Bất chấp tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc tiếp tục tặng vũ khí cho Philippines.
Bắt tay với Trung Quốc, Philippines 'vừa mừng vừa lo'
- Cập nhật : 28/03/2017
Philippines đang đối mặt với cảnh "vừa mừng vừa lo" khi cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Dù được Bắc Kinh trao cho các gói hỗ trợ tài chính lớn, Manila vẫn không khỏi thấp thỏm về âm mưu Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền ở vùng biển phía đông và tây.
Kể từ khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có bước mạnh mẽ thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines khi "chia tay" Mỹ để kết thân với Trung Quốc. Thậm chí, ông Duterte còn mô tả Trung Quốc là một quốc gia thân thiện và hào phóng đồng thời là một đồng minh quân sự đầy tiềm năng cũng như đối tác giúp Philippines phát triển.
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc hồi năm ngoái, ông Duterte đã trực tiếp ra tuyên bố "chia tay" Mỹ, đồng minh quân sự lâu năm của Philippines, để học theo "tư tưởng" của Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (bên trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt lần đầu tiên vào năm 2016.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), điều này cho thấy ông Duterte đang muốn theo đuổi "một trật tự thế giới mới" mà trong đó, Philippines là đồng minh của Nga và Trung Quốc. Đáng nói, những lời ca ngợi mà Tổng thống Duterte dành cho Trung Quốc luôn đi kèm với những lời chỉ trích giới chức Mỹ mà đặc biệt là cựu Tổng thống Barack Obama.
Phương pháp lãnh đạo của ông Duterte hoàn toàn trái với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Benigno Aquino. Bởi ông Aquino từng nhiều lần so sánh Trung Quốc với Đức quốc xã. Đây là lý do dưới sự lãnh đạo của ông Aquino, Philippines chủ trương tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. Trong khi, mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc vào giai đoạn này gần như hoàn toàn sụp đổ. Thậm chí, Philippines còn là quốc gia đầu tiên gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế liên quan tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Còn hiện tại, ngay cả trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Duterte vẫn có nhiều quan chức cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, không ít lần có những tuyên bố cảnh báo nhà lãnh đạo Philippines về mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Ông Lorenzana cũng như khẳng định Manila quyết duy trì quan hệ đồng minh quân sự với Washington.
Nói cách khác, trong khi Tổng thống Duterte vô cùng háo hức trước những gói hỗ trợ tài chính lớn mà Trung Quốc trao cho Philippines, giới chức Manila vẫn nhiều lần nhấn mạnh tới mối đe dọa bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương đặc biệt là ở dải đất ngầm Benham Rise.
Đây chính là lý do mà hiện tại, Philippines đang cùng lúc triển khai ba chính sách đối ngoại khác nhau. Thứ nhất, những tuyên bố công khai của Tổng thống Duterte chỉ phản ánh tư tưởng cũng như cảm xúc của cá nhân nhà lãnh đạo Philippines. Thứ hai, quan điểm của giới chức quốc phòng Philippines có phần làm thỏa mãn thế giới hơn khi vẫn nhấn mạnh Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược. Thứ ba, Bộ Ngoại giao và các phát ngôn viên chính phủ Philippines đang cố gắng trung hòa giữa những tuyên bố đối lập của nhà lãnh đạo và giới chức quốc phòng.
Điều này được minh chứng rõ nét nhất qua những tuyên bố mang tính bất nhất của Tổng thống Duterte với các cơ quan an ninh trước việc Trung Quốc có kế hoạch xâm chiếm chủ quyền vùng biển phía tây và đông của Philippines.
Cụ thể, hồi đầu tháng Ba, giới chức quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc gia tăng hành động tại khu vực dải đất ngầm Benham Rise, phần thềm lục địa của Philippines ở Thái Bình Dương. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana, các tàu Trung Quốc có thể đã tiến hành nghiên cứu hải dương học trái phép ở khu vực Benham Rise. Lời bình luận của ông Lorenzana đã nhanh chóng bị giới chức Trung Quốc bác bỏ. Thậm chí, những tranh cãi giữa Bắc Kinh và Manila ở Benham Rise còn diễn ra đúng thời điểm hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc thực hiện chuyến thăm tới Philippines và đưa ra nhiều thỏa thuận đầu tư quy mô lớn cho quốc gia Đông Nam Á này.
Ngay lập tức, Tổng thống Duterte đã có động thái xoa dịu tình hình khi tuyên bố Trung Quốc được phép tiến hành nghiên cứu khoa học hàng hải ở Benham Rise. Đáp trả trước tuyên bố của Tổng thống Duterte, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Philippines đều khẳng định theo hiến pháp Philippines, điều này không thể xảy ra và nhà lãnh đạo đất nước cần đưa ra một văn bản chính thức dưới sự kiểm định của các cơ quan chính phủ liên quan.
Khi mà những tranh cãi ở Benham Rise dần lắng xuống, giới chức quốc phòng Philippines lại bày tỏ mối quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ triển khai xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Giới chức Philippines, việc Trung Quốc có kế hoạch xây dựng ở Scarborough là "không thể chấp nhận được" và Mỹ cũng từng nhấn mạnh ngăn chặn viễn cảnh này xảy ra.
Những nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở Philippines như Thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio cũng ngay lập tức kêu gọi tăng cường gấp đôi mối quan hệ quốc phòng với Mỹ đồng thời thận trọng với mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Về phần mình, Tổng thống Duterte đã nhanh chóng bác bỏ mọi ý kiến về việc xem xét lại mối quan hệ với Bắc Kinh và khẳng định Philippines không thể ngăn Trung Quốc có ý định xây dựng ở bãi cạn Scarborough bởi ngay cả "Mỹ cũng không thể làm được điều này".
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn