Đó là khẳng định của các diễn giả tại hội thảo quốc tế “Hướng tới những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển” diễn ra tại Hà Nội ngày 12-9.
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ
AsiaTimes lưu ý, ngay sau khi có tin đồn, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào cả. Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố về việc nâng cao quan hệ quốc phòng song phương với Ấn Độ thông qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng không đề cập cụ thể về việc mua bán tên lửa.
Báo Ấn Độ lưu ý, có tin tức cho rằng Việt Nam không chỉ mua mà đã thực sự tiếp nhận loại vũ khí siêu thanh nặng 6.000 pound mà Ấn Độ hợp tác sản xuất với Nga. Loại tên lửa uy lực tầm ngắn này được cho là khó bắn hạ ở khoảng cách gần và sẽ khiến các kẻ địch gây hấn từ hướng biển rơi vào vòng nguy hiểm.
Theo AsiaTimes, Ấn Độ đã chuyển giao cho Việt Nam tên lửa đất đối không Akash do nước này tự sản xuất, có tầm bắn chống máy bay khoảng 25 km.
Ấn Độ còn giúp Việt Nam huấn luyện phi công máy bay chiến đấu Sukhoi và huấn luyện thủy thủ Việt Nam cách vận hành tàu ngầm Kilo, những thiết bị này cả hai nước đều mua từ Nga. Ấn Độ đã phát triển tên lửa biến thể BrahMos-A, phiên bản nhẹ hơn được thiết kế để có thể phóng từ máy bay chiến đấu Su-30 MKI. Còn tên lửa BrahMos lớn hơn có thể phóng từ trên bộ hoặc trên biển.
Tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ
Báo Ấn Độ nhận xét, việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam cũng là một phần trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Chính sách này nhằm xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, mục tiêu là đối trọng với ảnh hưởng nước lớn khác trong khu vực. Trong khi đó Việt Nam cũng muốn đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.
Theo AsiaTimes, Việt Nam hiện nay cũng đang củng cố quan hệ chiến lược với Nhật Bản. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2011, thời điểm tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, Việt Nam cũng đã đồng ý về kế hoạch cho phép một tàu sân bay của Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam trong năm tới, đánh dấu lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ sau chiến tranh.
Ấn Độ và Việt Nam cũng đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007 lên quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Hà Nội vào tháng 9/2016. Ngoài ra ông Modi còn cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng trị giá 500 triệu USD cho mục đích quốc phòng.
Tuy nhiên, dù quan hệ hai nước đang tiến triển rất tốt đẹp thì thương vụ mua bán tên lửa BrahMos vẫn là một vấn đề chưa có nhiều thông tin rõ ràng.
Theo thông tin chính thức, hệ thống tên lửa BrahMos được Ấn Độ hợp tác phát triển với Nga có tầm bắn 290 km, có thể đạt tốc độ Mach 2.8 và có khả năng tấn công tàu, tàu ngầm, máy bay và các mục tiêu trên bộ như trung tâm chỉ huy, trạm radar và bệ phóng tên lửa. AsiaTimes cho rằng thời điểm hiện nay Việt Nam đang rất nỗ lực phát triển hải quân.
Năm 2013, Hải quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm, có thể tấn công mục tiêu ở cự ly gần mà không bị phát hiện. Do đó, BrahMos rõ ràng khiến Trung Quốc rất lo ngại.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chỉ trích việc Ấn Độ triển khai tên lửa BrahMos ở biên giới hai nước với lý do rằng vũ khí siêu thanh không phù hợp với nhu cầu tự phòng vệ của Ấn Độ. Tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc cho rằng việc triển khai tên lửa này ở dọc biên giới chung sẽ làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong quan hệ Trung- Ấn, tác động xấu đến sự ổn định trong khu vực.
Theo Asiatimes, Một số người cho rằng Ấn Độ tăng cường hướng đông là để Trung Quốc giảm đi mối quan tâm đến Ấn Độ Dương, nơi mà Ấn Độ lâu nay vẫn duy trì ưu thế. Nhưng rất có thể Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương, nơi nước này đang phát triển một loạt các cảng biển ở các nước láng giềng của Ấn Độ.
Theo giới chuyên gia, chỉ cần 64 tên lửa BrahMos đủ sức vô hiệu hóa cả một cụm tàu sân bay
AsiaTimes đánh giá việc Việt Nam không nói rõ về tình trạng mua bán tên lửa với Ấn Độ là một thông điệp nhiều hàm nghĩa. Thứ nhất, Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp quốc phòng nhằm đối phó với tình hình an ninh trong khu vực. Thứ hai là muốn nhắn gửi Ấn Độ rằng Việt Nam đang rất mong sớm kết thúc việc đàm phán hợp đồng mua bán tên lửa kéo dài này.
Thời gian gần đây, Việt Nam đang tìm cách hợp tác an ninh với các nước lớn, đồng thời nâng cao khả năng răn đe hiệu quả. Do đó, việc sở hữu tên lửa BrahMos rất có ý nghĩa, AsiaTimes nhận định.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn