Tin Biển Đông

 
 
 

Mối nguy hại từ phát triển chung Trung Quốc - Philippines trên Biển Đông

  • Cập nhật : 27/08/2017

Bất chấp sự lạc quan của Duterte về các cơ hội trước mắt, vốn được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại trong chuyến thăm của ông tới Manila vừa qua, điều này che đậy những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến quá khứ, bối cảnh hiện tại và tương lai gần.

moi nguy hai tu phat trien chung trung quoc - philippines tren bien dong

Mối nguy hại từ phát triển chung Trung Quốc - Philippines trên Biển Đông

Những cơ hội trước mắt che đậy những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến quá khứ, bối cảnh hiện tại và tương lai gần.

Trong khi sự chú ý ở Philippines tập trung vào bài phát biểu thứ hai của Tổng thống Rodrigo Duterte tại quốc hội vào ngày 24/7, tin hàng đầu cuối cùng lại là đề xuất của ông trong một buổi họp báo sau phát biểu rằng việc thăm dò chung trên Biển Đông của Trung Quốc và Philippines có thể sớm diễn ra. Bất chấp sự lạc quan của Duterte về các cơ hội trước mắt, vốn được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại trong chuyến thăm của ông tới Manila vừa qua, điều này che đậy những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến quá khứ, bối cảnh hiện tại và tương lai gần.

Ý tưởng cùng thăm dò và khai thác tài nguyên không mới đối với quan hệ Trung Quốc-Philippines. Quả thực, các nhà đối thoại Trung Quốc thích nhắc nhở cho các nhà quan sát rằng cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan đề xuất công thức này với Chính phủ Philippines ngay từ những năm 1980, kể cả trong một cuộc gặp với Tổng thống Philippines khi đó là Corazon Aquino vào năm 1988.

Cũng không bất ngờ tại sao ý tưởng Trung Quốc và Philippines cùng phát triển lại tiếp tục được khôi phục định kì bất chấp những thách thức mà nó phải đối mặt, trong đó có những thách thức dưới thời Chính quyền Duterte hiện nay. Nói một cách đơn giản, nó đem lại cơ hội trước mắt để cả hai bên đều có thể nắm bắt.

Đối với Philippines, nó cuối cùng sẽ đem lại cho nước này một cách để bảo đảm các nhu cầu năng lượng của mình. Những nhu cầu này đặc biệt cấp thiết khi mỏ khí đốt Malampaya - cung cấp gần 1/3 nhu cầu điện của Luzon, hòn đảo lớn nhất đất nước - sẽ cạn kiệt trong khoảng 1 thập kỉ nữa, và Manila không thể theo đuổi đơn phương các nguồn mới như ở bãi Cỏ Rong (Reed Bank) do bị Trung Quốc phản đối. Dù Duterte luôn không đáng tin, điều ông nêu lên rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa chiến tranh nếu Philippines đơn phương khai thác tài nguyên trùng với cách nói chính thức của Trung Quốc, điều Vương Nghị đã nhắc lại mới đây.

Rộng hơn, là một phần của quan hệ Trung Quốc-Philippines ngày càng nồng ấm kể từ khi Duterte lên nắm quyền, Chính quyền Duterte hy vọng điều đó có thể dẫn tới nhiều đầu tư của Trung Quốc vào Philippines hơn để thúc đẩy nền kinh tế, bất kể theo hình thức song phương hay nằm trong các sáng kiến rộng hơn như sáng kiến "Vành đai và Con đường" rùm beng.

Đối với Trung Quốc, bên cạnh việc tận dụng sự đổi chiều đột ngột trong quan hệ với một đồng minh hiệp ước của Mỹ, nó cũng đem lại một cách để Bắc Kinh duy trì lập trường không thỏa hiệp của mình là họ vẫn có chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, không có lợi cho các bên tuyên bố chủ quyền khác, trong khi cũng bảo đảm một đối tác cũng như một thị trường để khai thác tài nguyên.

Nói chung, trong mắt Trung Quốc, việc này cũng sẽ tạo ra thêm lòng tin vào ý tưởng - hoặc theo cách nói của tác giả là ảo tưởng - rằng quả thực đang có một thời kì hạ nhiệt ở Biển Đông, điều đem lại cho Bắc Kinh không gian lớn hơn để hạn chế các bên tuyên bố và không tuyên bố chủ quyền, và các bên tham gia khác ngoại khu vực chống lại những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, việc đã lặng lẽ tiếp tục.

Nhưng rắc rối với sự phát triển chung Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông không phải là những cơ hội trước mắt này không tồn tại cho hai bên. Thay vào đó, chính những cơ hội trước mắt này che đậy, và còn có ít ảnh hưởng hơn, những rủi ro to lớn liên quan đến quá khứ, bối cảnh hiện tại và tương lai gần, và Chính quyền Duterte vẫn làm chưa đủ để chứng minh điều đó là sai.

Trung Quốc và Philippines từng thử phát triển chung ở Biển Đông trước đây, nhưng kết quả tương đối thảm hại. Dưới thời cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo, Công ty dầu lửa quốc gia Philippines (PNOC) và Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã kí kết thỏa thuận Khảo sát địa chất biển chung gây tranh cãi vào năm 2005, chỉ để chứng kiến nó nhanh chóng hết hiệu lực vào năm 2008. Thỏa thuận này, được coi là có hại cho lợi ích của Manila, đã được cắt bỏ để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn mà cuối cùng bị vướng vào một trong những bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử Philippines.

Sau khi thỏa thuận chấm dứt, Philippines nhận thấy khó có thể khiến các công ty nước ngoài giúp nước này thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên, một phần do sự đe dọa của Trung Quốc, không chỉ có sức ép ngoại giao mà thậm chí còn cả hành động ngăn chặn tàu khảo sát. Việc phát triển chung nhanh chóng phải nhường chỗ cho sự quyết đoán đơn phương. Trong phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines chống Trung Quốc ở Biển Đông vào năm ngoái, Trung Quốc bị tuyên bố là đã vi phạm chủ quyền của Philippines.

Duterte không phải là Arroyo. Nhưng dư vị cay đắng từ thời kì đó vẫn còn, cũng giống như những trở ngại mang tính cấu trúc. Theo hiến pháp Philippines, mọi thỏa thuận chính thức hay thậm chí việc kí kết các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên hoặc thăm dò chung ở những khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sẽ đi ngược lại luật pháp Philippines. Việc phát triển chung cấp nhà nước với Trung Quốc (ngược lại với kiểu đã thực hiện với các công ty nước ngoài) sẽ không hiệu quả vì nó liên quan đến vấn đề chủ quyền, và hiến pháp cũng quy định rằng Philippines phải duy trì 60% cổ phần. Xét đến những điều kiện này, việc hoàn thành phát triển chung sẽ đòi hỏi phải cân bằng tinh tế lợi ích của các bên.

Ngoài thành tích lịch sử nghèo nàn này, bối cảnh hiện tại cũng không thuận lợi chút nào. Bằng việc sớm đã rất lạc quan về mối quan hệ Trung Quốc-Philippines mà cho đến nay hầu như không có gì để chứng minh điều đó, Chính quyền Duterte chỉ làm cho bản thân họ dễ bị tổn thương hơn trước cáo buộc rằng họ đang không đạt được thỏa thuận tốt nhất mà Manila có thể có được từ Bắc Kinh. Mặc dù các quan chức tiếp tục viện dẫn một số lợi ích tạm thời, như việc ngư dân được quyền tiếp cận bãi cạn Scarborough và Trung Quốc cam kết không cải tạo nơi đó, nhưng thực tế thì những lợi ích này là khá nhỏ so với những thỏa hiệp lớn mà Philippines đã đưa ra, bao gồm việc gác sang một bên phán quyết có lợi cho họ và chịu trách nhiệm về một tuyên bố chung yếu ớt tới mức gây bối rối với tư cách là chủ tịch ASEAN hồi tháng 4/2016.

Do những điều kiện này, nếu Duterte tiến bước với việc khai thác chung sau này trong nhiệm kỳ 6 năm duy nhất của mình, thì nguy cơ là mức độ chỉ trích trong nước đối với việc thỏa hiệp chủ quyền đất nước sẽ chỉ tăng lên, và đó có thể là một điểm yếu mà các đối thủ của ông khi đó sẽ nhìn vào để khai thác. Trong khi tỷ lệ mến mộ ông hiện vẫn cao, như tác giả đã chỉ ra trước đó, việc các tổng thống Philippines chứng kiến một sự sụt giảm từ từ ở những thước đo này theo thời gian là điển hình. Và mặc dù bản thân vấn đề Biển Đông không thể nào là hồi chuông báo tử của Chính quyền Duterte, nhưng nó có thể tạo nên một phần trong câu chuyện lớn hơn được dùng để gây tổn hại đến uy tín của chính quyền này, cho dù đó là tham nhũng hay việc họ không đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Các nguy cơ cũng mở rộng đến tương lai gần. Đặc biệt, ngoài vị thế trong nước của chính Duterte, điều quan trọng cần lưu ý là thậm chí nếu một kiểu thỏa thuận nào đó được thông qua từ đầu, thì không có gì đảm bảo rằng nó sẽ kéo dài. Như tác giả đã nhiều lần trình bày chi tiết, kiểu hành vi của Trung Quốc trong vài năm qua trên Biển Đông cho thấy rằng Bắc Kinh có xu hướng hiệu chỉnh hành động quyết đoán trên biển của mình với các giai đoạn xen kẽ giữa lấy lòng và ép buộc, có tính đến các nhân tố hay thay đổi từ hoạt động chính trị trong nước của chính họ (và hiếm khi là hoạt động chính trị của các nước yêu sách trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN) đến mức độ phản ứng trong khu vực.

Do thành tích trong quá khứ đã được chứng minh này, thậm chí nếu Trung Quốc sẵn sàng làm những việc như thúc đẩy cái mà trong hoàn cảnh tốt nhất là một bộ quy tắc ứng xử khung và dễ chấp nhận hơn đối với việc khai thác chung trong giai đoạn gây cảm tình, thì có một nguy cơ là họ có thể nhanh chóng quay trở lại một phương thức mang tính ép buộc nhiều hơn, cho dù là theo bước Đại hội Đảng lần thứ XIX vào cuối năm 2017 hay để đáp lại cái bị cáo buộc là những “hành động khiêu khích” của các bên tham gia khác như Bắc Kinh có lúc nào đó từng làm. Điều đáng nhắc lại là cho đến nay, Trung Quốc vẫn chính thức cho rằng việc phát triển chung trước đó đã không thể diễn ra vì thiếu sự sẵn sàng hợp tác từ phía Manila, trong khi im lặng về các hành động ép buộc và phi pháp mà họ đã thực hiện sau đó.

Nếu hoạt động chính trị trong nước ở Philippines dẫn đến sự chậm trễ nào đó đối với thỏa thuận này, và Trung Quốc quyết định thúc ép vấn đề này, thì họ có thể dùng sức mạnh quân sự của mình đối với Manila, hoặc trực tiếp tại khu vực phát triển chung hoặc gián tiếp với các hành động quyết đoán khác, như cải tạo bãi cạn Scarborough hay tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Và nếu các công cụ đó tỏ ra cùn đến mức không thể sử dụng tất cả hay riêng từng cái, thì Bắc Kinh cũng có thể dùng đến sự ép buộc về mặt kinh tế do Chính quyền Duterte ngày càng phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn với Trung Quốc. Cũng ở đây, thành tích trong quá khứ của Bắc Kinh là khá rõ ràng khi đề cập đến việc sử dụng sự ép buộc trong các tranh chấp, cho dù là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010, những hạn chế đối với việc nhập khẩu chuối từ Philippines vào năm 2012, hay thậm chí là những sự trả đũa về mặt kinh tế chống lại Hàn Quốc vì sự triển khai gần đây Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Chắc chắn, đó vẫn là những ngày đầu. Cho đến nay, bất chấp những đề cập không thường xuyên đến ý định này, chi tiết về việc phát triển chung giữa Trung Quốc và Philippines vẫn khá không rõ ràng. Mặc dù gợi ý mới đây của Duterte rằng Philippines đã có đối tác để cùng thăm dò và rằng khi Trung Quốc bắt đầu “khai thác khí đốt… đó sẽ chỉ như là một sự liên doanh” là tài liệu hay để giật tít, nhưng nó bỏ sót các chi tiết mà rút cuộc sẽ là quan trọng như địa điểm và thời gian diễn ra tất cả chuyện này. Tương tự, lời bình luận bớt cường điệu của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano rằng 2 bên “đang đàm phán về các nguyên tắc” hoặc khuôn khổ của một thỏa thuận có thể có làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Trong những bình luận của ông tại một cuộc họp báo ngắn cho chuyến thăm gần đây của Vương Nghị đến Manila, Cayetano nói rằng ông hy vọng thế hệ các nhà lãnh đạo này ở cả 2 bên sẽ có sự sáng suốt để tìm ra một cách thức sao cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ mang lại lợi ích cho người dân của họ. Do cả 2 bên dường như đều đang đặt cược vào việc phát triển chung, người ta hy vọng rằng sự sáng suốt này sẽ không bị giới hạn ở việc chỉ nhìn thấy các cơ hội trước mắt, mà cần lưu ý đến những nguy cơ vốn có ở các cơ hội đó trong quá khứ, bối cảnh hiện tại và tương lai thấy trước.

Prashanth Parameswaran là biên tập viên cho tờ The Diplomat tại Washington, DC. Các chủ đề chính ông viết là về Đông Nam Á, các vấn đề an ninh Châu Ấ và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông hiện đang theo học tiến sĩ ngành Luật và Ngoại giao tại Trường Fletcher, Đại học Tufts. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục