Tin Biển Đông

 
 
 

Trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật, Mỹ 'đổ dầu vào lửa' ở bán đảo Triều Tiên

  • Cập nhật : 20/03/2017

Khả năng Nhật sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân một lần nữa lại được chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa lên bàn thảo luận. Nếu Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không ngừng gia tăng.

Trong bài phỏng vấn trước chuyến thăm tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho hay liên quan tới việc đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, "mọi phương án đều đang được cân nhắc trong đó không loại trừ khả năng Tokyo sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân". 

Theo Japan Times, trong bài phỏng vấn hôm 18/3 trong chuyến thăm tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Tillerson đã được hỏi về việc ông này có thay đổi quan điểm phản đối Tokyo và Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân như trước đây khi mà tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng. 

ngoai truong my rex tillerson bat tay thu tuong nhat ban shinzo abe trong chuyen cong du dau tien toi chau a hom 16/3. 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á hôm 16/3. 

"Chúng tôi đang xem xét mọi phương án nhưng chúng tôi cũng không thể đoán trước được tương lai. Điều quan trọng là mọi quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng tình hình có thể tiến triển tới mức độ cần có hoạt động phòng thủ song phương và đây là phương án chúng tôi đang cân nhắc", ông Tillerson nói. 

Tuy nhiên, ông Tillerson nhấn mạnh hiện vẫn còn những bất đồng quan điểm lớn trong việc khi nào là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định thành lập hệ thống phòng thủ song phương. Song đối với Mỹ, chính sách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là không bao giờ thay đổi. 

"Một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân thì sẽ không cần tới việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm. 

Điểm đáng nói trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson đã từ chối để các phóng viên tháp tùng và chỉ đưa theo một phóng viên duy nhất. 

Chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, ông Bonnie Glaser nhận định việc ông Tillerson nhắc tới trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản cho thấy Ngoại trưởng Mỹ đang thay đổi quan điểm so với trước đây. 

Theo ông Glaser, ngay cả cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng từng cảnh báo Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên rằng nếu Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Đài Loan cũng sẽ trang bị năng lực hạt nhân. 

Trong khi đó, cả ông Trump và ông Tillerson đều tuyên bố thay đổi hoàn toàn chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đối với Triều Tiên của người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama. 

Song nhiều chuyên gia cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp của ông Tillerson và chính quyền mới của Mỹ có thể khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng. 

Cụ thể, phó Giáo sư Van Jackson tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định tuyên bố của ông Tillerson đã "đổ thêm dầu vào lửa" trên bán đảo Triều Tiên. 

"Nếu tuyên bố của Tillerson về việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản là sự thật, Mỹ chỉ có hai con đường để để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu hoặc thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân", ông Jackson chia sẻ. 

Cũng theo ông Jackson, cả hai phương án trên đều tạo ra những mối rủi ro nhưng nếu Mỹ chấp nhận mức độ nào đó về việc giải trừ hạt nhân của Triều Tiên, "những hậu quả có trật tự sẽ kéo theo". Điển hình, giống như với Trung Quốc và Nga, Mỹ sẽ phải chấp nhận mối quan hệ song phương đầy rủi ro với Triều Tiên. Lúc này cán cân quân sự trong khu vực sẽ đặt nặng lên vai Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thời dẫn tới hoạt động trang bị vũ khí hạt nhân. 

Trong khi đó, ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Tokyo và Seoul phải chi thêm tiền để duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự Mỹ tại hai nước này. 

Ông Trump còn khiến dư luận được một phen dậy sóng khi cho biết ông sẽ mở cửa để Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay trong bài phỏng vấn hồi tháng Ba với tờ New York Times, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Mỹ không thể mãi đảm nhận vai trò cảnh sát toàn cầu". 

Còn trong cuộc gặp gần đây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump khẳng định Mỹ "100%" ủng hộ Tokyo. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi Triều Tiên cho phóng liên tiếp 4 tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản hôm 6/3. 

Trong những tuyên bố đầu tiên kể từ sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump cho biết muốn tăng cường kho hạt nhân của Mỹ lên "hàng đầu thế giới" và nhấn mạnh hiện tại năng lực của quân đội Mỹ đang ngày càng giảm sút. 

"Thật tuyệt vời nếu thế giới này không có vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu các nước đều có vũ khí hạt nhân thì Mỹ phải giữ vị trí số 1", ông Trump nói. 

Tuyên bố của ông Trump bị đánh giá là có nguy cơ phát động một cuộc đua vũ trang mà đặc biệt là ở khu vực châu Á. 

Thậm chí, hồi tháng 12/2016, chia sẻ trên Twitter, ông Trump cho rằng: "Mỹ cần phải tăng cường mạnh mẽ và mở rộng năng lực hạt nhân trong bối cảnh thế giới vẫn đang theo đuổi hạt nhân". 

Tuy nhiên, hồi tháng Một, ông Tillerson lại có ý kiến trái chiều với Tổng thống Trump khi phản đối trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản. "Tôi cho rằng không quốc gia nào trên thế giới cần trang bị thêm vũ khí hạt nhân", ông Tillerson phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. 

Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục