Indonesia cùng các nước có yêu sách ở Biển Đông và bị Trung Quốc xâm hại các lợi ích hợp pháp, cần hợp tác với nhau, cùng Nhật-Mỹ xây dựng cơ chế hợp tác.
Mỹ đẩy mạnh FONOP: Không phải “bùa vạn năng” trên Biển Đông
- Cập nhật : 05/09/2017
Việc Mỹ đẩy mạnh tuần tra Biển Đông đã góp phần ngăn chặn Trung Quốc có thêm những hành động mạnh tay hơn, nhưng đó không phải là “bùa vạn nặng”.
Mỹ sẽ đẩy mạnh tuần tra Biển Đông
Theo giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có thể sớm điều thêm chiến hạm và cả máy bay tuần tiễu hàng hải, thậm chí là máy bay ném bom đến tuần tra Biển Đông, nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc.
Tờ The Wall Street Journal hôm 3/9 dẫn lời nhiều quan chức Bộ quốc phòng Mỹ tiết lộ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương vừa lên kế hoạch tiến hành 2 - 3 hoạt động duy trì tự do hàng hải (Freedom of Navigation Operations - FONOP) ở Biển Đông trong vài tháng tới.
Động thái này được cho là nhằm tăng cường sự thách thức của Mỹ trước việc Trung Quốc có yêu sách chủ quyền phi lý với một số thực thể tự nhiên ở Biển Đông và vùng biển xung quanh những thực thể này.
Việc lên lịch cho các hoạt động FONOP còn được cho là nhằm loại bỏ những yếu tố chính trị vốn thường chi phối thời gian và địa điểm diễn ra các cuộc tuần tra dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama trước kia, trả hoạt động này về với cách tiếp cận quân sự đơn thuần.
Theo The Wall Street Journal, dưới thời Tổng thống Obama, các quan chức Lầu Năm Góc thường bức xúc với quá trình lên kế hoạch và tiến hành FONOP.Một số quan chức lý giải rằng các kế hoạch FONOP trước kia thường phải trải qua những thủ tục rất nhiêu khê, được chuyển từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đến Lầu Năm Góc rồi tới Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia trước khi được phê chuẩn hoặc bị bác bỏ, tùy thuộc vào những ưu tiên về chính trị của Nhà Trắng với phía Trung Quốc lúc bấy giờ.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quá trình yêu cầu triển khai FONOP vẫn không thay đổi nhưng việc phê chuẩn có thể diễn ra nhanh hơn vì Nhà Trắng đã nắm trong tay kế hoạch do Lầu Năm Góc đệ trình từ trước.
Theo Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ, trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barak Obama chỉ có tổng cộng 4 FONOP được tiến hành ở Biển Đông, song kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 đến nay, hải quân Mỹ đã thực hiện đến 3 FONOP.
Giới chức Mỹ cũng lần đầu tiên tiết lộ với tờ The Wall Street Journal rằng có 2 máy bay tuần tra P-8 Poseidon đã bay phía trên tàu USS John S.McCain khi tàu này làm nhiệm vụ. Đây được cho là lần đầu tiên máy bay tuần tra Mỹ tham gia FONOP ở Biển Đông.
Theo các quan chức Mỹ, những FONOP sắp tới nhiều khả năng sẽ không chỉ bao gồm tàu chiến mà còn có cả máy bay quân sự.
FONOP không phải là “bùa vạn năng” trên Biển Đông
Giám đốc dự án nghiên cứu sự trỗi dậy của Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Bonnie Glaser nhận xét rằng các nước trong khu vực đã có phản ứng tích cực trước sự quyết đoán của Washington khi tiến hành 3 FONOP mới nhất dưới thời Tổng thống Trump.
Phát biểu với tờ The Wall Street Journal, chuyên gia Bonnie Glaser cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra hồi tháng 7/2016 về vụ kiện Trung Quốc của Philippines là cơ sở để Mỹ tiến hành FONOP, chứng tỏ hành động của họ đang làm là theo đúng luật pháp quốc tế.
Theo bà Glaser, chính quyền Donald Trump cần tiến hành FONOP một cách đều đặn và nhất quán nhằm gửi thông điệp rằng, Mỹ không chấp nhận và sẵn sàng thách thức những tuyên bố chủ quyền biển quá đáng; đồng thời nhấn mạnh rằng, những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông không khác với những khu vực còn lại của thế giới.
Trong khi đó, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng việc tiến hành FONOP đều đặn là "ý tưởng hay", nhưng hoạt động này nên nằm trong một chiến lược lớn hơn về Biển Đông và khu vực; hơn nữa, FONOP không phải là cách duy nhất mà chính quyền Mỹ có thể sử dụng.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, không nên quá coi trọng hành động của Mỹ bởi họ cho rằng chính quyền Washington hành động như vậy vì mục đích riêng của mình, ví dụ như muốn nắm quyền điều khiển châu Á-Thái Bình Dương hay thách thức tham vọng cường quốc của Trung Quốc…Thế nhưng rõ ràng là trên trường quốc tế, mỗi quốc gia đều tiến hành các hoạt động trên cơ sở bảo vệ hoặc thu hoạch mục tiêu chiến lược cho mình và hành động đó vẫn được đánh giá là tốt nếu nó tuân thủ chặt chẽ các luật lệ quốc tế. Do đó, xét về những mục đích của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, hành động của Mỹ vẫn được coi là hợp pháp và đóng góp nhất định cho hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.
Mặc dù Mỹ chỉ thách thức Trung Quốc chứ không công khai ủng hộ ai trong tranh chấp chủ quyền (dù với mục đích nào) thì hành động này cũng đã góp phần quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc có những bước đi mạnh bạo hơn để hiện thực hóa tham vọng về “Đường lưỡi bò” phi pháp.
Đô đốc Gary Roughead, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng từng cho rằng Mỹ nên tiếp tục FONOP tại Biển Đông nhưng đây cũng chỉ nên là một phần trong các hoạt động mà Mỹ và các quốc gia khác theo đuổi nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và bảo vệ quyền lợi cũng như hoạt động của các quốc gia tôn trọng trật tự luật pháp trong khu vực quan trọng này.
Việc đẩy mạnh quá mức nhận thức của công chúng đối với FONOP có thể dẫn tới việc sử dụng thái quá cách thức này trong khi FONOP không phải là “bùa vạn năng”, không thể là biện pháp hữu hiệu khiến Trung Quốc phải từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Thiên Nam
Theo Baodatviet.vn