Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc nói về sự yếu ớt của Nga trước Mỹ
- Cập nhật : 30/08/2017
Không đáp trả các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ thì không phù hợp truyền thống ngoại giao “trả miếng” của Nga nhưng Moscow có rất ít lựa chọn.
Bóp nghẹt nước Nga
Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên. Trước đó, vào ngày 25/7 và 27/7, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga với đa số áp đảo.
Sau đó ngày 28/7, Nga đã thực hiện đáp trả Mỹ qua việc hạn chế số nhân viên ngoại giao của Washington tại nước này và không cho sử dụng một số tài sản ngoại giao của Mỹ ở Nga.
“Viện nghiên cứu Liêu Vọng” mới đây đã có bài phân tích, trong đó nêu lên hàng loạt sự yếu thế của Nga trước Mỹ.
Luật trừng phạt mới được Quốc hội Mỹ thông qua là một văn kiện cả gói, sắp xếp lại và mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Nga, trong đó siết chặt hai mạch máu lớn của nền kinh tế là năng lượng và tài chính.
Luật trừng phạt mới siết chặt việc xuất khẩu sang Nga thiết bị, dịch vụ và kỹ thuật khai thác giếng dầu ở biển sâu và khí đá phiến. Lệnh trừng phạt trước đó chỉ liên quan đến các tập đoàn dầu khí hàng đầu gồm Rosneft, Gazprom, Lukoil và Surgutneftegas, hiện nay mở rộng đến các công ty nước ngoài hợp tác với các thực thể này.
Nhằm gây trở ngại cho việc xây dựng đường ống xuất khẩu dầu khí của Nga, Mỹ cấm cung cấp cho Nga thiết bị đường ống và dịch vụ có đơn giá trên 1 triệu USD hoặc trong 12 tháng vượt trên 5 triệu USD.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến Nga gặp khó khăn, thậm chí gác lại nhiều dự án năng lượng?
Về lâu dài, điều này sẽ buộc Nga phải từ bỏ hoặc gác lại nhiều dự án hợp tác năng lượng với nước ngoài, ảnh hưởng tới việc xây dựng đường ống dẫn khí chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có thể tạo thuận tiện cho Mỹ đẩy mạnh cung cấp năng lượng cho thị trường châu Âu, nuốt trôi thị phần của Nga ở thị trường năng lượng châu Âu.
Các tổ chức tài chính do Mỹ kiểm soát sẽ rút ngắn hơn nữa kỳ hạn cung cấp khoản vay cho các công ty của Nga từ dài nhất là 90 ngày trước đó xuống còn 60 ngày. Điều này sẽ làm gia tăng khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp lớn của Nga vốn đã thiếu vốn trầm trọng.
Bên cạnh đó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ hướng tới xóa bỏ ảnh hưởng chính trị của Nga đối với châu Âu và khu vực Á-Âu, trong đó có các cuộc bầu cử.
Quốc hội Mỹ yêu cầu tổng thống trong 90 ngày sau khi luật trừng phạt được thông qua trình báo cáo hàng năm (sau này sẽ báo cáo từng năm) về “các cơ quan thông tin đại chúng do Chính phủ Nga quản lý và nhận tiền của chính phủ”, nêu rõ tác động của họ đối với kết quả bầu cử trong năm đầu tiên của các nước châu Âu và khu vực Á-Âu, sự ủng hộ trực tiếp của Nga đối với các chính đảng, ứng cử viên, công ty quan hệ xã hội, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội.
Mỹ sẽ hỗ trợ cho việc thành lập ủy ban tự do về truyền thông ở Hội đồng châu Âu và đã phê chuẩn khoản ngân sách 250 triệu USD để “tẩy chay Quỹ ảnh hưởng của Nga” trong năm tài khóa 2018-2019.
Sự thất vọng của Tổng thống Nga
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ đối với dự luật này đã đẩy quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào đường cùng. Dự luật được thông qua với đa số áp đảo khiến ông Trump không thể không đặt bút ký. Quốc hội hạn chế đặc quyền ngoại giao của ông Trump đối với ông Putin đồng nghĩa với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Trump.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy trong Quốc hội Mỹ, phe phản đối áp đảo phe thân Nga với ưu thế tuyệt đối 517:5. Vì vậy cũng có thể đưa ra một cách lý giải khác: Mặc dù Trump không ủng hộ lệnh trừng phạt mới đối với Nga, nhưng với tương quan lực lượng ủng hộ và phản đối Trump trong quốc hội là 517:5 thì ông không có khả năng chống đỡ.
Ngày 30/7, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi đã đợi một thời gian dài để có thể xoay chuyển quan hệ Nga-Mỹ, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy dù mối quan hệ này có thể thay đổi thì nó cũng sẽ không xảy ra trong thời gian ngắn”.
Giới phân tích Trung Quốc đánh giá, Ông Putin từng có khá nhiều kỳ vọng: hủy bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đã gây tổn hại cho Nga hơn 50 tỷ USD, ngầm thừa nhận để Crimea thuộc về Nga, giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong điều kiện ngầm thực hiện chế độ liên bang ở Ukraine, không tiếp tục đẩy mạnh NATO mở rộng về phía Đông, thừa nhận Nga là đồng minh bình đẳng trong chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, không can thiệp công việc nội bộ của Nga, không nhúng tay vào các công việc của Nga ở phạm vi ảnh hưởng truyền thống thuộc không gian hậu Xô Viết, thừa nhận Nga là chủ thể quốc tế có quyền lợi bình đẳng với Mỹ.
Tổng thống Putin đã đánh giá quá cao ông Trump. Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, hai tòa nhà ngoại giao của Nga tại Mỹ vẫn đóng cửa, Mỹ từ chối hợp tác với Nga ở Trung Đông, ủng hộ NATO tăng cường triển khai quân sự ở xung quanh Nga, vụ bê bối liên quan đến Nga vẫn đang hết sức gay gắt...
Cuối cùng là Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nhằm tăng cường biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Đáp trả yếu ớt
Sau khi Tổng thống Trump ký ban hành luật này, Bộ Ngoại giao Nga nhanh chóng tuyên bố biện pháp đáp trả Mỹ: số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga sẽ giảm đi 755 người vào trước ngày 1/9, để số lượng nhân sự ngoại giao Mỹ ở Nga đúng bằng số nhà ngoại giao Nga tại Mỹ, 455 người.
Theo giới phân tích Trung Quốc, Nga nhanh chóng đáp trả nhưng chỉ là vài biện pháp ít ỏi. Không phản ứng lại các biện pháp trừng phạt khốc liệt chống Nga của Mỹ thì không phù hợp với truyền thống ngoại giao “trả miếng” của Nga. Nhưng quan sát kỹ hơn sẽ thấy hành động của Nga căn bản không thể được gọi là “đáp trả”.
Thứ nhất, quyết định này cho thấy sự thất vọng của Nga trước triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trên thực tế, Nga đã dự định đưa ra hai biện pháp đáp trả này vào đầu năm nay, lý do chưa thực hiện là bởi vì vẫn còn giữ chút tia hy vọng đối với ông Trump.
Thứ hai, động thái nói trên không gây nhiều tổn hại cho Mỹ. Mặc dù Nga yêu cầu số lượng cán bộ ngoại giao ở hai nước bằng nhau, nhưng không đề xuất cụ thể tên những người bị trục xuất, mà cho phép Mỹ quyết định ai đi ai ở lại.
Hiện nay tổng số nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga mặc dù lên đến 1279 người, nhưng trong đó có 934 công dân Nga, chỉ có 345 người Mỹ. Nói cách khác, các nhà ngoại giao Mỹ ở Nga không những không cần phải đóng gói đồ đạc trở về nước, người “bị trục xuất” đều là người Nga.
Thứ ba, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 2/8 cũng mềm mỏng nói rằng biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga trên thực tế không làm thay đổi hiện trạng, Nga không muốn có biện pháp đáp trả.
Tổng thống Putin từng cho biết Nga có thể có rất nhiều biện pháp đáp trả Mỹ, chẳng qua là hiện tại chưa muốn dùng đến chúng, nhưng trên thực tế, các biện pháp đáp trả mà Nga có thể áp dụng dường như không nhiều.
Điều đầu tiên trong số này là Nga có thể từ chối hợp tác với Mỹ trong các vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của Mỹ
Theo Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia Nga Konstantin Kosachev, Nga không nhất thiết phải đối chọi với Mỹ trong mọi vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải đau đớn trong những vấn đề làm tổn hại tới lợi ích của Nga.
Ví dụ, hiện nay Mỹ muốn tranh thủ Nga để gia tăng áp lực đối với Triều Tiên, kể cả trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và Nga có thể gây khó dễ cho Mỹ trong vấn đề này.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại toàn diện, và Nga sẽ không bỏ qua điều này. Nga có thể từ chối cung cấp động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ, thu hẹp hợp tác giữa hai nước trong việc sử dụng trạm vũ trụ quốc tế.
Tuy nhiên, Nga thiếu đòn bẩy để gây áp lực lên Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2016 chỉ có 20,2 tỷ USD, xuất nhập khẩu về cơ bản cân bằng. Nga nhập khẩu thiết bị lọc dầu và các sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu các sản phẩm dầu khí. Nếu thu hẹp thương mại, người chịu thua thiệt là Nga, chứ không phải Mỹ.
Nga cũng có thể hạn chế các công ty như McDonald, Coca-Cola và Pepsi được thành lập ở Nga, hoặc hạn chế các công ty công nghệ thông tin như Google, Facebook, Apple, Microsoft và Adobe kinh doanh ở Nga.
Tuy nhiên, nếu trực tiếp đưa ra lệnh cấm các công ty này thì nó sẽ làm suy yếu môi trường đầu tư của Nga, dẫn đến sự đáp trả quyết liệt của Mỹ và các nước phương Tây khác.
Nga có thể hủy bỏ hợp đồng cùng Công ty năng lượng Exxon khai thác năng lượng ở thềm Bắc Cực, song hợp đồng này vốn đã ở trong tình trạng đóng băng vì lệnh cấm vận của Mỹ.
Theo giới phân tích Trung Quốc, vấn đề nghiêm trọng là sau khi dự luật trừng phạt Nga được thông qua, chính sách của Mỹ đối với Nga sẽ được thể chế hóa hơn, sẽ phụ thuộc vào tổng thống Mỹ ở một mức độ rất nhỏ.
Lệnh trừng phạt mới đã vượt ra ngoài phạm vi vấn đề Crimea-Ukraine, tách rời cuộc khủng hoảng chính trị vào năm 2014-2016. Đối tượng chủ yếu của lệnh trừng phạt đã không phải là cá nhân hoặc các công ty tham gia các vấn đề cụ thể, mà là Chính quyền của Tổng thống Putin và giới tinh hoa ủng hộ chính quyền này, có hoặc liệu họ có liên quan đến chính sách đối ngoại của Nga hoặc tình hình Ukraine.
Trong tình hình này, cho dù Nga có nhượng bộ ở miền Đông Ukraine, thuận theo lập trường của Mỹ và phương Tây thì cũng là vô ích.
Thành Minh
Theo Baodatviet.vn