng về chính trị có thể ảnh hưởng tới những cam kết về kinh tế và sự hỗ trợ phát triển song phương có thể mất đi khi các mối quan hệ không còn tốt đẹp như trước. Một cuộc đối đầu hải quân công khai hay sự cố trên biển - đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ hay Nhật Bản - có thể gây mất ổn định.

Các bất đồng có thể được chế ngự bằng giải pháp “cùng thắng” cho các bên trong cuộc tranh chấp này. Cả ASEAN và Trung Quốc - và tất cả các bên quan tâm đến một châu Á thịnh vượng và phụ thuộc lẫn nhau hơn - sẽ gặt hái nhiều thành quả.  Bắc Kinh đã đưa ra viễn cảnh đẹp đẽ từ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” - bao gồm việc xây dựng các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không - trong toàn khu vực và xa hơn nữa. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mới được thành lập theo sáng kiến của Trung Quốc dự kiến sẽ tài trợ phần lớn cho sáng kiến này và tăng cường kết nối hạ tầng, cả ở trong khu vực và với các đối tác lớn bên ngoài. Tuy nhiên, khi Trung Quốc giữ vai trò quan trọng thì không thể tránh khỏi việc Bắc Kinh sẽ thống trị khu vực. Các tổ chức đa phương hiện nay như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hay các nhà tài trợ khác và các đối tác như Nhật Bản có thể đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN. Mỹ cũng có thể đóng vai trò lớn hơn thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

ASEAN hiện không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc mà đang giữ được sự cân bằng hợp lý giữa Bắc Kinh và các đối tác khác. Điều này được thể hiện qua các số liệu thương mại và đầu tư: Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực với kim ngạch thương mại song phương chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, xếp sau là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, với mỗi đối tác chiếm khoảng 10%. Số liệu về đầu tư cho thấy EU dẫn đầu với 16,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Nhật Bản với 14,5%, Mỹ với 10,2 % và Trung Quốc chỉ ở mức 6,8%. Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái và Trung Quốc đang phát triển chậm lại, ASEAN tiếp tục làm tốt hơn. Không chỉ ASEAN cần đến Trung Quốc, mà chính Trung Quốc - một nước láng giềng- cũng được hưởng lợi về mặt kinh tế và chiến lược từ việc hợp tác với tổ chức này. ASEAN không cam chịu làm con rối của bất kỳ ai và thay vào đó có thể là một đối tác xứng đáng với vị trí nhân tố chủ chốt.

Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi ASEAN phải có sức cạnh tranh và hội nhập chặt chẽ hơn. Bộ trưởng kinh tế của các nước ASEAN đã nhóm họp tại Lào hôm 3/8 và thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), được ra mắt vào cuối năm ngoài. Một số người nghi ngờ việc liệu ASEAN có thể phát triển hơn nữa. Tâm lý bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dường như đang tăng lên và ASEAN không phải là một tổ chức có thể ra lệnh cho chính phủ các nước thành viên. Hiện có một số dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt trong ASEAN đang có tham vọng cải cách lớn hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong những năm vừa qua.

Ví dụ như tại Indonesia, Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo đã tung ra 12 gói cải cách kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư vào Indonesia. Quyết định này được đưa ra sau thông báo về một kế hoạch lớn hồi đầu năm 2016 để giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài trong 49 lĩnh vực. Đây là lần mở cửa lớn nhất của quốc gia này để thu hút đầu tư quốc tế trong vòng một thập kỷ qua. Hơn nữa, Indonesia không đơn độc trong những nỗ lực này. Cải cách kinh tế đang được lên kế hoạch trên toàn ASEAN, từ Thái Lan, nước có GDP lớn thứ hai trong ASEAN, đến Myanmar, nền kinh tế đang mở cửa. Các quốc gia này đang tìm kiếm các loại hình đầu tư phù hợp để tạo ra công ăn việc làm, trả lương tốt cho công nhân và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Trong không khí chính trị hiện nay, các chính phủ phấn đấu cho sự phát triển toàn diện và những cải cách này có thể thúc đẩy số đông các quốc gia trong khu vực để ASEAN có sức cạnh tranh hơn và hội nhập tốt hơn.

Cải cách sẽ không dễ dàng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực sẽ đòi hỏi nỗ lực lâu dài. Chính phủ các nước thành viên sẽ nỗ lực phát triển kinh tế và tìm kiếm việc làm cho người dân. ASEAN chỉ có thể duy trì vị trí trung tâm bằng cách kết nối vai trò chủ chốt về chính trị với sự năng động về kinh tế và tiến lên phía trước bằng cách hội nhập. Đây là cách để giải quyết tốt hơn những bất đồng, như trong vấn đề Biển Đông, và thúc đẩy một chương trình nghị sự hội nhập và cải cách mà tất cả các chính phủ, các doanh nghiệp và người dân ASEAN có thể cùng tham gia và hưởng lợi.

Tác giả Simon Tay là Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA). Bài viết đăng trên “Todayonline” (ngày 15/8).

Vũ Hiền (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục