Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu giám đốc FBI ngừng điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn làm dấy lên suy đoán rằng hành động của ông là cản trở công lý.
Vì sao Mỹ lại ráo riết thực hiện quỷ kế loại bỏ V.Putin?
Quỷ kế này được thực hiện từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống Nga vào đầu năm 2018 nhằm ngăn cản V.Putin trở thành chủ nhận Điện Kremlin lần thứ 4, thậm chí vĩnh viễn loại bỏ ông ra khỏi “cuộc chơi” trên bàn cờ chính trị quốc tế. Để thực hiện quỷ kế này, Washington đã gán cho V.Putin rất nhiều “tội danh”.
Quỷ kế chính trị này đã từng được Mỹ áp dụng thành công đối với cựu Tổng thống Nam Tư Milosevich, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, cựu Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi và hiện nay đang áp dụng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nếu so với các “tội danh” của nguyên thủ nhiều nước trên thế giới đã từng bị Mỹ loại bỏ triệt để thì “tội danh” của V.Putin lớn gấp nhiều lần. Dĩ nhiên, tất cả những “tội danh” đó đều là bịa đặt, được dàn dựng, hoàn toàn không có trong thực tế.
Thí dụ, Mỹ đã dàn dựng, sau đó cáo buộc Tổng thống Nam Tư Milosevich “tội vi phạm nhân quyền”, nghĩa là “đàn áp người dân Kosovo gốc Albania”, từ đó Mỹ và NATO phát động chiến tranh xâm lược Nam Tư vào cuối năm 1998 mượn cớ “bảo vệ nhân quyền”, cáo buộc “tội ác chống lại loài người”, bị ngồi tù, nhưng về sau được trắng án [1].
Mỹ đã dàn dựng, sau đó cáo buộc Tổng thống Iraq Saddam Hussein “tội tàng trữ vũ khí hóa học” và “bao che khủng bố”, mượn cớ đó Mỹ phát động chiến tranh xâm lược Iraq vào năm 2003. Kết cục cuộc chiến này là Saddam Hussein bị quân Mỹ treo cổ [2].
Mỹ dàn dựng và cáo buộc Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi phạm “tội ác chống lại loài người”. Để “thiết lập vùng cấm bay” nhằm ngăn chặn máy bay của Muammar al-Gaddafi “ném bom tàn sát dân thường”, Mỹ và NATO phát động chiến tranh xâm lược Libya vào năm 2011 với kết cục nhà lãnh đạo Libya bị sát hại một cách dã man [3,4].
Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị Mỹ cáo buộc “tội ác giết người hàng loạt”, là “kẻ độc tài”, là “Hitle của thế kỷ XXI”, thậm chí là “súc vật”. Vì thế, Mỹ và đồng minh sử dụng “các lực lượng đối lập”, trong đó tập trung hàng chục tổ chức khủng bố đứng đầu là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), để tiến hành cuộc chiến tranh qua tay người khác để loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Rất may cho Syria, nước Nga đã kịp can thiệp nên tới nay Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn đứng vững và lãnh đạo quân và dân Syria để đánh bại khủng bố, bảo vệ chủ quyền quốc gia [5,6].
So với “tội” của những nhà lãnh đạo kể trên thì “tội danh” của Tổng thống Nga V.Putin còn lớn hơn và nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần. Theo giới tinh hoa chính trị ở Mỹ, V.Putin có rất nhiều “tội danh”. Đó là “phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo”; “can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ”; “ủng hộ nhà lãnh đạo khát máu ở Syria Bashar al-Assad”; Mỹ và phương Tây cáo buộc “nước Nga dưới quyền lãnh đạo của V.Putin là quốc gia hiếu chiến” như sáp nhập Crimea; V.Putin hạn chế hoạt động của các phương tiện truyền thông độc lập v.v [7,8].
“Tội danh” của Tổng thống Nga V.Putin lớn và nghiêm trọng tới mức, trong bài phát biểu tại Diễn đàn của LHQ cuối tháng 9/2014, Tổng thống Mỹ từng nhận định: “Thế giới đang phải đối mặt với ba nguy cơ lớn nhất đối với nền an ninh toàn cầu là đại dịch Ebola, nguy cơ xâm lược từ Nga và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”. Còn một Thượng nghị sỹ Mỹ thậm chí còn đi xa hơn cả Tổng thống Mỹ khi nhận xét vô lối: “V.Putin còn nguy hiểm hơn cả IS” (!?) [9,10]
Nhìn lại quỷ kế của Mỹ đối với Tổng thống Iraq Saddam Hussein
Trong một thế giới mà đồng USD đóng vai trò ngự trị trong nền kinh tế toàn cầu, thì nhiều quốc gia, các quan chức, doanh nhân trên khắp thế giới đều có khối lượng dự trữ ngoại tệ bằng đồng tiền do Mỹ phát hành. Dư luận đã từng biết đến khối tài sản không nhỏ được cất dấu trong tài khoản ở nước ngoài của cá nhân cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nhiều nhân vật trong bộ máy lãnh đạo và chỉ huy của chính quyền Badgdad
Trước khi phát động chiến tranh xâm lược Iraq, các cơ quan tình báo Mỹ đã điều tra tài khoản của các tướng lĩnh và quan chức trong bộ máy lãnh đạo của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, các tướng lĩnh và các quan chức trong bộ máy lãnh đạo của chính quyền Iraq.
Sau khi phát động chiến tranh xâm lược Iraq, Mỹ đưa ra tối hậu thư đối với các tướng lĩnh và quan chức Iraq: hoặc là được giữ nguyên tài sản trong tài khoản ở nước ngoài nếu đầu hàng (nghĩa là chấp nhận phản bội tổng thống Saddam Hussein), hoặc sẽ bị phong tỏa và tịch thu nếu tiếp tục cuộc chiến chống lại Mỹ. Trước tối hậu thư này của Mỹ, một số tướng lĩnh đã phản bội Tổng thống Saddam Hussein.
Sau sự kiện này, giới lãnh đạo chính trị ở Washington rút ra kết luận: sử dụng 1 triệu USD để mua chuộc các chỉ huy quân sự Iraq có giá trị tàn phá quốc gia này bằng hàng trăm quả tên lửa hành trình có tổng giá tới 100 triệu USD (giá mỗi quả khoảng 1 triệu USD), vừa rẻ, vừa hiệu nghiệm!
Tuy nhiên, một thực tế cay đắng và nghiệt ngã là, sau khi kết thúc chiến tranh với kết cục Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị treo cổ, thì toàn bộ tài sản của Iraq cũng như của các quan chức và chỉ quy quân sự Iraq đều bị chiếm đoạt. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho cái gọi là “quá trình xúc tiến dân chủ” của Mỹ ở Iraq đã bị phá sản. Sau chiến tranh, ở Iraq đã bùng phát phong trào chống Mỹ dữ dội chưa từng có, trong đó tập hợp các tướng lĩnh và sỹ quan của quân đội Iraq trước đây.
Quỷ kế của Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống Nga Putin
Vừa qua, các báo chí ở Nga và trên thế giới tập trung chủ yếu đưa tin về các biện pháp cấm vận mới của Mỹ nhằm vào các công ty năng lượng của Nga. Nhưng một trong những mục tiêu then chốt và quan trọng nhất của Đạo luật H.R.3364 là nhằm cô lập Tổng thống Nga V.Putin khỏi giới tinh hoa chính trị và các doanh nhân của Nga-những người từ trước tới nay rất nhiệt tình ủng hộ đường lối của chủ nhân Điện Kremlin.
Đạo luật H.R.3364 xác định, các cơ quan kiểm soát của Mỹ có 4 nhiệm vụ. Một là, căn cứ vào mức độ gắn bó với chế độ cầm quyền hiện nay ở Matxcơva để phát hiện những nhân vật có ảnh hưởng trong nền chính trị Nga. Hai là, xác định tình trạng tài sản của các cá nhân nêu trong nhiệm thứ nhất. Ba là, đánh giá mối quan hệ giữa các quan chức chính phủ và các cá nhân trong giới tinh hoa chính trị của Nga với Tổng thống Nga V.Putin. Bốn là, phát hiện “dấu hiệu tham nhũng” của các cá nhân nói trên, đồng thời xác định nguồn thu nhập của họ cũng như các thành viên trong gia đình họ và bạn bè thân thích gần xa.
Ở trang 93, Điều 241 của Đạo luật H.R.3364 xác định, trong vòng 180 ngày kể từ khi văn kiện này có hiệu lực, cụ thể là ngày 2/8/2017- thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt thành luật, cũng có nghĩa là tới trước tháng 2/2018 (thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga), Bộ trưởng tài chính Mỹ phối hợp với Giám đốc Cục an ninh quốc gia và Bộ trưởng ngoại giao phải gửi Quốc hội Mỹ các bản báo cáo chi tiết về hoạt động tài chính của các cá nhân trong giới tinh hoa của nước Nga, trước hết là các các nhân vật trong bộ máy lãnh đạo của Bộ ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nga và các quan chức chính trị quan trọng của Nga.
Hành động này của phía Mỹ được giải thích là nhằm “chống tham nhũng”, theo đó Washington sẽ tiến hành các biện pháp kiểm tra và xác minh “yếu tố tham nhũng” trong hoạt động tài chính của tất cả các cá nhân giữ cương vị trong bộ máy chính trị của nước Nga, trong đó có tất cả thành viên của chính phủ, các nghị sỹ quốc hội, các doanh nhân và các nhà chính trị khác. Phía Mỹ cho rằng, trong quá trình hội nhập vào phương Tây sau khi Liên Xô tan rã, giới tinh hoa ở Nga bằng cách này hay cách khác đều có tài sản được cất giấu ở nước ngoài.
Đạo luật H.R.3364 còn cho phép điều tra về các hoạt động liên doanh của các doanh nhân Nga không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia khác. Đạo luật H.R.3364 còn yêu cầu kiểm tra, đánh giá kết quả toàn bộ quá trình tư nhân hóa ở Nga, từ đó sẽ cấm vận đối với bất kỳ công ty nào mà trong đó còn có sự tham gia của nhà nước, dù chỉ là ở mức thấp nhất. Quy định này có liên quan tới các công ty tư nhân mà trong đó có con cháu hoặc người có quan hệ thân thích với Tổng thống Nga V.Putin hoặc các bạn của ông hiện đang giữ cương vị lãnh đạo.
Để lôi kéo các đồng minh và đối tác tham gia vào chiến dịch cấm vận này của Mỹ chống phá Nga, Đạo luật H.R.3364 xác định rõ, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cần phải có trách nhiệm hợp tác với Mỹ để phát hiện “yếu tố tham nhũng” liên quan tới tất cả các quan chức trong giớ tinh hoa và các công ty của Nga. Riêng đối với những nước NATO, Mỹ sẽ căn cứ vào các điều khoản trong Hiệp ước thành lập liên minh này để yêu cầu họ phải hợp tác trong việc cung cấp thông tin để điều tra về “dấu hiệu tham nhũng” của các công dân Nga.
Như vậy, Đạo luật H.R.3364 là một dạng tối hậu thư đối với giới tinh hoa ở Nga hiện đang trực tiếp điều hành hoặc tham gia bộ máy điều hành nhà nước, cũng như có quan hệ và ảnh hướng tới những người đó. Nếu những người này không chống lại, thậm chí không đòi phế truất Tổng thống Nga V.Putin, thì tất cả tài sản của họ sẽ bị Mỹ phong tỏa. Như vậy, tất cả họ đang đứng trước nguy cơ bị mất hết toàn bộ tài sản [11].
Theo số liệu của Cục điều tra kinh tế quốc gia Mỹ, tái sản cất giấu ở nước ngoài của người Nga nhiều gấp 3 lần tổng số dự trữ ngoại tệ của nước này (khoảng 350 tỷ USD). Như vậy, tổng tài sản của người Nga ở nước ngoài vào khoảng trên 1.000 tỷ USD, tập trung ở các nước Anh, Thụy Sỹ, Sip và các nước [12].
Giới tinh hoa của nước Nga giờ đây phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc là không ủng hộ Tổng thống Nga V.Putin, thậm chí là chống lại ông, để nhận được sự “thương hại” của Mỹ, hoặc sẽ bị Mỹ phong tỏa toàn bộ tài sản ở nước ngoài.
Theo chuyên gia nghiên cứu địa chính trị Nga A.Dugin, Mỹ hy vọng, sau khi loại bỏ V.Putin, sẽ được nhìn thấy chủ nhân Điện Kremlin là một nhân vật “ngoan ngoãn, biết nghe lời Washington”. Bằng cách đó, Washington sẽ loại bỏ được nước Nga với vai trò là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ tiếp tục bá chủ thế giới[11].
Liệu Mỹ có thành công với quỷ kế này hay sẽ thất bại thảm hại, tới tháng 2/2018 mọi chuyện sẽ rõ./.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Tài liệu tham khảo
[1] Операция НАТО «Союзная сила» против Югославии в 1999 г. Информационная война. http://rubicon.org.ua/index.php/buy-now/item/149-operatsiya-nato-soyuznaya-sila-protiv-yugoslavii-v-1999-g-informatsionnaya-vojna
[2] Война в Ираке 2003 г. как продолжение войны США против терроризм.http://sun.tsu.ru/mminfo/000063105/281/image/281-011.pdf
[3] Ложь, стоящая за войной Запада против Ливии.n http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/view/57522/
[4] Запад врет о бунте в Ливии, как в 2008-м о войне в Грузии. https://www.kp.ru/daily/25644.5/808675/
[5]ГОСДЕП США: АСАД ЭТО ДИКТАТОР-УБИЙЦА, ЕМУ НЕТ МЕСТА В БУДУЩЕЙ СИРИИ. http://warfiles.ru/show-41946-gosdep-ssha-asad-eto-diktator-ubiyca-emu-net-mesta-v-buduschey-sirii.html
[6] Трамп назвал президента Сирии Башара Асада "животным". http://www.mk.ru/politics/2017/04/12/tramp-nazval-prezidenta-sirii-bashara-asada-zhivotnym.html
[7] Билль о войне США с Россией Трампу уготовлена роль почтальона и марионетки. https://eadaily.com/ru/news/2017/07/26/bill-o-voyne-ssha-s-rossiey-trampu-ugotovlena-rol-pochtalona-i-marionetki?utm_source=push
[8] H.R.3364-Countering America's Adversaries Through Sanctions Act. https://www.congress.gov/bill/115th-congress/house-bill/3364/text
[9] Obama Compares Russia's Policy With Ebola Threat, Islamic State. https://sputniknews.com/world/20141021194360803-Obama-Compares-Russias-Policy-With-Ebola-Threat-Islamic-State/
[10] John McCain says Putin is the 'premier threat' and is more dangerous than ISIS. http://www.dailymail.co.uk/news/article-4552516/John-McCain-saysPutin-dangerous-ISIS.html
[11] Заговор против Путина?https://topwar.ru/122380-zagovor-protiv-putina.html
[12] Америка посчитала деньги российской элиты и скоро начнет их изымать. http://svpressa.ru/society/article/180390/?1elenaritm