Tin Biển Đông

 
 
 

Philippines vừa đối phó vừa làm ăn với Trung Quốc

  • Cập nhật : 19/03/2017

Trung Quốc bố trí trạm radar trên bãi cạn Scarborough nhằm hoàn thiện mạng lưới radar bao phủ toàn biển Đông.

Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Uông Dương đã đến thăm bến tàu Santa Ana thuộc dự án phát triển bờ biển và cảng Davao trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines bốn ngày kể từ ngày 16-3.

Philippines củng cố căn cứ ở biển Đông

Sau chuyến thăm TQ của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân đã đến thăm Philippines vào tháng 1-2017. Đến ngày 7-3 vừa qua, tân Bộ trưởng Thương mại TQ Chung Sơn tiếp tục đến Manila dọn đường cho chuyến thăm của Phó Thủ tướng Uông Dương.

Chuyến thăm Philippines lần này của ông Uông Dương mang đậm dấu ấn làm ăn kinh tế. Ngày 17-3, ông đã ký chương trình phát triển sáu năm về hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước và chứng kiến các thỏa thuận trị giá khoảng 6 tỉ USD về xuất khẩu nông sản sang TQ, cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines.

Sau cuộc hội đàm kín cùng ngày giữa Tổng thống Duterte và ông Uông Dương tại Davao, người phát ngôn tổng thống Ernesto Abella tuyên bố ông Uông Dương tiếp tục khẳng định cam kết tôn trọng các thỏa thuận về hợp tác công tư, thương mại và đầu tư.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, Tân Hoa xã đưa tin ông Uông Dương tuyên bố “TQ sẵn sàng hợp tác với Philippines giải quyết đúng đắn vấn đề biển Đông bằng con đường đàm phán và tham vấn”.

Theo Tân Hoa xã, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines không muốn đối đầu với TQ về vấn đề biển Đông, đồng thời mong muốn duy trì quan hệ tin tưởng và hữu nghị với TQ. Người phát ngôn Ernesto Abella cho biết ông Uông Dương nhấn mạnh cần tập trung vào các lợi ích hơn bất đồng.

tong thong duterte don pho thu tuong uong duong tai nha khach tong thong o davao ngay 17-3. anh: dinh tong thong philippines

Tổng thống Duterte đón Phó Thủ tướng Uông Dương tại nhà khách tổng thống ở Davao ngày 17-3. Ảnh: DINH TỔNG THỐNG PHILIPPINES

Dù vậy Philippines vẫn chuẩn bị phương án đối phó với TQ. Ngày 17-3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thông báo sắp cải tạo và xây dựng đường băng, cảng và đê chắn sóng trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do Philippines kiểm soát). Theo lịch trình, hôm đó ông định đến thị sát đảo Thị Tứ nhưng chuyến đi bị hủy vì lý do an ninh.

Bộ trưởng Lorenzana khẳng định Tổng thống Duterte đã nhất trí cải tạo các cơ sở quân sự không chỉ ở Thị Tứ mà còn trên tám thực thể khác ở biển Đông.

Bài học xây trạm trên đá Chữ Thập

Chuyến thăm Philippines của Phó Thủ tướng Uông Dương diễn ra sau khi xảy ra hai sự kiện. Hôm 9-3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Philippines phát hiện tàu khảo sát TQ xuất hiện ở vùng biển Benham Rise (cách đảo Luzon 150 hải lý) có thể nhằm mục đích thăm dò tài nguyên hoặc tìm nơi bố trí tàu ngầm. Trang web Rappler cho biết vấn đề thềm lục địa Benham Rise không được nêu trong hội đàm của ông Uông Dương.

Vấn đề thứ hai là theo bản tin ngày 17-3 của AP và Reuters, TQ đang chuẩn bị xây dựng trạm radar giám sát môi trường trên sáu thực thể, trong đó có bãi cạn Scarborough của Philippines.

Người phát ngôn Ernesto Abella tuyên bố chính phủ Philippines đang làm rõ vấn đề này. Trong khi đó ngày 18-3, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi: “Diễn biến này đòi hỏi phải được tranh luận ở cấp quốc gia và đồng thuận về cách thức quốc gia tiến hành trong quan hệ song phương với TQ”.

Ông đánh giá TQ bố trí trạm radar trên bãi cạn Scarborough nhằm nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới bao phủ radar trên toàn biển Đông. Ông nhận xét TQ có ý đồ sử dụng các cơ sở quân sự này để bảo vệ “đường chín đoạn”. Ông lưu ý TQ đã từng đặt trạm radar khí tượng trên đá Chữ Thập năm 1987 và cuối cùng biến đá Chữ Thập thành căn cứ rộng 270 ha.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nhắc lại Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói với Tổng thống Duterte rằng TQ sẽ không yêu sách hay xây dựng trên bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, ông tiết lộ các báo cáo tình báo cho thấy trên thực tế TQ đã quy hoạch bãi cạn này thành căn cứ quân sự.

Cùng ngày hội đàm với Phó Thủ tướng Uông Dương (ngày 17-3), Tổng thống Duterte đã hội đàm với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại Davao. Hai bên đã trao đổi về vấn đề biển Đông, khủng bố, khai mỏ và tiến trình hòa bình ở Mindanao. Úc cam kết viện trợ 40 triệu USD trong sáu năm nhằm xây dựng hòa bình ở Mindanao. Hai bên cũng đã nhất trí duy trì tự do và an ninh hàng hải.

Trước đó, phát biểu tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Albert del Rosario ở Manila, Ngoại trưởng Julie Bishop đã kêu gọi ASEAN và TQ nhanh chóng ký kết một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính chất ràng buộc pháp lý. Bà khẳng định Úc phản đối bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Bà giải thích Úc ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ về bảo vệ trật tự khu vực nhưng cũng cam kết xây dựng quân đội Úc mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích an ninh riêng. Tháng rồi, trong hội đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, bà tuyên bố: “Úc sẽ không gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh”. Hồi đầu tháng 3, bà tuyên bố Úc không tham gia tuần tra chung với Indonesia ở biển Đông.

Trong bài viết trên báo The Australian ngày 18-3, cựu Ngoại trưởng Úc Bob Carr, Giám đốc Viện Nghiên cứu quan hệ Úc-Trung (ĐH Công nghệ Sydney), nhận định chính sách biển Đông mang tính chất thực dụng của Úc là giải pháp tốt nhất.

Ông ghi nhận cách đây 18 tháng, ba đô đốc Mỹ mong muốn Úc hành động ngăn chặn TQ xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Tháng 12-2016, Đô đốc Harry B. Harris đã khuyến khích Úc tổ chức chiến dịch tự do hàng hải riêng. Cuối cùng Úc nói không với Mỹ vì đã quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, một sáng kiến của TQ.

Ông nhận xét Úc đã chú ý đến hai vấn đề. Đầu tiên, không có quốc gia đồng minh, đối tác hay bạn bè với Mỹ có lợi khi đưa hải quân đến các thực thể TQ đòi chủ quyền. Kế đến, các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với TQ.


HOÀNG DUY
Theo Plo.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục